Thật đáng xấu hổ (Mênh mông thế sự để gió cuốn đi số 10)
bauxitevnTue 8:02 AM
Tương Lai
Xấu hổ vì cái gì? Tại sao mà xấu hổ?
Xấu hổ vì “một sự bội ước lòng tin vô cùng lớn”. Đó là lời của Schaefer, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Cộng hòa Liên bang Đức trong thông cáo về “việc bắt cóc công dân Việt Nam Trịnh Xuân Thanh trên lãnh thổ Đức là hành động vi phạm luật pháp Đức và luật pháp quốc tế một cách trắng trợn và chưa từng có”.
Đúng là trắng trợn và chưa từng có trong hành động “vi phạm luật pháp Đức và luật pháp quốc tế”. Chứ với những người đã quen phải sống trong môi trường xã hội Việt Nam thì chuyện “bắt cóc” bởi một lực lượng có vũ khí, hành động theo một tính toán có bài bản được chỉ đạo chặt chẽ thì đúng là trắng trợn song không hề, càng không phải là “chưa từng có”. Cũng không phải là tàn tích tệ hại “đói ăn vụng, túng làm càn”, “xin không được thì cướp” của một thời phong kiến, thực dân thối nát khi dân ta phải gánh chịu hai tròng áp bức đã lùi xa non thế kỷ!
Chỉ mới đây thôi, giữa thanh thiên bạch nhật, bốn sĩ quan với cấp bậc, chức vụ cụ thể đã lừa cụ lão nông 82 tuổi Lê Văn Kình ra cánh Đồng Sênh để thực hiện hành vi bắt cóc, mà theo cụ là để “nhằm thủ tiêu để bịt đầu mối, không cho cụ lên tiếng phanh phui sự thật trong vụ cướp đất ở cánh Đồng Sênh.” Để thực hiện được kịch bản tồi tệ đó, họ xông vào đạp cụ gãy xương, quẳng cụ lên xe “như quẳng một con vật”, sau đó dùng còng số 8 khóa quặt hai tay rồi nhét giẻ vào mồm cụ, và cứ thế xe chạy 50km đưa cụ về nơi tạm giữ để lấy lời cung. Kịch bản bị phá sản vì dân Đồng Tâm phản ứng quyết liệt với kế hoạch côn đồ đó đã “rào làng chiến đấu”, bắt giữ con tin để buộc nhà cầm quyền phải thả người họ bắt cóc rồi sau đó ra quyết định khởi tố “vụ án gây rối trật tự công cộng”.
Không đàn áp được thì đành thương lượng vậy. Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung phải tự tay ký và điểm chỉ vào bản cam kết trước sự chứng kiến của các đại biểu Quốc hội và công an. Cam kết ba điều: thanh tra khách quan việc quản lý sử dụng đất quốc phòng và nông nghiệp, không truy cứu trách nhiệm hình sự người dân Đồng Tâm, điều tra, xác minh và xử lý việc bắt giữ gây thương tích cho cụ Lê Đình Kình. Sau khi đạt được mục tiêu “giải cứu con tin” thì ông Chủ tịch Hà Nội lật kèo cao giọng “phải thượng tôn pháp luật, lấy pháp luật làm trọng” xóa bỏ cam kết mà rằng “người dân không được phép đòi hỏi đất quốc phòng sử dụng vào việc gì, vì sao bỏ không, vì điều này thuộc về an ninh quốc gia”. Ông ta dõng dạc tuyên bố: “Không phải giải thích cho các anh đất làm gì? Các anh không có quyền đó, bởi đó là an ninh quốc gia”. Thế là gọn, chuyện thanh tra là “khách quan” cho nên việc quản lý sử dụng đất quốc phòng không còn là vấn đề nằm trong “cam kết” nữa, vì đất của Viettel đang chiếm dụng thuộc phạm trù “an ninh quốc gia”! Có súng, có còng số 8 trong tay cứ thế mà dấn lên. Bội ước lòng tin với dân thì có chi đáng sợ. Thì vẫn bội ước dài dài đó thôi, có sao đâu.
