Hồ Chí Minh trong nhận thức của người hậu thế
Lê Quang Ngọ và Lê Quí Trọng
23-8-2020
Hồ Chí Minh là một chính khách cộng sản nổi trội trong lịch sử đương đại Việt Nam, tên tuổi của ông có nhiều ảnh hưởng sâu sắc đến tư duy và tình cảm đa dạng của nhiều thế hệ người dân nước Việt kể từ năm 1945 đến nay. Mặc dù tính đến ngày 2/9 này ông đã qua đời 51 năm, nhưng ảnh hưởng chính trị của ông vẫn sống mãi trong sự nghiệp của đảng CSVN. Do vậy, tên tuổi và hình bóng của ông vẫn luôn luôn hiện hữu sáng chói trong cuộc sống của những người dân sống dưới sự lãnh đạo của đảng do ông thành lập.
Năm 2020 này cái tên của ông còn được xuất hiện với tần suất cao hơn cả mức bình thường, bởi những ngày lễ lớn năm nay của đất nước đều có liên quan đến cái tên Hồ Chí Minh. Trong lễ kỷ niệm 130 năm ngày sinh của ông trong tháng Năm vừa qua, tất cả những lời hoa mỹ nhất của ngôn từ tiếng Việt lại được sử dụng tối đa để vinh danh ông: “Vị cha già của dân tộc, Lãnh tụ thiên tài, Người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, Người chiến sĩ Cộng sản quốc tế mẫu mực, Người bạn thân thiết của các dân tộc yêu chuộng hòa bình và tiến bộ xã hội trên toàn thế giới”. (1)
Lúc sinh thời Hồ Chí Minh từng nói,“ở đời, ai cũng là người thường, không có ai là thần thánh, nghĩa là ‘nhân vô thập toàn‘, không có ai là hoàn toàn. Đã sống ở đời thì ai cũng có khuyết điểm”. (2) Ông thường dạy những người khác tránh vướng vào các khuyết điểm của người trần tục nhưng ông cũng phải tự nhận bản thân có hai khuyết điểm lớn là hút thuốc lá và không lấy vợ. Vì vậy những người viết bài này muốn tìm hiểu, ông thật sự có phải là con người hoàn mỹ như được ca tụng không.
Qua việc lĩnh hội hàng loạt bài báo, những mẩu chuyện viết về ông, những người viết bài này lại có những nhận thức trái ngược với sự kiên trì định hướng dự luận của đảng. Đó là Hồ Chí Minh thật sự không phải là một thánh nhân như đảng đã dày công tuyên truyền. Một người có học vấn bình thường, có tư duy độc lập và miễn dịch với thông tin một chiều có thể dễ dàng nhận thấy ông là một con người đầy mâu thuẫn, sự mâu thuẫn của ông thể hiện trong lý luận, giữa lý luận và thực tiễn và cuộc đời ông là cả một bi kịch mà những người cuồng tín cũng khó noi theo.
Trong bài viết này, chúng tôi xin phép được đề cập đến một số khía cạnh mà ông được ca tụng như kể trên, và xin lấy cụm từ “thiên tài” làm cơ sở để xem xét các tài năng thiên bẩm của ông. Vậy thiên tài là gì? Theo Wikipedia, thiên tài là một danh từ dùng để nói về điều gì đó hoặc ai đó thông minh một cách xuất sắc, làm việc một cách xuất sắc hoặc đạt được thành tựu vĩ đại. Thiên tài không phải là người có đầu óc sáng tạo và thông minh bình thường. Chữ thiên tài thường gắn liền với những thành tựu chưa từng thấy bao giờ. Thiên tài là một người có năng khiếu, năng lực bẩm sinh hoặc có thành tựu vượt xa bất cứ những người nào khác trong cùng một lĩnh vực.
Để tìm hiểu, bài viết này xin dẫn dắt người đọc vào thời kỳ Hồ Chí Minh đã bước ra vũ đài chính trị đất nước sau khi cướp được chính quyền vào mùa thu 75 năm trước và trình diễn tài năng suốt 24 năm tròn.
