Lập lại một bản Hiến pháp dân chủ như Hiến pháp 1946 là sứ mạng của thế hệ trẻ
bauxitevnMon 4:32 AM
Phan Bá Phúc
Một số bạn đọc, sau khi xem phần cuối bài “Quan sát cuộc bầu cử ở Pháp 2017” đăng trên Bauxite VN ngày 30/6/2017 đặt câu hỏi “Tại sao bản Hiến pháp dân chủ 1946 không được kế thừa đến bây giờ?”.
Để trả lời câu hỏi này, trước tiên chúng ta phải trả lời 2 câu hỏi sau đây: “Dân chủ khác với dân chủ tập trung ở điểm nào?” và “Hoàn cảnh ra đời của bản Hiến pháp VNDCCH 1946 khác với hoàn cảnh ra đời 4 bản hiến pháp sau đó 1959, 1980, 1992 và 2013 như thế nào?”.
Trước hết, thế giới đã định nghĩa “Dân chủ là gì?”. Có nhiều cách định nghĩa nhưng đều hội tụ ở một điểm rằng “Tất cả các công dân trưởng thành đều có quyền lựa chọn đại diện cho mình để điều hành quốc gia”. Việc lựa chọn đó được luật định để bảo đảm tính minh bạch và công bằng - đó chính là quyền bầu cử. Nó cũng bao gồm cả quyền ứng cử và quyền tranh cử.
Có 3 hình thức dân chủ: Dân chủ trực tiếp (direct democracy) - Dân chủ đại diện (representative democracy) và Dân chủ hiến định (consitutional democracy). Từ cuối thế kỷ 18 đến nay, dân chủ hiến định đã trở thành hình thức dân chủ phổ biến nhất trên thế giới. Nó có 8 đặc điểm sau:
1- Bầu cử được tổ chức định kỳ. Cử tri được tự do lựa chọn dân biểu.
2- Các đảng chính trị được tự do tranh cử.
3- Tất cả các công dân trưởng thành đều có quyền đi bầu cử.
4- Quyết định chính trị dựa trên ý nguyện của đa số.
5- Quyền lợi của thiểu số được bảo vệ.
6- Ngành tư pháp (tòa án) độc lập.
7- Hiến pháp bảo vệ các quyền dân sự cơ bản.
8- Dân có cơ hội thay đổi các định chế chính phủ theo thể thức đã được chuẩn thuận.
Trong hầu hết các nền dân chủ hiến định, hiến pháp còn quy định:
- Những giới hạn cho việc sử dụng quyền lực của các định chế nhà nước và ấn định sự tương tác giữa chúng.
- Những quyền lợi của công dân khi đối phó với quyền lực của nhà nước.
- Phương sách để hiến pháp có thể được sửa đổi.
Các đảng chính trị đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng một nền dân chủ hiến định, vì chúng được xem là phương tiện để dân chúng thể hiện quyền lực chính trị của họ, cũng như để thay đổi chính phủ khi cần thiết. Sự cạnh tranh chính trịgiữa các chính đảng là sự khác biệt giữa một thể chế dân chủ đích thực và một thể chế độc đảng dân chủ giả hiệu. Các chính đảng trong nền dân chủ hiến định đều độc lập với nhà nước. Họ cạnh tranh với nhau để thu phục lòng tin và lá phiếu của cử tri với mục đích để cầm quyền. Các đảng không cầm quyền vẫn có thể ảnh hưởng đến chính sách và tiến trình lập pháp thông qua tranh luận của dân biểu thuộc phái của họ trong Quốc hội. Sự có mặt của các đảng không cầm quyền trong Quốc hội buộc chính phủ phải nghiêm túc và hiệu quả hơn trong việc quản trị đất nước. Trong nền dân chủ hiến định, Nội các đối lập sẽ sẵn sàng thay thế chính phủ khi chính phủ không còn được dân chúng tín nhiệm. Đó là một cơ chế thay đổi quyền lực bằng cách hòa bình. Dùng những giải thích về “dân chủ” như trên để đối chiếu, ta thấy không thể lấy cụm từ “tập trung dân chủ” vốn là nguyên tắc tổ chức của Đảng Cộng sản của Lenin (đã bị Rosa Luxemburg chỉ trích) để đặt tên cho một chế độ chính trị. ĐCSVN đã lạm dụng nguyên tắc tập trung dân chủ buộc dân chúng phải lựa chon đại biểu mà Đảng đã chọn thông qua một cánh tay nối dài là Mặt trận Tổ quốc. Với cách áp đặt này, ĐCSVN đã biến Quốc hội thành một công cụ của họ và dùng Hiến pháp để thể chế hóa cương lĩnh của Đảng. Cùng với một bộ máy bạo lực đàn áp, ĐCSVN dùng Hiến pháp để áp đặt sự độc quyền lãnh đạo và cầm quyền. Từ đó ta không lạ gì khi nghe giải thích Hiến pháp 2013: “Tại Việt Nam, Hiến pháp là văn kiện chính trị quan trọng nhất sau cương lĩnh của ĐCSVN”. Điều này cũng bộc lộ lý do vì sao ĐCSVN không chấp nhận sự cạnh tranh của các đảng khác, không chấp nhận đa nguyên, đa đảng và do đó ở Việt Nam không có cơ chế trao đổi quyền lực một cách hòa bình như ở các nước tự do dân chủ Phương Tây.
