Thứ Ba, 4 tháng 7, 2017

Nhân quyền và yếu tố cho sự “mặc cả”

Nhân quyền và yếu tố cho sự “mặc cả”

bauxitevnMon 4:27 AM

Anh Văn
clip_image002[5]
Linh mục Phanxicô Nguyễn Văn Lý bị bắt giam vào ngày 30 tháng 3 năm 2007 vì lên tiếng cho những bất công liên quan đến chính trị, tôn giáo tại Việt Nam. © 2007 Reuters

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, trong một thông báo liên quan đến thông cáo của Bộ Ngoại giao nước này liên quan đến án tù mà chính quyền Hà Nội dành cho Mẹ Nấm, cho hay: “Tự do biểu đạt là một trong các giá trị vững chắc của chúng ta và là một quyền con người cơ bản, vì vậy tôi quan ngại sâu sắc về việc kết án blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh. Tôi hy vọng Chính phủ Việt Nam sẽ trả tự do cho Quỳnh và cho phép cô nhận Giải thưởng Phụ nữ Quốc tế Can đảm của cô”.
Và trong thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ đã nhấn mạnh: Hoa Kỳ kêu gọi Việt Nam thả Mẹ Nấm và tất cả các tù nhân lương tâm ngay lập tức và cho phép tất cả cá nhân tại Việt Nam tự do thể hiện quan điểm của mình và tụ họp ôn hòa mà không lo sợ bị trừng phạt. Chúng tôi đã chứng kiến một số bước tích cực về nhân quyền tại Việt Nam trong vài năm qua. Tuy nhiên, xu hướng gia tăng các vụ bắt giữ và kết án các biểu tình ôn hòa kể từ đầu năm 2016 rất đáng lo ngại. Sự tiến bộ về nhân quyền sẽ cho phép quan hệ đối tác Hoa Kỳ-Việt Nam đạt được tiềm năng tối đa.