Mở đầu bản Tuyên ngôn độc lập, được ông trình bày trước toàn dân ông đã trích dẫn Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ và bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 để lên án thực dân Pháp đã vi phạm các quyền căn bản ấy trong suốt thời gian đô hộ đất nước Việt Nam: “Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào”, nhưng ngay sau đó không lâu “Võ Nguyên Giáp thay mặt Hồ Chí Minh, Chủ tịch Chính phủ Cách mạng Lâm thời, ban hành các sắc lệnh giải tán một số đảng phái,với lý do các đảng này tư thông với ngoại quốc, làm phương hại đến nền độc lập Việt Nam (như Việt Nam Quốc xã, Đại Việt Quốc dân đảng…) nhằm kịp thời trừng trị bọn phản cách mạng, bảo vệ chính quyền non trẻ đồng thời giáo dục ý thức về tinh thần cảnh giác cho nhân dân, đồng thời Chủ tịch Hồ Chí Minh cho phép Ty Liêm phóng có thể bắt những người bị coi là nguy hiểm cho nền độc lập của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cùng với đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh giải tán các nghiệp đoàn để kiểm soát nền kinh tế”. (3)
Cũng dễ hiểu, cướp chính quyền là công của Việt Minh, thành quả đó không thể chia xẻ cho những đảng phái ngồi mát muốn ăn bát vàng. Vì vậy trong giai đoạn mới hình thành, để có tính chính danh, Hồ Chí Minh tạm thời đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu với sự thực hiện triệt để chính sách đại đoàn kết dân tộc bằng cách mở rộng các thành phần trong Chính phủ và Quốc hội nhưng những người của các đảng phái khác “chẳng có chức trách cụ thể gì, không bao giờ được tham dự bất cứ buổi họp nào của Nội các”. Là người cộng sản ông hoàn toàn không muốn đa nguyên chính trị, vì vậy ông giao cho Võ Nguyên Giáp và Trần Quốc Hoàn “nhiệm vụ vô hiệu hóa các cuộc biểu tình do Việt Nam Quốc dân Đảng và Việt Nam Cách mệnh Đồng minh Hội tổ chức nhằm chấm dứt hoạt động tuyên truyền của các đảng phái này trong dân chúng”.
Những đảng phái này cũng là những tổ chức của những người yêu nước nhưng vì không cùng quan điểm chính trị cho nên không thể nào cạnh tranh trong nghị trường được với đảng có thủ lĩnh là một ngưởi “được đào tạo chính quy về chủ nghĩa Marx, tuyên truyền và khởi nghĩa vũ trang”. Mặc dù ông trả lời các nhà báo nước ngoài sau kết quả cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của Việt Nam: “Trong một nước dân chủ thì mọi người đều có tự do tin tưởng, tự do tổ chức. Nhưng vì hoàn cảnh và trách nhiệm, tôi phải đứng ra ngoài mọi đảng phái”. (4)
Nói thì vậy nhưng không phải vậy, sự đứng ngoài của ông được chứng minh khi ông đang thăm Pháp vào mùa hè năm 1946 thì “Võ Nguyên Giáp bắt đầu chiến dịch trấn áp tất cả các đảng phái đối lập được Việt Minh coi là nguy hiểm như Việt Quốc, Việt Cách, Đại Việt, những người Trotskist, lực lượng chính trị Công giáo… bằng lực lượng công an và quân đội do Việt Minh kiểm soát với sự giúp đỡ của nhà cầm quyền Pháp. Ông cũng sử dụng các sĩ quan Nhật Bản trốn tại Việt Nam và một số vũ khí do Pháp cung cấp cho chiến dịch này”.Như vậy, bắt đầu từ đây Hồ Chí Minh thật ra chỉ kiên trì đấu tranh vì độc lập, tự do độc quyền lãnh đạo đất nước cho ông và đảng ông mà thôi.
Ông trả lời các nhà báo trong buổi phỏng vấn kể trên: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho đất nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Để đất nước hoàn toàn độc lập, cần có một chính phủ có đường lối độc lập nhưng để giữ được chính quyền và chống được giặc Pháp ông đã cầu cạnh đến sự giúp đỡ của Trung Quốc, Liên Xô, mặc dù ông đã từng “xem những đảng phái quốc gia thân Trung Hoa Dân quốc như Việt Cách, Việt Quốc là bọn quốc gia giả hiệu, đầy tớ của Trung Hoa Quốc dân Đảng và không có liên hệ gì với nhân dân Việt Nam“.
