Quan sát cuộc bầu cử ở Pháp 2017:
bauxitevnFri 2:34 PM
DÂN NÀO THÌ QUỐC HỘI ẤY
Phan Bá Phúc
Trong khi ở Việt Nam còn tranh luận xem Quốc hội đang thật sự đại diện cho ai thì ở Pháp cử tri là người có quyền quyết định thành phần Quốc hội bằng lá phiếu của họ, để chính họ quyết định vận mệnh của quốc gia, trong đó có vận mệnh của họ…
|
“Một sự lột xác”. Đó là 1 trong những đầu đề của đài Pháp RFI nói về cuộc bầu cử ở Pháp 2017.
Ngày Chủ nhật 07/5/2017, với cách bầu cử phổ thông và trực tiếp, hơn 66% cử tri Pháp đã bầu Emmanuel Macron, 39 tuổi, lãnh đạo Đảng La République En Marche (LREM) của phong trào trung dung ở Pháp, là người chưa có nhiều kinh nghiệm chính trường, không thuộc đảng phái tả, cũng không thuộc đảng phái hữu, không bị ràng buộc bởi ý thức hệ nào, làm Tổng thống thứ 8 của nền Cộng hòa thứ năm nước Pháp.
Sau đó một tháng, ngày 11/6/2017, cử tri Pháp lại đi bầu Quốc hội khóa mới 2017-2022, với 2 vòng. Vòng 1 vào ngày chủ nhật 11/6/2017 và vòng cuối là vòng 2 vào ngày 18/6/2017.
Có 13 đảng tham gia ứng cử. Trong tổng số ứng cử viên là 7.877 người, cử tri sẽ chọn ra 577 dân biểu tức đại biểu Quốc hội (như vậy tỉ số giữa ứng cử viên/số dân biểu ở Pháp là = 7.877/577 = 13,65 lần, nhiều gấp 7,8 lần số ứng viên trong cuộc bầu cử Quốc hội Việt Nam năm 2016, có tỉ số là 870/496 = 1,75 lần và từ đó rút ra số so sánh 13,65/1,75=7,8 lần).
Theo đài Pháp RFI, kết quả bầu ở vòng 2 là: Trong tổng số 577 ghế đại biểu Quốc hội khóa mới, riêng đảng thuộc phong trào trung dung của ông Macron chiếm 319 ghế (55,3%). Nếu cộng thêm 42 ghế của Liên minh ủng hộ Macron thì phái Macron có 361 ghế (tỉ lệ 361/577= 62,5%), đạt được đa số áp đảo trong Quốc hội.
Đảng Cộng hòa thuộc phái hữu chỉ được 113 ghế, mất đi một nửa số ghế so với khóa trước. Nếu cộng thêm số ghế của Liên minh với Đảng Cộng hòa thì được 126 ghế. Đảng Xã hội thuộc phái tả chỉ còn 29 ghế (trong Quốc hội khóa trước 2012-2017, đảng này chiếm đa số trong Quốc hội với 284 ghế). Nếu kể cả Liên minh với Đảng Xã hội thì có 46 ghế. Đảng Cộng sản Pháp được 10 ghế (không đủ mức 15 ghế theo quy định để có thể lập thành 1 nhóm có tiếng nói trong Quốc hội). Mặt trận cực hữu chỉ được 8 ghế. Các ứng cử viên độc lập được 10 ghế.
Bình luận về hiện tượng này, RFI viết: “Nước Pháp đã bạo gan chọn Macron”, còn báo Pháp Les Échos thì viết: “Đây là một sự lựa chọn của hy vọng, của Cách mạng”. Ở phần kết luận, Les Echos viết: “Người ta phát hiện qua Tổng thống tân cử của Pháp khuôn mặt của một nước Pháp trẻ trung, táo bạo; một nước Pháp của lý lẽ, của hy vọng và tự do”.
Tại sao dư luận đánh giá cao quyết định của cử tri Pháp lựa chọn Tổng thống và thành phần Quốc hội lần này như vậy?
