Thứ Năm, 10 tháng 8, 2017

Tác động của truyền thông xã hội trong việc bảo vệ môi trường

Tác động của truyền thông xã hội trong việc bảo vệ môi trường

bauxitevn8:37 AM

Kính Hòa RFA
clip_image002
Bãi biển Bình Thuận. AFP
Ngày 9 tháng 8/2017, Bộ Tài nguyên & Môi trường, cùng với Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận đồng ý không thực hiện việc dìm bùn nạo vét xuống biển Bình Thuận nữa.

Như vậy là chỉ sau thời gian hơn 1 tháng, với sự phản đối của công luận qua nhiều phương tiện truyền thông, trong đó có truyền thông xã hội, một quyết định của chính phủ đã bị lật ngược.
Vai trò to lớn của truyền thông xã hội trong câu chuyện này ra sao?
Áp lực của truyền thông xã hội
Trả lời câu hỏi về nguyên nhân thúc đẩy Bộ Tài nguyên & Môi trường, cùng tỉnh Bình Thuận quyết định không đổ chất nạo vét cảng Vĩnh Tân xuống biển nữa, nhà báo Phạm Chí Dũng ở Sài Gòn cho rằng áp lực của mạng xã hội là rất mạnh. Ông nói thêm:
Công lớn nhất là truyền thông mạng, chứ báo chí chính thống thì chỉ chạy theo thôi.
-Nhà báo Trương Duy Nhất.
Cách đây hơn 3 năm theo số liệu tổng kết, thì có khoảng 50% người dân đọc mạng xã hội. Bây giờ theo tổng kết mới nhất của Bộ Thông tin & Truyền thông thì đã hơn 90% rồi. Họ đọc các loại phương tiện, các kênh trên mạng xã hội. Đó là vấn đề làm sao mà Bộ Tài nguyên & Môi trường không thể nuốt trôi cái dự án xả chất thải xuống biển, cho nên họ phải rút lại dự án, mặc dù tôi nghe nói là một ngày như vậy phải đền bù cho phía Trung Quốc số tiền kinh khủng là 650 ngàn đô la.”
Con số chính xác được Bộ Tài nguyên & Môi trường đưa ra cho báo chí Việt Nam là 620 ngàn đô la một ngày, đền bù cho các chủ đầu tư nhà máy điện than Vĩnh Tân vì chậm tiến độ thi công. Dự án dìm chất nạo vét cảng Vĩnh Tân xuống biển, nếu được thực hiện sẽ đẩy nhanh tiến độ thi công của các công trình nhà máy.
Đánh giá tầm quan trọng của mạng xã hội trong việc dừng lại dự án dìm bùn Bình Thuận, còn có nhà báo Trương Duy Nhất tại Đà Nẵng:
“Những cuộc đấu tranh, lên tiếng trong cộng đồng xã hội, đã tạo nên một phong trào, một sự chú ý của người dân vào những dự án hủy hoại môi trường, tạo nên sự lên tiếng không khác gì đối với Formosa. Từ đó đánh thức thêm ý thức một số cán bộ cao cấp nghỉ hưu, rồi cả những cán bộ đương chức sở tại. Đạt đến điều đó tôi nghĩ công lớn nhất là truyền thông mạng, chứ báo chí chính thống thì chỉ chạy theo thôi.”
Trong những cán bộ nghỉ hưu mà ông Nhất đề cập, có ông Phạm Văn Chi, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa, đã lên tiếng phản đối dự án dìm bùn Bình Thuận.
Truyền thông xã hội nâng cao ý thức môi trường của dân chúng
Tuy nhiên, trong trường hợp cụ thể về dự án dìm bùn ở Bình Thuận, cũng có ý kiến cho rằng tác động của mạng xã hội là thứ yếu. Nhà báo Mai Phan Lợi nói với chúng tôi:
“Cái này thì vai trò của các nhà khoa học là quan trọng nhất, đặc biệt là ông Nguyễn Tác An, thứ nhì là sự lăn xả của báo Pháp Luật thành phố, báo chính thống. Sau đấy mới là mạng xã hội, tức là báo chí không chính thống, như là Facebook. Mạng xã hội chỉ là sự cộng hưởng của các nhà khoa học và báo chí đấy thôi.”
Tiến sĩ Nguyễn Tác An, nguyên Viện trưởng Viện hải dương học Nha Trang, là một trong những người phản đối rất rất mạnh dự án dìm bùn Bình Thuận trên tất các kênh truyền thông mà ông tiếp cận được.