Vào thời điểm từ năm 1945 – 1946, lập trường tư tưởng của Hồ Chí Minh thật sự không vững vàng, ông muốn ngả theo Mỹ để ngăn cản Pháp quay trở lại chiếm Đông Dương: “Ông tìm cách làm Mỹ tin rằng ông không phải là một phái viên của Quốc tế Cộng sản mà là một người Quốc gia – Xã hội mong muốn giải thoát đất nước khỏi ách đô hộ của ngoại bang” (5). Ông nợ Liên Xô vì sự đào tạo của họ nhưng ông đã trả lại bằng 15 năm công tác đảng, và không có bất cứ cam kết nào khác với Liên Xô“. (4) và “đặt nhiều tin tưởng vào sự giúp đỡ của Mỹ trước khi có thể hy vọng vào sự giúp đỡ của Liên Xô“ (5).
Lịch sử Việt Nam chắc chắn sẽ rẽ theo một hướng đi khác tốt đẹp hơn, giá như vào thời điểm đó Tổng thống Mỹ Harry Truman không bị gốc gác con người Hồ Chí Minh ám ảnh, mà tiếp tục liên lạc, giúp đỡ nhà nước Việt Nam mới được thành lập và như vậy sẽ không có Chiến tranh Đông Dương cũng như lịch sử thế giới sẽ không xuất hiện cụm từ Chiến tranh Việt Nam. Thế mới biết sự sai lầm về đường lối của nguyên thủ quốc gia mang lại cho đất nước những hậu quả tai hại như thế nào.
Trên thế giới thì như vậy, trong nước giới trung lưu cũng không ưa cộng sản “nên ông phải làm mọi cách để gạt bỏ cái nhãn hiệu nói trên” (4) bằng cách cho đảng ông rút vào hoạt động bí mật nhằm bảo toàn lực lượng và mở rộng khối đoàn kết dân tộc. Trong tình thế đơn độc chống chọi với quân đội Pháp, khiến cho Hồ Chí Minh hồi tâm quay lại với những người cộng sản quốc tế của mình.
Sau khi nước Công hòa Nhân dân Trung hoa ra đời thì hơn hai tháng sau Hồ Chí Minh đã bí mật sang Trung Quốc để nhờ nối mối quan hệ với các nước cộng sản qua sự giới thiệu của Mao Trạch Đông. Chuyến đi này “có ý nghĩa đặc biệt, nhất là trong vấn đề Trung Quốc và Liên Xô hỗ trợ chính phủ Bắc Việt Nam phát triển chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam và chống Pháp“. (6)
Và sau khi Stalin giao cho Trung Quốc nhiệm vụ giúp đỡ Việt Nam thì bắt đầu từ đây “hệ lụy đã nằm lại sâu bền trong vô thức đảng viên cộng sản Việt Nam: vị trí đàn em, bên dưới, yên phận biết ơn đã thành nền móng cho một tư thế ứng xử với Trung Quốc. Xuân Trường cho biết Bác nhà mình chủ động khẳng định với Bác Mao quan hệ môi răng giữa Việt Nam và Trung Quốc“ và “chính Bác tự nguyện nhận mình chỉ nêu ra được có tác phong, còn tư tưởng, lý luận thì để cho Mao Chủ tịch” (7).
Sau khi đã được cộng đồng các nước XHCN công nhận và giúp đỡ vật chất, Hồ Chí Minh đã tổ chức đại hội đảng toàn quốc lần 2 và quyết định đưa đảng của ông hoạt động công khai trở lại với tên mới là đảng Lao động Việt Nam và “khởi xướng Cải cách ruộng đất nhằm xóa bỏ văn hóa phong kiến, tiêu diệt các thành phần bị xem là “bóc lột”, “phản quốc” (những người theo Pháp, chống lại đất nước), “phản động” (chống lại chính quyền) như địa chủ, Việt gian, cường hào, các đảng đối lập… để lập lại công bằng xã hội, đồng thời thiết lập nền chuyên chính vô sản nhằm tiến lên chủ nghĩa xã hội một cách nhanh chóng” (6) .
