'Không thể dựa vào liên kết quyền lực mà vi phạm pháp luật'
bauxitevn9:56 AM
TS Lê Đăng Doanh hy vọng tình hình ngân hàng trong thời gian sắp tới sẽ ổn định hơn. GETTY IMAGES
Một chuyên gia về quản lý kinh tế bình luận với BBC sớm hay muộn, câu hỏi về trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về những sai phạm trong hệ thống ngân hàng cũng sẽ được đặt ra.
Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng những lãnh đạo ngân hàng hiện nay đã rút ra được bài học rằng không thể chỉ dựa vào liên kết với cán bộ cao cấp trong bộ máy quyền lực mà vi phạm pháp luật.
Gần đây, nhiều vị cựu lãnh đạo các ngân hàng bị bắt giữ hay đưa ra xét xử, như các vụ ông Phạm Công Danh - cựu lãnh đạo Ngân hàng Xây dựng, ông Trầm Bê - cựu lãnh đạo Sacombank, Hà Văn Thắm và đồng phạm của Oceanbank...
TS Lê Đăng Doanh
Liên kết trong bộ máy quyền lực
Bình luận về thực trạng của một số vụ án trong ngành ngân hàng, TS Lê Đăng Doanh nói với BBC từ Hà Nội:
"Hệ thống ngân hàng Việt Nam là một hệ thống phát triển rất nhanh trong thời gian vừa qua. Để có thể hoạt động tốt, một số lãnh đạo ngân hàng đã liên kết với các cán bộ cấp rất cao trong bộ máy quyền lực.
"Họ nghĩ là với những liên kết như vậy, họ có thể bước lên trên các quy định pháp luật để phục vụ lợi ích nhóm.
"Điều đó có thể thực hiện được khi nhân vật đó còn nắm quyền lực trong tay. Nhưng khi người đó không còn ở vị trí quyền lực nữa thì những sếp ngân hàng đấy, dù còn làm việc hay nghỉ hưu, có thể phải đối mặt với những cáo trạng về pháp luật.
"Đó là thực trạng của một số vụ án chúng ta thấy như hiện nay, ví dụ như vụ ông Trầm Bê. Đã có tin đồn từ 4, 5 năm nay là ông Trầm Bê bị bắt, nhưng mãi đến gần đây, do tiến triển của điều tra và quyết tâm của lãnh đạo thì ông Bê mới bị bắt".
Sau khi xuất hiện một số tin đồn 'bất lợi' về ông Trần Bắc Hà, cựu Chủ tịch Hội đông Quản trị Ngân hàng BIDV, giá cổ phiếu ngân hàng BIDV sụt giảm rất mạnh trong phiên giao dịch ngày 9/8 mặc dù Tổng cục Cảnh sát đã bãi bỏ tin ông Hà bị bắt, truyền thông trong nước đưa tin.
Bình luận về hiện tượng này, TS Lê Đăng Doanh nói với BBC tin đồn đó dẫn đến việc một số nhà đầu tư lo ngại.
"Họ [nhà đầu tư] bán cổ phiếu ra gây giảm giá cổ phiếu nặng nề. Những biến động như vậy cũng thường xảy ra ở những nền kinh tế khác. Đó là giá phải trả cho những biến động và thiếu an toàn trong hệ thống ngân hàng hiện nay".
Trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. HOANG DINH NAM
Bài học cho lãnh đạo ngân hàng hiện nay
Theo TS Lê Đăng Doanh, những sai phạm của hệ thống ngân hàng gần đây được đưa ra khá rầm rộ.
"Có tới hơn 100 vụ được khởi tố với hàng trăm nhân vật trong hệ thống ngân hàng đã và sẽ bị điều tra hay bị bắt.
"Đến một lúc nào đấy, người ta sẽ đặt câu hỏi trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước là như thế nào. Trách nhiệm đó gồm trách nhiệm tinh thần, hành chính, tài chính và hình sự. Trong thời gian sắp tới đây, sớm hay muộn, vấn đề [quy trách nhiệm] này sẽ được quyết định.
Trả lời câu hỏi của BBC về bài học mà các lãnh đạo ngân hàng hiện nay có thể rút ra sau những sai phạm trong ngành ngân hàng, TS Doanh nói:
"Những người lãnh đạo ngân hàng hiện nay đã học được những bài học kinh nghiệm là không thể chỉ dựa vào mối quan hệ quen biết với một số người có quyền lực mà có thể hành động vi phạm pháp luật. Vì việc đó có thể sẽ bị trả giá rất là đắt.
Ông cho biết hệ thống ngân hàng Việt Nam đã có sự điều chỉnh. "Chẳng hạn ngân hàng nhà nước trước đây đã mua lại một số ngân hàng với giá 0 đồng, hay nỗ lực sáp nhập ngân hàng, hay kiểm tra và đặt một số ngân hàng dưới sự giám sát đặc biệt.
"Ông thống đốc ngân hàng nhà nước mới được bổ nhiệm đã có những chính sách rất thận trọng trong việc xử lý tỷ giá, lãi suất, tín dụng."
"Tôi hy vọng tình hình ngân hàng trong thời gian sắp tới sẽ được ổn định hơn," TS Lê Đăng Doanh nói.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.