Nỗi buồn đại học
bauxitevnSun 8:00 AM
Văn Giá
Đạt điểm tuyệt đối mà vẫn trượt vào đại học!
Trường nào mà ghê thế?
Dạ, an ninh!
Thế trường an ninh cao hơn cả trường y, bách khoa ư? Còn trường sư phạm thì sao?
Riêng khối trường sư phạm thì... tủi lắm. Có trường thí sinh đạt 12,75 điểm, bằng đúng điểm sàn cũng đỗ. Trong khi đó, 30 điểm vẫn không có cơ hội vào khối trường an ninh, giời ạ!
Liệu có phải các trường an ninh đòi hỏi thí sinh đầu vào phải là những bộ óc ưu tú nhất của đất nước hay không? Nếu đúng phải như thế thì thử hỏi các trường sư phạm, y dược, bách khoa và vô số các trường khác không cần những bộ óc ưu tú nhất hay sao?
Tôi có một thằng cháu, năm ấy, dễ cách đây đến già chục năm rồi, nó thi hai trường cùng lúc: ĐH cảnh sát và ĐH bách khoa, nó đỗ cả hai, điểm cao vói. Hỏi nó đi trường nào? Nó và bố mẹ nó chúng khẩu đồng từ “vào trường cảnh sát”. Lý lẽ của bố mẹ nó cho rằng vào đấy không phải mất học phí, cơm ăn áo mặc nhà nước lo, khi ra trường có công ăn việc làm ngay, mà lại “tốt ăn”… Thì một nhà thuộc diện hộ nghèo như vợ chồng em tôi, thấy có sự ưu tiên ưu đãi như vậy còn băn khoăn gì nữa. Còn ý của cháu? – Tôi hỏi. Nó liền trả lời rằng cháu vào trường này để bố mẹ đỡ tiền nuôi cháu… Thì ra là thế. Đối với việc chọn nghề của cháu tôi, chẳng phải theo ý thích, hoặc chí hướng ghê gớm gì. Đơn giản vậy thôi. Con nhà nghèo, thi vào chỗ nào mà nó cho ăn cho mặc, không phải mất tiền, hay nói chính xác hơn là mất ít tiền là tốt rồi. Tôi im lặng. Tiền nong không có để cho cháu, thì mọi lời khuyên phỏng có ích gì? Tôi cứ tiêng tiếc cho nó, nếu nó vào bách khoa, chắc chắn nó sẽ là một kỹ sư giỏi, và có thể còn cao hơn thế.
Suốt từ năm cháu tôi thi đỗ vào trường cảnh sát cho đến bây giờ, đối với trường này, điểm đầu vào vẫn cao vời vợi.
Tại sao những đứa trẻ ưu tú nhất của đất nước này cứ đổ xô vào trường an ninh/ cảnh sát nhỉ? Có phải chúng khao khát vào đấy để trở thành những nhà khoa học về hình sự, khoa học về tội phạm, khoa học về công nghệ an ninh… hay không? Hay đơn giản chúng chỉ mong có được một cái nghề có quyền lực trong tay mà các nghề khác không có được? Và từ đó chúng dễ kiếm chác hơn, cuộc sống dễ khấm khá hơn? Có phải mơ ước của chúng chỉ cao có đến thế thôi? Hay đơn giản, như cái thằng cháu tôi, do nghèo mà vào chứ cũng chẳng phải nghĩ ngợi sâu xa gì?
Nếu bảo chỉ một số trường hợp thì không nói lên điều gì, đằng này, nó đã trở thành một xu hướng, những đứa giỏi nhất chỉ có thích vào an ninh cảnh sát. Một xu hướng mang tính xã hội học như vậy thì là chuyện không bình thường. Tôi không dám nói phần lớn, nhưng chắc chắn nhiều bậc phụ huynh, nhiều con em chúng ta đang nhìn ngành này theo hướng thực dụng nhất, nơi mà trong một xã hội thời loạn, những người nắm trong tay quyền lực công quyền là dễ vinh thân phì gia nhất.
Trong khi đó, nhìn sang bên sư phạm, nơi đào tạo các thầy cô giáo. Theo một logic thông thường nhất, với ngành này phải là những thí sinh giỏi. Đầu vào giỏi. Học hành giỏi. Sau này ra trường mới hy vọng làm thầy giỏi. Nhưng đáng buồn thay, điểm vào sư phạm lâu nay, ở những trường nổi tiếng vẫn chỉ thuộc tốp trung bình khá, còn các trường khác, thì ôi thôi, lấy vơ lấy vét, như năm nay, chưa đầy 13 điểm cũng đỗ. Thử hỏi, với một chất lượng đầu vào như vậy, thầy cô làm sao có thể thổi từ một con gà còi sau 4 năm thành con công được?
Nhà nghiên cứu văn hóa người Mỹ gốc Trung Quốc Lâm Ngữ Đường, có nói đâu đó đại ý rằng: Tôi mơ ước đến một ngày nào đó sẽ nhìn thấy một viên cảnh sát và một người lái xe đang đứng bên đường trò chuyện về đàn chim nhạn đang bay về phía cuối trời…
Một mơ ước thật lãng mạn. Nhưng nếu ở một đất nước văn minh, cuộc sống thanh bình, thượng tôn pháp luật, con người hiền hòa, chắc chắn khung cảnh ấy không phải là không có.
Và đến khi ấy, chắc là khối các trường an ninh sẽ có thể không tuyển được thí sinh. Bởi một xã hội tốt đẹp đâu cần nhiều an ninh, cảnh sát?
Trong khi đó, hiện nay, hệ thống các trường an ninh ở ta từ cấp đại học, cao đẳng, trung cấp cứ gọi là như nấm sau mưa.
Và việc thi cử vào đó vẫn cứ ngày càng khốc liệt!
Hà Nội, 3/8/2017
V.G.
Nguồn: FB Văn Giá Ngô
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.