Để đẹp lòng phe XHCN, “tháng 10 năm 1952, Hồ Chí Minh đã gửi bản ‘chương trình cải cách ruộng đất của Đảng Lao động Việt Nam‘ cho Stalin để ‘đề nghị xem xét và cho chỉ dẫn‘ và cho biết chương trình hành động được lập bởi chính ông dưới sự giúp đỡ của Lưu Thiếu Kỳ“.Cuộc Cải cách ruộng đất (CCRĐ) đã diễn ra dưới sự chỉ đạo chặt chẽ của Trung Quốc khiến cho Hồ Chí Minh “buộc phải thay đổi đường lối dẫn ta đến sai lầm trong cải cách rưộng đất”. (8).
Mặc dù trong CCRĐ ông không ủng hộ việc xử bắn bà Nguyễn thị Năm, nhưng do sợ mất lập trường trước cố vấn Trung Quốc nên ông nói: “Thôi, tôi theo đa số chứ tôi vẫn cứ cho là không phải”. Tuy “cứ cho là không phải”nhưng ông vẫn dành thời gian hiếm hoi đến tận nơi để theo dõi buổi đấu tố bà Cát Hanh Long để sau đó viết bài báo “Địa chủ ác ghê” với bút danh C.B. đăng trên báo Cứu quốc.
Như vậy chặng thời gian từ khi phát ngôn câu “Người Pháp nói không nên đánh vào đàn bà, dù chỉ đánh bằng một cành hoa” đến khi viết đăng bài báo này mà nhân vật bị kết tội đã từng được Hồ Chí Minh ca ngợi trước đó trong báo cáo chính trị tại đại hội đảng toàn quốc lần thứ 2 là “Những đồng bào điền chủ quyên đất ruộng cho Chính phủ” thể hiện một sự băng hoại nhân cách của con người mà đảng không tiếc lời ca tụng.
Ngay bản thân Hồ chí Minh đường đường là “cha già dân tộc“ nhưng vì đã chấp nhận thần phục nên cũng không được để yên: “Họ ‘sửa‘ khá nhiều nên Bác đau lòng: Bao nhiêu nhân sĩ Bác lôi kéo tranh thủ, sau đó phải gạt hết, có những người còn bị đấu tố nữa”. Để rồi con người “đại nhân, đại trí“ này đã khóc thú nhận sai lầm trước quốc dân (9).
Với sự nỗ lực vượt bậc Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo những gì ông được đào tạo ở Liên Xô (cũ) cùng kinh nghiệm những năm hoạt động ở nước ngoài vào thực tiễn ở Việt Nam và đã thành công góp phần gây ảnh hưởng CNCS ra toàn thế giới, nhưng sau khi giải phóng miền Bắc thì việc kinh bang tế thế của ông không có gì nổi trội, cũng có thể do hình thái kinh tế – xã hội mới đã kìm hãm tài năng của ông.
Nhằm khôi phục kinh tế sau khi đã giải phóng miền Bắc, Hồ Chí Minh vẫn lấy cảm hứng từ các kinh nghiệm xây dựng đất nước của Trung Quốc, khiến cho đảng lại mắc tiếp sai lầm. “Đánh thuế công thương nghiệp, cải tạo tư sản cũng là do Trung Quốc đề ra. Hậu quả là hơn một triệu người di cư vào Nam. Ta đổ tội cho Pháp, Mỹ điều đó chỉ đúng một phần nào, còn là do ta làm vội, làm ẩu, đánh tràn lan hết. Không phải địa chủ mà phú nông, thậm chí trung nông cũng bị đánh. Đảng viên nhiều người tốt cũng bị đánh. Kết quả của những chính sách cải cách lúc đó là như thế”. (8)
Theo “Giọt nước trong biển cả“ của Hoàng Văn Hoan, thì ngay sau năm 1954 theo yêu cầu của Hồ Chí Minh, Trung Quốc đã đưa người và các thiết bị kỹ thuật sang giúp Việt Nam khôi phục kinh tế sau chiến tranh, cũng như xây dựng một nền kinh tế tương đối toàn diện để làm cơ sở vật chất, thực hiện tư lực cánh sinh cũng như viện trợ các loại hàng hóa dùng để chi viện tiền tuyến và giải quyết đời sống cho nhân dân, khiến cho ông từng khẳng định: “Bác tuyệt đối tín nhiệm các cố vấn Trung Quốc” và “Tinh thần quốc tế cao cả đó và tình thân ái của nhân dân Trung Quốc đối với nhân dân Việt Nam làm chúng ta rất cảm động và biết ơn”. (10)
