Anh nông dân bắt rắn hổ chúa và chuyện chênh lệch địa tô, phân hóa giàu nghèo…
24-8-2020
Chuyện một anh nông dân tên Tâm bắt con rắn hổ khổng lồ, bị rắn cắn rồi được đem vào bệnh viện cấp cứu với con rắn quấn chặt cổ tay là một câu chuyện buồn, rất buồn.
Và nó đang gây những ý kiến tranh cãi lớn, không dứt.
LUỒNG Ý KIẾN 1: Đây là kiểu tin “xe cán chó” kể lại một tai nạn trong cuộc sống của anh nông dân nghèo. Thấy rắn rồi bắt, rồi bị rắn cắn.
Dân chúng lập tức đổ lỗi cho anh Tâm, rằng ai mượn bắt rắn rồi nó cắn cho; đừng vịn vào cái nghèo rồi tận diệt muông thú, nhất là thú quý hiếm;…
Dân chúng cho rằng anh Tâm này dốt nát, tham, làm bậy.
LUỒNG Ý KIẾN THỨ 2: Anh Tâm quá nghèo đi, quá bạc phước đi, nên thấy rắn to là vội bắt để bán có tiền trang trải ăn uống, thuốc men, học hành cho con.
Dân chúng thấy anh Tâm bạc phận, thương lắm, và cố gắng quyên góp giúp đỡ anh này, dù là đang mùa dịch tứ bề khốn khó.
LUỒNG Ý KIẾN THỨ 3: Tai nạn của anh nông dân với con rắn siêu to siêu khổng lồ trên tay là sự kiện “hút views”, và báo chí trở thành “kền kền”.
Nhưng báo chí kền kền làm gì, định hướng thông tin cái gì, ngoài khả năng nhắc nhớ trắc ẩn trong mỗi người đọc (ông bố được cho là liều mình bắt rắn đóng học phí cho con)?
Tiếp đó, việc báo chí hăng hái đu theo vụ việc “đau thương và nhuốm màu tình phụ tử” bị cho là dẫn tới 2 hệ lụy: Biến người nông dân thành kẻ nói láo; Tạo ra lòng thương sai lệch của xã hội cho một hành vi sai trái của người nông dân nghèo.
Nhưng, hàng loạt các câu hỏi: Sao anh Tâm này liều thế?, Sao anh nghèo thế?, Sao anh dại thế?, hay Sao anh dốt thế?,… lại chưa được đặt để, thậm chí là bị lảng tránh?
Căn nguyên của cái nghèo, cái dốt, cái liều lĩnh, thậm chí bất chấp để sinh tồn là do giáo dục và luật pháp.
Anh Tâm và những người bị ví von là “ở tầng đáy xã hội” không có điều kiện học kiến thức chuyên môn, cũng không được dạy về bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, bảo tồn các loài trong sách đỏ… Thậm chí không chỉ thường dân, mà nhiều doanh nhân, quan chức cũng không được dạy đúng điều này, rất mê món động vật quý hiếm.
Ấy là do giáo dục. Nền giáo dục chưa nhân văn, khai phóng, nặng về học để thi, để lấy bằng cấp, để làm ông nọ bà kia,… sẽ tạo ra những người dốt mà ác tới đáng thương.
Sao anh Tâm lại nghèo, và người nghèo, người bị đội cái mũ “ký sinh” sao lại đông thế?
Thưa, là do đất nước còn nghèo, chiến tranh liên miên, thoát khỏi nền kinh tế kế hoạch chưa lâu, thành quả đổi mới vừa gặt hái thì gặp hàng loạt cú đấm thép tỉ đô (dầu khí, gang thép, đóng tàu,…) thay nhau táng thẳng vào mặt nhân dân. Bên cạnh đó là tham ô, tham nhũng kinh khiếp.
Thêm nữa, cuộc đô thị hóa và sự chênh lệch địa tô cũng gây phân hóa giàu nghèo thần tốc. Tài phiệt, doanh nghiệp thân hữu lấy được đất với giá như rau, bán ra như vàng. Không ít người dân bơ vơ giữa đời với vài đồng bồi thường hỗ trợ bèo bọt. Tư liệu sản xuất mất dần, làm công nhân trông vào tăng ca, gánh áo cơm sữa tã kéo ghì thân phận họ xuống sát đất…
Giáo dục và kinh tế như vậy, bảo sao không lắm người nghèo, người dốt, phải vật lộn mưu sinh, đè lên nhau, bất chấp đạo đức, pháp luật để tồn tại, làm giàu?
Vậy nên, xin đừng trách anh nông dân bạc phước bắt rắn. Cũng đừng trách cộng đồng đa cảm xót xa, hay truyền thông lao vào những thông tin bề nổi…
Cải cách giáo dục vẫn đang diễn ra trong ngành giáo dục, trong mỗi gia đình. Nhiều đứa trẻ được dạy thành người chứ đừng vội mơ thành ông nọ bà kia. Cải cách thể chế mà bắt đầu là cải cách thể chế kinh tế, hướng tới nền kinh tế tri thức cũng đã bắt đầu, với không ít điểm sáng, dù đường còn tít tắp.
Lúc này, đồng bào đâu có ngại ngần gì mà không dang tay ôm lấy nhà anh Tâm bắt rắn. Họ có thể biết/hoặc không biết/không để tâm chuyện còn vô vàn anh Tâm nữa ngoài đời kia đang chới với. Họ cũng ít học, đói nghèo, bệnh hoạn, và có thể sẽ trôi tuột vào hố sâu tuyệt vọng, không ai biết, không ai ứng cứu, xót xa.
Lại nhớ câu Kiều của cụ Nguyễn Du: “Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.