Thứ Sáu, 11 tháng 8, 2017

Trung cộng đối đầu trước ba trận tuyến ở Á châu

Trung cộng đối đầu trước ba trận tuyến ở Á châu

bauxitevn8:40 AM

Vũ Ngọc Yên
Cuộc diện thế giới đang thay đổi. Trận chiến tại Syria đi vào giai đoạn kết thúc. Mỹ ngưng cấp vũ khí cho các lực lượng chống chính quyền Assad và đồng ý để Nga dàn xếp các phe tranh chấp đàm phán đình chiến. Mỹ rút dần quân ra khỏi các nước A Phú Hãn (Afghanistan) và Lybia vì không tạo được sự ổn định cho các quốc gia này. Cuộc chiến khủng bố của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) đại bại khắp nơi và IS đang trên đường giải thể. Tranh chấp Mỹ-Nga về đảo Crimea-Ukraine vẫn tiếp diễn, nhưng ở mức độ kiềm chế. Các lò lửa chiến tranh ở Trung Đông hay Ukraine (Âu châu) đã chuyển về Á châu, nơi có nhiều nguy cơ dẫn đến xung đột quân sự có thể đe dọa hòa bình và sự phát triển kinh tế của thế giới. 
Tranh chấp chủ quyền và quyền tự do hàng hải ở Biển Đông
Một năm sau phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA rulings, July 12, 2016), về “đường lưỡi bò” bất hợp pháp, Trung cộng vẫn ngang ngược cấm các nước trong khu vực đánh cá và thăm dò dầu khí ngay trên vùng biển và thềm lục địa của mình ở Biển Đông và đe dọa sử dụng vũ lực nếu các nước không tuân theo. 

