Thứ Hai, 21 tháng 8, 2017

Hitler: sản phẩm của dân chủ hay của bạo lực và những người tốt im lặng?

Hitler: sản phẩm của dân chủ hay của bạo lực và những người tốt im lặng?

bauxitevn8:00 AM

Nguyễn Quốc Tấn Trung
…Đảng Cộng sản tuyên bố công khai rằng, họ thà nhìn thấy Đảng Quốc xã cầm quyền còn hơn là nhấc một móng tay lên để cứu rỗi nền cộng hòa của giai cấp tư sản…
…Không quá thành công trong việc tìm phiếu bầu bằng con đường chính thống, phe Quốc xã bắt đầu chuyển sang sử dụng công cụ của người anh em cùng cha khác mẹ (Đảng Cộng sản) - khủng bố và bạo lực nhân danh chính nghĩa…
…con đường đưa Hitler trở thành người nắm quyền lực tối cao của nước Đức chưa bao giờ là câu chuyện của dân chủ. Những người tốt im lặng và những công cụ bạo lực nhân danh chính nghĩa mới thật sự là thứ khiến cho lịch sử nước Đức bước vào thời kỳ đen tối này dưới lá cờ của chủ nghĩa phát xít…
clip_image002
Cơn gió nào đã đẩy Hitler lên cao? Ảnh: AP.
Ngày 24 tháng 3 năm 1933.
Toà nhà Quốc hội Đức ngập tràn cờ phướn của Đảng Quốc xã. Các nhân viên của Đảng Quốc xã súng ống đầy mình có mặt khắp nơi. Bên ngoài toà nhà, một đám đông quần chúng đang gào thét. Họ muốn Quốc hội phải thông qua một đạo luật trao quyền lực tuyệt đối “tạm thời” cho một nhân vật đang lên: Adolf Hitler.
Hôm đó, Hitler ra về với một thanh thượng phương bảo kiếm trong tay.
Hơn một năm sau, vào tháng 8 năm 1934, ông tự xưng là “lãnh tụ” của nước Đức, mở ra một trong những chương đen tối nhất không chỉ của nước Đức mà còn của cả nhân loại.
Những nhóm phản đối dân chủ hay chí ít là phê phán, nghi ngờ các chế định dân chủ luôn dùng Adolf Hitler như một ví dụ kinh điển cho khả năng thất bại và nguy cơ dân túy của những quốc gia dân chủ.
Khi Donald Trump được bầu trở thành Tổng thống Mỹ thứ 45 hồi năm ngoái, mối lo ngại này càng trở nên sâu sắc hơn. Nhiều tác giả bi quan cho rằng thể chế cộng hòa và các định chế dân chủ mẫu mực sẽ không thể cứu họ thoát khỏi thảm hoạ này.
Nhưng liệu đó có là sự thật? Liệu dân chủ có phải là nguyên nhân khiến Hitler trỗi dậy ở Đức? Bài viết này sẽ phân tích rõ rằng bằng cách này hay cách khác, dân chủ đã luôn là bức tường chắn Hitler đến với quyền lực tối cao.

Đêm trước Phát xít: Tâm thế dân chủ của người Đức thoái trào trước chủ nghĩa cực đoan và những lời kêu gọi bạo lực

