Chủ Nhật, 2 tháng 7, 2017

Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc: Các chuyên gia Liên Hiệp Quốc lên án Việt Nam bắt giam blogger nổi tiếng Mẹ Nấm

Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc: Các chuyên gia Liên Hiệp Quốc lên án Việt Nam bắt giam blogger nổi tiếng Mẹ Nấm

bauxitevn7:49 AM

La Hồng dịch
GENEVA (30/6/2017) - Việt Nam phải chấm dứt những hành động dường như đã trở thành công thức chung nhắm tới các nhà bảo vệ môi trường - các chuyên gia nhân quyền của Liên Hiệp Quốc[1] đã lên tiếng mạnh mẽ sau vụ việc một blogger nổi tiếng bị bắt.
Bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, nhà bảo vệ nhân quyền về vấn đề môi trường với tên gọi Mẹ Nấm đã bị đưa ra tòa vì tội tuyên truyền chống Nhà nước, sau khi đã viết các bài trên blog chỉ trích nhà cầm quyền. Bà bị phạt tù 10 năm vào ngày 29 tháng Sáu sau phiên tòa kéo dài một ngày, sau chín tháng bị giam giữ.
Các chuyên gia cho biết: “Đây là một phiên tòa được dàn dựng, nhằm mục đích đe dọa các nhà hoạt động môi trường khác. Việc giam giữ là tùy tiện. Phiên tòa không đáp ứng những tiêu chuẩn quốc tế. Bà đã bị từ chối quyền cơ bản về quá trình tố tụng hợp pháp”.
“Bà không làm gì khác hơn là thúc đẩy nhân quyền thông qua mạng xã hội và bảo vệ môi trường khỏi những tổn hại. Không có quốc gia nào, kể cả Việt Nam, lại có thể xem hành vi này là tội phạm. Mẹ Nấm phải được xóa tội tuyên truyền chống Nhà nước và phải được trả tự do ngay lập tức”.

Bà Quỳnh và một số nhà bảo vệ môi trường khác đã đấu tranh làm nêu bật những thiệt hại gây ra khi nhà máy thép Formosa ở Hà Tĩnh xả chất thải độc hại vào tháng Tư năm 2016. Vụ việc khiến nguồn nước địa phương bị ô nhiễm, làm chết cá và gây thiệt hại môi trường nghiêm trọng cho hệ sinh thái địa phương.
Các chuyên gia cho biết: “Việc kết án Mẹ Nấm và tấn công vào những nhà bảo vệ nhân quyền khác dường như là hành động trả đũa đối với hoạt động nhân quyền hợp pháp của họ nhằm làm thức tỉnh thảm họa Formosa ở Việt Nam”.
“Chúng tôi lo ngại rằng việc trả đũa các nhà bảo vệ môi trường qua việc bắt bớ, giam giữ và sách nhiễu không phải là những vụ việc đơn lẻ, mà là một phần của kế hoạch vi phạm nhân quyền rộng lớn hơn nhắm đến các nhà hoạt động đang nỗ lực giúp đỡ nạn nhân của Formosa.
“Chúng tôi sợ rằng Chính phủ đang ngày càng nhắm đến các blogger và người tổ chức các cuộc biểu tình ôn hòa nhằm ngăn chặn hoạt động hợp pháp liên quan đến quyền công dân và môi trường.
Các chuyên gia bày tỏ lo ngại rằng những yêu cầu trước đó của họ về việc thả bà Quỳnh đã không được lưu tâm, mặc dù họ tin rằng tình trạng tạm giam kéo dài của bà có liên quan đến việc bà thực hiện quyền tự do ngôn luận vì quyền lợi cộng đồng.
Họ nhấn mạnh thêm rằng, tháng trước, một nhóm chuyên gia Liên Hiệp Quốc về vấn đề bắt giữ người tùy tiện đã nhận thấy rằng hành vi bắt giữ bà Quỳnh là tùy tiện, và yêu cầu Chính phủ thả người ngay lập tức kèm theo bồi thường.
Các chuyên gia cho biết: “Bản án này là cực điểm của tám năm sách nhiễu liên tục bà Quỳnh, bao gồm các hành vi thường xuyên cấm xuất cảnh, đe dọa, hành hung và cản trở việc tham gia các cuộc biểu tình ôn hòa”.
Các chuyên gia đã tiếp xúc với Chính phủ Việt Nam về tình trạng này.
__________
[1] Ông John H. Knox, Báo cáo viên đặc biệt về các giao ước nhân quyền liên quan đến việc thụ hưởng một môi trường an toàn, sạch sẽ, lành mạnh và bền vững;
Ông David Kaye, Báo cáo viên đặc biệt về việc thúc đẩy và bảo vệ quyền tự do ngôn luận và biểu đạt;
Ông Michel Forst, Báo cáo viên đặc biệt về tình trạng các nhà bảo vệ nhân quyền;
Ông Baskut Tuncak, Báo cáo viên đặc biệt về các hàm ý nhân quyền liên quan đến việc quản lí và xử lí chất thải và các chất độc hại đối với môi trường;
Ông José Guevara, Chủ tịch của nhóm Báo cáo viên hoạt động về việc bắt giữ người tùy tiện.
Các chuyên gia trên thuộc Nhóm Thủ tục Đặc biệt (Special Procedures) của Hội Đồng Nhân Quyền.
Nhóm Thủ tục Đặc biệt là cơ quan lớn nhất của các chuyên gia độc lập trong Hệ thống Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, là tên gọi chung của các cơ chế tìm kiếm sự thật và kiểm soát độc lập của Hội đồng. Những người được ủy thác ở Nhóm Thủ tục Đặc biệt là những chuyên gia nhân quyền độc lập được chỉ định bởi Hội đồng Nhân quyền để giải quyết các tình huống quốc gia chuyên biệt hay các vấn đề liên quan trên khắp thế giới. Họ không phải là nhân viên Liên Hiệp Quốc và không thuộc bất kì chính phủ hay tổ chức nào. Họ phục vụ dựa trên khả năng cá nhân và không được trả lương.
Dịch giả gửi BVN.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.