Lịch sử Việt Nam đầy những câu chuyện hào hùng chống Trung quốc. Nhưng vào cuối tháng 7/2017 Hà Nội đã khuất phục trước bạo lực của Bắc Kinh. Tạp chí Chính sách đối ngoại (Foreign Policy) cho biết Việt Nam đã yêu cầu Công ty dầu Repson (Tây Ban Nha) ngưng khai thác lô 136/3 tại mỏ Rồng đỏ, bãi Tư Chính (Vanguard Bank). Từ đầu năm 2017, Hà Nội đã ký 2 hợp đồng lớn với ExxonMobil (Mỹ) để thăm dò và khai thác khí tại mỏ Cá Voi Xanh (lô 118, cách Đà Nẵng 88 km), và cho Talisman Vietnam (Repsol, Tây Ban Nha) tiếp tục khoan thăm dò tại mỏ Cá Kiếm Nâu & Cá Rồng Đỏ (lô 136/03 & 07/03, cách Vũng Tàu gần 400 km). Việt Nam còn gia hạn thêm 2 năm cho ONGC Videsh Ltd (OVL, Ấn Độ) thăm dò tại lô 128 (ngoài khơi Phan Thiết). Những việc này đã làm Trung cộng bất bình. Phó Chủ tịch Quân uỷ Trung ương ĐCS Trung quốc, tướng Phạm Trường Long, viếng thăm Hà Nội vào ngày 18 tháng 6 và yêu cầu Việt Nam phải ngưng việc khoan dầu ở những vùng mà Trung cộng tự nhận có chủ quyền. Khi Việt Nam từ chối, ông ta đã hủy bỏ một cuộc họp chung về an ninh biên giới (Giao lưu hữu nghị Quốc phòng lần thứ 4) và về nước. Trước thái độ cứng rắn của láng giềng hữu nghị (16 chữ vàng, 4 chữ tốt), Bộ chính trị ĐCS Việt Nam đã nhóm họp và quyết định ngưng khoan dầu. 
Bên cạnh các cuộc gặp bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 50 (AMM 50) diễn ra tại Manila - Philippines, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Úc vào ngày 07/08/2017, đã đưa ra một thông cáo chung chỉ trích Trung cộng đã có các hành vi «bồi đắp đảo, xây dựng tiền đồn, quân sự hóa các thực thể đang bị tranh chấp» tại Biển Đông. Cũng trong Hội nghị AMM 50, ASEAN và Trung Quốc đã chính thức thông qua dự thảo khung Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) vào chiều 6-8, sau gần 4 năm bắt đầu khởi động đàm phán. 
Ngày 8/8/2017, trong cuộc họp tại Hoa Thịnh Đốn - Mỹ hai bộ trưởng quốc phòng Việt Mỹ thỏa thuận một hàng không mẫu hạm của Mỹ sẽ đến thăm Việt Nam vào năm tới - chuyến thăm đầu tiên kể từ khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc năm từ 1975. Đại tướng Jim Mattis, bộ trưởng quốc phòng Mỹ nói rằng quan hệ hợp tác quốc phòng sâu sắc hơn là dựa trên lợi ích chung của hai nước bao gồm tự do hàng hải ở Biển Đông. Trước đó vào ngày 27/07 tại Sydney - Úc Ngoại trưởng Anh Boris Johnson tuyên bố sẽ đưa các tàu chiến tới khu vực Biển Đông đang có tranh chấp để thực thi quyền tự do hàng hải. 
Ấn-Hoa tranh chấp biên giới
Vào tháng 6/2017 hàng ngàn quân Trung cộng tiến vào cao nguyên Động Lãng (Doklam) cao 3000 mét, một địa phương hẻo lánh nằm trong vùng Hy Mã lạp Sơn, là biên giới giữa 3 nước Trung Quốc, Ấn Độ và Bhutan để xây một con đường tạo thuận lợi cho sự tiếp vận quân sự. Trước việc này nước Bhuttan nhận thấy biên giới bị vi phạm nên cầu cứu Ân Độ, nước láng giềng vốn có mối quan hệ đặc biệt, đảm bảo an ninh và đối ngoại cho Bhuttan. Ấn Độ đáp ứng gửi quân tới Doklam chặn quân Trung cộng. 
Chính quyền Trung cộng tự nhận có chủ quyền ở các vùng sát biên giới Tây Tạng. Ngược lại Bhuttan đòi hỏi các bên không được sử dụng vũ khí theo quy định trong các thỏa ước 1988 và 1998. Tranh chấp biên giới ở Hy Mã Lạp Sơn giữa chính quyền Bắc Kinh và Tân Đề Ly (New Delhi) đã dẫn đến chiến tranh giữa hai cường quốc nguyên tử năm 1962 và Ấn Độ là nước bại trận. 
Nay căng thẳng giữa hai nước bùng nổ trở lại. Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung cộng tuyên bố Trung cộng sẽ bảo vệ biên giới bằng mọi giá. Tham mưu trưởng Lục quân Ấn Độ Bipin Rawat cho biết, quân đội nước này đã làm tốt chuẩn bị cho ứng phó với các mối đe dọa bên trong và bên ngoài, có thể tiến hành một cuộc chiến tranh ở "2,5 tuyến", tức là đồng thời ứng phó với Trung Quốc, Hồi quốc và "mối đe dọa bên trong" Ấn Độ. 
Ấn Độ đã triển khai 8 sư đoàn lục quân trở lên và vài trăm máy bay chiến đấu ở biên giới Hoa- Ấn. Tư lệnh không quân Ấn Birender Singh Dhanoa tuyên bố trước báo Ấn Độ ngày nay (Indian Today) ngày 26/07: “Chúng tôi sẵn sàng cho bất kỳ tình huống nào. Căng thẳng ở khu vực (biên giới) vẫn đang tiếp diễn, các giải pháp ngoại giao đang được xem xét”. 
Trong thời gian gần đây Ấn Độ tỏ ra lo ngại trước ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc với các nước nhỏ hơn ở Nam Á. Sự phát triển hợp tác kinh tế và quân sự-kỹ thuật của Trung Quốc với Bangladesh và Tích lan (Sri Lanka) lại càng khiến Ấn Độ bất bình. 
Lúc này, cả hai bên chưa chịu nhượng bộ nhau dù rằng biết rõ đối đầu gay gắt nhằm tranh giành ảnh hưởng ở các nước nhỏ trong khu vực không phù hợp lợi ích của cả hai bên mà càng gây thêm thiệt hại cho quan hệ kinh tế của Trung và Ấn Độ. Theo báo Thời báo kinh tế Ấn(Economic Times) 80% nguồn dầu nhập khẩu của Trung Quốc đi ngang qua eo biển Malacca và Ấn Độ Dương cũng sẽ gặp khó khăn nếu xảy ra xung đột. Trong tháng 7/2017, Ấn, Mỹ và Nhật đã tập trận hải chiến chung tại Ấn Độ Dương. Dư luận lo ngại nếu hai bên không tìm được giải pháp ngoại giao để hạ nhiệt thì cuộc tranh chấp biên giới giữa Ấn Độ và Trung cộng có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh khốc liệt. 