Trước khi Hitler được trao quyền lực tuyệt đối ở Đức, nền tảng dân chủ thật sự không quá mạnh trước các luồng tư tưởng cực đoan từ nhiều phía.
Đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) là một trong những lực lượng chính trị đáng kể nhất trong lịch sử Đức thời hậu Thế chiến thứ Nhất. Tuy là một đảng thiên tả và từng gắn các tư tưởng của mình với chủ nghĩa Marx, họ luôn muốn sử dụng các biện pháp chính trị hợp hiến và dân chủ.
Vì lý do này, vào năm 1918, sau khi Đế chế Đức sụp đổ, Đảng Dân chủ Xã hội đã từ chối lời kêu gọi thực hiện một cuộc cách mạng bạo lực của “giai cấp vô sản” để lật đổ “tàn dư” của chế độ cũ, do các nhóm cực tả Marxist phát động.
Thay vào đó, Đảng Dân chủ Xã hội tin tưởng rằng một cuộc tổng tuyển cử cùng một quốc hội dân bầu mới là cách tốt nhất để nhìn thấy được nguyện vọng của người dân Đức. Nền cộng hòa Weimar nhờ đó hình thành với bản chất dân chủ, dân quyền truyền thống. Đảng Dân chủ Xã hội xem họ là những người sáng lập ra nền cộng hòa, nhưng cũng vì vậy mà họ trở thành cái gai trong mắt các phe cánh tả Marxist còn lại.
clip_image004
Hình ảnh một chiến dịch vận động tranh cử trong thời kỳ cộng Hòa Weimar, năm 1924. Ảnh: Alamy.
Các nhóm cộng sản (mà lớn mạnh nhất là Đảng Cộng sản Đức - KPD) lên án Đảng Dân chủ Xã hội là bọn phản quốc, những kẻ chống lại giai cấp vô sản. Họ nhanh chóng trở thành lực lượng đối lập quan trọng của Đảng Dân chủ Xã hội.
Họ tuyên bố mình là nhóm đại diện độc quyền của các giá trị Marxist, là giai cấp tiên phong thật sự của giai cấp vô sản. Trong suốt 14 năm của nền cộng hòa Weimar, chưa bao giờ những nhóm này từ bỏ tâm thế vũ trang cực đoan. Họ thường xuyên đưa ra những lời hiệu triệu giai cấp vô sản nổi dậy bằng bạo lực vũ trang và cáo buộc nền cộng hòa Weimar đã trở thành con rối của giai cấp tư sản. Điều này cũng làm cho nội bộ của Đảng Dân chủ Xã hội phần nào suy yếu.
Trong khi đó, tư tưởng quốc gia xã hội chủ nghĩa (national socialism - Nazis) được Hitler phổ biến thông qua chính đảng của mình - Đảng Công nhân Đức Quốc gia Xã hội Chủ nghĩa (NSDAP, gọi tắt là Đảng Quốc xã).
Tư tưởng này dần được nhóm cử tri trẻ thuộc thế hệ hậu chiến hấp thụ do họ cảm thấy xấu hổ với cái cách mà nước Đức bị chèn ép trong Công ước Versailles 1919 về kết thúc Thế chiến thứ Nhất. Sống trong một môi trường dân chủ nhưng cho rằng chính phủ đương nhiệm đang chấp thuận và tuân thủ một công ước đáng tủi nhục, thế hệ thanh niên Đức nhanh chóng phủ nhận vai trò của chủ nghĩa nhân đạo cấp tiến, chủ nghĩa cấp tiến và mô hình cộng hòa. Họ cho rằng chúng đã lỗi thời và không đủ khả năng cứu rỗi một xã hội Đức mục ruỗng và nhu nhược.
clip_image006
Toàn cảnh lễ ký kết Hiệp ước Versailles 1919, một trong những lý do ngoại quan cho khiến Hitler trỗi dậy. Ảnh: Khan Academy.
Cả Marxism và Nazism đều gây ấn tượng mạnh với tầng lớp cử tri trẻ nước Đức thời bấy giờ với hình ảnh mới mẻ, lời hứa hẹn một trật tự xã hội tập thể, nơi không có đau thương và nghèo đói, trái ngược với hình ảnh người bóc lột người hay bất công thường được gán cho “bản chất” của nền Cộng hòa Weimar.
Trong cuộc đua song mã đó, Nazism của Hitler vượt trội hơn do đánh trúng tâm lý dân tộc trong thời điểm ngày càng nhiều người dân Đức bất bình trước áp lực đè nén của ngoại quốc.
Mặt khác, những lời kêu gọi đấu tranh vũ trang của Đảng Cộng sản Đức dần dà biến môi trường chính trị nước này trở nên bạo lực, tạo điều kiện phát triển cho các nhóm dân quân bán vũ trang của các đảng phái, bao gồm cả các tổ chức khét tiếng như Sturmabteilung (SA) và Schutzstaffel (SS) của Đảng Quốc xã.
Có rất nhiều ví dụ cho kiểu thanh trừng chính trị như xã hội đen xảy ra nhan nhản trong 14 năm của nền cộng hoà Weimar. Tháng 9 năm 1929, Joseph Goebbels, cánh tay mặt của Hitler (sau này trở thành Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền Đức Quốc xã) và nhóm vũ trang của mình bị bao vây ở Neukölln, thành trì của Đảng Cộng sản, và hai bên đọ súng như chiến trường. Đến ngày 14 tháng 1 năm 1930, Horst Wessel, một thủ lĩnh dân quân địa phương có tiếng của SA bị hai thành viên của Đảng Cộng sản ám sát. Năm 1932 thì đến lượt thủ lĩnh Trung ương SA - Axel Schaffeld bị thủ tiêu.
Hai chính đảng có xu hướng xã hội chủ nghĩa do vậy mà không thể đội trời chung.
Bối cảnh bạo lực này tạo ra một tiền đề cực kỳ nguy hiểm: nó giúp biện minh cho các công cụ bạo lực và khủng bố mà Hitler sẽ sử dụng sau này để đàn áp các đảng khác và những người chống đối rồi cuối cùng thâu tóm được toàn bộ quyền lực.

