Thứ Năm, 20 tháng 8, 2020

Lý do khiến ông Trần Văn Giàu thất sủng

 

Lý do khiến ông Trần Văn Giàu thất sủng

Dương Quốc Chính

20-8-2020

Trước đây mình đã viết mấy stt về chuyện Nam Kỳ có 2 xứ ủy, mâu thuẫn nhau về đường lối cách mạng. Xứ ủy Giải phóng mới chính thống, có liên hệ chặt chẽ với TƯ, nhưng xứ ủy Tiền phong của ông Giàu mới có công cướp chính quyền do nắm được lực lượng bán vũ trang Thanh niên tiền phong của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch.

Tuy nhiên, sau khi cướp chính quyền, TƯ vào tiếp quản Nam Kỳ, thì ông Giàu bị “hất cẳng”, chả còn chức vụ gì, dù trước đó đã (tự phong) là chủ tịch Ủy ban kháng chiến Nam Bộ (cai quản toàn miền Nam) và là bí thư xứ ủy Nam Bộ. Ông Giàu sau đó ra Bắc làm công tác nghiên cứu, giảng dạy, coi như kết thúc sự nghiệp chính trị.

Lý do tại sao? Đó là một câu hỏi lớn mà mình chỉ dự đoán nguyên nhân là do ông Giàu xuất thân đảng viên CS Pháp, thân với CS Pháp hơn là nhóm ông Hồ (thân cộng sản LX và TQ) ở TƯ. Hơn nữa, CS Pháp cùng phe tả (đảng Xã Hội) lại vẫn ủng hộ chế độ thuộc địa ở Đông Dương. Vì vậy, TƯ đã triệt tiêu quyền lực của nhóm ông Giàu (nhóm gốc CS Pháp) để trừ hậu họa.

Lần này mình nghiên cứu sử đảng, mò ra tư liệu bên dưới, nó chứng tỏ đúng những gì mình đã dự đoán. Xứ ủy Tiền phong của ông Giàu đã tỏ ra thân Pháp, bỏ mục tiêu chống Pháp, muốn dựa vào Pháp dân chủ (phe tả), chỉ đánh Nhật. Hơn nữa, trong một số tư liệu của phe Quốc gia cho thấy ông Giàu bị cho là đã khai ra nhiều đồng chí khi bị Pháp bắt, đại khái là hai mang. Vì lý do đó, xứ ủy Giải phóng đã không tin cậy xứ ủy Tiền phong, đòi loại bỏ một số người (có vấn đề), không chấp nhận sát nhập hai xứ ủy.

Ngày 25/10, chỉ sau khi nắm quyền có hơn một tháng. Xứ ủy Nam Bộ đã họp lại, bầu ông Tôn Đức Thắng làm bí thư, ông Tôn Đức Thắng nhường lại cho Lê Duẩn. Ông Duẩn làm bí thư Xứ ủy từ đó, coi như là bậc thang quyền lực cho ông thành bí thư thứ nhất sau này. Nếu ông Giàu được trọng dụng thì Lê Duẩn khó có cửa, âu cũng là cái số. Hai ông này mới từ tù Côn Đảo (có số má hơn) về. Ông Giàu cùng các đồng chí trong Xứ ủy Tiền Phong bị tước hết chức vụ. Đúng là cốc mò cò xơi! Nhưng lạ thay là ông Giàu vẫn một lòng trung thành với đảng dù bị đảng “đì” đến cuối đời!

Trích dẫn văn kiện đảng CS năm 1945:

Lần đầu tiên, vào tháng 4-1945, đồng chí Trần Văn Giàu đại diện cho Xứ uỷ (Tiền phong) đến gặp đại diện của Xứ uỷ (Giải phóng) tại Bà Điểm (Gia Định) để bàn kế hoạch thống nhất. Hai bên đồng ý thống nhất, song việc hợp nhất không được tiến hành.

Lần thứ hai, cũng trong tháng 4-1945, đồng chí Hà Huy Giáp, đại diện cho Xứ uỷ (Tiền phong) gặp gỡ các đồng chí Xứ uỷ (Giải phóng) tại Bà Điểm. Cuộc họp này cũng không mang lại kết quả.

Lần thứ ba vào tháng 6-1945, các đồng chí trong Xứ uỷ (Tiền phong) yêu cầu các đồng chí trong Xứ uỷ (Giải phóng) họp bàn về thống nhất tổ chức Đảng tại một địa điểm ở ngoại ô Chợ Lớn; song cuộc họp không diễn ra.

Ngoài những cuộc gặp gỡ chính thức, các đồng chí hai bên còn có nhiều cuộc tiếp xúc trao đổi để giải quyết những bất đồng, song đều không mang lại kết quả.

