QUỐC PHÒNG GẮN VỚI KINH TẾ LÀ Ý NIỆM RẤT HÀM HỒ DỄ BỊ LỢI DỤNG
bauxitevnTue 7:34 AM
Tô Văn Trường
Ở ta dường như thiếu hẳn sự minh triết trong các lý luận, học thuyết nên người ta vẫn hay dùng những khái niệm mù mờ kiểu như “làm chủ tập thể”, “định hướng XHCN”, “kinh tế quốc doanh làm chủ đạo”, “quả đấm thép” … và trong trường hợp này là “kinh tế gắn với quốc phòng”. Khái niệm càng thiếu rõ ràng, thiếu minh bạch thì càng tạo cơ hội cho sự lạm dụng của người có quyền (muốn tùy tiện giải thích thế nào cũng được) và các nhóm lợi ích có cái ô che chắn cho các ý đồ trục lợi.
Ngay sau khi Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Chiêm phát biểu “Quân đội sẽ không làm kinh tế” chứng tỏ hoạt động kinh tế của lực lượng quốc phòng có những vấn đề bất cập cần xem xét một cách nghiêm túc. Có vị tướng lĩnh khác, và ngay cả nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan phản bác ngược lại: “Việc này rõ như ban ngày rồi, việc gì phải bàn. Đảng ta đưa ra quan điểm là quốc phòng gắn với kinh tế, kinh tế với quốc phòng. Điều này đã được đưa vào Văn kiện của Đảng và điều 68 của Hiến pháp năm 2013. Cương lĩnh nêu rõ, kết hợp quốc phòng an ninh với kinh tế trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên từng địa bàn", v.v.
Các ý kiến trái chiều nêu trên chủ yếu tranh luận dựa trên những ý tưởng có tính đường lối chủ trương của Đảng mà chưa có cơ sở luận chứng kinh tế thuyết phục trả lời câu hỏi: Nhiệm vụ của quân đội là bảo vệ Tổ quốc đã rất nặng nề, vậy còn làm kinh tế liệu có cạnh tranh nổi với các doanh nghiệp thuần túy trong nền kinh tế thị trường dù là thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa? Ở hầu hết các quốc gia, quân đội không có nhiệm vụ làm kinh tế, kể cả ở Trung Quốc, quân đội đã từng làm kinh tế nhưng đã phải bãi bỏ vì hại nhiều hơn lợi, gây ra tham nhũng khó ngăn chặn làm mất sức chiến đấu và nhiều hệ lụy khác khó lường trước, nếu có chiến tranh.
Dưới góc độ lý luận và thực tiễn thì văn kiện hay nghị quyết của Đảng là sản phẩm chủ quan cho nên có thể đúng ở thời kỳ này (thời chiến mọi lực lượng dồn hết cho chiến trường nên không có cạnh tranh) nhưng vẫn phải xem xét điều chỉnh lại, nếu yêu cầu thực tế của cuộc sống đã đổi khác (điều kiện hòa bình đòi hỏi sản xuất và làm kinh tế phải chuyên nghiệp có thị trường cạnh tranh).
Về mặt thuật ngữ, nói kinh tế gắn với quốc phòng, quốc phòng gắn với kinh tế là ý niệm rất hàm hồ, dễ bị lợi dụng gây bất bình đẳng và khó kiểm toán, giám sát.
“Kinh tế gắn với quốc phòng” là trong phạm vi một quốc gia, và nước nào mà chả thế, chứ không phải là nguyên lý dành riêng cho quân đội. Quân đội được ngân sách nuôi và chức năng cơ bản là “nâng cao sức mạnh chiến đấu và bảo vệ tổ quốc”. Việc kinh doanh kiếm lợi nhuận là việc của các thành phần kinh tế và chịu sự điều chỉnh của luật pháp và cạnh tranh bình đẳng trong một nền kinh tế thị trường. Các ưu đãi của nhà nước đối với khu vực kinh tế quốc doanh thời nay đã không tạo ra bình đẳng giữa các lực lượng kinh tế. Việc quân đội tham gia kinh doanh (cũng với rất nhiều đặc ân và “bí mật”…) càng làm cho môi trường kinh doanh méo mó thêm. Thực chất là có một hoặc nhiều nhóm lợi ích trong quân đội đang trục lợi từ nền kinh tế dưới một cái vỏ bọc là khái niệm mù mờ “kinh tế gắn với quốc phòng”.
