Chủ Nhật, 9 tháng 7, 2017

Người dân: Đồng Tâm lại chuẩn bị dậy sóng

Người dân: Đồng Tâm lại chuẩn bị dậy sóng

Lan Hương, phóng viên RFA
2017-07-07

Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
Chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung (áo trắng) xuống xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội vào ngày 22 tháng 4 năm 2017.
Chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung (áo trắng) xuống xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội vào ngày 22 tháng 4 năm 2017.
 AFP photo

Dự thảo kết luận thanh tra đất Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội được công bố sáng ngày 7/7 nêu rằng "không có đất nông nghiệp ở đồng Sênh" và "toàn bộ sân bay Miếu Môn là đất quốc phòng".
Bản dự thảo kết luận thanh tra cho rằng "không có diện tích 59 ha đất nông nghiệp xứ đồng Sênh như công dân nêu, diện tích đất sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm chỉ có 64,11 ha, là đất quốc phòng".
Trong một đoạn video được truyền trên mạng, có ghi trực tiếp buổi dự thảo, Phó chánh thanh tra Hà Nội Nguyễn An Huy giải thích rõ về nguồn gốc Lữ đoàn 28 cho xã Đồng Tâm thuê đất quốc phòng như sau:
Kết quả 57 mốc vẫn còn nguyên và được đóng dày trên cơ sở 16 mốc giới do Bộ tư lệnh công binh đóng trước đây. Diện tích đất toàn bộ sân bay Miếu Môn là 239,4 ha, sau khi trừ gia công còn 236,9 ha trong đó diện tích đất sân bay thuộc địa chính xã Đồng Tâm là 64,11 ha. Trong quá trình quản lý sử dụng từ năm 1981 đến nay, bộ Tư lệnh công binh, Lữ đoàn 28 chưa xây dựng công trình quốc phòng trên phần diện tích đất sân bay Miếu Môn thuộc địa chính xã Đồng Tâm. 
Từ năm 1989, kế thừa Bộ Tư lệnh Công binh, Lữ đoàn 28 đã ký một số hợp đồng giao khoán hàng năm trên diện tích 525 sào, tức 19,9 ha cho UBND xã Đồng Tâm. UBND xã đã giao cho các hộ sử dụng vào mục đích nông nghiệp. Từ sau năm 2012, lữ đoàn 28 không ký hợp đồng giao khoán. Năm 2015 có thông báo gửi UBND xã Đồng Tâm trong đó nó nội dung bắt đầu từ năm 2015, đơn vị sẽ không cho thuê đất quốc phòng để canh tác nông nghiệp. Thực tế hiện nay các hộ dân chưa trả lại đất và vẫn sản xuất nông nghiệp ở đây. 
Trước dự thảo kết luận như vậy, Đài RFA đã liên lạc với một người dân Đông Tâm là anh Lê Đình Doanh, cháu nội cụ Lê Đình Kình, một trong 4 người từng bị công an Hà Nội bắt liên quan đến vụ tranh chấp đất đai này. Anh Doanh cho biết bản thân anh và hầu hết người dân Đồng Tâm hiện tại rất bất mãn với kết luận này:
Kết luận này là sai hoàn toàn bởi vì từ ngày tôi còn nhỏ đã theo ông bà vào trong đó dỡ sắn, trồng lạc, ngô ở trong đó suốt nên họ nói vậy là sai hoàn toàn. Bây giờ bà con cũng đang rất bức xúc khi nghe được tin đó. Bà con nói rằng bây giờ cả thế giới người ta nhìn vào cái đất này là đất nông nghiệp của dân từ ngày xưa đến giờ, thế này Đồng Tâm lại chuẩn bị dậy sóng. 
