Thứ Hai, 24 tháng 8, 2020

Nụ cười - Đặc sản của dân tộc tôi?

 

Nụ cười - Đặc sản của dân tộc tôi?

Mai An Nguyễn Anh Tuấn

Đã lâu lắm, tôi mới được nhìn thấy một nụ cười trên mạng truyền thông xã hội - mà theo cảm nhận tức thì của nhà thơ Hoàng Xuân Họa (Hải Xuân), đó là “Gương mặt và nụ cười vô tư đến thánh thiện!”, khi bài viết về người phụ nữ làm nghề phụ hồ ở Quảng Ngãi nhặt được 150 triệu đồng chủ động tìm trả lại cho người mất vừa xuất hiện sáng nay trên nhiều trang mạng.

Nữ văn sĩ Ba Lan Blaga Dimitrova có thời khi xuống tới sân bay của Việt Nam, điều đầu tiên là bà “bắt gặp nụ cười”, nụ cười trong khói lửa chiến tranh khiến bà ngoài ấm lòng, tin tưởng ở Con người và Công lý… Đó là “Nụ cười - Đặc sản của dân tộc tôi” như một nhà thơ VN tên tuổi đã mơ ước và định danh… 

Nụ cười ấy đã biến đâu mất suốt hàng chục thập kỷ qua, để thay vào đó là biết bao tiếng khóc, tiếng thét xót xa, phẫn nộ, uất hận của người dân lành bị mất đất một cách oan ức, bị cướp đoạt công lý, bị vu khống, bị đẩy tới “Bước đường cùng” như thời cụ Nguyễn Công Hoan viết cuốn sách đẫm máu và nước mắt nọ…?

Nụ cười ấy từng quen thuộc trong những cuốn sách bỏ túi “Người tốt việc tốt” được in nhiều đến độ chúng trở nên thừa thãi nhàm chán một thời, song dù sao cũng là chỉ dấu đáng tin cậy ít nhiều về tâm lý thời đại “Ra ngõ gặp anh hùng”, khi mà vận mệnh của mỗi con người đang gắn bó với vận mệnh cả dân tộc đương bị thử thách - và truyền thông chính thống một dạo đã có lý phần nào khi gắn nụ cười Võ Thị Thắng trước pháp trường vào nụ cười riêng của từng số phận. Và đám dân chúng vốn ở đâu cũng thế, đều là những “chú cừu non” dễ bảo dễ an phận, đã ào lên theo những hiệu lệnh và những vần thơ hùng tráng tựa những chiếc kèn đồng sáng choang mong tìm được một số phận mới mẻ hơn cho “kiếp người cơm vãi cơm rơi” (Tố Hữu). Nụ cười hân hoan vui sướng đến đắc thắng khi đó vừa là sản phẩm của thực tế, vừa là kết quả của “Tâm lý đám đông”… Thế rồi, những nụ cười “quả thực” tươi ròng đã nhanh chóng bị thay bằng những cái mếu xệch, những tiếng khóc tủi hờn đau đớn khi một bộ phận không nhỏ của tầng lớp “quan lại” mới đã ngang nhiên chà đạp lên lý tưởng chung, chà đạp lên quyền lợi của nhân dân để dễ dàng vơ vét cho bản thân và ngang nhiên bước vào tầng lớp “quý tộc” đỏ trên tấm thảm thấm máu, mồ hôi nước mắt và mơ ước bình dị của hàng triệu người lao động lương thiện! Giờ đây, không phải nụ cười mà là giọt nước mắt xót bỏng và tiếng khóc uất hận mới là “đặc sản” của “Cả một thời đểu cáng đã lên ngôi”!

Vì thế, một nụ cười hồn hậu, thân thiện - sau một việc làm tử tế và cũng rất bình dị của chị Nguyễn Thị Mỹ Dung khi vừa xuất hiện đã tạo nên một cú sốc tình cảm khá mạnh trong “Tâm lý đám đông” hiểu theo nghĩa tích cực nhất, đẹp đẽ nhất. Dưới đây chỉ là một vài ví dụ trong hàng trăm cảm thán xúc động đầy thương mến, kính phục:

Hải Xuân

Gương mặt và nụ cười vô tư đến thánh thiện !

Ngô Trung Dũng

150 triệu không mua nổi nụ cười của chị Nguyễn Thị Mỹ Dung

Dung Đào

Thật trong sạch rồi ông trời sẽ có mắt

Lê Văn Thưởng

Các quan ta mấy chục năm qua đã và vưỡn đang học tập, làm theo đạo đức cụ hồ. Ấy thế mà càng học lại càng hư, tham nhũng lại càng nhều. Thật phí phạm tiền thuế của dân quá.

Hải Đặng

Rất trân trọng

Quỳnh Nga

Trân quý những con người bình di mà nhân hậu vô cùng. Cám ơn chị chúc chị luôn may mắn trong cuộc sống

Thực buồn thay, lẽ ra những việc được gọi là “việc tốt” mà hôm nay chúng ta tôn thờ, kính phục ấy, chỉ cần một lời cảm ơn thông thường, bởi bất cứ ai cũng sẽ hành động như thế trong cảnh ngộ tương tự… Thực chua chát, cái hành động ấy và nụ cười ấy lẽ ra là những điều hết sức bình thường, như không khí và ánh sáng trong một xã hội công dân đúng nghĩa có điều kiện tốt để khơi được mạch nguồn quý dân tộc: “Thương người như thể thương thân”, “Người ta là hoa đất”… Thế mà lâu nay chúng đã đã trở nên hiếm hoi như báu vật dễ vỡ! 

Nhưng trong những ánh mắt mệt mỏi khô cạn lệ máu, trong tiếng khóc dậy đất của Dân oan khắp nơi, tôi vẫn tìm thấy hy vọng và mơ ước của bao người lao động: “Nụ cười - đặc sản của Dân tộc tôi” như nhà thơ đàn anh nọ, như là sản phẩm thích đáng của một xã hội đặt Tình thương Đồng Bào lên hàng đầu mọi thứ giá trị. 

Đó không phải là mơ ước hão huyền, bởi chỉ cần nhìn sang đất nước Nhật Bản thôi - trong những thiên tai khủng khiếp, người dân nước họ vẫn chăm chút nhường nhịn cho nhau, vẫn nở nụ cười thân thiện và tin tưởng ở sức mạnh của bản thân, của đồng bào và ở những người cầm quyền đang chung lưng và dẫn dắt họ vượt qua thảm cảnh…

N.A.T.

Tác giả gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.