Tại sao Hiến pháp 1946 được đánh giá là Hiến pháp dân chủ nhất từ khi có nước VNDCCH đến giờ?
Ngày 20/9/1945, Ủy ban dự thảo Hiến pháp của nước VNDCCH đã được thành lập tại Hà nội, có 7 thành viên, gồm ông Hồ Chí Minh, ông Vĩnh Thụy (tức vua Bảo Đại đã thoái vị), các ông Đặng Thái Mai, Vũ Trọng Khánh, Lê Văn Hiến, Nguyễn Lương Bằng, Đặng Xuân Khu (tức Trường Chinh). Để dự thảo Hiến pháp, ngày 2/3/1946 Quốc hội đã bầu ra một Tiểu ban dự thảo Hiến pháp có 11 thành viên, trong đó có 5 người của Việt Minh, 2 người thuộc Đảng Dân chủ, 4 người thuộc Việt Nam Cách mệnh Đồng minh Hội và Việt Nam Quốc dân Đảng. Bản Dự thảo Hiến pháp được Quốc hội thông qua ngày 2/11/1946 trở thành thành bản Hiến pháp của nước VNDCCH, được công bố ở kỳ họp thứ hai của Quốc hội trong tháng 11/1946, cách đây 71 năm.
Ngày 19/12/1946 nổ ra cuộc toàn dân kháng chiến lần thứ nhất nên Hiến pháp 1946 chưa chính thức công bố trong toàn quốc và chưa có hiệu lực về pháp lý.
Hiến pháp của nước VNDCCH 1946 gồm lời nói đầu, 7 chương, 70 điều.
* Lời nói đầu khẳng định 3 nguyên tắc cơ bản của Hiến pháp 1946:
- 1 là đoàn kết toàn dân, không phân biệt giống nòi, gái, trai, giai cấp, tôn giáo.
- 2 là đảm bảo các quyền tự do dân chủ.
- 3 là thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của toàn dân.
Những nguyên tắc cơ bản này của Hiến pháp 1946 đã giúp Chính phủ VNDCCH tập hợp được rất nhiều trí thức và những nhà khoa học có tài trong nước và ở nước ngoài, cùng nhiều nhân sĩ nổi tiếng tham gia gánh vác việc nước trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn phức tạp của những năm mới cướp được chính quyền, thành lập nước VNDCCH và những buổi đầu của cuộc kháng chiến lần thứ nhất.
Trong những nhân sĩ nổi tiếng tham gia việc nước lúc đó có cụ Huỳnh Thúc Kháng, cụ Bùi Bằng Đoàn, ông Nguyễn Văn Tố, ông Hồ Đắc Điềm. Những nhà tư sản dân tộc nổi tiếng đã hiến tài sản cho Chính phủ là ông Đỗ Đình Thiện, ông Trịnh Văn Bô, ông Nguyễn Sơn Hà, Bà Nguyễn Thị Năm (tức Cát Hanh Long). Những nhà khoa học nổi tiếng đã đi theo ông Hồ Chí Minh và Chính phủ Kháng chiến là các ông Trần Đại Nghĩa, Tạ Quang Bửu, Lê Văn Thiêm, Trần Hữu Tước, Trịnh Đình Thảo, Phan Tư Nghĩa, Đặng Văn Ngữ, Nguyễn Văn Huyên, Ngụy Như Kontum, Nguyễn Xiển, Nguyễn Thúc Hào, Lương Định Của, Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường.
Kể từ sau năm 1951, 3 nguyên tắc cơ bản của Hiến pháp 1946 không còn được nhắc đến nữa. Nếu 3 nguyên tắc cơ bản đó được thực thi thì chắc chắn đã không xảy ra những cuộc đấu tố, tùy tiện giết oan người vô tội như đã xảy ra trong chiến dịch Cải cách Ruộng đất ở miền Bắc 1953-1956; không xảy ra những vụ tịch thu, cướp bóc tài sản của dân trong những chiến dịch đánh tư sản ở miền Bắc và miền Nam; không có những thuyền nhân phải liều chết vượt biển chạy khỏi quê hương sau ngày 30/4/1975.