Bắc Hàn đẩy mạnh chương trình vũ khí hạt nhân - Mỹ đe dọa trừng phạt
Giữa Nam-Bắc Hàn không có thỏa ước hòa bình sau cuộc chiến tranh 1952/1953, mà chỉ có hiệp định đình chiến. Đầu năm 2016, tình hình căng thẳng khi Bắc Hàn loan báo thử nghiệm bom hydro thành công và Nam Hàn sau đó cho phép Mỹ dựng hệ thống chống hỏa tiễn THAAD để bảo vệ. Mặc dù đất nước còn nghèo đói và bị Liên Hợp Quốc cấm vận từ năm 2006 vì chương trình phát triển hạt nhân và hỏa tiễn, Bắc Hàn vẫn đẩy mạnh các cuộc thử nghiệm hỏa tiễn xuyên lục địa có khả năng bắn tới Mỹ. Nhật Bản và Nam Hàn cảm thấy an ninh bị đe dọa. Onodera, Bộ trưởng tương lai của Nhật phát biểu tại một cuộc họp báo ở Tokyo: "Hỏa tiễn của Bắc Hàn cùng với hành vi lấn lướt tiếp tục của Trung Quốc ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, là mối quan ngại chính đối với Nhật Bản", Trung cộng là đồng minh và đối tác thương mại duy nhất của Bắc Hàn. 
Ngày 6/8/2017 Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc (HĐBA- LHQ) thông qua nghị quyết áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Triều Tiên liên quan đến 2 vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa của Bình Nhưỡng trong tháng 7. 
Nghị quyết trừng phạt do Mỹ soạn thảo đã cấm Triều Tiên xuất khẩu than, sắt, quặng sắt, chì, quặng chì và hải sản; cấm các nước tăng số lượng lao động Triều Tiên ở nước ngoài hiện nay; cũng như cấm các hình thức liên doanh mới với Triều Tiên và bất cứ hoạt động đầu tư mới nào trong các công ty liên doanh hiện tại với nước này. Dự kiến, các biện pháp trừng phạt này có thể làm sụt giảm 1/3 kim ngạch xuất khẩu của Triều Tiên, vốn đang ở mức 3 tỷ USD hàng năm. 
Ngày 8. 8. 2017 truyền thông đưa tin Bắc hàn đã chế được đầu đạn hạt nhân đủ nhỏ để lắp vừa hỏa tiễn, Tổng thống Trump liền tuyên bố “Bình Nhưỡng sẽ đương đầu với bão lửa, thịnh nộ và sức mạnh mà thế giới chưa từng chứng kiến…". Bắc hàn phản pháo với thông báo Bình Nhưỡng đang cân nhắc một kế hoạch bắn tên lửa tầm trung đến tầm xa vào đảo Guam, căn cứ mà Hoa Kỳ đặt các máy bay ném bom chiến lược. 
Lời tuyên bố “hùng biện” không kèm theo biện pháp cụ thể của Trump được xem là sự cảnh báo chiến tranh. Trên danh nghĩa Tổng thống Trump là Tư lệnh tối cao của quân lực Mỹ, nhưng Bộ Quốc phòng đã để Phát ngôn viên tuyên bố ngược lại là Mỹ vẫn theo đuổi giải pháp hòa bình. 
Trong cuộc tranh cử 2016, Trump từng tuyên bố “Khi chúng ta có vũ khí hạt nhân, tại sao chúng ta không sử dụng nó?“. Sau khi thắng cử Trump đã công bố qua mạng Twitter Mỹ tăng cường và phát triển kho nguyên tử. 
Ngày 27/07 trong Hôi nghị an ninh tại tại Đại học quốc gia Canberra-Úc, chỉ huy hạm đội Mỹ tại Thái Bình Dương Scott Swift, 60 tuổi đã phản ứng trước câu hỏi của một cử tọa là trong tuần tới khi Tổng thống Donald Trump yêu cầu, Ông có thả một quả bom nguyên tử xuống Trung quốc hay không ? Ông này trả lời “có” và nói thêm “mọi quân nhân đã tuyên hứa bảo vệ đất nước trước kẻ thù và phục tùng chỉ thị của Tổng thống. Đó là cốt lõi của nền dân chủ Mỹ”. Trong cuộc họp báo sau đó, Phát ngôn viên hạm đội thái bình dương Charlie Brown cho câu hỏi chỉ là “giả thuyết ghê sợ”. 
Thế giới chưa bao giờ cảm thấy bất an trước những lời tuyên bố hùng biện và nguy hiểm của Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un. Các nước hoan nghênh việc HĐBA- LHQ thông qua nghị quyết mới về gia tăng trừng phạt Bắc Hàn, nhưng cũng cho rằng phải xúc tiến đối thoại mới có thể giải quyết được căng thẳng hiện nay. 
Cơ hội thoát Trung? 
Sau khi tuyên bố hủy bỏ thỏa ước đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) chấm dứt chính sách xoay trục sang châu Á Thái Bình Dương của chính quyền tiền nhiệm Obama, chính quyền Trump vẫn chưa định hình được một chiến lược mới để duy trì ảnh hưởng của Mỹ trong vùng. Các nhà chiến lược trong Bộ Quốc phòng và ngoại giao Mỹ có lẽ tạm thời theo đuổi chiến lược „leading from behind“ ủy nhiệm các nước đồng minh Nhật, Hàn, Úc và Ấn Độ trực tiếp nhận trách nhiệm đối đầu bá quyền Trung Hoa tại Đông Á và Đông Nam Á. Hiện tại Trung cộng đang gặp nhiều khó khăn ở ba trận tuyến. Một cơ hội Việt Nam thoát Trung đang đến nếu Việt Nam được các cường quốc trong khu vực như Nhật Bản và Hoa Kỳ trợ giúp để cân bằng sức ép từ Trung cộng. Nhưng liệu các quốc gia dân chủ - văn minh có thể tin chế độ cộng sản Việt Nam là đồng minh được không? Khi mà đảng cộng sản vẫn đặt quyền lợi đảng trên lợi ích đất nước, tiếp tục bảo vệ chế độ độc đảng, tham nhũng và thối nát thay vì thay đổi toàn bộ hệ thống chính trị. Chế độ độc tài không thể là đồng minh chiến lược của các chế độ dân chủ tự do!
V.N.Y.
Tác giả gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.