Trong các chuyến đi thăm Trung Quốc, Hồ Chí Minh thường thấy sự nghiệp xây dựng CNXH ở đó là tấm gương lớn để Việt Nam noi theo và học tập. Các phong trào thi đua với các điển hình tiên tiến ở Trung Quốc đã gây ấn tượng với Hồ Chí Minh và tại miền Bắc cũng nở rộ các phong trào thi đua “Gió Đại Phong, Sóng Duyên Hải”. Và khi các chiến lược của Mao nhằm bẫy những người có quan điểm trái ngược với đảng lộ mình, thì “Hồ Chí Minh dùng bút danh Trần Lực, đăng một bài trên báo Nhân dân ngày 16 tháng 9 năm 1957 với tựa đề ‘Đập tan tư tưởng hữu khuynh‘, lên án đó là tư tưởng độc hại và dễ lan tràn như cỏ dại, sau đó Phong trào Nhân Văn – Giai Phẩmbị dập tắt”. (11)
Hồ Chí Minh nêu ra mục đích xây dựng xã hội mới vì “Chủ nghĩa xã hội là làm cho mọi người dân được ấm no, hạnh phúc và học hành tiến bộ” (12) và để mọi người thấy rõ con đường tất yếu của đất nước, ông còn viết các bài báo nêu lên cảnh sống khổ cực của tầng lớp dân nghèo trong chế độ tư bản với các bút danh khác nhau, trong số đó có một bài viết được ông chơi chữ với nhan đề ‘Mỹ mà không đẹp‘ (13).
Vậy trong thực tế người dân miền Bắc thời đó được sống ra sao? Dưới thời ông vào buổi tối hàng ngày tổ trưởng dân phố đến từng nhà để chủ hộ khai báo vào sổ tạm trú tạm vắng của khu vực. Đi đâu phải có giấy Thông hành và chủ nghĩa lý lịch đã gây ra sự bất bình đẳng xã hội, làm thui chột nhiều khát vọng và hoài bão đẹp của nhiều thế hệ thanh niên không nằm trong thành phần cốt cán của chế độ, mặc dù ông đã nói: “Chính phủ không để tâm moi ra những tội cũ để đem ra làm án mới làm gì” (14).
Dưới nền kinh tế kế hoạch hóa mà ông theo đuổi qua “mô hình kinh tế tự cung tự cấp ở miền Bắc, đồng thời hạ thấp vai trò của viện trợ nước ngoài mà chủ yếu đến từ Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác”, cũng như bỏ ngoài tai ý kiến của các chuyên gia đề xuất Việt Nam nên tham gia vào Hội đồng Tương trợ Kinh tế của khối các nước cộng sản (15), ông đề ra khẩu hiệu: “Nhanh, nhiều, tốt, rẻ”để thúc đẩy sản xuất. Bốn tiêu chí này đứng cạnh nhau thể hiện sự mâu thuẫn của việc duy ý chí, chữ tốt đối lập với ba chữ đứng ở vế bên kia. Nền kinh tế Việt Nam lúc đó phụ thuộc phần lớn vào năng suất lao động thủ công, vậy nếu coi trọng vế này thì phải chỉnh sửa vế kia, không thể nào đáp ứng cả bốn tiêu chí trong cùng một mong muốn.
Rồi sau đó ông lại kêu gọi tinh thần yêu nước của người dân: “Mỗi người làm việc bằng hai, vì đồng bào miền Nam ruột thịt”. Mặc dù tinh thần và khí thế cách mạng cao như vậy nhưng người tiêu dùng thời gian đó bước vào cửa hàng Bách hóa Tổng hợp, cửa hàng siêu thị lớn nhất Hà Nội, nơi thể hiện bộ mặt phồn vinh của chế độ nằm ở góc phố Tràng Tiền và Hàng Bài, khó có thể mua được các mặt hàng phục vụ đời sống thiết yếu. Phần lớn những mặt hàng bày trên giá điều có kèm theo dòng chữ “HÀNG MẪU KHÔNG BÁN”, chúng được trang trí để làm giảm bớt sự trống trải hàng hóa của cửa hàng và chỉ được bán theo tiêu chuẩn phân phối và giấy giới thiệu.