Quân đội có thể phát triển một số ngành phục vụ chiến đấu như công nghiệp quốc phòng, hậu cần,… để phục vụ quân đội – mà vì nhiều lý do các thành phần kinh tế khác không cung cấp được. Quân đội được phân bổ ngân sách để đầu tư làm những việc này phục vụ cho nhu cầu “sẵn sàng chiến đấu” nhưng không phải là để kinh doanh kiếm lời.
Tôi mới đọc bài báo trên VN express, rất nhiều kinh doanh của quân đội chẳng liên quan gì đến quốc phòng:
Nhận thức chung
Trước hết, phải khẳng định chức năng nhiệm vụ chủ yếu của lực lượng vũ trang, nước nào cũng thế thôi, là bảo vệ an ninh trật tự và chủ quyền lãnh thổ đất nước. Ông cha ta ngày xưa nói “ngụ binh ư nông" thì nên hiểu ý người xưa là quân đội gắn bó với nhân dân, khi đó chủ yếu là nông dân. Cũng có ý nữa là nền kinh tế chủ yếu tự cấp, tự túc thì việc bảo đảm hậu cần tại chỗ là rất quan trọng.
Khái niệm " làm kinh tế” chỉ có trong nền kinh tế thị trường. Bởi vậy sẽ sai lầm khi viện dẫn câu của người xưa "ngụ binh ư nông " để biện minh cho quan điểm "quân đội phải làm kinh tế”.
Tất nhiên, cũng như các nước, lực lượng vũ trang có thể và cần phải tham gia vào hai lĩnh vực. Một là nghiên cứu sản xuất các phương tiện trang thiết bị quốc phòng hoặc những vật phẩm đặc thù cho quân đội. Hai là thực hiện những công trình mà dân sự không làm được hoặc không được làm như các công trình phòng thủ quốc gia, công trình cần giữ bí mật, các công trình ở biên giới, hải đảo, v.v.
Người bạn là sỹ quan quân đội có nhận xét rất chí lý: “Quân đội phải tập trung cao độ cho việc tinh nhuệ, thiện chiến chứ không thể chỉ mới tập thôi máy bay đã rơi, rơi đàng đông, cứu đàng tây... Nghe ông tướng Chiêm tuyên bố quân đội thôi làm kinh tế, nhiều người đã thấy nhẹ lòng. Hoá ra, các tướng khác nói khác. Cả cái ông giáo sư chính trị không biết gì cũng cứ nói đại. Chẳng có thế lực thù địch nào cả trong chuyện này. Chỉ là lòng mong muốn có quân đội chính quy, hiện đại, tinh nhuệ, trung với nước, hiếu với dân. Nếu có thế lực nào thù địch thì đó là thế lực muốn quân đội yếu đi bằng cách cho đi làm sân golf, làm xây dựng, buôn bán trốn thuế, phân chia giàu nghèo, tầng lớp trong quân đội”.
Từ đó, có thể thấy nên đặt vấn đề là khai thác thế mạnh của lực lượng vũ trang tham gia phát triển kinh tế đất nước, chứ không nên đặt vấn đề bắt buộc lực lượng vũ trang phải tham gia hoạt động kinh tế, kẻo lợi bất cập hại, làm suy giảm sức chiến đấu và uy tín của lực lượng vũ trang.
Quốc phòng gắn với kinh tế không đồng nghĩa với quân đội làm kinh tế
Một thực tế rõ ràng là quân đội đang lạm dụng quân dụng để làm kinh tế trong các lĩnh vực xây dựng, thương mại, dịch vụ và hình thành các tầng lớp, các nhóm, phe phái trong quân đội. Quân đội làm kinh tế chỉ có lợi cho một số tối thiểu. Còn đa số cán bộ, chiến sỹ không có lợi lộc gì từ việc này và vì thế mà họ cũng không ủng hộ. Trong khi đó, sức chiến đấu của quân đội có những điểm quan trọng cần xem lại.