Những nỗ lực giải quyết sự khác biệt về quan điểm, phương pháp tiến hành cách mạng cũng như thống nhất về mặt tổ chức trong nội bộ Đảng bộ Nam Kỳ không đạt được kết quả như hai bên mong muốn. Theo đồng chí Trường Chinh thì do bên “Giải phóng” cho rằng Xứ uỷ (Tiền phong) có những phần tử nghi vấn chính trị, đòi phải giải tán Xứ uỷ (Tiền phong), kết nạp lại từng người một; bên Xứ uỷ (Tiền phong) lại yêu cầu gộp cả hai Xứ uỷ lại, không loại người nào. Do đó, việc họp bàn thống nhất giữa hai bên không mang lại kết quả.

Trong cùng một địa bàn cùng một thời gian mà có hai hệ thống Đảng, đứng đầu là hai xứ uỷ, song song tồn tại, với hai cơ quan ngôn luận là báo Tiền phong và báo Giải phóng. Ngoài sự phân biệt về tổ chức, không tin tưởng lẫn nhau, cả hai Xứ uỷ còn đặt ra những khẩu hiệu đấu tranh không sát hợp với tình hình và không theo đúng khẩu hiệu của Trung ương. Trước ngày Nhật đảo chính, Xứ uỷ (Tiền phong) chủ trương “rút khẩu hiệu chống Pháp, lấy cớ là để bắt tay với Pháp dân chủ, đánh phát xít Nhật’, đề xướng khẩu hiệu: “Kháng Nhật, kiến quốc”. Xứ uỷ (Giải phóng) trái lại, sau cuộc đảo chính vẫn giữ khẩu hiệu “đánh đuổi phát xít Nhật – Pháp”.

Nhận rõ tai hại của sự phân liệt về tổ chức, cũng như “Cái nguy cơ đặt sai khẩu hiệu không phải nhỏ của Đảng bộ Nam Kỳ, Trung ương Đảng cử cán bộ vào giúp đỡ các đồng chí trong Nam, đồng thời chỉ thị để uốn nắn cho Đảng bộ. Tinh thần chỉ thị đó thể hiện trong bài “Để thống nhất Đảng bộ Nam Kỳ hãy kịp đi vào đường lối” của đồng chí Trường Chinh, đăng trên báo Cờ giải phóng, số 15, ra ngày 17-7-1945.

Bài báo chỉ rõ tác hại của những quan điểm lệch lạc của cả hai Xứ uỷ và phê phán: “Trước ngày Nhật đảo chính mà tự ý bỏ khẩu hiệu chống Pháp thì có khác gì thừa nhận quyền thống trị của phát xít Pháp, chuộng ách Pháp hơn ách Nhật?”; trái lại, sau cuộc đảo chính mà vẫn dùng khẩu hiệu “Đánh đuổi Nhật – Pháp” thì “có khác gì đánh vuốt đuôi một kẻ đã ngã, có khác gì chém dao xuống nước hay đẩy một cái cửa bỏ ngỏ”.

Ngày 25-10: Xứ uỷ Nam Bộ tổ chức Hội nghị Cán bộ Đảng Nam Bộ:

Kịp thời chỉ đạo cuộc kháng chiến đang ngày càng lan rộng, đặc biệt là thống nhất và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng vũ trang, ngày 25-10-1945, Xứ uỷ Nam Bộ tổ chức tiến hành Hội nghị Cán bộ Đảng ở Thiên Hộ, huyện Cái Bè, tỉnh Mỹ Tho. Dự Hội nghị có các đồng chí Hoàng Quốc Việt, Uỷ viên Thường vụ Trung ương Đảng, Lê Duẩn, Tôn Đức Thắng và một số đồng chí khác vừa từ Nhà ngục Côn Đảo trở về; có các thành viên trong Xứ uỷ và đại biểu Đảng bộ các tỉnh, thành Nam Bộ.

Hội nghị phân tích tình hình, kiểm điểm, rút kinh nghiệm công tác chỉ đạo kháng chiến từ Hội nghị Cây Mai, Chợ Lớn (23-9-1945). Hội nghị biểu dương tinh thần chiến đấu ngoan cường và thành tích chiến đấu anh dũng của quân và dân Nam Bộ. Hội nghị cũng chỉ rõ những sai lầm, thiếu sót trong việc xây dựng và tổ chức lực lượng vũ trang cách mạng sau Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945.

Hội nghị đề ra nhiều biện pháp cấp thiết để củng cố và xây dựng lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang, đặt lực lượng vũ trang dưới sự lãnh đạo trực tiếp tuyệt đối của Đảng; phát triển chiến tranh du kích thực hiện tiêu thổ kháng chiến; làm vườn không nhà trống, vận động quần chúng bất hợp tác với địch.

Hội nghị nhất trí bầu đồng chí Tôn Đức Thắng làm Bí thư Xứ uỷ. Đồng chí Tôn Đức Thắng không nhận mà đề cử đồng chí Lê Duẩn đảm nhận trách nhiệm này. Hội nghị nhất trí và phân công đồng chí Tôn Đức Thắng phụ trách Uỷ ban Kháng chiến và chỉ đạo lực lượng vũ trang.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.