Những lực cản nhân quyền

Những quan điểm của Bộ ngoại giao Mỹ được cho là “mềm mại” với “tiềm năng tối đa” là một cụm từ mang nhiều hàm nghĩa, đặc biệt việc gắn thương mại, an ninh Biển Đông với nhân quyền càng cho thấy tính chất chủ đạo của mối quan hệ hai nước.
Thực tế đã cho thấy, Việt Nam đang tìm cách tận dụng yếu tố có lợi cho mình để đòi hỏi Mỹ nhiều hơn, trong đó có con bài mặc cả mang tên nhân quyền.
Về điều kiện thương mại hai quốc gia, vẫn tiếp tục duy trì sự tăng trưởng khá (dù thiếu hụt yếu tố TPP). Tại Hội thảo “Tương tác thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ sau năm 2016” diễn ra vào cuối năm 2016 tại Tp. Hồ Chí Minh. Ông Trần Ngọc Châu, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt-Mỹ tin tưởng con số 57 tỷ USD trong 5 năm tới dù có TPP hay là không. Và Mỹ, quốc gia đang có tăng trưởng xuất khẩu lớn vào Việt Nam (lên đến 77% trong giai đoạn 2014-2016) sẽ tiếp tục mở rộng con số này để biến Việt Nam thành một thị trường lớn của Mỹ, như cách ông Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius bày tỏ. Giai đoạn 2014-2016 cũng là giai đoạn gia tăng đàn áp nhân quyền theo chiều sâu như: tiếp tục gia tăng bắt giam người bất đồng chính kiến vì các điều luật mơ hồ (Bộ luật Hình sự 2015), sử dụng bạo lực, sách nhiễu quyền tự do ngôn luận, tự do biểu đạt; tiếp tục treo hai bộ luật quan trọng là lập Hội và Luật Biểu tình,…
Thứ hai, sự kiện bỏ về của Phó Chủ tịch Quân uỷ Trung Quốc Phạm Trường Long trong sau cuộc hội đàm với chính quyền Việt Nam liên quan đến vấn đề Biển Đông là một “điểm” giúp Việt Nam cân bằng được mối quan hệ với Mỹ. Bởi cách thức Mỹ nhìn về Việt Nam vẫn là một yếu tố giúp hãm phanh Trung Quốc trong tuyến đường thương mại quan trọng này. Và Biển Đông càng nóng bao nhiêu, thì tính chiến lược trong mối quan hệ Việt - Mỹ càng lớn bấy nhiêu. Tính chiến lược Biển Đông gắn liền với lợi ích quốc gia Mỹ, và so với vấn đề nhân quyền thì rõ ràng là một chênh lệch đáng kể về độ quan tâm.
Lực cản đến từ thương mại và cả vấn đề an ninh hàng hải Biển Đông mà Việt Nam - với vị trí địa chiến lược đang được hưởng khiến cho nhân quyền trở thành một bài toán không hề thực sự dễ giải đối với mối quan hệ cả hai quốc gia.
Ngoài ra, Việt Nam vẫn có một con bài liên quan đến vấn đề nhân quyền mềm. Đó là LGBT được Việt Nam tiệm cận khá sát với Mỹ, thậm chí là trở thành một nước nổi bật nhất châu Á về vấn đề này. Ngoài ra, trong đợt kiểm tra định kỳ nhân quyền cừa qua, Việt Nam cũng đã được đánh giá “khá” trong cam kết quyền con người (không liên đới nhiều đến các quyền chính trị - dân sự quan trọng), trong đó có việc đang tiến đến giảm và bãi bỏ nạn tử hình.
Bên cạnh đó, thành tựu xoá đói giảm nghèo cũng là một con bài hỗ trợ Việt Nam “đàm phán tốt” với Washington. Và rõ ràng, Việt Nam đã tận dụng yếu tố này. Chính nó đã khiến cho Thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn đề cập đến việc:chứng kiến một số bước tích cực về nhân quyền tại Việt Nam trong vài năm qua.

Sự điên cuồng tấn công nhân quyền

Bằng cách sử dụng những yếu tố sẵn có nêu trên, cùng với những quan điểm mơ hồ dựa trên các điều luật bảo vệ an ninh quốc gia, Việt Nam đã càng tìm cách củng cố các đợt tấn công vào những người đấu tranh nhân quyền, hình thành những đợt truy bắt có liên quan đến chủ đề “trao đổi thương mại và an ninh” với Mỹ. Thậm chí, ngay cả phiên tòa cũng được đánh giá là một cuộc tấn công không hơn không kém.
Nó biểu hiện cho sự “cuồng tín” trong bảo vệ chế độ, và mọi quan điểm trái chiều đều bị loại bỏ không thương tiếc. Điều này hàm nghĩa, chính quyền Việt Nam coi việc tuân thủ ngĩa vụ nhân quyền quốc tế, hay chính những điều luật về nhân quyền là một trò chơi câu chữ, chứ không hề thực tâm cho một sự nắm bắt - tuân thủ và hiện thức hóa nó tại Việt Nam.
Liên quan đến phiên tòa lịch sử của Mẹ Nấm, các báo quốc tế khi viết cũng đã trích dẫn quan điểm của các chuyên gia Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, khẳng định, phiên tòa này là “được thiết kế” nhằm đe dọa các nhà hoạt động [môi trường] Việt Nam. Tính chất thủ đoạn dành cho sự răn đe cao đến mức, các quyền cơ bản nhất của một người đứng trước tòa án đều bị nhà cầm quyền lột bỏ.
Tính chất “thành thạo” của đối chác nhân quyền và áp dụng các hình thức tinh vi, sẵn sàng chà đạp lên mọi giá trị của nhà cầm quyền của Việt Nam cũng chính là nguồn cơn, khiến LS Lê Công Định phải phẫn nộ mà khẳng định rằng: “ĐẢ ĐẢO phiên tòa lố bịch xét xử Mẹ Nấm! Dù kết quả ra sao, đó sẽ là bản án của chính chế độ cộng sản phi nhân này” .
Với những nhà đấu tranh nhân quyền khác, chính quyền Hà Nội cũng tìm mọi cách để bóp chết khả năng đấu tranh. Sự điên cuồng đến mức, nhà cầm quyền sẵn sàng hủy bỏ quốc tịch Việt Nam đối với công dân có song tịch, và tìm mọi cách thức (kể cả bắt cóc) để di lý họ rời khỏi Tổ Quốc. Biến những nhà đấu tranh trở thành những công dân không còn được mang quốc tịch của nơi mà họ từng sinh ra và gắn kết. Nhà giáo Phạm Minh Hoàng cũng là một trường hợp tương tự.

