Việt - Mỹ sẽ tập trận và ‘Cam Ranh’?
bauxitevn11:43 AM
Thiền Lâm
(VNTB) - Xem ra, xác suất hạm đội Mỹ “thăm” cảnh Cam Ranh như dự báo của ông Đinh Hoàng Thắng là khá cao.
Thượng nghị sĩ John McCain - người phụ trách Ủy ban quân vụ của Quốc hội Mỹ, vừa đến thăm tàu USS John S.McCain ở cam Ranh.
Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Hà Lan, hiện là Viện phó Viện Nghiên cứu các vấn đề phát triển của Việt Nam VIDS, một chuyên gia được xem là có tiếng nói không hoàn toàn mang “tính đảng”, trong một cuộc trả lời phỏng vấn mới đây với đài RFA Việt ngữ đã “xác nhận” vài thông tin mà đã được dư luận râm ran trước đó: “Rất đáng để ý, có thể nói là khúc quanh mới trong quan hệ Việt - Mỹ, cũng là đợt sóng ngầm tương đối dữ dội trong địa chính trị khu vực. Năm này và trong bối cảnh này là có nhiều chuyển động trong quan hệ Việt - Mỹ mà trước đây một vài năm chúng ta không thể hình dung được. Ví dụ chuyện tập trận, chuyện hạm đội Mỹ sẽ vào Cam Ranh...”.
Ngoài ra, còn có vài tin tức khác có vẻ “đời” hơn, chẳng hạn hình ảnh một máy bay được cho là chở phái bộ quân sự Mỹ vừa đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất vào ngày 28/7/2017…
Sự xuất hiện nhận định của ông Đinh Hoàng Thắng lại trùng với thời điểm diễn ra một cuộc gặp đáng chú ý tại trụ sở Bộ Quốc phòng vào chiều 26/7/2017, giữa Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch với Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius.
Cuộc gặp này lại diễn ra chỉ vài ngày sau vụ nhiều nguồn tin quốc tế và trong nước cho biết trước sức ép của Trung Quốc, vào ngày 24/7/2017, chính quyền Việt Nam đã phải yêu cầu ngừng hoạt động thăm dò khí đốt của Repsol – một công ty Tây Ban Nha liên doanh với Việt Nam – ngay tại Bãi Tư Chính luôn được xem là “thuộc vùng chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam”.
Cuộc gặp trên, dù chỉ được báo đảng mô tả là “tiếp xã giao”, nhưng lại “vô tình” trùng hợp với tin tức quốc tế cho biết sau khi Bắc Kinh đe dọa sẽ tấn công một số căn cứ quân sự của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa nếu Việt Nam cho phép Repsol tiếp tục khoan thăm dò dầu khí, phía Việt Nam đã cấp tốc liên lạc với Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội – như một hành động “cầu viện” – nhưng đã không nhận được câu trả lời.
Nếu những thông tin mang tính dự đoán của ông Đinh Hoàng Thắng là có cơ sở, câu hỏi bật ra là chính thể Việt Nam đã đến khúc quanh nào và ra nông nỗi nào để bắt buộc phải “tập trận” với người Mỹ?
Khó mà hoài nghi rằng sau vụ Bãi Tư Chính tháng Bảy năm 2017, chính sách cùng chiến thuật “đu dây” của Việt Nam giữa Trung Quốc và phương Tây đã chính thức phá sản. Có lẽ giới chóp bu Việt Nam đang “hoảng loạn” đến mức một lần nữa phải bắn ý “cầu cứu” Hoa Kỳ, mà cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch với Đại sứ Ted Osius là một tiền đề để “tiếp tục thúc đẩy hợp tác quân sự giữa hai bên”.
Trùng với thời điểm diễn ra cuộc gặp Ngô Xuân Lịch - Osius và nhận định của ông Đinh Hoàng Thắng trên RFA Việt ngữ, báo Quân đội Nhân dân - cơ quan ngôn luận của Bộ Quốc phòng, trong bài “Kiên định đường lối đối ngoại quốc phòng độc lập, tự chủ”, đã nêu ra một nội dung đáng chú ý (đoạn gạch dưới):
“Chính sách quốc phòng của Việt Nam đã nêu rõ: Việt Nam chủ trương không cho bất cứ quốc gia nào đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ của mình. Chính phủ Việt Nam đã khẳng định không cho nước ngoài thuê cảng Cam Ranh làm căn cứ quân sự hay căn cứ hậu cần-kỹ thuật. Tuy nhiên, Việt Nam hoan nghênh tàu, thuyền quốc tế ghé đậu và sử dụng dịch vụ hậu cần-kỹ thuật tại đây. Đây là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn…”.
Nội dung (gạch dưới) trên có vẻ được công khai một cách hiếm hoi từ trước đến nay trên mặt báo đảng.
Xem ra, xác suất hạm đội Mỹ “thăm” cảng Cam Ranh như dự báo của ông Đinh Hoàng Thắng là khá cao.
Sự hiện diện của các hạm đội hải quân Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương hẳn có ý nghĩa nhằm ngăn chặn Trung Quốc tràn xuống phía Nam mà có thể tiện thể “nuốt” luôn Việt Nam.
Giả dụ ngay trước mắt, sự hiện diện của các hạm đội Mỹ ở Biển Đông và có thể ngay tại Cam Ranh sẽ giúp Việt Nam tự tin hơn, hơn nhiều, để chẳng phải nuốt hận khi phải miễn cưỡng “hợp tác khai thác dầu khí” chia bôi với Bắc Kinh. Ngược lại là khác, chính thể Việt Nam sẽ có thể cao đầu ngẩng mặt mà tiếp tục tiến trình khai thác dầu tại Bãi Tư Chính trong vùng biển chủ quyền của mình, thu được một khoản lợi nhuận lớn đủ để “duy trì tăng trưởng GDP 6,7%” theo nghị quyết đề ra, đồng thời bù đắp tình trạng hụt thu nan giải mà nếu không cẩn thận, thực thu ngân sách năm 2017 so với dự toán có thể bốc hơi đến 11% - mức hụt thu chưa từng có trong nhiều năm qua.
T.L.
VNTB gửi BVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.