Bản dự thảo kết luận thanh tra cũng nói rõ là việc để 14 hộ dân xã Đồng Tâm sử dụng đất khu Miếu Môn, theo cơ quan chức năng, là sai phạm. Ngoài ra, đầu năm 2017, một số công dân tổ chức đo đạc, phân lô, đưa máy móc vào xây công trình trên phần diện tích mà doanh nghiệp quân đội đang xây dựng trong sân bay Miếu Môn cũng được cho là "hành vi chiếm đất quốc phòng, coi thường pháp luật".
Cũng theo bản dự thảo, những người dân trước đó đã từng thừa kế, cho, tặng, chuyển nhượng lô đất quốc phòng này là trái thẩm quyền, và vi phạm pháp luật về quản lý đất đai. 
Từ Hà Nội, cụ Lê Hiền Đức, một người chuyên giúp dân oan đấu tranh giành lại đất đai và chống tham nhũng, và đạt Giải thưởng Liêm chính năm 2007 của Tổ chức Minh bạch Quốc tế cho biết bà vô cùng bức xúc khi được nghe dự thảo kết luận này và sau việc này bản thân bà sẽ “vào cuộc” cùng người dân Đồng Tâm:
Đất quốc phòng là thế nào? Bao nhiêu đời nay rồi người ta đã trồng cấy nhưng giờ tự nhiên biến thành đất quốc phòng. Như vậy là cướp à? Có đền bù đồng nào không? Muốn thu hồi thì phải có họp dân, thông báo và có đề bù. Tôi không có một hòn đất ở đấy mà nghe tin còn gai cả người nữa là người dân, đất người ta sinh sống bao nhiêu đời nay rồi. Tôi sẽ nghiên cứu kỹ và sẽ vào cuộc, gặp trực tiếp người dân Đồng Tâm.
Còn luật sư Hà Huy Sơn, đoàn luật sư Hà Nội cho biết ông không nắm rõ hồ sơ vụ việc nên không thể kết luân đúng sai. Tuy nhiên ông đưa ra lời khuyên cho người dân Đồng Tâm nếu không đồng tình với kết quả dự thảo trên:
Tại vì đây mới là dự thảo nên chưa thể khiếu nại được vì chưa chính thức. Người dân có thể có ý kiến gửi Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội. 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào ngày 26 tháng 6 vừa qua trong cuộc tiếp xúc cử tri ở Hải Phòng khi được người dân chất vấn về vụ việc tranh chấp đất đai ở Đồng Tâm trả lời rằng phải xử lý cán bộ sai phạm trước rồi mới xử người dân.
Trong buổi dự thảo kết luận thanh tra sáng hôm 7/7, Phó chánh thanh tra Hà Nội Nguyễn An Huy cũng giải trình về việc “xử quan” như sau:
Đến nay UBND huyện đã giải quyết xong 17/ 34 vấn đề phải xử lý cán bộ và xử lý ai. Trong đó về xử lý cán bộ, đã ky luật 19 cá nhân có sai phạm, trong đó 8 người bị khai trừ khỏi Đảng, 6 người bị cảnh cáo, 5 người bị khiển trách. Kỷ luật về chính quyền 14 người, trong đó cảnh cáo 12 người, khiển trách 1 người và buộc thôi việc một người. 
Cũng cần nói lại là vụ tranh chấp đất đai giữa người dân xã Đồng Tâm và chính quyền địa phương xảy ra đã nhiều năm nay nhưng đỉnh điểm là vào ngày 15 tháng 4 khi Công an Hà Nội bắt giữ 4 người dân Đồng Tâm để điều tra vụ án “gây rối trật tự công cộng” mà thực tế là do tranh chấp đất đai.
Xô xát hôm ngày 15 tháng 4 cũng làm một dân làng là cụ Lê Đình Kình, đại diện dân làng trong vụ tranh chấp đất đai, bị thương phải nhập viện.
Phản ứng trước hành xử của những đơn vị chức năng, người dân Đồng Tâm bắt giữ 38 người gồm cán bộ huyện Mỹ Đức, công an và cảnh sát cơ động làm con tin. Đến ngày 22 tháng 5, đích thân Chủ tịch thành phố Hà Nội về đối thoại và viết cam kết, người dân mới thả hết toàn bộ con tin ra.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.