Người Việt cần làm gì!?

Mỹ vẫn là một yếu tố cần cho việc thúc đẩy nhân quyền tại Việt Nam. Thực tế cho thấy, sự ra đời của các tổ chức đấu tranh hay phổ cập nhân quyền (được công nhận hoặc không công nhận) tại các tỉnh thành vẫn được Mỹ chào đón và lên tiếng sẵn sàng hỗ trợ. Ngoài ra, các cách thức truyền thống như lên tiếng phê phán, hỗ trợ người tỵ nạn chính trị cũng được Mỹ tiếp tục lưu tâm.
Tuy nhiên, người Việt vẫn cần phải nhớ đó là yếu tố “cần”, còn muốn tạo điều kiện cho sự chuyển đổi tích cực tại Việt Nam thì sự vận động tự thân vẫn là điều cần nhấn mạnh.
Nhà hoạt động xã hội dân sự - TS. Nguyễn Quang A đã không sai khi nhấn mạnh rằng: “Tôi luôn nói với những người đồng nghiệp, rằng tôi đánh giá cao sự hỗ trợ của bên ngoài, nhưng chúng tôi không thể dựa vào sự hỗ trợ [hoàn toàn] từ quốc tế”.
Do đó, tính “tự thân” cần phải là điều tiên quyết trong thúc đẩy nhân quyền. Sự tự thân đó bao gồm cả việc thành lập các tổ chức, tự chủ tài chính, tổ chức cơ cấu tốt, nhân sự trẻ và có sự chuyên nghiệp,… Tuy nhiên, một vấn đề mang tính cốt lõi trong bài viết này là cần phải tạo ra một sự đoàn kết về một mục tiêu chung giữa các tổ chức/cá nhân xã hội dân sự được Chính phủ công nhận hoặc không. Bởi hiện nay, dù cùng mục tiêu thúc đẩy nhân quyền, nhưng giữa hai loại hình tổ chức này vẫn tính kỳ thị và có phần nhìn nhau… nửa mắt. Khái niệm “tinh hoa xã hội dân sự” hay bình dân xã hội dân sự vô tình khoét sâu vào tương lai hợp tác và sự đồng thuận trong phương hướng làm việc vì một Việt Nam dân chủ. Nếu vấn đề này không được giải quyết tốt và nhanh chóng thì nguồn lực để tạo ra sự thay đổi là tổng hoà nguồn lực xã hội sẽ không được tìm thấy và kết quả là sẽ không có một sự thay đổi mang tính đột phá nào trong tương lai.
Câu chuyện Mẹ Nấm hay nhà giáo Phạm Minh Hoàng vẫn là câu chuyện về sự lên tiếng lâu dài hay ngắn hạn; giữa sự đồng thuận chung của các loại hình tổ chức xã hội dân sự hay là không! Và các nhà đấu tranh nhân quyền có lẽ phải đứng trước một câu hỏi liên quan đến sự bạo tàn ngày càng gia tăng của chính thể: đoàn kết hay là chết, sáng tạo đấu tranh hay bị triệt tiêu.
A.V.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.