Ngày nay những ai muốn hiểu rõ một phần mô hình cái thiên đường XHCN dưới thời đại Hồ Chí Minh xin hãy ghé thăm khu nhà tập thể của nhà máy Văn phòng phẩm Hồng Hà tại ngõ 190 phố Lò Đúc, Hà Nội. Nơi đây người dân bước ra khỏi cánh cửa căn phòng duy nhất của cả gia đình là được tiếp xúc ngay với môi trường cộng cộng, để mọi người có ý thức thực hành, hướng lên XHCN qua các sự chung đụng từ hành lang, khu bếp, khu vệ sinh, khu nhà tắm của mỗi tầng nhà.
Và thành quả “Đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh” của ông được thể hiện rõ nét ngắn gọn qua đoạn phim thời sự dài gần 8 phút (phút thứ 36,47- 44,09) trong chương trình Giai điệu tự hào tháng 10 năm 2019, với tiêu đề ‘Đi giữa biển vàng‘ của Đài truyền hình Việt Nam, đoạn phim được mở đầu bằng câu nói “Có một thời như thế!” và kết thúc bằng câu: “Có một thời bao cấp như vậy!” (16). Với “cái đói trường kỳ khiến mỗi suy nghĩ của một ngày chỉ xoay quanh vấn đề miếng ăn”, thì làm sao những người dân của ông với tinh thần làm chủ tập thể có thể đem hết sức mình ra để cống hiến cho chế độ được.
Sau 9 năm ông điều hành công cuộc xây dựng cơ sở vật chất cho chặng đường tiến lên CNXH, thì tại Hội nghị trung ương 9 “chuyên gia kinh tế Bùi Công Trừng đã giải thích rằng tình hình kinh tế Việt Nam DCCH là cực kỳ căng thẳng”. (15) vì vậy năm 1966 ông không còn lạc quan cách mạng được nữa, mà đã huấn thị thuộc cấp của ông: “Không sợ thiếu chỉ sợ phân chia không công bằng; Không sợ nghèo, chỉ sợ lòng dân không yên” (17).
Như vậy giữa không sợ và chỉ sợ có một khoảng cách lớn về trách nhiệm, nó làm cho những người ‘đầy tớ của dân‘ dù mẫn cán đến đâu cũng ưu tiên lo thi hành những gì chỉ sợ trước và những gì không sợ là nhiệm vụ thứ yếu. Vì vậy chính phủ của ông chỉ lo sao cho người dân luôn phụ thuộc kinh tế vào nhà nước bằng cách phân chia tiêu chuẩn theo chế độ tem phiếu. Do đó mới xảy ra hiện tượng ngăn sông cấm chợ, cửa quyền trong lưu thông phân phối “mua như xin, bán như cho”.
Đọc qua câu nói nêu trên của ông người ta sẽ thấy vế thứ hai có sự mâu thuẫn. Bởi đã nghèo đói thì lòng sao yên được. Nhưng trên thực tế thì hoàn toàn ngược lại. Dân đói thì dễ trị cho nên ông và đảng “không sợ nghèo” và đã thành công trong vấn đề bần cùng hóa xã hội miền Bắc thời bấy giờ và cả Việt Nam sau năm 1975 qua việc kiểm soát được từng cái dạ dày của người dân. Do nắm được nguyên lý “Vật chất quyết định ý thức” (Karl Marx) cùng với việc thắt chặt chuyên chính vô sản, Hồ Chí Minh và ban lãnh đạo đảng đã hóa giải được cái “chỉ sợ” trong vế thứ hai của câu nó đó.
Năm 1946 Hồ Chí Minh đã gửi thư cho đồng bào Nam Bộ, trong thư của ông có đoạn: “Năm ngón tay cũng có ngón vắn ngón dài. Nhưng vắn dài đều họp nhau lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này thế khác nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta” và “Đối với những đồng bào lạc lối lầm đường, ta phải lấy tình thân ái mà cảm hoá họ”. Như vậy, mặc nhiên ông thừa nhận một xã hội bao gồm nhiều thành phần dân chúng với các trình độ nhận thức, các tập tục và các quan điểm chính trị khác nhau. Nhưng những gì người ta thấy được rõ ràng ông không muốn trong đàn cừu mà ông chăn dắt xuất hiện những con cừu đen.
