Chủ Nhật, 2 tháng 8, 2020

Covid-19: Vì sao 'làn sóng thứ ba' của Hong Kong là lời cảnh báo cho các nước

Covid-19: Vì sao 'làn sóng thứ ba' của Hong Kong là lời cảnh báo cho các nước

  • Helier Cheung
  • BBC News
A woman wears a surgical mask following the coronavirus disease (COVID-19) outbreak, in Hong Kong, China July 17, 2020
Chụp lại hình ảnh, 
Số ca nhiễm mới ở Hong Kong cao mức kỷ lục hôm thứ Năm với 149 ca
Cho tới gần đây, Hong Kong được coi là một điểm sáng về chống dịch Covid-19.
Mặc dù có biên giới với Trung Quốc đại lục, Hong Kong giữ được số ca lây nhiễm thấp và tránh phải áp dụng các biện pháp phong toả nghiêm ngặt như một số nơi ở Trung Quốc, Châu Âu và Hoa Kỳ. 
Nhưng nay, Hong Kong phải đương đầu với không phải là làn sóng lây nhiễm thứ hai mà là thứ ba. Chính phủ cảnh báo hệ thống bệnh viện có thể sụp đổ, và Hong Kong mới có số ca lây nhiễm cao nhất ghi nhận trong một ngày. 
Vậy Hong Kong đã sai lầm ở đâu? Và các quốc gia khác có thể rút ra bài học gì? 

"Lỗ hổng" và ngoại lệ trong cách ly

Hong Kong có ca Covid-19 đầu tiên vào cuối tháng Một, khiến người dân lo sợ và đổ đi mua đồ tích trữ, nhưng từ đó số ca lây nhiễm giữ ở mức tương đối thấp và sự lây lan được kiểm soát khá nhanh chóng. 
Hồi tháng Ba, Hong Kong có "làn sóng thứ hai", sau khi sinh viên và người Hong Kong ở nước ngoài về nước, dẫn đến số ca nhập từ bên ngoài tăng mạnh. 
Vì thế, Hong Kong thực hiện kiểm soát biên giới chặt, cấm tất cả người nước ngoài qua biên giới và yêu cầu tất cả những người về nước làm xét nghiệm Covid-19 và cách ly 14 ngày. 
Chính quyền thậm chí còn dùng vòng tay điện tử để theo dõi những người mới về nước và đảm bảo họ ở nhà. 
Các biện pháp đó, cùng với việc dùng khẩu trang rộng rãi và giãn cách xã hội, đã có tác dụng - Hong Kong suốt nhiều tuần không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, và cuộc sống dường như đang trở lại bình thường. 
Nhưng "làn sóng thứ ba"- dẫn tới hơn 100 ca nhiễm mới mỗi ngày - đã đến bằng đường nào? 
"Thật là đáng thất vọng và nản lòng vì Hong Kong quả đã kiểm soát rất tốt,"GS Malik Peiris, Trưởng khoa Virus học tại Đại học Hong Kong nói. 
Ông cho rằng có hai sai lầm trong hệ thống chống dịch của Hong Kong. 
Trước hết , nhiều người từ nước ngoài về chọn cách cách ly tại nhà trong 14 ngày - một cách làm phổ biến ở nhiều quốc gia - hơn là vào các điểm cách ly tập trung. 
"Có điểm yếu ở đó vì những người sống cùng nhà không phải theo bất kỳ hạn chế nào, và họ vẫn đi đi về về,"GS Peiris nói.
Tuy nhiên, ông cho rằng vấn đề nghiêm trọng hơn tới từ quyết định của chính quyền miễn trừ xét nghiệm và cách ly cho một số nhóm người khi họ vào Hong Kong. 
Hong Kong đã miễn trừ cách ly cho khoảng 200.000 người, trong đó có các thuỷ thủ, tổ bay hàng không, và lãnh đạo các công ty đăng ký trên sàn chứng khoán. 
Lãnh đạo thành phố cho rằng cần tạo điều kiện ngoại lệ để đảm bảo Hong Kong tiếp tục hoạt động bình thường, hoặc vì những người này cần đi lại để cho Hong Kong phát triển kinh tế.
Là một thành phố quốc tế và thương cảng lớn, Hong Kong có nhiều tuyến đường hàng không, và nhiều đoàn thuỷ thủ đổi người ở đây. Hong Kong cũng phụ thuộc vào hàng nhập khẩu thiết yếu từ Trung Quốc lục địa và những nơi khác. 
Joseph Tsang, một chuyên gia bệnh lây nhiễm và bác sỹ, mô tả các trường hợp được miễn cách ly như một "lỗ hổng" lớn làm tăng nguy cơ lây nhiễm, nhất là đối với những người đi biển và các tổ bay, vẫn thường đến các điểm du lịch và sử dụng giao thông công cộng. 
Lúc đầu chính quyền nói không nên đổ lỗi cho các trường hợp miễn cách ly, nhưng sau đó họ thừa nhận có bằng chứng rằng các trường hợp ngoại lệ này gây ra đợt bùng phát mới nhất. 
Hiện nay họ đã thắt chặt quy định cho các thuỷ thủ và tổ bay - nhưng thực thi các quy định là không dễ. Hồi đầu tuần, có cảnh báo khi một phi công nước ngoài được cho là đi thăm quan trong thành phố khi đang đợi kết quả xét nghiệm Covid-19. 
Benjamin Cowling, giáo sư dịch tễ học tại Đại học Hong Kong, nói những lỗ hổng trong cách ly của Hong Kong có thể cũng xảy ra với các nước khác. 

Nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội

Miễn cách ly cho một số nhóm đã được Hong Kong thực hiện nhiều tháng nay, nhưng mãi tới tháng Bảy làn sóng thứ ba mới ập tới. 
GS Peiris cho rằng điều này là do một yếu tố chủ chốt - các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng đáng kể hồi tháng Sáu. 
"Chừng nào các biện pháp giãn cách xã hội còn được thực hiện, hệ thống y tế còn chống đỡ được - nhưng một khi chúng được nới lỏng, các ca nhiễm nhập từ bên ngoài lây lan nhanh chóng," ông nói. "Đây là một bài học cho tất cả mọi người."
A staff member wearing a face mask following the coronavirus disease (Covid-19) outbreak hands takeaway food to a customer outside a restaurant in Hong Kong, China
Chụp lại hình ảnh, 
Chính phủ Hong Kong nay đã cấm tụ tập quá hai người - và cấm các nhà hàng cho thực khách ăn tại chỗ
TS Tsang nhớ lại cuối tháng Sáu, chính quyền Hong Kong cho phép người dân tụ tập tới 50 người, trong lúc có các hoạt động kỷ niệm Ngày của Cha và ngày trao trả Hong Kong. 
"Nhiều người dân mệt mỏi sau nhiều tháng giãn cách xã hội, nên khi chính phủ nói mọi chuyện dường như ổn và nới lỏng các hạn chế, họ lại bắt đầu gặp gỡ với bạn bè và người thân.
"Tôi nghĩ thật là không may - nhiều yếu tố kết hợp cùng một lúc."
Tuy nhiên, GS Peiris nhấn mạnh người Hong Kong đã "hết sức tuân thủ" các biện pháp vệ sinh và giãn cách xã hội trong làn sóng thứ nhất và thứ hai - "trên thực tế, họ thậm chí còn đi trước chính phủ một bước, đeo khẩu trang từ trước khi có quy định bắt buộc."
Ông tin rằng việc tái áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội lúc này đã cho thấy tác dụng, và hy vọng Hong Kong sẽ trở lại trạng thái không có ca lây nhiễm trong cộng đồng trong bốn tới sáu tuần tới. 
Khi đó, ông nói them, thách thức sẽ là làm sao để ngăn các ca từ bên ngoài về - đặc biệt là khi giãn cách xã hội được dỡ bỏ. 
Các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ có làm virus lây lan? 
Nhiều thách thức Hong Kong gặp phải cũng tương tự như ở các thành phố khác, nhưng đặc khu này còn trải qua một cuộc khủng hoảng khác - khủng hoảng về chính trị. 
Hôm 1/7, hàng ngàn người tham gia một biểu tình ủng hộ dân chủ, mặc dù có lệnh cấm của chính phủ vì lý do biểu tình không tuân thủ quy định về giãn cách xã hội. Hàng ngàn người cũng đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử cấp cơ sở của đảng đối lập hồi giữa tháng Bảy, mặc dù chính phủ cảnh báo báo các cuộc bầu cử này có thể vi phạm luật an ninh mới. 
Anti-national security law protesters march at the anniversary of Hong Kong's handover to China from Britain, in Hong Kong, China July 1, 2020
Chụp lại hình ảnh, 
Hàng ngàn người xuống đường dịp kỷ niệm ngày Anh trao trả Hong Kong cho Trung Quốc hôm 1/7
Từ đó, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã đổ lỗi hai sự kiện này là nguyên nhân gây ra làn sóng lây nhiễm thứ ba, trong lúc một chính trị gia nói chúng là "hành vi hoàn toàn vô trách nhiệm."
Tuy nhiên, các chuyên gia y tế nói không có bằng chứng chúng gây ra số ca nhiễm tăng đột biến. 
GS Cowling cho biết các nhà khoa học "có thể kết nối các ca nhiễm để phát hiện ra chuỗi truyền bệnh, và không có ổ dịch nào có thể gắn với các sự kiện đó."
Còn GS Peiris nói các sự kiện này có thể "làm tình hình trầm trọng hơn một chút, nhưng tôi không cho rằng chúng là một yếu tố quyết định dịch có bùng mạnh hay không."
Trong khi đó, TS Tsang nói các nghiên cứu cho thấy "chủng virus corona mới khác với những chủng từ các đợt trước," - cụ thể, chủng này có biển thể được thấy ở các đội bay và thuỷ thủ từ Philippines và Kazakhstan, nên ông tin rằng chủng này được nhập vào Hong Kong. 
Hiện đang có những thảo luận tương tự quanh thế giới - nhất là khi có các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc được châm ngòi bởi cái chết của George Floyd - về việc biểu tình có thể làm tăng lây nhiễm mạnh hay không. Một số chuyên gia gợi ý rằng các sự kiện ngoài trời nơi người tham gia đeo khẩu trang và có ý thức thận trọng có thể mang rủi ro thấp hơn chúng ta tưởng lúc đầu. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.