Theo RFI: Trước cuộc bầu cử năm nay, nước Pháp đang là một cường quốc tụt hậu, bế tắc cả về kinh tế, chính trị và xã hội: 3,7 triệu người Pháp đang bị thất nghiệp, chiếm gần 10% dân số Pháp đang trong độ tuổi lao động không có việc làm; 9,5 triệu người Pháp đang sống dưới ngưỡng nghèo khó. Nền kinh tế Pháp đang đình đốn. Suốt gần một thập niên qua tăng trưởng của Pháp đứng ì tại chỗ. So với năm 2008, GDP của Pháp trong 9 năm sau đó chỉ tăng 2%, so với Mỹ là 7%, Đức là 6,8%, còn trong khu vực đồng euro thì mức tăng trưởng trung bình là 1,8%, không có tăng trưởng thì doanh nghiệp không dám mạnh dạn đầu tư. Pháp lại đang nợ đến 2.000 tỉ euro (hai ngàn tỉ), tương đương với 96% GDP, vượt quá mức quy định của Liên minh Châu Âu. Mức lương ở Pháp tăng chậm so với thời giá, đe dọa đến sức mua của các hộ gia đình, màquốc gia nào thiếu 2 động lực cho tăng trưởng là sức tiêu thụ và đầu tư thì không có hy vọng đẩy lùi nạn thất nghiệp. Khả năng cạnh tranh của nền công nghiệp Pháp đang bị đe dọa. Đã có nhà máy công nghiệp Pháp di dời sang nước láng giềng, càng làm mất đi công ăn việc làm trên đất Pháp. Từ năm 2006 đến nay, hiệu quả sản xuất của nền công nghiệp Pháp đã giảm 13,7%. Năng xuất công nghiệp của Pháp thấp hơn mức năng xuất trung bình trong khu vực đồng euro, thua năng xuất của Đức và của Anh, dẫn đến tình trạng Pháp bị nhập siêu trong cán cân thương mại. Trước tình trạng bế tắc này, một số không ít người dân Pháp cảm thấy mình bị bỏ rơi, mất lòng tin, dẫn đến xã hội bị chia rẽ, xuống cấp về đạo đức, bế tắc về ngoại giao, cộng thêm nạn khủng bố và đe dọa khủng bố của những người Hồi giáo cực đoan, tạo ra sự phẫn nộ của người dân.
Từ gần 50 năm nay, nước Pháp có 2 chính đảng lớn nhất là Đảng Xã hội (PS) thuộc phái tả và Đảng Cộng hòa (LR) thuộc phái hữu. Hai đảng này luôn luôn bất hợp tác với nhau. Khi cử tri không còn tín nhiệm đảng phái tả thì họ bỏ phiếu cho đảng phái hữu và 2 đảng đó thay nhau cầm quyền, mặc dầu tình trạng bế tắc của nước Pháp hiện nay chính là từ di sản của nhiều đời Tổng thống của 2 đảng đó để lại.
Lần bầu cử này thì đã khác. Với bản năng tự tồn, cử tri Pháp đã có 2 quyết định táo bạo: 1 là bầu Macron, một ứng cử viên trẻ tuổi chưa có tiếng tăm gì trong giới chính khách lên làm Tổng thống, và 2 là cho về vườn một loạt chính trị gia lão làng tưởng chừng không có ai thay thế nổi, của cả 2 phái tả và hữu, thay vào đó là đưa một thế hệ trẻ, đa số xuất phát từ xã hội dân sự, cũng chưa có kinh nghiệm chính trường vào Quốc hội, giữ cả quyền hành pháp và lập pháp, chấp nhậnhoặc may mắn hoặc rủi ro.
Vì sao cả 2 đảng phái tả và phái hữu ở Pháp đều đã thất bại trong cuộc bầu cử này?
Vì cử tri Pháp đã thấy cả 2 phái tả và hữu đều đã tỏ ra không chịu thích ứng và không có khả năng thích ứng với một thế giới đã hoàn toàn thay đổi. Chẳng hạn:
- Phái hữu đặt trọng tâm vào kinh tế thị trường và sáng kiến cá nhân, dựa vào định luật căn bản là “cạnh tranh sẽ dẫn đến tiến bộ, giá cả sẽ hạ thấp, người tiêu thụ sẽ được hưởng lợi, thị trường sẽ tự điều hòa, tự lành mạnh hóa, xã hội sẽ phát triển”. Nhưng những cuộc khủng hoảng kinh tế gần đây đã cho thấy định luật đó không còn đúng nữa. Khi toàn cầu hóa, các tổ hợp công ty ngày càng lớn và càng tập trung, càng cấu kết với nhau để thao túng thị trường thì hậu quả đem lại là hàng triệu người mất việc làm, mất nhà ở. Sự bất công ngày càng trở nên khủng khiếp. Toàn cầu hóa nâng cao mức sống cho nhiều triệu người nhưng cũng làm tan nát hệ thống kỹ nghệ của nhiều quốc gia, nhất là ở Phương Tây, kể cả ở Pháp, gây ra nạn thất nghiệp và hủy hoại niềm tin của người dân vào tương lai.