Xã hội có tiêu cực gì, quân đội có hết. Những tai nạn máy bay hiện đại rơi, cứu hộ rất kém là dấu hiệu báo động về khả năng chiến đấu của quân đội.
Đảng và Nhà nước đang đau đầu “chống tham nhũng” vì cái gốc là thể chế Nhà nước ta được thiết kế trên cơ sở “đặc thù”, duy ý chí, không khoa học - phổ quát thì càng “chống” càng bí. Nay một lực lượng quân đội làm kinh tế có tính “đặc thù của đặc thù” thì ai tài gì mà khống chế được “Con ngựa hoang Tư bản” khoác màu “Chiến mã”. Trường hợp đất sân golf Tân Sơn Nhất, sân bay Miếu Môn là điển hình của đặc thù đó! Còn bao bất cập khác quanh vấn đề phân chia lợi ích, nó sẽ “bào mòn” niềm tin của dân đối với quân đội vốn là thế trội của Quân đội nhân dân Việt Nam ta xưa nay, bào mòn sức chiến đấu nội tại trong quân đội nói chung mà Tập Cân Bình đã thấy và chờ đủ “lực” mới ra “thế võ” như mới làm năm rồi là cấm quân đội làm kinh tế. Nhưng ở ta mới chỉ là bản nhạc dạo đầu, Bí thư Quân ủy TW (Nguyễn Phú Trọng) đang cầm chiếc gậy chỉ huy chống tham nhũng, xem ra còn rất nhiều khó khăn trở ngại trong thể chế hiện nay.
Quân đội làm kinh tế ở một số nước như thế nào?
Chữ làm kinh tế, có thể hiểu là làm thương mại, sản xuất kiếm tiền cho quân đội và nuôi kinh tế. Có thể nó thành công như ở Nga trong lĩnh vực quân sự nhưng không đóng góp được gì cho công nghệ dân dụng và nền kinh tế.
Trung Quốc từ năm ngoái (2016) mới quyết định chính thức chấm dứt hoạt động thương mại của quân đội trong vòng 3 năm, bởi vì nó có sẵn nguồn vốn, sử dụng đất đai quốc phòng không bị tính thuế, nguy hại hơn nó là nguyên nhân gây tham nhũng, suy thoái đạo đức lãnh đạo quân đội:
Ngay cả ở Mỹ cũng thế, NASA tham gia chương trình khám phá không gian do nhà nước bỏ tiền, chứ không tạo ra lãi. Tất nhiên các khám phá của nó, có lợi cho doanh nghiệp sau này.
Ở Mỹ, để phát triển kinh tế của đất nước, cho dù là công nghệ võ khí cũng phải thông qua hợp đồng với công ty tư nhân và được kiểm soát chặt chẽ về an ninh từ thuê người, liên lạc với nước ngoài, cho đến bán vũ khí và công nghệ.
Ở Mỹ không có công ty quốc doanh sản xuất võ khí nên có thể nói là khác hẳn Việt Nam và Trung Quốc. Họ có cái gọi là military contractors, là các công ty tư nhân có hợp đồng với quân đội để nghiên cứu và sản xuất võ khí. Các công ty quan trọng là: Lockeed-Martin, Eads, Northrop Grumman, BAE Systems, United Technology, Raytheon, General Dynamics, L-3 Communications, Technology. Các công ty này làm máy bay, điện tử, đầu máy, vũ khí, hỏa tiễn, xe tăng, tàu chiến, kỹ nghệ không gian. Mọi hợp đồng của các công ty này với nước ngoài đều phải được Chính phủ và Quốc hội thông qua.
Mọi công nhân làm việc ở các công ty này phải được security clearance tức là được các cơ quan an ninh của Mỹ như FBI (cảnh sát liên bang) điều tra và đóng dấu là không có liên quan gì nguy hại đến an ninh quốc gia.