Dân chủ ngăn cản Hitler, các đảng phái chính trị làm ngược lại

Một điểm cần chú ý là, nền dân chủ Đức chưa bao giờ cho Đảng Quốc xã của Hitler một lần nắm đa số ghế trong Quốc hội.
Trong cuộc bầu cử tháng 5 năm 1928, Đảng Quốc xã chỉ giành được 12 ghế, tức 2,6% phiếu bầu. Thời cơ vàng của các đảng cánh tả bắt đầu vào năm 1929, khi sàn chứng khoán phố Wall sụp đổ và thời kỳ Đại khủng hoảng bắt đầu. Lúc này, cả Đảng Quốc xã và phe Cộng sản đều giành thắng lợi bầu cử lớn, nhưng tổng số ghế của cả hai đảng cũng chỉ đạt gần 40%.
Tuy vậy, điều này đủ để buộc các đảng trung lập phải đối thoại với phe phản dân chủ nếu muốn hình thành chính quyền. Đáng tiếc thay, theo sử gia Anh Quốc Alan Bullock ghi nhận lại, Đảng Cộng sản tuyên bố công khai rằng, họ thà nhìn thấy Đảng Quốc xã cầm quyền còn hơn là nhấc một móng tay lên để cứu rỗi nền cộng hòa của giai cấp tư sản.
Không quá thành công trong việc tìm phiếu bầu bằng con đường chính thống, phe Quốc xã bắt đầu chuyển sang sử dụng công cụ của người anh em cùng cha khác mẹ (Đảng Cộng sản) - khủng bố và bạo lực nhân danh chính nghĩa.
Các nhóm “quần chúng nhân dân bất bình” và “chiến sĩ công lý xã hội”, mà thật ra phần nhiều là thành viên SA, bắt đầu diễu hành trên phố, phá rối các cuộc diễn thuyết của các chính trị gia đối lập, ngăn cản các đảng phái chính trị khác họp mặt và khủng bố tinh thần người bất đồng chính kiến nếu cần thiết.
Việc Đảng Cộng sản sử dụng vũ lực nhằm vào các mục tiêu của Quốc xã có vẻ chỉ khiến vấn đề càng thêm trầm trọng, khi bộ phận tuyên truyền dưới trướng Hitler thành công trong việc sử dụng cái chết của những thành viên này để tìm kiếm cảm tình viên mới. Phe chống đối Hitler nhanh chóng được mô tả là những kẻ bạo lực và phản động.
Năm 1932, các chiến dịch của Đảng Quốc xã tỏ ra hiệu quả. Trong cuộc bầu cử vào tháng 6, họ chính thức trở thành chính đảng có nhiều phiếu nhất với gần 14 triệu phiếu bầu (37.3%), nắm giữ 230 ghế trên tổng số 608 ghế, tức đảng phái có quyền bổ nhiệm người cho ghế Chủ tịch Quốc hội.
Ngay sau đó, Hitler ra yêu sách đòi ghế Thủ tướng Đức (Chancellorship) nhưng chỉ được đề nghị ghế phó. Hitler lập tức từ chối và bắt đầu tung ra các chiến dịch mới với kỳ vọng có thể tìm thêm phiếu bầu để tự mình thành lập chính phủ trong kỳ tuyển cử sau đó.
Việc Đảng Quốc xã bắt đầu đầu nắm giữ quyền lực nhà nước, dù chỉ ở một mức độ nhất định, giúp họ thuận lợi hơn trong các chiến dịch thanh trừng của mình.
Đảng Cộng sản Đức, với “thành tựu” bạo lực vũ trang xuất sắc, nhanh chóng bị đặt ra ngoài vòng pháp luật. Đảng Dân chủ Xã hội phải đối chọi với các công cụ truyền thông nhà nước độc quyền mạnh mẽ mà Quốc xã được trang bị (bao gồm cả sóng truyền thanh vừa xuất hiện).
Tuy nhiên, điều này vẫn không đủ tạo ra thẩm quyền tuyệt đối mà Hitler mơ ước. Thậm chí, với những công cụ nhà nước có trong tay, ông vẫn không thể thành lập được một chính phủ đa số trên tinh thần dân chủ sau cuộc bầu cử tháng 3 năm 1933.
Không những thế, Đảng Quốc xã thậm chí còn mất phiếu bầu và chỉ còn được 33% số phiếu. Đảng Dân chủ Xã hội giữ lại gần như toàn bộ cử tri ủng hộ của mình trước đó với 7,2 triệu phiếu (18%). Đảng Center có 5,5 triệu phiếu (14%) và Đảng Cộng sản, dù bị xem là hoạt động bất hợp pháp, vẫn có 4,8 triệu phiếu (12%).