- Phái tả thì tin rằng sự can thiệp của nhà nước sẽ đem đến sự công bằng xã hội. Điều này đúng với thế kỷ 20 nhưng không còn đúng với thế kỷ 21. Sau Thế chiến thứ 2, phái tả ở Pháp (Cộng sản, Xã hội) đã đấu tranh và đạt được nhiều tiến bộ xã hội, như: hạn chế giờ làm, cấm lao động thiếu nhi, nghỉ hè được hưởng lương, an sinh xã hội… làm thay đổi chất lượng đời sống của người dân, nhất là đối với tầng lớp thợ thuyền. Nhưng khi toàn cầu hóa, bị các nước đang phát triển cạnh tranh, các hãng xưởng của Pháp thi nhau đóng cửa thì sự can thiệp của nhà nước theo cách đó đã trở thành bất khả thi. Các chính phủ phái tả không biết làm gì hơn là sáng tạo ra đủ loại trợ cấp để băng bó vết thương kinh tế và xã hội, dẫn đến trống rỗng ngân sách. Trước sự bế tắc đó, sự bất mãn trong xã hội càng tăng. Ngay cả giới thợ thuyền cũng dần dần rời bỏ phái tả, đi theo những nhóm cực hữu với chiêu bài “chủ nghĩa dân tộc”. Menchelon, thuộc phái tả, thậm chí còn đưa ra giải pháp mị dân, hứa “lấy tiền của người giầu chia cho người nghèo”. Để đối phó, những người có lợi tức lớn chạy sang lánh nạn ở các nước láng giềng. Pháp vốn đã là quốc gia vô địch về thuế. Đã có đến 250 loại thuế và phí. Gánh nặng thuế má dồn lên giới trung lưu, tạo ra thêm một tầng lớp đông đảo bất mãn. Benoit Hanmon ứng cử viên của Đảng Xã hội thì không tìm ra được giải pháp nào khác hơn là “phát lương cho mọi người, mỗi đầu người 750 euros/một tháng, không kể có việc làm hay không”.
Cho đến nay, lý tưởng của phái tả và phái hữu ở Pháp chưa biến mất nhưng đến lúc này người Pháp đã thấy nền chính trị ở Pháp dứt khoát phải thay đổi, để thích ứng với một thế giới đã hoàn toàn thay đổi. Emmanuel Macron là người đã thể hiện sự đáp ứng nhu cầu thay đổi đó nên đã được cử tri ủng hộ.
Macron đã tốt nghiệp từ 2 trường danh tiếng đào tạo các nhà lãnh đạo của nước Pháp là Trường Khoa học Chính trị (Sciences Po Paris) và Trường Quốc gia Hành chính (ENA). Trước khi tập họp tả-hữu thành phong trào trung dung để chuẩn bị tranh cử Tổng thống năm 2017, ông đã hành nghề 1 công chức, 1 chủ ngân hàng, làm cố vấn cho Tổng thống Hollande, rồi làm Bộ trưởng Kinh tế – Công nghiệp và Công nghệ số.
Khác với các ứng cử viên phái hữu và phái tả, Macron có ý tưởng xây dựng một mô hình chính trị mới cho nước Pháp, coi trọng hiệu quả của hành động, không bị gò bó vào ý thức hệ tả hay hữu, để đưa nước Pháp ra khỏi tình trạng bế tắc hiện nay. Macron tin rằng nước Pháp có đủ tiềm năng để làm được việc này, với điều kiệnphải thích ứng với thời đại, không đóng cửa quay trở về với quá khứ mà phải mở cửa, chấp nhận đương đầu với toàn cầu hóa và không để nước Pháp bỏ lỡ chuyến tầu của toàn cầu hóa, không để nước Pháp ly khai khỏi Liên minh Châu Âu mà phải góp phần nỗ lực xây dựng thành một Liên minh hiệu quả hơn, mang tính chính trị nhiều hơn và dân chủ hơn. Theo Macron, khi là Tổng thống, trước mắt ông sẽ ưu tiên cho 3 dự án: cải cách bộ Luật lao động, ban hành Luật chống khủng bố và dự án “đạo đức hóa đời sống chính trị của nước Pháp, gây dựng tín nhiệm trong đời sống dân chủ của nước Pháp”. Việc cải cách Bộ luật lao động nhằm cởi trói cho các doanh nghiệp để khuyến khích họ tuyển dụng lao động, tạo lối thoát cho nạn thất nghiệp; đồng thời phải tháo gỡ những trói buộc làm hạn chế sức tiêu thụ của các hộ dân và làm cho nước Pháp trở thành nơi hấp dẫn đầu tư của thế giới, đem lại đà tăng trưởng vững chắc cho nước Pháp. Macron cũng cho rằng muốn canh tân nước Pháp thì phải đặt trọng tâm vào giáo dục. Khi đã chấp nhận đương đầu với toàn cầu hóa thì nạn thất nghiệp sẽ không loại trừ một ai, vì vậy phải tập trung nỗ lực đào tạo lại nghề cho những người đã bị sa thải để họ có cơ hội tìm được công ăn việc làm khác. Macron kêu gọi phải cải cách sâu rộng đời sống chính trị của nước Pháp, lấy lại niềm tin của người dân đối với tương lại, để tại Pháp không còn ai muốn đi theo phe phái cực đoan nữa.
