Về Đồng Tâm: vui và lo
bauxitevnWed 6:52 AM
Nguyễn Đình Ấm
“Dân tôi rất uất ức vì cái kết luận thanh tra của thành phố Hà Nội”, họ không điếm xỉa đến sự thật, họ nói bừa. Dân tôi chỉ được vài người đi dự, một người được phát biểu lại không được nói rõ ngọn ngành, bị cắt ngang…”.
Qua bản dự thảo kết luận thanh tra đăng trên báo của thanh tra Hà Nội và những phát biểu của Chủ tịch UBNDTP Hà Nội Nguyễn Đức Chung (NĐC) về vụ tranh chấp cánh đồng Sênh của thôn Hoành xã Đồng Tâm (ĐT) huyện Mỹ Đức - Hà Nội hôm 7/7/2017, chúng tôi không khỏi lo ngại và ngay hôm sau phải về Đồng Tâm xem sự thể ra sao.
Cổng làng Hoành
Nếu đúng như bản dự thảo kết luận và phát biểu của Chủ tịch Nguyễn Đức Chung thì dân Đồng Tâm sai quá! Cả một vùng quê văn hiến với hàng nghìn dân, đủ các lứa tuổi sinh sống, làm lụng bao đời ở đây mà nhầm lẫn hoặc dám tham lam đến 59ha của quốc phòng - gây những hậu quả nghiêm trọng như thế chăng?
Tuy nhiên, khi về đến Đồng Tâm, cứ mỗi thời khắc trôi qua thì nỗi lo của của chúng tôi càng vơi đi và thay vào đó niềm vui nhen nhóm và lớn dần.
Niềm vui
Ngay từ tỉnh lộ 429 rẽ vào ĐT hỏi vào thôn Hoành, khi biết chúng tôi không phải là an ninh, “báo nhà nước” và chỉ là người quan tâm đến sức khỏe cụ Kình, tình hình tranh chấp đất đai ở đây thì họ rất nhiệt tình chỉ dẫn và hầu như không thiếu câu: “Dân tôi rất uất ức vì cái kết luận thanh tra của thành phố Hà Nội”, họ không điếm xỉa đến sự thật, họ nói bừa. Dân tôi chỉ được vài người đi dự, một người được phát biểu lại không được nói rõ ngọn ngành, bị cắt ngang…”.
Bản đồ khu vực sân bay dự kiến và khu đồng Sênh
10h30, thôn Hoành vốn đông đúc mà im ắng. Phần lớn trai tráng đều đi buôn bán, làm ăn xa, người già, trẻ nhỏ đi làm đồng chưa về… Mọi người nhìn chúng tôi với con mắt tò mò, cảnh giác nhưng khi được chỉ vào nhà cụ Kình thì không biết người ở đâu kéo đến khá đông, tranh nhau giãi bầy về cánh đồng Sênh từ lâu là mảnh đất nuôi sống dân làng… Họ kể rất nhiều chuyện gắn bó với cánh đồng từ khi Nhà nước chưa có ý định làm sân bay và cả mãi sau khi đã có quy hoạch sân bay của Nhà nước…
Cụ Kình phải cần người đỡ, cố gắng lắm mới ngồi dậy, tay đỡ đùi xoay mông ra bắt tay khách. Tuy bị gẫy đoạn xương đùi phải nẹp và khóa đinh, xương chậu bị rạn nhưng cụ vẫn rất minh mẫn đưa ra rất nhiều bằng chứng cánh đồng Sênh 59ha chưa bao giờ là thuộc đất quân đội.
Đặc biệt, Quyết định 113 ngày 14/4/1980 của Nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười ký, có nhiều chi tiết chứng tỏ cánh đồng Sênh không nằm trong số đất bị thu hồi làm sân bay đợt 1. (Hôm trước Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 3 không cho tôi tiếp cận Quyết định 113 là sự bưng bít vô ích). Chỉ một chi tiết thôi cũng bác bỏ hoàn toàn ý kiến của Thanh tra Hà Nội về cái gọi - “cánh đồng Sênh là đất quốc phòng”.
Khi xem thực địa và bản đồ vệ tinh sân bay Miếu Môn với kiến thức cơ bản của tôi về sân bay, có thể khẳng định cánh đồng Sênh cách xa phạm vi sân bay nếu nó hình thành trên thực tế đợt 1. Cánh đồng Sênh nằm liền tỉnh lộ 429 giáp với dãy núi Miếu Môn chệch về phía Tây Nam sân bay khá xa. Chỉ khi nào sân bay này phát triển đợt 2, 3… thì cánh đồng Sênh mới có thể dùng đến. Chính trong Quyết định 113 cũng nói rõ quy hoạch “đợt 1” sân bay Miếu Môn. Riêng 47,6ha của xã Đồng Tâm liền kề với 59ha của cánh đồng Sênh nằm trong phạm vi quy hoạch sân bay Miếu Môn giai đoạn 1 là hợp lý. Dù 36 năm qua, sân bay không làm nhưng dân Đồng Tâm vẫn tôn trọng, một số hộ dân vui vẻ làm thuê nộp tô cho bộ đội không có thắc mắc gì.