Mọi công dân ở các công ty này khi tới một nước nào nằm trong danh sách có tiềm năng nguy hại đến an ninh quốc gia đều phải xin phép, và khi trở về đều phải được FBI phỏng vấn về các việc làm.
Cái gọi là military contractors, vì là các công ty làm võ khí cho quân đội nên họ có ảnh hưởng quan trọng đến chính sách ngoại giao của Mỹ. Chính vì thế sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, và sau khi hoàn thành nhiệm vụ, Tổng thống Mỹ Eisenhower đã phải nói là cần cảnh giác với cái gọi là Military Industrial Complex đã hình thành ở Mỹ. Ông ấy sợ rằng chính sách của Mỹ sẽ bị mấy tay đầu nậu này “xỏ mũi” (We must guard against the acquisition of unwarranted influence, whether sought or unsought, by the military–industrial complex). Nhưng chuyện đó không xảy ra vì các cơ chế về luật pháp ở Mỹ kiểm soát rất chặt chẽ.
Quân đội ta từ nhân dân mà ra luôn được dân bao bọc, quý trọng nhưng nhiều sự vụ làm ảnh hưởng lớn đến uy tín của quân đội như sân golf, nhà hàng ở Tân Sơn Nhất, tranh chấp đất đai ở xã Đồng Tâm, v.v.
Về vụ Đồng Tâm, ông Nguyễn Đức Chung Chủ tịch TP. Hà Nội khẳng định phải thượng tôn pháp luật, lấy pháp luật làm trọng là rất chuẩn xác nhưng xin hỏi khi công bố bản dự thảo kết luận thanh tra đất đai ở Đồng Tâm (không bàn về nét mặt, giọng nói nghiêm khắc, khác hẳn hôm xuống xã Đồng Tâm đối thoại với dân), đây có phải là việc làm trái luật không? vì dự thảo kết luận thanh tra là tài liệu nằm trong danh mục bí mật nhà nước. Chính quyền Hà Nội và cơ quan thanh tra, đừng quên rằng:
Theo Luật Đất đai năm 2003:
Khái niệm về đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh đã được quy định ngày càng chặt chẽ hơn trên nguyên tắc:
(1) Mục đích quốc phòng, an ninh phải được xác định “thuần túy” gắn với nhiệm vụ bảo vệ đất nước;
(2) Mọi diện tích đất do các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang sử dụng vào mục đích làm kinh tế hoặc quốc phòng, an ninh kết hợp làm kinh tế đều không được coi là đất quốc phòng, an ninh.
(3) Ngay cả trường hợp đất bỏ hoang hàng mấy chục năm, dân đã vào sản xuất ổn định, thì còn gọi là đất quốc phòng nữa không?
Lời kết
Quốc phòng gắn với kinh tế, kinh tế với quốc phòng là một quan niệm là chính sách và chủ trương phù hợp với hoàn cảnh thời chiến, còn trong nền kinh tế thị trường có cạnh tranh không thể có lãi mà còn làm giảm sút khả năng chiến đấu của quân đội. Nhưng trong mọi trường hợp nó hoàn toàn không tương đương với "quân đội làm kinh tế", hoặc "ngụ binh ư nông".
Trong giai đoạn hiện nay, quân đội nên làm các hoạt động kinh tế công ích và nghiên cứu các lĩnh vực phục vụ trực tiếp quốc phòng và gián tiếp phục vụ dân sinh. Nhưng cần cấm hẳn các doanh nghiệp Quốc phòng đầu tư vào các hoạt động thương mại như khách sạn, ngân hàng, địa ốc..., và kể cả sản xuất điện thoại.
Để bảo đảm tính cạnh tranh bình đẳng trong cơ chế thị trường định hướng XHCN các đơn vị làm kinh tế của quân đội cũng phải được cổ phần hóa và thực hiện mọi chính sách nghĩa vụ theo luật doanh nghiệp.
T.V.T.
Tác giả gửi BVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.