Theo Hiến pháp, Tổng thống Pháp có những quyền lực lớn mà không đồng nghiệp nào ở Châu Âu có. Một trong những quyền đó là Tổng thống Pháp có toàn quyền giải tán Quốc hội. Nhưng cũng theo Hiến pháp, Tổng thống Macron muốn cải cách nước Pháp như đã mong muốn thì ông phải có phương tiện chính trị để thực hiện Phương tiện đó là một đa số trong Quốc hội ủng hộ Tổng thống. Nếu không có phương tiện đó thì rất có thể Tổng thống sẽ trở thành bù nhìn. Cử tri Pháp biết điều này nên đã ủng hộ Macron bằng cách thông qua cuộc bỏ phiếu bầu Quốc hội vòng 2, tạo cho ông có một đa số tuyệt đối đến 62,5% trong Quốc hội.
Tại sao dư luận ở Pháp cho rằng cuộc bầu cử 2017 là sự “đánh cược “giữa may và rủi?
Cuộc bỏ phiếu bầu Quốc hội vòng 2 đã đưa 308 lính mới/577 dân biểu vào Quốc hội, độ tuổi trung bình là 48, có gần 40% là nữ. Đại đa số các tân dân biểu này xuất thân từ xã hội dân sự, chưa có kinh nghiệm chính trường nhưng đã hoạt động trong các lĩnh vực tư nhân thuộc nhiều ngành nghề, từ kinh doanh, thể thao, đến luật sư, y khoa, chủ doanh nghiệp. Rất nhiều người có bằng cấp cao, tốt nghiệp từ những “trường lớn “(Grande Ecole) như trường cao học kinh tế và thương mại (ESSEC). Một số khá đông là cán bộ quản lý trong khu vực tư nhân. RFI bình luận Quốc hội của Pháp lần này mang một khuôn mặt mới, có tính đại diện rộng hơn so với các khóa trước nhưng tiếc rằng có ít dân biểu từ công nhân, nông dân và người làm công ăn lương. Với thành phần như vậy, chính phủ sắp tới có khả năng biến đổi thành một chính phủ kỹ trị.
Do Quốc hội có nhiều “lính mới “nên trong dư luận ở Pháp đã có câu hỏi “Với những dân biểu trẻ, chưa có kinh nghiệm thì làm sao điều hành đất nước?”. Một giáo sư của Trường Kỹ sư École Centrale de Lyon là một cử tri có nhiều kinh nghiệm đã giải thích: “Người Pháp muốn đổi mới nền chính trị. Nay có thế hệ trẻ gánh vác việc nước là cơ may để nước Pháp thoát ra khỏi sự trì trệ. Đặt câu hỏi như vậy cũng giống như suy nghĩ luẩn quẩn của một ông chủ đòi hỏi một kỹ sư mới tốt nghiệp đi kiếm việc làm phải có kinh nghiệm. Chưa cho người ta làm thì làm sao người ta có kinh nghiệm. Phải cho người ta làm để người ta học trong thực tế mới có kinh nghiệm. Nhiều kỹ nghệ gia đã thành công bằng cách đó”.
Quốc hội khóa mới của Pháp đã khai mạc ngày 27/6/2017 và sau đó số dân biểu là tân binh đã được tập huấn 2 ngày về “nghiệp vụ dân biểu “ngay tại trụ sở Quốc hội.
Nếu sự đánh cược gặp rủi ro thì sao?