Bản đồ vệ tinh sân bay Miếu Môn. Nay chỉ để chơi máy bay mô hình thể thao.
Một điều hiển nhiên không thể không tính đến: hàng ngàn dân địa phương già, trẻ, trai, gái… thuộc vùng quê có hàng ngàn năm lịch sử, hiền lành, chất phác, giàu lòng yêu nước, trong các cuộc chiến tranh họ đã đóng góp, hy sinh vô bờ bến; biết bao năm cày cấy trên mảnh đất này mà nay họ nhắm mắt tham lam nhận vơ đất quốc phòng? Gặp rất nhiều người dân từ cán bộ đến thường dân tôi hỏi thì không có ý kiến nào công nhận cánh đồng Sênh là đất quốc phòng và khẳng định dân liên tục trồng cấy bao năm qua. Chỉ từ năm 2012 khi mảnh đất này lọt vào “tầm ngắm” của Vietel, thì chính quyền địa phương mới cấm dân không được canh tác nữa, dẫn đến nhiều diện tích hoang hóa như bây giờ…”.
Tất cả những thông tin, bằng chứng khẳng định dân Đồng Tâm không sai đã làm chúng tôi mừng thầm. Bởi vì, nếu dân Đồng Tâm sai, thì không chỉ già, trẻ, trai, gái, đặc biệt là cụ Kình hơn 80 đời (55 tuổi Đảng), người từng làm lãnh đạo địa phương nhiều năm, từng là huyện ủy viên, thanh liêm, chính trực được bà con kính trọng, tin tưởng… lại hóa trẻ con? Còn chúng tôi và biết bao người ủng hộ dân Đồng Tâm cũng cảm thấy “việt vị” bẽ bàng...
Lo ngại
Mặc dù khẳng định 59ha đất đồng Sênh là đất nông nghiệp không nằm trong khu vực đất Quốc phòng nhưng chúng tôi vẫn rất lo ngại bởi nhiều lẽ.
- Sự quyết tâm lấy 59ha cho Vietel của chính quyền Hà Nội: Qua phát biểu “cứng rắn” coi dân như kẻ tham lam, coi thường pháp luật và hạn chế trình độ của Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung; thái độ quy kết đồng Sênh là đất quốc phòng mà không đưa ra bằng chứng nào cụ thể, khoa học, nhận định vô lý, có dấu hiệu gian trá của Thanh tra Hà Nội chứng tỏ chính quyền quyết tâm đoạt bằng được 59ha cánh đồng Sênh.
- Cánh đồng Sênh quá đẹp về địa hình, địa thế, diện tích,... Khi đến thực địa, chúng tôi thoáng lo ngại vì bên dãy núi Miếu Môn hùng vĩ cánh đồng Sênh là một thung lũng bằng phẳng mênh mông, màu mỡ trải rộng sang phía đông bắc, lại nằm sát tỉnh lộ 429 nối với đường Hồ Chí Minh. Đó là “cái tội” của cánh đồng thời “tấc đất, tấc vàng, Vietel muốn có?
Đường vào Đồng Tâm còn đầy trắc trở
- Có dấu hiệu người Trung Quốc quan tâm tới mảnh đất này: Nhiều người kể với chúng tôi, thời gian qua thường gặp người lạ đi ô tô đến xuống ngắm nghía, vốc đất lên xem rồi gọi thoại bằng tiếng Trung Quốc… Khi hỏi đến làm gì họ lẳng lặng lên ô tô đi. Thời chiến tranh với Mỹ, Trung Quốc đã đào hầm thông vào núi ở đây, trước và sau năm 1979 vẫn có người Trung Quốc hay qua lại, ra vào khu vực. Một lần công an xã đã bắt được người Trung Quốc giả điên tên Thao lang thang lẩn khuất khắp vùng và khu vực Miếu Môn rồi biến mất.
- Dân thôn Hoành mất 59ha niềm hy vọng cuộc sống lẫn tương lai của cả trăm ngàn dân và con cháu họ mãi mãi. Những năm 1960 nhà nước đã lấy hơn 300ha đất của dân Đồng Tâm làm trường bắn; đến năm 1980 lấy thêm 47,6ha làm sân bay nên đất sản xuất còn quá ít, phần lớn dân phải tha phương cầu thực nơi xa. Nếu nay họ cam chịu mất nguồn sống ấy thì chắc được yên ổn nhưng cuộc sống khó khăn, trong lòng sẽ âm ỉ nỗi oan ức, tiếc nối cánh đồng không nguôi. Ngược lại, nếu họ không khuất phục thì cảnh sát vũ trang của thành phố Hà Nội, quân đội có vũ khí, xe cộ hiện đại như lần trước sẽ tìm đến. Hệ quả là không tránh khỏi đổ máu, giam cầm, tù tội...
Rất lo cho Đồng Tâm những ngày mai!
N.Đ.A.
VNTB gửi BVN.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.