Thứ Ba, 8 tháng 8, 2017

Nước Đức bao che cho nghi phạm Trịnh Xuân Thanh?

Nước Đức bao che cho nghi phạm Trịnh Xuân Thanh?

bauxitevn7:36 AM

Đinh Phương
Đức là nhà nước pháp quyền, che chở quyền sống cho TXT, theo luật pháp của Đức và Công pháp Quốc tế
Nghi phạm Trịnh Xuân Thanh (TXT) được Nhà nước VN đưa tin rằng đã trở về VN đầu thú với chính quyền, trong khi Nhà nước Đức khẳng định ông TXT đã bị Nhà nước VN bắt cóc đưa về VN. 
Hành động được cho là bắt cóc này của VN ngay trên lãnh thổ Đức dĩ nhiên đồng nghĩa với việc VN khủng bố trên lãnh thổ và xâm hại chủ quyền lãnh thổ của Đức. Hư thực là đâu trong khi phía Đức càng ngày càng dồn dập đưa ra những bằng chứng cần thiết để cáo buộc là bắt cóc và những biện pháp trừng phạt song song, thì Việt Nam hầu như không có phản ứng nào chính thức mà chỉ có phát ngôn của Bộ Ngoại giao rằng „lấy làm tiếc“ và muốn giữ quan hệ.
Cho tới lúc này, phía Đức đã đưa tin rằng ông TXT cùng với người bạn gái đã bị 3 mật vụ của VN bắt cóc ở công viên Tiergarten giữa Berlin, thủ đô của Đức, đưa qua Praha, thủ đô của Tiệp Khắc, và nguỵ trang thành bệnh nhân với đoàn cứu hộ là nhân viên mật vụ để rời Tiệp Khắc về VN.