Đây cũng là một câu hỏi trong dư luận Pháp. Theo RFI thì đã có những cái chốt để hạn chế rủi ro. Sau cuộc bầu cử Quốc hội vòng 1 vào ngày 11/6/2017, cử tri Pháp đã đoán trước đảng của Tổng thống Macron chắc chắn sẽ giành được đa số ghế trong Quốc hội. Một số tờ báo như báo Le Monde đã có chủ đề vận động cho cuộc bầu cử vòng 2, đồng thời cảnh báo về nguy cơ bá quyền của đảng này trong Quốc hội. Le Monde viết:
“Cuộc bầu cử Quốc hội lần này có nguy cơ đào sâu thêm sự thiếu hụt trong nền chính trị Pháp là thiếu tính đại diện của các tiếng nói đối lập. Nếu đảng của Tổng thống có đa số áp đảo trong Quốc hội thì liệu những tiếng nói đối lập có được tranh luận thực sự trong Quốc hội hay phải ở những cuộc biểu tình tuần hành”. Nhà phân tích chính trị Jérôme Fourquet thì cho rằng “Người Pháp không dễ tôn thờ một thần tượng nào. Người ta đang chờ xem diễn tiến của các cuộc đàm phán giữa Chính phủ và Công đoàn sắp tới”.
Hơn nữa, Đảng Cộng hòa thuộc phái hữu là phía đối lập với đảng của Tổng thống vẫn còn 113 ghế, chiếm 19,6% số ghế trong Quốc hội, có tiếng nói không nhỏ trong Quốc hội. Giới bình luận chính trị ở Pháp cho rằng nữ ứng cử viên Le Pen đã chẩn đoán đúng căn bệnh của nền chính trị Pháp nhưng vì bốc thuốc sai nên đã thất bại trong cuộc bầu cử Tổng thống. Chính Macron, trong bài diễn văn đầu tiên vào ngày 8/5/2017, sau khi đắc cử Tổng thống, đã công nhận những căn bệnh của nước Pháp mà Le Pen đã chẩn đoán là đúng và ông đã thăm hỏi Le Pen là đối thủ của mình, với phong cách cộng hòa. Vậy thì ông Macron không thể không lắng nghe và đáp ứng những lo âu của cử tri phái hữu trong Quốc hội.
Còn Marie Lebec, một dân biểu thuộc đảng của phong trào trung dung thì giải thích: “Nước Pháp đã có bản Hiến pháp bảo đảm cho nền tự do dân chủ. Nếu có ai đó tự cho mình là tài giỏi như thánh sống thì đến hạn bầu cử cũng phải nghe người dân phán xét và họ sẽ bằng lá phiếu của mình, quyết định có tiếp tục tín nhiệm nữa hay không. Đó là cái cốt lõi của nền tự do dân chủ của nước Pháp”.
Có lẽ tất cả các nền tự do dân chủ đều có cái chốt hãm sự rủi ro. Trong tạp chí Nghiên cứu Quốc tế 11/5/2017, nhà bình luận chính trị Mỹ Josept S. Nye viết: “Chiến thắng của Donald Trump trong cuộc bầu cử 2016 đã chỉ ra một vấn đề có thật ở nước Mỹ là bất bình đẳng xã hội đang gia tăng. Nhưng không nên đánh giá thấp thể chế chính trị của Mỹ. Khi thiết kế Hiến pháp, các nhà lập quốc Mỹ đã hạn chế quyền lực chính trị bằng một hệ thống kiểm soát và cân bằng khiến quyền lực khó có thể bị lạm dụng và điều đó phục vụ cho sự tự do. Cho đến nay, các tòa án, Quốc hội và các tiểu bang ở Mỹ đã và đang thực hiện sự kiểm soát và đối trọng với chính quyền. Các công chức thường trực trong các cơ quan hành pháp cũng góp phần vào kiểm soát nó”.
Nước Pháp tổ chức bầu cử Tổng thống và Quốc hội 2017 như thế nào?
Từ nước Pháp, ông Trần Thu Dung thuật lại về khu vực bỏ phiếu như sau: Để bảo đảm tính khách quan của cuộc bầu cử, các trường học công và các Tòa Thị chính (tương tự các trụ sở UBND thành phố, thị trấn … của Việt Nam) được dùng làm những địa điểm để tổ chức bầu cử. Có 13 đảng tham gia tranh cử.
