Ngày Nhân đạo Thế giới 19/8
Đúng ngày này cách đây 17 năm, ngày 19/8/2003, hai mươi hai người của một đoàn công tác cứu trợ nhân đạo quốc tế, đứng đầu là ông Sergio Vieira de Mello, đặc phái viên của Liên Hiệp Quốc tại Iraq, bị thiệt mạng trong một vụ đánh bom tại khách sạn Canal, ở thủ đô Baghdad.
Lịch sử nhân loại đã không thiếu những người phải hy sinh, kể cả hy sinh mạng sống, khi xả thân cứu giúp đồng loại trong cơn hoạn nạn. Họ hy sinh vì liều lĩnh đến với những người dân trên thế giới đang cần họ. Họ dấn thân vào những đổ nát kinh khủng của thiên tai hay nhân tai. Họ băng mình vào giữa hai làn đạn, hoặc những vùng đất bỏng sôi bạo lực, chết chóc. Gần đây nhất và hiện vẫn còn diễn ra, họ đâm đầu vào những ổ dịch bệnh đang lấy mạng người từng ngày, từng ngày, “chết như rạ”!
Đó là những người dám chết, hoặc dám sống cho tình nhân đạo, cái “tình người” mà thế giới đã hiểu ra rằng, dù văn minh tiến bộ đến đâu, chúng ta không thể thiếu, không được đánh mất. Thế giới cần nhớ đến họ và cần tôn vinh họ.
Năm 2008, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đồng ý sáng kiến của Thụy Điển, ra nghị quyết, lấy ngày 19/8/2009 làm Ngày Quốc Tế Của Lòng Nhân Đạo, World Humanitarian Day và 19/8/2009 là ngày đầu tiên thế giới tổ chức lễ này.
Năm nay, các tổ chức nhân đạo quốc tế nêu ra một chủ đề đặc biệt: Vai trò của “các tổ chức dân sự tại chỗ”, hay nói cách khác, vai trò của xã hội dân sự tại mỗi quốc gia. Họ nhận ra rằng, các trợ giúp hiệu quả nhất, nhanh chóng nhất và chính xác nhất, là các trợ giúp xuất phát ngay từ cộng đồng địa phương. Nghĩa là, cần phải tăng cường tình liên đới và sự đùm bọc, tương trợ nhau trong mỗi cộng đồng.
Các chính phủ nên phát huy vai trò của xã hội dân sự tại quốc gia mình, không chỉ bằng quy định và luật lệ suông, mà kể cả tài trợ cho các hình thức và các tổ chức nhân đạo tự phát giữa cộng đồng dân chúng nữa, đặc biệt là vai trò của các tôn giáo.
Các cơ quan cứu trợ quốc tế cũng cần chú ý đến sự cứu giúp tại chỗ và “tự phát” này. Thay vì những đoàn cứu trợ quốc tế từ xa xôi, có phản ứng nhanh đến mấy cũng không bằng chuẩn bị và hỗ trợ trước cho các dự án tương trợ ngay tại mỗi cộng đồng. Hay nói cách khác: Không phải đợi nước đến chân mới nhảy, mà là nuôi dưỡng tình nhân đạo ngay cả trong hoàn cảnh bình thường, trong cuộc sống hàng ngày ở mỗi quốc gia.
Năm nay, các quốc gia đều căng thẳng và bận rộn đối phó với cơn đại dịch đang hoành hành. Đã thế, tiếng nói của Liên Hiệp Quốc cùng các tổ chức toàn cầu của nó đang bị nghi kỵ, bị giảm mất trọng lượng, bị “chính trị hóa”… ngày Quốc Tế Lòng Nhân Đạo xem ra trở nên lặng lẽ và bị bỏ quên. Tuy vậy, những người thiện chí trên khắp thế giới có lẽ vẫn nên nhắc nhau, và dành ra vài phút để tưởng nhớ đến những người đã, đang và sẽ còn dám hy sinh dấn thân vì tha nhân, vì cộng đồng.
Riêng với người Việt Nam chúng ta, dù với tất cả những khuyết điểm và những “tật xấu” của người Việt, chúng ta cũng có thể có chút tự hào khi ngay giữa đợt bùng dịch Covid-19 lần đầu, làm cả thế giới choáng váng, ở nước Việt chúng ta bỗng xuất hiện một hình ảnh đã làm giới truyền thông quốc tế ngạc nhiên và ngưỡng mộ. Đó là hình ảnh của… những chiếc máy ATM cung cấp gạo!
Chính người dân trong cộng đồng tại chỗ đã nghĩ ra sáng kiến ấy. Những điểm tặng quà, tặng thực phẩm, nhu yếu phẩm miễn phí cho bất cứ ai cần trong cơn đại dịch… trên thế giới cũng xuất hiện nhiều lắm. Nhưng, là người Việt Nam, chúng ta cảm thấy an ủi biết bao khi quê hương chúng ta cũng có những người Việt giúp đỡ người Việt một cách thiết thực.
Nhân Ngày Quốc Tế Lòng Nhân Đạo, cầu chúc và cầu mong chính người Việt chúng ta cũng ý thức sự cần thiết mang tính sống còn này. Không cần và không cứ phải “đợi Nhà Nước”, chính mỗi chúng ta nên phát huy sáng kiến để khai sinh và ủng hộ những hình thức tương trợ tự phát như vậy.
Nói là sự cần thiết mang tính sống còn, vì, nếu chúng ta nhìn kỹ thế giới hôm nay, rõ ràng là toàn thể loài người và nền văn minh ở thiên niên kỷ thứ ba này quả là đang đứng trước những thử thách mang tính sống còn!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.