Chỉ có điều, với cung cách tư duy đã ăn sâu vào não trạng người đang cai trị dân trong một thể chế toàn trị phản dân chủ mà đem ra hành xử với thế giới thì thật quá liều lĩnh, quá bỉ ổi mà cái hệ lụy phải gánh là khôn lường. Có thể vì lú lẫn, họ không thấy được cái hệ lụy quá lớn đang đẩy họ vào cái thế kẹt trong quan hệ quốc tế. Bị coi là một quốc gia “bội ước” thì có gì nhục nhã hơn, đau đớn hơn. Ai, kẻ nào phải chịu trách nhiệm trả lời về nỗi nhục đó trước nhân dân? Ai? Chẳng nhẽ không ai cả?
Người Đức có lẽ vẫn chưa quên cuộc khủng hoảng bắt cóc con tin năm 1972, gây nên cuộc thảm sát Munich trong vụ khủng bố xảy ra tại Thế vận hội Mùa hè bởi nhóm tháng 9 đen! Là một nước văn minh với một hệ thống luật pháp tường minh và chặt chẽ của nhà nước pháp quyền có bề dày vững chắc, họ thẳng thừng lên án cái luật rừng với hành vi bắt cóc. Hơn nữa, dùng vũ lực xâm phạm và bắt cóc một người tại một quốc gia có chủ quyền thì pháp luật quốc tế cũng như pháp luật Đức coi đây là hành động khủng bố. Chính phủ Đức phải có phản ứng gay gắt với chính phủ Việt Nam để giữ được uy tín ở nước Đức. Người Đức không thể xử lý vụ việc này theo cách thức ngoại giao không ồn ã thông thường. Chính vì thế, nước Đức đã buộc phải coi Việt Nam như một “đối tác nguy hiểm” vi phạm an ninh của nước họ:
“Chúng tôi chắc chắn rằng các bộ phận của Nhà nước Việt Nam thực hiện vai trò trong những ngày gần đây, mà chỉ có thể nhận xét với quan niệm về pháp luật hình sự – bắt cóc người, bắt cóc” (nguyên văn: “Menschenraub, Entführung = bắt cóc”),người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Đức tuyên bố tại Berlin.
Ông Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Đức thì khẳng định: “Ông Trịnh Xuân Thanh đã bị đưa ra khỏi Đức bằng các biện pháp mà chúng tôi tin là người ta chỉ có thể xem được trong các phim ly kì về Chiến tranh Lạnh… Đây là điều chúng tôi không thể chấp nhận”. Thật rành rọt, ông Bộ trưởng nói rõ: “Hành vi của mật vụ Việt Nam trên lãnh thổ Đức là không thể chấp nhận được. Tôi muốn nói rất rõ ràng: Trong mọi trường hợp, chúng ta không khoan nhượng cho một việc như vậy. Và cũng sẽ không để yên việc này”.
Thế giới văn minh cũng vậy, họ sao chấp nhận hành vi tồi tệ ấy của nhà cầm quyền Việt Nam để không thể không quyết liệt lên án hành vi côn đồ bất chấp luật pháp của Việt Nam.
David Brown, nhà cựu ngoại giao Hoa Kỳ từng sống và làm việc nhiều năm ở Việt Nam khẳng định với RFA ngày 4.8.2017 “Công an Việt Nam đã không tuân thủ nguyên tắc của cuộc chơi. Với sự tiếp tay của Đại sứ Việt Nam…, họ đã vi phạm các chuẩn mực ngoại giao đã được thiết lập tốt bằng cách bắt cóc Trịnh Xuân Thanh”. Với hành động đó “Việt Nam đang làm hỏng danh tiếng của mình khi tỏ ra lập lờ với sự thật, không nói thật” đấy là nhận định của một người am hiểu và có cảm tình của Việt Nam đã hơn hai thập kỷ, giáo sư Carl Thayer, nhà nghiên cứu và phân tích chính trị Việt Nam và bang giao quốc tế nói với BBC ngày 4.8.2017.