Bầu cử Quốc hội diễn ra theo thể thức bầu cử phổ thông đầu phiếu đơn danh và 2 vòng. Tòa Thị chính và các đảng cử người của họ tham gia ban kiểm phiếu. Tòa Thị chính trộn lẫn danh sách ban kiểm phiếu của các đảng cử đến và sắp xếp ngẫu nhiên để bảo đảm tính khách quan. Có nhiều phòng bỏ phiếu để cử tri khỏi phải chờ đợi lâu. Mỗi nơi chỉ có từ 4 đến 6 người điều hành chứ không cần có cả 13 thành viên của 13 đảng cùng có mặt. Vào 7 giờ 45 phút sáng ngày bầu cử, ban kiểm phiếu có mặt để chứng kiến Chủ tịch phòng phiếu cắt niêm phong máy và cắt niêm phong hộp bỏ phiếu, sau đó giao chìa khóa cho các thành viên có mặt. Sau khi chạy thử máy, in ra phiếu, ban kiểm phiếu ký tên xác nhận. Đúng 8 giờ cử tri bắt đầu đến bỏ phiếu. Các đại diện của các đảng và thị trưởng thỉnh thoảng đích thân đến quan sát sự hoạt động của các phòng bỏ phiếu. Ứng cử viên của khu vực cũng đi một vòng để quan sát. Để phòng ngừa kẻ khủng bố, cảnh sát khu vực thỉnh thoảng ngó vào phòng bỏ phiếu (chứ không vào) để quan sát sự an toàn. Có những cử tri đứng rất lâu đọc bảng quảng cáo các ứng cử viên. Có cử tri chưa được làm quen với cách bỏ phiếu bằng máy vi tính. Nhưng tất cả đều được chỉ dẫn ở ngoài phòng bỏ phiếu, nếu cần. Nhằm tránh sự cưỡng ép cử tri, không ai trong ban kiểm phiếu được phép đứng sau cử tri để chỉ dẫn. Chiếc máy mang tên cử tri được che kín cả 3 phía. Không ai được bỏ phiếu thay cho người tàn tật hay người khiếm thính. Mọi ủy quyền bầu cử phải làm giấy tờ tại cơ quan cảnh sát. Bệnh nhân nằm điều trị tại bệnh viện được tham gia bầu cử bằng cách ủy quyền. Họ phải ký tên vào giấy ủy quyền để bệnh viện gửi giấy đó cho cơ quan cảnh sát. Cơ quan cảnh sát cử người đến bệnh viện điều tra xác nhận để tránh gian lận bầu cử. Các loại giấy tùy thân có ảnh và ghi rõ ngày sinh, do nhà nước cấp như thẻ căn cước, hộ chiếu, bằng lái xe… đều được dùng để tạo thuận lợi cho cử tri tham gia bỏ phiếu. Mỗi người bầu xong đều phải ký tên vào sổ. Khi đóng hòm phiếu, ban kiểm phiếu tiếp tục làm việc. Số phiếu trong máy phải bằng với tổng số chữ ký của cử tri đã ký trong sổ. Kết quả bầu cử phải được in ra. Chủ tịch phòng phiếu đọc, công bố công khai rồi các thành viên trong ban kiểm phiếu ký vào. Mỗi người trong ban kiểm phiếu được giữ một bản để dùng khi cần thiết cho việc điều tra.
Vậy bầu cử ở Pháp khác bầu cử ở Việt Nam chỗ nào?
Viết đến đây có bạn hỏi tôi “Vậy cách tổ chức bầu cử ở Pháp có khác cách tổ chức bầu cử ở Việt Nam không và nếu khác thì khác ở chỗ nào?”. Xin thưa là có đấy. Trong khi ở Việt Nam còn tranh luận xem Quốc hội đang thật sự đại diện cho ai thì ở Pháp cử tri là người có quyền quyết định thành phần Quốc hội bằng lá phiếu của họ, để chính họ quyết định vận mệnh của quốc gia, trong đó có vận mệnh của họ. Lẽ dĩ nhiên muốn có cái quyền giống như cử tri Pháp thì trước hết phải hiểu trách nhiệm chính trị của công dân (chứ không phải thần dân) như người Pháp và có những quyền tự do như người Pháp mà nền Cộng hòa đã đem lại cho họ, trong đó có quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội và hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do xuất bản, tự do cư trú, tự do đi lại trong nước và ra nước ngoài. Thực ra những quyền tự do này đã được ghi trong Điều 10 Hiến pháp của nước VNDCCH năm 1946 nhưng cho mãi đến bây giờ chưa được Quốc hội CHXHCNVN đưa vào luật.
P.B.P.
Tác giả gửi BVN.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.