Tăng thuế VAT là đi ngược với xu hướng giảm thuế trên thế giới
bauxitevn1:47 AM
Hoài Phong
Nói "ở Việt Nam hiện nay, trong bối cảnh ngân sách đang căng thẳng thì đây là tình thế bắt buộc", chẳng hóa ra trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, vật cản lớn nhất là tiền và ngay cả "chủ nghĩa Mác - Lê-nin vô địch muôn năm" cũng chịu thua chủ nghĩa đồng tiền? Mà riêng gì việc tăng thuế VAT, cả đất nước này bị dẫn đi ngược với thế giới gần 70 năm rồi, ông Lưu Bích Hồ ơi!
Bauxite Việt Nam
|
Mới đây, tại cuộc họp báo chuyên đề về báo cáo định hướng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và thuế tài nguyên, Bộ Tài chính cho biết qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế cho thấy trong bối cảnh nợ công tăng cao, nhiều quốc gia, kể cả các nước phát triển có xu hướng cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước theo hướng tăng cường nguồn thu từ thuế gián thu để bù hụt thu từ giảm thuế thu nhập (thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân), ưu đãi thuế xuất - nhập khẩu… Qua đó bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, hỗ trợ doanh nghiệp và phù hợp thông lệ quốc tế…
Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết số lượng quốc gia áp dụng thuế VAT/thuế hàng hóa và dịch vụ ngày càng tăng. Năm 2004 là 140 nước thì đến năm 2014, 2016 các con số tương ứng lần lượt là 160, 166 nước. Thuế suất trung bình tại các nước EU năm 2000 là 19% nhưng đến năm 2014 đã tăng lên gần 21,5%. Các nước OECD cũng có xu hướng tăng thuế VAT từ mức trung bình 18% năm 2000 lên khoảng 19% năm 2014 và hơn 19% vào năm 2016.
Báo cáo của Bộ Tài chính cũng dẫn ra số liệu từ Ngân hàng Thế giới (World Bank), cụ thể qua thống kê mức thuế suất của 112 nước, có 88 nước mức thuế suất từ 12-25%, trong đó có 56 nước có mức thuế suất từ 17-25%, còn lại 24 nước phố biến ở mức hơn 10%. Còn đối với các nước xung quanh Việt Nam, thuế phổ thông đang cao hơn 10%. Cụ thể ở Lào, Indonesia, Campuchia mức thuế phổ thông là 17%, mức thuế ưu đãi là 13% còn ở Philippines thuế suất là 15%. Do đó, Bộ Tài chính đã đề nghị nâng mức thuế VAT theo hai phương án: Một là tăng từ 10% lên 12% kể từ ngày 1-1-2019, hai là tăng theo lộ trình lên 12% từ ngày 1-1-2018 và 14% từ ngày 1-1-2021. Trong 2 phương án trên, Bộ Tài chính nghiêng về phương án 1.
Trao đổi với phóng viên, TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng việc tăng thuế VAT sẽ đi ngược lại với thông lệ quốc tế bởi theo xu hướng trên thế giới thì đa phần các quốc gia đều tính đến việc giảm thuế. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, trong bối cảnh ngân sách đang căng thẳng thì đây là tình thế bắt buộc. "Đây chỉ là giải pháp ngắn hạn mang tính chất tạm thời. Về lâu dài, việc thu thuế phải bảo đảm tính minh bạch, bền vững, nhất là ở nước đang phát triển như Việt Nam thì phải tính tới hình thức thu thuế ổn định và giảm thuế xuống" - ông Hồ nói và cho rằng việc tăng thuế phí sẽ hạn chế khả năng tiêu dùng của người dân, đồng thời ảnh hưởng đến khả năng sản xuất của doanh nghiệp. Theo ông, VAT là thuế gián thu, đánh vào người tiêu dùng nên vấn đề tăng thuế sẽ tạo ra tác động đến người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp, tác động đến phần "cầu" của nền kinh tế. Trong quá trình thu thuế, Bộ Tài chính nên kiểm soát tốc độ tăng giá, đồng thời chú ý đến vấn đề lạm phát. "Việc gì cũng có 2 mặt nên chúng ta phải cân nhắc cẩn thận" - ông Lưu Bích Hồ nói. Ông cũng cho rằng việc Bộ Tài chính nói tăng thuế VAT lên để phù hợp thông lệ quốc tế là không thuyết phục, bởi vì sự phát triển của mỗi nước đều khác nhau nên mức thuế của mỗi nước cũng khác nhau.
Nêu quan điểm về vấn đề này, TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Nghiên cứu của Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright cho rằng nên cẩn trọng với quyết định tăng thuế VAT với ít nhất 3 lí do:
Thứ nhất, thuế VAT nhìn chung có tính "lũy thoái", do vậy sẽ đánh vào người thu nhập thấp nặng nề hơn. Người tiêu dùng, bất kể thu nhập cao hay thấp, đều phải đóng cùng một mức thuế VAT cho cùng một sản phẩm chịu thuế. Song do người thu nhập thấp phải dành một tỉ trọng thu nhập lớn hơn cho tiêu dùng nên gánh nặng thuế họ phải chịu sẽ chiếm một tỉ trọng cao hơn so với thu nhập. Tăng thuế VAT sẽ làm người thu nhập thấp bị tổn thương nhiều hơn, do vậy khó được chấp nhận dưới góc độ công bằng.
Thứ hai, tỉ trọng đóng góp của VAT trong tổng thu ngân sách của Việt Nam hiện đã khá cao, cao hơn hẳn so với các nước EU là những nước có thuế suất VAT thuộc nhóm cao nhất thế giới. Với thuế suất phổ thông hiện nay là 10%, VAT đã chiếm tới 27,5% tổng thu ngân sách của Việt Nam. Trong khi đó, với thuế suất phổ thông trung bình cao hơn hẳn (21,3%), VAT cũng chỉ chiếm trung bình 21,4% tổng thu ngân sách của các nước EU. Điều này cũng ngụ ý rằng việc tăng thuế suất VAT không hiển nhiên cải thiện vai trò của sắc thuế này trong tổng ngân sách.
Thứ ba, và quan trọng nhất, nguồn gốc của nợ công và thâm hụt ngân sách nặng nề ở Việt Nam không phải do thiếu khả năng huy động ngân sách mà chính là do hiệu quả chi ngân sách thấp, trong khi tỉ lệ chi ngân sách hiện đã rất cao, lên tới 28-29% GDP. Việc tăng thuế VAT để tăng thu ngân sách không những không giải quyết được gốc rễ của vấn đề mà còn tạo điều kiện và dung dưỡng cho việc chi ngân sách "vung tay quá trán" hay các dự án nghìn tỉ đắp chiếu và kém hiệu quả.
Đồng quan điểm, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Một Thế Giới,PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) nêu quan điểm thu thuế phải bảo đảm tính lâu dài và công bằng, minh bạch. Việc Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế trong thời điểm này cần phải tính toán kĩ. "Tôi nghĩ là nên thận trọng và tính toán kĩ tác động. Những loại thuế tăng lên đều có ảnh hưởng đển sản xuất. VAT là thuế gián thu, đánh vào người tiêu dùng. Trong bối cảnh tăng trưởng hạn chế, cầu còn trì trệ mà tăng như vậy, có nên hay không?" - ông Long nói.
H.P
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.