Tổng nợ đạt gần 29.000 tỉ USD, liệu Trung Quốc có thể 'đạp phanh' các khoản nợ?
bauxitevnThu 2:20 PM
Hoài Nam
(VNF) - Tính đến tháng 6-2017, tổng nợ của Trung Quốc là 28.800 tỉ USD, các chuyên gia dự đoán "Con rồng châu Á" đang chuẩn bị bước vào một cuộc đại khủng khoảng.
Những vụ thâu tóm trị giá hàng tỉ USD
Trong những năm vừa qua, các công ty Trung Quốc đã thâu tóm hàng loạt công ty lớn trên thế giới với trị giá của các cuộc giao dịch lên tới 343 tỉ USD. Những thương vụ lớn nhất có thể kể đến như tập đoàn Wanda đã mua lại công ty tài chính và sản xuất phim Hollywood của hãng Legendary Entertainment với giá 3,5 tỉ USD vào năm 2016. Tập đoàn bảo hiểm Anbang mua khách sạn Waldorf Astoria. Tập đoàn Fosun mua Club Méditerranée SA và Cirque du Soleil.
Nhưng vào tháng 6 vừa qua, Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã ra lệnh cho các ngân hàng thương mại hạn chế cho vay lãi suất thấp với bốn tập đoàn tư nhân lớn nhất Trung Quốc, những công ty đã tạo ra 75 tỉ USD lợi nhuận trong và ngoài nước như Wanda, Anbang, Fosun, và Hainam Airlines (HNA). Một số ngân hàng lớn của Trung Quốc đã ngưng hỗ trợ cho vay các khoản mới với HNA, theo Bloomberg. Các nhà chức trách cũng đã yêu cầu Anbang bán tài sản ở nước ngoài và hồi hương lại quỹ nhưng công ty nói rằng: "hiện nay không có kế hoạch bán" cổ phần của nước ngoài.
17.000 tỉ USD nợ của doanh nghiệp
Tổng số nợ của chính phủ, hộ gia đình và các khoản nợ công đã đạt mức kỉ lục 28,8 nghìn tỉ USD, tương đương 258% GDP. Phần lớn nhất, khoảng 17 nghìn tỉ USD, tập trung là nợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước sản xuất, tất cả mọi ngành từ thép đến than đá, xây dựng, và bất động sản.
Khoản nợ của các doanh nghiệp nhà nước càng lớn, rủi ro khủng hoàng kinh tế càng cao. Nhiều khả năng Trung Quốc sẽ không còn có khả năng thanh toán nợ hiện tại và tài trợ cho các dự án mới nữa. Nếu Trung Quốc không thể giảm mức độ phụ thuộc vào nợ, tăng trưởng sẽ chậm lại từ mức 6,9% trong nửa đầu năm 2017 đến 5% vào năm 2021. Tăng trưởng có thể giảm xuống dưới 3% nếu nước này gặp khủng hoảng tài chính theo báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF.
Hạn chế cho vay
Liệu các hạn chế cho vay lãi suất thấp đối với bốn tập đoàn tư nhân "tê giác xám" là một dấu hiệu cho thấy chính phủ Trung Quốc sẽ có được nghiêm túc về vấn đề nợ?
"Tê giác xám", thuật ngữ kinh tế trong một cuốn sách kinh doanh cùng tên được bán chạy tại Trung Quốc, mới đây lại được giới truyền thông chính thống Trung Quốc sử dụng rất nhiều. Cụm từ "Tê giác xám" tại Trung Quốc ám chỉ một nhóm các ông trùm người Trung Quốc, những người biết kết hợp mối quan hệ chính trị và tham vọng của mình để tạo ra các tập đoàn khổng lồ có hoạt động kinh doanh trên toàn thế giới.
Chủ tịch Tập Cận Bình đã và đang cùng các quan chức ngành tài chính giải quyết tình trạng vay mượn quá mức tại các doanh nghiệp nhà nước. Trung Quốc xem việc kiềm chế nợ công của doanh nghiệp nhà nước là "ưu tiên hàng đầu của các ưu tiên", Ông Tập cho biết trong cuộc họp về chính sách tài chính vào ngày 14 và 15/7, các nhà quản lí trong Bộ Tài chính sẽ có trách nhiệm "suốt đời" nếu họ không ngăn chặn việc vay nợ liên tục của các tập đoàn.
Liệu còn có lựa chọn nào cho Trung Quốc?
"Đạp phanh" để hoãn lại việc gia tăng nợ là một lựa chọn. Ngoài ra, Trung Quốc còn có các nguồn lực tài chính to lớn khác để phòng bị, bao gồm 3 nghìn tỉ USD dự trữ ngoại hối, nếu các ngân hàng hoặc các công ty nợ nần nặng nề của họ gặp rắc rối. Tiếp nữa, có tới 24 nghìn tỉ USD tiền tiết kiệm trong nước để giữ cho các ngân hàng không bị mất thanh khoản, nghĩa là họ không phải vay từ nước ngoài.
Tuy nhiên, để "đánh bại" tình trạng nợ ngày một tăng mạnh của Trung Quốc triệt để sẽ đòi hỏi sự thay đổi cơ bản trong cách huy động vốn và chấm dứt việc định hướng cho các mục tiêu tăng trưởng hàng năm. Andrew Polk, đồng sáng lập công ty nghiên cứu Trivium China ở Bắc Kinh, nói: "Chính sách dừng cho vay nợ không chỉ hàm ý dỡ bỏ mục tiêu tăng trưởng hàng năm, điều đó còn có nghĩa là khuyến khích tái đầu tư toàn bộ nền kinh tế".
Tăng trưởng kinh tế trong những năm gần đây ở Trung Quốc quá phụ thuộc vào vay nợ. Michael Spencer, chuyên gia kinh tế của Deutsche Bank nói: "Các ngân hàng hoạt động giống như các ngân hàng Liên Xô cũ: Tài sản càng lớn càng tốt".
Việc sẵn sàng bơm tín dụng vào các doanh nghiệp không có khả năng cạnh tranh đã tạo ra mối nguy hại cho Trung Quốc. Mặc dù công ty lâm vào nợ nần trong các ngành công nghiệp như thép, than, xi-măng... chính phủ có khuynh hướng cứu nguy hoặc bán một công ty con hơn là để cho nó biến mất.
Trước năm 2015, thị trường trái phiếu của Trung Quốc hầu như không có nợ xấu. Năm ngoái, Thủ tướng Lý Khắc Cường nói Trung Quốc phải loại bỏ các doanh nghiệp không hiệu quả trên toàn quốc. Với nền kinh tế đứng thứ 2 thế giới và xuất khẩu tăng trưởng 2 con số, ông Tập có thể đủ khả năng để thực hiện các biện pháp cứng rắn hơn trong năm nay, nhưng những người hoài nghi đang chờ đợi kết quả.
H.N. (Theo Bloomberg)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.