Trả lời câu hỏi của chúng tôi là tại sao báo Pháp Luật, một tờ báo chính thống, lại lăn xả vào việc phản đối dự án dìm bùn như vậy, trong khí báo chí chính thống Việt Nam vốn có truyền thống theo một sự chỉ đạo chung của Ban Tuyên giáo trung ương của đảng cộng sản? Nhà báo Mai Phan Lợi cho rằng cái lý do bảo vệ môi trường đã bảo vệ họ.
Một nhà hoạt động môi trường tại Hà Nội là dược sĩ Nguyễn Anh Tuấn cho rằng việc dừng lại dự án dìm bùn nạo vét tại tỉnh Bình Thuận là một thành công của phong trào đấu tranh vì môi trường, và thành công đó là do sự nâng cao ý thức của toàn xã hội Việt Nam.
“Rõ ràng là mạng xã hội đóng vai trò thật quan trọng về mặt phương tiện. Và sự lên tiếng của các tổ chức xã hội dân sự là một tác động nổi bật. Tuy nhiên tôi cho rằng đây là một thành công chung, một sự lên tiếng chung của toàn xã hội”.
Sự lên tiếng của các tổ chức xã hội dân sự mà dược sĩ Tuấn nhắc đến trong trường hợp cụ thể này chính là kiến nghị của 13 tổ chức phi chính phủ gửi chính phủ Việt Nam đề nghị dừng ngay việc đổ bùn nạo vét xuống biển Bình Thuận, vào khoảng giữa tháng bảy năm nay, 2017.
Dược sĩ Nguyễn Anh Tuấn so sánh việc đấu tranh vì môi trường hiện nay với trường hợp kiến nghị dừng dự án bauxite Tây Nguyên cách đây hơn 10 năm. Lúc đó nhiều nhân sĩ trí thức Việt Nam đã viết kiến nghị gửi chính phủ Việt Nam, cho rằng nếu khai thác quặng bauxite để sản xuất nhôm trên Tây Nguyên sẽ tạo ra những tác hại rất nguy hiểm về môi trường, tuy nhiên dự án này vẫn được tiến hành dù gặp nhiều bất lợi cả về phương diện môi trường lẫn tài chính.
Những người có ảnh hưởng trong xã hội mà họ lên tiếng thì bất cứ chính phủ nào cũng phải thấy rằng là phải lắng nghe.
-Nhà báo Mai Phan Lợi.
Nhà báo Mai Phan Lợi nhận xét:
“Thời Bauxite Tây Nguyên thì lúc đấy Facebook chưa phát triển. Ở thời điểm hiện tại, theo xác nhân của Bộ Thông tin & Truyền thông thì có năm mươi mấy triệu tài khoản. Năm mươi mấy triệu tài khoản đấy là một lực lượng rất tinh hoa trong xã hội Việt Nam. Những người nổi tiếng, quan chức nhà nước, những người có ảnh hưởng trong xã hội mà họ lên tiếng thì bất cứ chính phủ nào cũng phải thấy rằng là phải lắng nghe. Trước đây họ không có điều kiện để bộc lộ mình, thì nó hạn chế hơn.”
Ngay sau khi tin tức về dự án dìm bùn ở Bình Thuận được công bố vào cuối tháng Sáu, một người gốc Bình Thuận hiện sống ở Úc là Tiến sĩ Phan Hữu Trọng Hiền đã lập một trang Facebook phản đối chuyện này, và ông tự bỏ tiền túi để làm cho trang này lan tỏa đến với nhiều người quan tâm.
Tuy nhiên lúc đó, ông Hiền có nói với chúng tôi rằng ông tuyệt vọng vì giấy phép dìm bùn đã được ký, và các chủ đầu tư có nguồn lực tài chính dồi dào sẽ vận động mạnh để dự án được thực hiện. Khi được tin dự án sẽ bị dừng lại, ông viết trên Facebook, mà chúng tôi xin trích dẫn, rằng ông rất vui mừng vì sự hợp tác của những nhà báo, những nhà khoa học, và mọi người đã đem đến kết quả.
Nhà báo Trương Duy Nhất thì cho rằng nhà nước Việt Nam hiện đã xem mạng xã hội như một kênh truyền thông để có thể biết được ý kiến của dân chúng, việc đó đã thúc đẩy Bộ Tài nguyên & Môi trường thay đổi quyết định của mình chỉ trong một thời gian ngắn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.