Và là một chuyên gia rất am hiểu về Việt Nam, ông hiểu rõ rằng “tham nhũng giống như gỉ sét đang ăn mòn tính chính danh của Đảng Cộng sản Việt Nam”, và đây là điều đã được các quan chức cấp cao của đảng “công khai thừa nhận trong hơn một thập kỷ qua” ông nói với đài VOA ngày 2.8.2017.
Thật xấu hổ nếu giờ đây tôi gặp lại Carl Thayer, người bạn đã từng mời tôi đến nhà riêng dùng bữa cơm thân mật với vợ chồng ông ở Canberra cách đây đã hơn 20 năm khi tôi đến Australia tham dự một Hội thảo khoa học tại ANU (Đại học Quốc gia Australia), lúc ấy ông là Chủ tịch Hội Hữn nghị Australia - Việt Nam. Rồi suốt một thời gian dài, lúc ở Hà Nội, lúc ở Australia, mỗi lần gặp nhau, ông đều dành cho Việt Nam chúng ta những tình cảm tốt đẹp. Tôi sẽ nói gì với Thayer về “Việt Nam đang làm hỏng danh tiếng của mình” vì đã “lập lờ với sự thật” và “bội ước”?
Nói cái gì đây cho Việt Nam trong con mắt của người bạn từng dành tình cảm đẹp cho đất nước thân yêu của tôi? Cũng có thể tự an ủi bằng ngụy biện rằng đấy là họ lên án về “sự bội ước lòng tin vô cùng lớn” của nhà cầm quyền Việt Nam chưa đâu phải lên án dân tộc, lên án nhân dân Việt Nam. Khổ một nỗi, với công luận quốc tế, chẳng ai hơi đâu mà phân biệt giữa một nhúm những kẻ thiển cận trong bộ máy quyền lực đang đấu đá thanh toán đối thủ để tranh cái ghế quyền lực vừa giành được bằng mọi giá, bất chấp danh dự quốc gia. Để thỏa mãn bằng được cái ham muốn thiển cận và bỉ ổi đó thì nhân dân, thì tổ quốc luôn là cái bình phong được dựng lên để che đậy cho dục vọng quyền lực. Đau đớn hơn nữa là cái danh xưng là Việt Nam chỉ là vật lót đường cho cuộc tranh giành đang diễn ra.
Câu nói của Thayer cứ ám ảnh tâm trí tôi ngay cả trong giấc ngủ “lập lờ với sự thật”! Nhục. Nhục quá.
Đành rằng “lập lờ với sự thật”, “không nói thật” là thuộc tính của một nhà nước toàn trị phản dân chủ đã đánh mất lòng tin của người dân, và phản ứng của người dân đã “bão hòa” với một môi trường xã hội bị ô nhiễm nặng nề trong đó cái giả trở thành “cái thật”. Nhưng oái oăm thay, ngay cả đối với một người từng yêu quý đất nước chúng ta cũng đành phải nói lên một sự thật đau đớn là “Việt Nam” chứ không phải tách bạch ra “những người cầm quyền đang làm hỏng danh tiếng của Việt Nam”! Chúng ta, những người Việt Nam phải cắn răng mà nhận lấy cái nhục ấy.
Ai đó đã chua chát nói lên một sự thật đau đớn về “Từ trước tới nay, lưu manh không biết sáng tạo lịch sử, chỉ biết sáng tạo sự ngang tàn bạo ngược. Tuy vậy lưu manh cũng có thể sáng tạo lịch sử, nhưng lưu manh không thể sáng tạo lịch sử của văn minh, chỉ có thể sáng tạo lịch sử của sự phá hoại, sáng tạo lịch sử tàn sát. Lưu manh từ trước giờ chỉ biết sáng tạo bạo lực, sáng tạo chiến tranh, sáng tạo sự hoang đường, sáng tạo tai nạn. Nếu một dân tộc mà nhóm người lưu manh giữ vai trò chính trong thời gian dài, thì sẽ trở thành dân tộc “ỷ mạnh hiếp yếu”, trở thành một dân tộc hung bạo, trở thành một dân tộc hủ bại biến chất”.