Gần thời điểm này, Quốc tế III (The Communist International - hay còn gọi là Comintern) chính thức lên án mọi đảng phái cánh tả trung lập là social facists, Đảng Cộng sản vì vậy cương quyết từ chối hợp tác với Đảng Dân chủ Xã hội để thành lập liên minh chính trị chống lại Đảng Quốc xã.
clip_image008
Hitler phát biểu trong tòa nhà Quốc hội yêu cầu thông qua Enabling Act năm 1933. Ảnh: Worldfuturefund
Nhận thấy các đảng phái chính trị đối lập rời rạc, không thống nhất và ngày càng cực đoan, trong khi bản thân cũng quá thất vọng với các công cụ dân chủ, Hitler chơi bài ngửa.
Ngày 24 tháng 3 năm 1933, Hitler triệu tập Quốc hội để thông qua Enabling Act - một đạo luật trao cho ông quyền lực độc tài “tạm thời”, với khả năng quyết định và hành động không cần Quốc hội và không quan tâm giới hạn bảo hiến để giải quyết khủng hoảng kinh tế - chính trị trong xã hội Đức hiện tại.
Cờ phướn phát xít tràn ngập tòa nhà Quốc hội. Các thành viên quân sự của Đảng Quốc xã có vũ trang đứng chực chờ trong khán phòng và đám đông “quần chúng nhân dân bất bình” bao vây Quốc hội. Hầu hết các chính đảng trong Quốc hội im lặng trước Hitler và lên tiếng ủng hộ đạo luật.
Enabling Act được thông qua với 441 phiếu thuận và 91 phiếu chống, Hitler chính thức có quyền lực mới, với vòi bạch tuộc kiểm soát các dịch vụ công cộng, chính phủ bang, quyền kiểm soát đời sống kinh tế và chính trị Đức.
Ngay cả đến nước này, Đảng Dân chủ Xã hội vẫn luôn tự an ủi rằng Hitler sẽ không làm gì gây hại đến nền cộng hòa vì họ được bố thí cho quyền tiếp tục giữ ghế trong Quốc hội.
Các đại sứ nước ngoài trấn an rằng Hitler chỉ là phiên bản lỗi của Benito Mussolini ở Ý.
Paul von Hindenburg, tượng đài chính trị của nước Đức, người nhiều lần đánh bại Hitler trong các cuộc bầu cử thủ tướng, không hề chỉ trích hay kêu gọi người dân phản đối chính quyền mới.
Kurt Schumacher, một chính trị gia có uy tín, cho rằng người dân Đức không cần phải lo lắng, rằng Hitler chỉ là con rối của chính quyền mà thôi.
Nhờ không khí thanh bình im lặng này, không lâu sau, người Đức đánh rơi chính phủ của mình vào tay Đảng Quốc xã. Toàn bộ các thể chế của nền cộng hoà dần dần bị Hitler đàn áp và xoá xổ.
Tháng 8 năm 1934, Thủ tướng Adolf Hitler chính thức tự xưng là Fuhrer (lãnh tụ). Quân đội Đức thề trung thành độc nhất với Tổng tư lệnh mới. Những cơ quan nội các cuối cùng của nền cộng hòa Weimar bị Hitler giải thể. Đệ tam Đế chế (Third Reich) của Hitler ra đời. 
***
Con đường đưa Hitler trở thành người nắm quyền lực tối cao của nước Đức chưa bao giờ là câu chuyện của dân chủ. Những người tốt im lặng và những công cụ bạo lực nhân danh chính nghĩa mới thật sự là thứ khiến cho lịch sử nước Đức bước vào thời kỳ đen tối này dưới lá cờ của chủ nghĩa phát xít. Dân chủ đã làm hết sức mình, nó chưa bao giờ có lỗi.
N.Q.T.T.
__________

Tài liệu tham khảo:

Alan Bullock (1991) [1962]. Hitler: A Study in Tyranny. New York; London: Harper Perennial.
Lewis J. Edinger, German Social Democracy and Hitler’s “National Revolution” of 1933: A Study inDemocratic Leadership; World Politics, Vol. 5, No. 3
Philip W. Bennett (2010) Wilhelm Reich’s Early Writings on Work Democracy: A Theoretical Basis for Challenging Fascism Then and Now, Capitalism Nature Socialism.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.