Trong phong trào Thực hiện nếp sống mới thời đó những thanh niên mặc áo kẻ ca rô, quần không ly hoặc ống tuýp, tóc dài đít vịt đã là những cái gai trong mắt nhà chức trách. Vì vậy việc dập tắt cuộc nổi dậy của người dân Quỳnh Lưu, Nghệ An năm 1956, thanh trừng các văn nghệ sĩ trong phong trào Nhân Văn – Giai Phẩm, bắt giam tất cả những người liên quan đến chính quyền cũ, từ lý trưởng trở lên, trước khi xảy ra cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền Bắc và bắt giam không xét xử các nhân vật quan trọng của đảng và nhà nước trong vụ án ‘Xét lại chống Đảng‘ cũng là điều dễ hiểu.
Cũng qua vụ án Xét lại chống Đảng, người ta lại nhận thấy ông Hồ sống không có hậu. Ông biết những người đã sát cánh làm việc cùng ông trong những năm khó khăn gian khổ bị Lê Đức Thọ bắt giam nhưng ông không hề tìm hiểu và can thiệp. Trong những ngày trốn tránh Tàu Tưởng ông đã từng nghỉ tại nhà ông Vũ Đình Huỳnh, người thư ký của ông, và được gia đình này chăm sóc chu đáo. Ông biết sự việc nhưng ông im lặng. Sự im lặng của ông không chỉ gây ra sự sụp đổ niềm tin về vị thánh nhân của các đồng chí của ông, mà còn dẫn đến sự chia tay ý thức hệ cùng thần tượng của con trai ông Vũ Đình Huỳnh để rồi dẫn đến sự ra đời của cuốn hồi ký “Đêmgiữa ban ngày“. Cuốn sách là sự giã từ “ảo ảnh về một chủ nghĩa cộng sản được tô vẽ như là thiên đường dưới thế” của tác giả và phơi bày những “sự biến dạng của những người cộng sản” (18).
Với mục tiêu hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam và “giữ vững vị trí tiền đồn của chủ nghĩa xã hội ở Đông – Nam châu Á, ra sức góp phần tǎng cường lực lượng của phe xã hội chủ nghĩa và bảo vệ hòa bình ở Đông – Nam á và trên thế giới” (19), Hồ Chí Minh không chỉ huy động nhân-tài-vật lực của miền Bắc với tinh thần “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” để chi viện cho miền Nam, mà khi chiến tranh lan rộng ra miền Bắc ông còn đề nghị các nước trong phe XHCN nhiệt tình giúp đỡ và giao cho một phó thủ tướng chuyên xách cặp đi xin viện trợ của các nước này. Do đó “Trong thời kỳ chống Mỹ, phần lớn vũ khí đạn dược và quân trang, quân dụng cũng do Trung Quốc cung cấp, gồm quần áo, thuốc men, y cụ và nhiều đại bác, xe tăng, thiết giáp, cao xạ, tên lửa, máy bay, tàu chiến, cùng các phụ tùng thay thế và dầu mỡ v.v… đủ trang bị cho hơn hai triệu quân đội Việt Nam và thường xuyên cung cấp đủ số đạn được và trang bị cần thiết cho việc tác chiến liên tục trên các chiến trường”. (10)
Cũng theo yêu cầu của Hồ Chí Minh, từ năm 1965 đến năm 1970, Trung Quốc “đã phái hơn ba mươi vạn bộ đội Trung Quốc gồm phòng không, công trình, đường sắt và hậu cần, mang theo toàn bộ vũ khí, trang bị, phương tiện, máy móc và vật liệu sang giúp Việt Nam”“làm cho đế quốc Mỹ không dám đưa quân trực tiếp đụng đến đất đai miền Bắc, để quân dân ta có điều kiện dốc sức vào cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam”. Cũng từ đó, do sự “tuyệt đối tín nhiệm” của ông đối với Trung Quốc, vòng kim cô Made in China đã dần dần được choàng lên đầu dân tộc Việt Nam. Yên tâm khi được chính phủ Trung Quốc chống lưng: “Bảy trăm triệu nhân dân Trung Quốc là hậu thuẫn vững mạnh của nhân dân Việt Nam, đất nước bao la của Trung Quốc là hậu phương chắc chắn của Việt Nam”.
Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi chống Mỹ cứu nước, trong đó ông viết: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!”. Qua đó ông cũng xác định nhiệm vụ cho người dân dưới quyền ông: “Vì độc lập của Tổ quốc, vì nghĩa vụ đối với các dân tộc đang chống đế quốc Mỹ, toàn dân và toàn quân ta đoàn kết một lòng, không sợ hy sinh gian khổ, kiên quyết chiến đấu đến thắng lợi hoàn toàn”. (20) Như vậy đối với ông, người dân miền Bắc chỉ là những tên lính xung kích để mở mang ảnh hưởng của chủ nghĩa ông theo đuổi và là những viên gạch lát đường cho ông bước lên đài vinh quang thành người chiến sĩ cộng sản trên trường quốc tế.
Kể cũng lạ, là một chính khách lão luyện, giỏi về lý số, tiên đoán trước cả sự vận động của thế sự mà bậc đại trí của đảng lại ngây thơ chính trị không hiểu được dã tâm “Đánh Mỹ đến người Việt Nam cuối cùng” của Trung Quốc để nhằm biến mảnh đất hình chữ S này thành vùng kinh tế mới của họ. Và cũng thật là lạ, con người từng phê phán chủ trương cầu viện Nhật để giúp đánh đuổi Pháp của Phan Bội Châu là “Đuổi hổ cửa trước, rước beo cửa sau”, đã hiện thực hóa chủ trương này bằng hình thức tương tự lại được tôn vinh thành người anh hùng giải phóng dân tộc.
_____
Chú thích:
1. https://nhandan.com.vn/tin-tuc-su-kien/trong-the-le-ky-niem-130-nam-ngay-sinh-chu-tich-ho-chi-minh-458605/
2. https://www.baohaiquanvietnam.vn/tin-tuc/chuyen-ve-viec-hut-thuoc-la-cua-bac-ho-trong-nhung-nam-cuoi-doi-3360-3360-3360-3360
3. vi.wikipedia.org/wiki/Hồ_Chí_Minh (phần Từ độc lập tới Toàn quốc kháng chiến)
4. https://nhandan.com.vn/tin-tuc-su-kien/ham-muon-tot-bac-cua-bac-ho-421662/
5. https://vi.wikipedia.org/wiki/Việt_Minh#Hợp_tác_với_cơ_quan_tình_báo_Mỹ_OSS
6. vi.wikipedia.org/wiki/Hồ_Chí_Minh#Giai_đoạn_kháng_chiến_chống_Pháp
7. https.//www.vinadia.org/den-cu-tran-dinh/ (chương 3)
8. https://www.diendan.org/viet-nam/tu-lieu-hoang-tung-1920-2010-noi-ve-ho-chi-minh Nỗi đau thứ năm của Bác – Những Kỷ Niệm Về Bác Hồ của Hoàng Tùng.
9. https://www.youtube.com/watch?v=DXNwhvl2k48 (CT Hồ Chí Minh khóc và xin lỗi nhân dân sau cải cách ruộng đất | Go Vietnam)
10. http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=5548&rb=08 (kỳ 13, phần thứ sáu, mục II (Mối tình thắm thiết Việt-Hoa)
11. https://vi.wikipedia.org/wiki/Hồ_Chí_Minh#Giai_đoạn_sau_năm_1954
12. https://www.qdnd.vn/ho-so-su-kien/loi-bac-day-nam-xua/chu-nghia-xa-hoi-la-lam-cho-moi-nguoi-dan-duoc-am-no-hanh-phuc-va-hoc-hanh-tien-bo-533509
13. https://tennguoidepnhat.net/2012/04/07/mỹ-ma-khong-dẹp-29-5-1964/
14.https://vi.wikipedia.org/wiki/Chủ_nghĩa_lý_lịch_ở_Việt_Nam
15. nghiencuuquocte.org/2013/08/20/chu-nghia-xet-lai-vndcch/
16. https://www.youtube.com/watch?v=tkPLHOVTgfM (Độc giả có thể tham khảo kỹ hơn cuộc sống của người dân miền Bắc dưới thời đại Hồ Chí minh qua đường link: https://www.youtube.com/watch?v=hiDnBB3rFP0)
17. https://nhandan.com.vn/tin-tuc-su-kien/bac-ho-so-gi-khong-so-gi-383077/
18. https://www.vinadia.org/dem-giua-ban-ngay-vu-thu-hien/dem-giua-ban-ngay-tu-bach/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.