Đức đã lên án VN, cho rằng vụ việc không thể chấp nhận, không thể khoan nhượng, trục xuất ít nhất một nhân viên của Toà Đại sứ vì ông này trong lúc xảy ra sự vụ đã có mặt ở hiện trường, nơi khách sạn mà TXT lúc đó đang tạm thuê. Tiếp theo, Đức kiểm định những biện pháp trừng phạt về quan hệ ngoại giao, kinh tế và hợp tác viện trợ. Phía VN vẫn im lặng về những sự kiện trên. 
Câu hỏi là nếu TXT thực sự đầu thú và êm ả như thế sao VN không tổ chức cho TXT họp báo công khai như thông lệ có phóng viên quốc tế tham dự để TXT nói giữa thanh thiên bạch nhật thì có phải là vấn đề được giải đáp nhẹ nhàng thoả đáng không?!
Theo quán tính từng được biết đến của người Đức, có thể khẳng định thêm được rằng khi họ đã nói thì họ đã có chứng cứ cụ thể, cần thiết đến đâu thì họ sẽ đưa ra tới đó, còn nếu chưa cần thì họ chỉ tuyên bố bằng lời nói và hành động.
Việc VN đơn phương đưa mật vụ sang Đức dùng vũ lực bắt cóc TXT rõ ràng là hành động bạo lực và xâm phạm chủ quyền lãnh thổ nước sở tại – mà ở đây là ở Đức, vi phạm nghiêm trọng Công ước Quốc tế.
Tuy nhiên, có nguồn dư luận cho rằng việc Đức lên án việc bắt cóc, đòi trao trả TXT, và hành động đáp trả, là bao che cho TXT, một nghi phạm biển thủ tài sản quốc gia với số lượng thiệt hại tài chính lớn đang trốn chạy. Trong số cùng ý kiến này có nhiều trí thức trong nước, mà trong đó điển hình là Luật sư Trần Quốc Thuận trong bàn tròn BBC, Luật sư Cù Huy Hà Vũ trên kênh youtube, Luật sư Trần Đình Triển qua bài viết „Thử đôi lời đối thoại với người phát ngôn BNG CHLB Đức“, 
TXT đã là tội phạm?
Trước hết cần phải khẳng định rằng tới lúc này TXT mới chỉ là nghi can hoặc nghi phạm tham nhũng. Luật pháp VN cũng như quốc tế đồng thuận rằng khi chưa được xét xử và chưa tuyên án thì chưa phải là tội phạm. Đức (và nhiều nước pháp quyền khác) còn quy định, thực thi, và chỉ có quyền giam giữ can phạm trong vòng 48 tiếng nếu không đưa ra được bằng chứng để khởi tố. Và cũng vì điều này mà nhiều nghi phạm vẫn sống nhởn nhơ cho đến khi có bằng chứng cụ thể. VN có thể quan niệm „thà bắt lầm hơn bỏ sót“, nhưng Đức ủng hộ quan điểm „thà bỏ sót hơn bắt lầm“, khác là ở chỗ đó!
Khi TXT khai báo sự có mặt của mình và làm đơn xin tỵ nạn ở Đức thì hiển nhiên TXT được bảo vệ bởi luật pháp Đức, dù đơn chưa được cứu xét. Luật pháp Đức có quy định rõ ràng về quyền con người, cho dù bất cứ quốc tịch nào, và nhất là ngay trên lãnh thổ của họ. TXT rơi vào trường hợp này.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề cập việc dẫn độ TXT hồi tháng trước khi dự hội nghị G20 vừa qua, nhưng sở dĩ Đức chưa đáp ứng được nhu cầu của VN vì thủ tục pháp lý. Vì TXT chưa bị tuyên án nên chưa phải là tội phạm, nhưng họ biết rõ TXT là nghi phạm.
Một mặt VN không cụ thể tội phạm, mặt khác thì TXT đã từng thách thức Nhà nước VN với một phiên tòa công khai có giám sát của quốc tế, nhưng VN không (chưa?) đáp ứng được - điều này chắc chắn phía luật sư của TXT ở Đức lấy làm bằng chứng để xin tỵ nạn cho TXT. 
Interpol đã không đưa TXT vào danh sách đỏ cũng có thể hiểu là như thế. Không riêng gì Đức. Cũng không loại trừ khả năng Đức – vì kinh nghiệm quá khứ với VN trong lãnh vực nhân quyền – đòi hỏi từng dữ kiện hồ sơ minh bạch rồi mới giải quyết. Đồng thời luật của Đức không có tử hình và trường hợp TXT bị đe dọa tử hình, và cũng chính vì gúc mắc này mà TXT có thể – trước hết – sẽ được phép tỵ nạn.
(Trả lời riêng LS Triển về một điều mà anh quan tâm: Anh biết không chính xác về luật xin tỵ nạn của Đức, và TXT không tự rời nước Đức mà bị bắt cóc về VN. Tới thời điểm này, với những diễn biến xung quanh thì anh phải tin là TXT không tự đầu thú. Khúc phim „tự thú“ của TXT thì anh phải tự hiểu một cách thông minh hơn).
Chính ra, vì sự đe dọa đến tính mạng, mà có thể đoán trước được, TXT còn có thể khai báo sự đe dọa để Nhà nước Đức phải có bổn phận tìm đủ mọi cách để bảo vệ ông ta. Trường hợp bị bắt cóc này, nếu có khai báo trước sự nguy hiểm, TXT còn có thể kiện Nhà nước Đức vì đã sơ hở để chuyện xấu xảy ra với bản thân và sự sống của mình. Với tình huống này, anh Hiếu Người Buôn Gió và anh Lê Trung Khoa của Thời Báo cũng có thể hưởng ứng điều này, nếu muốn, và Nhà nước Đức không có quyền từ chối vì tính mạng của các anh.
Chúng ta có thể hình dung sự việc khác đi như thế này: Nếu TXT đã bị VN tuyên án và tất cả đã được kiểm chứng theo đòi hỏi của Đức, VN yêu cầu Đức giải quyết dẫn độ TXT về VN thì Đức sẽ yêu sách VN phải bảo đảm đối xử với TXT theo luật pháp của Đức - đặc biệt là không tử hình - vì TXT đã có lưu trú ở Đức. Cũng có thể TXT bị rút quyền tỵ nạn, nhưng Đức vẫn bảo lưu quyền được giám sát đối xử để bảo đảm luật nhân quyền cho TXT khi bị dẫn độ. 
Trong trường hợp nghi ngờ thì họ sẽ không thực hiện dẫn độ, đặc biệt qua áp lực của luật sư bào chữa. Kể cả khi còn trong vòng điều tra, Đức sẽ tạo điều kiện để VN có thể lấy cung TXT ngay tại Đức nếu có yêu cầu. Vẫn phải mở ngoặc ở đây là tùy vào cách ứng xử và sự minh bạch của VN.
Còn những chuyện đồn đoán Nhà nước Đức bao che cho TXT vì thông tin chính trị hay tình báo gì đó là những tin đồn không có cơ sở, vì VN và Đức cho tới lúc chưa xảy ra sự việc có quá khứ quan hệ thân thiện, không thù địch, thì có gì gọi là mật để mà khai thác ở TXT?! Mà nếu có có đi nữa thì thời gian gần một năm trôi qua không đủ để khai thác hay sao?!
Hoàn toàn không có chuyện Nhà nước Đức bao che cho TXT, mà có thể khẳng định rằng Đức là nhà nước pháp quyền, che chở quyền sống cho TXT, theo luật pháp của Đức và Công pháp Quốc tế. Điều này là thực tế.
Đ.P. 
Tài liệu tham khảo:
- VN đưa tin TXT đã về VN và ra đầu thú:
- Đức công khai hoá vụ bắt cóc TXT:
- Đức tuyên bố đáp trả:
- Đức kiểm định trừng phạt:
- Bàn tròn BBC:
- Cù Huy Hà Vũ nói về Trịnh Xuân Thanh
- Trần Đình Triển: Thử đôi lời đối thoại với người phát ngôn BNG CHLB Đức
Tác giả gửi BVN 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.