Vậy mà, người ta dám đưa ra một lập luận thật trắng trợn về “trả giá đối ngoại để giải quyết đối nội”! Họ dám nói rằng Bộ Công an, Bộ Ngoại giao cũng thừa biết những vấn đề phức tạp sẽ xảy ra sau khi bắt Trịnh Xuân Thanh ở Đức. Nếu đúng như báo chí Đức đưa tin là Trịnh Xuân Thanh bị “bắt cóc” thì cũng không có giải pháp nào tốt hơn là phải chịu trả giá về mặt đối ngoại để giải quyết vấn đề đối nội… thời gian một năm qua lực lương Công an Việt Nam đã tìm hiểu luật pháp và thông lệ Quốc tế để vận dụng. Đồng thời triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ … câu nhử Thanh ra khỏi tổ kén để bắt, v.v. Trong đó các bài toán nghiệp vụ đã được tính toán đi kèm với các giải pháp ngoại giao cần thiết… Thực ra “bắt cóc” hay “đầu thú” không quan trọng, mà quan trọng là có con người Trịnh Xuân Thanh tại Việt Nam – một mắt xích quan trọng trong cuộc chiến chống tham nhũng! (1)
Và rồi những con chim mồi lại véo von phụ họa cho sự tồi tệ bỉ ổi đó: “Việc Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú không chỉ giúp cho các cơ quan chức năng làm rõ những sai phạm của bản thân Trịnh Xuân Thanh mà đây cũng là điều kiện tốt để rà soát lại những thế lực “ô dù”. Cho nên việc Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú đã cho thấy quyết tâm của các nhà lãnh đạo Việt Nam trong việc dẫn độ Trịnh Xuân Thanh đã trở thành hiện thực và vì vậy việc Trịnh Xuân Thanh đích thân ra đầu thú là một kết quả đáng ghi nhận”. (2)
Ở Việt Nam hôm nay, các dư luận viên cao cấp hay hạ cấp cùng với những con chim mồi không hề phải lo sợ bị xem là “persona non grata” như quốc tế sử dụng để chỉ những nhân vật bất hảo cần đưa ra khỏi môi trường văn minh của một quốc gia coi trọng luật pháp và biết tự trọng, ngược lại họ lại được trọng dụng để tô son vẽ phấn, đánh bóng mạ kền cho chế độ toàn trị phản dân chủ đang mất hết lòng dân. Nhưng lịch sử dân tộc ta thì lại ghi rất đậm nét những “persona non grata” để răn dạy các thế hệ con em của mình biết giữ lấy cái lương tri, lương năng làm người, trọng danh dự, giữ khí tiết trước mọi thách thức, vững vàng trong ứng xử theo phương châm “gươm dơ lấy nước làm sạch, nước dơ lấy máu làm sạch”.
Đừng quên rằng đã từng có một thời, Việt Nam được thăng hoa trong cái nhìn của những bạn bè thế giới yêu truyền thống quật cường bất khuất mà gọi đất nước này là “lương tâm của thời đại” để thấm thía cái nhục của hôm nay Việt Nam đang bị gọi là “bội ước”, là “lập lờ với sự thật”! Và “sự thật” thì chỉ có một! Vậy thì sự thật trong sự kiện Trịnh Xuân Thanh là gì? Nhà nước Đức đã có bằng chứng về sự thật đó và họ đã và sẽ lần lượt trưng ra. Công luận của thế giới tin vào điều đó vì họ tin vào nước Đức, một nước mà hiến pháp đặt nền tảng trên bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền.
Sự thật đứng về phía văn minh. Trong cuộc hội nhập vào nền văn minh trí tuệ của thế kỷ XXI với cuộc cách mạng thông tin đang phát triển như vũ bão, dân tộc Việt Nam chúng ta không thể sống với luật rừng để bị liệt vào nơi dung dưỡng cho hành động khủng bố. Phải quyết liệt lên án một nhà nước sử dụng bắt cóc và khủng bố, lấy đó làm phương tiện để tồn tại trước cơn sóng trào của lòng dân phẫn nộ.
Thế nước đang chao đảo, những người có lương tri suy nghĩ và hành động sao đây?
Ngày 7.8.2017
T. L.
_________________________
Tác giả gửi BVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.