* Chương 1 của Hiến pháp 1946 quy định “chính thể của nước Việt Nam là Dân chủ Cộng hòa”. Trong chương này không có một điều khoản nào quy định một đảng hay một ý thức hệ nào độc tôn, độc quyền lãnh đạo đất nước như trong các bản Hiến pháp 1980 và 2013.
* Chương 2 quy định nghĩa vụ và quyền lợi công dân, xác nhận sự bình đẳng về mọi phương diện của tất cả công dân Việt Nam trước pháp luật. Trong chương này không có một điều khoản nào cho phép quan có tội chỉ cần xin lỗi và rút kinh nghiệm, còn dân có tội thì phải trừng trị theo luật.
Hiến pháp 1946 công nhận các quyền cơ bản của công dân như quyền sở hữu tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền khiếu nại tố cáo. Điều 10 của Hiến pháp 1946 quy định rõ các quyền tự do cá nhân của công dân như sau: “Công dân Việt Nam có quyền tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức và hội họp, tự do tín ngưỡng, tư do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài”. Sau này, Hiến pháp 1959 và các Hiến pháp của CHXHCNVN 1980, 2013 lập theo mẫu của Hiến pháp Liên Xô 1977, đã hạn chế những quyền tự do này và không chịu đưa các quyền tự do này vào luật.
* Chương 3 quy định về Nghị viện nhân dân, trong đó không có điều khoản nào quy định Nghị viện (Quốc hội) là một cơ quan của Đảng Cộng sản.
* Chương 4 quy định về Chính phủ - cơ quan hành chính cao nhất của toàn quốc.
Hiến pháp 1946 quy định vai trò và quyền lực của Chủ tịch nước rất lớn. Chủ tịch nước có quyền lực tương tự quyền lực của Tổng thống trong thể chế Tổng thống, không chịu trách nhiệm trước Quốc hội, không thể bị khởi tố, trừ tội phản quốc; có thể từ chối công bố các đạo luật do Quốc hội ban hành và yêu cầu Quốc hội thảo luận lại. Sau này, chịu ảnh hưởng của Hiến pháp Liên Xô, Chủ tịch nước còn ít quyền lực và chủ yếu làm chức năng nghi lễ, đại diện quốc gia.
Theo đánh giá của Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội khóa 13 thì Hiến pháp 1946 đã phản ánh đúng tinh thần pháp quyền, quy định những nguyên tắc và phương thức tổ chức quyền lực sao cho không thể xảy ra lạm quyền và bảo vệ quyền tự do dân chủ của nhân dân. Quyền năng giữa các cơ quan nhà nước được phân chia khá rõ, có cơ chế kiểm tra và giám sát lẫn nhau. Quyền năng giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương cũng được phân chia rõ ràng.
Theo đánh giá của Tiến sĩ Nguyễn Minh Tuấn, Đại học Saarland CHLB Đức thì Hiến pháp VNDCCH 1946 đã được soạn thảo theo tinh thần học thuyết “tam quyền phân lập”, đã có những yếu tố thể hiện cơ chế phân công quyền lực, kiểm soát và cân bằng quyền lực.
* Chương 5 quy định phương diện hành chính, bộ, tỉnh, huyện, xã; quy định về cơ quan hành chính (ủy ban hành chính và hội đồng nhân dân) các cấp.
* Chương 6 quy định về cơ quan tư pháp bao gồm tòa án tối cao, các tòa án phúc thẩm, các tòa án đệ nhị cấp và sơ cấp.
Theo Hiến pháp 1946 thì vai trò độc lập xét xử của tòa án được bảo đảm, các cơ quan khác không có quyền can thiệp.
* Chương 7 quy định về việc sửa đổi Hiến pháp, trong đó có quyền phúc quyết Hiến pháp của dân. Điều 70 của Hiến pháp 1946 quy định Nghị viện nhân dân (Quốc hội) không được tự mình sửa đổi Hiến pháp. Mọi sự sửa đổi, bổ sung Hiến pháp phải đưa ra toàn dân phúc quyết. Cho đến nay, những quy định này của Hiến pháp 1946 vẫn bị bỏ qua và Quốc hội khóa 13 vẫn còn nợ dân “Luật trưng cầu dân ý”.
Đánh giá chung về những ưu việt của Hiến pháp 1946
- Giáo sư Trần Ngọc Đường, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội (năm 2006) cho rằng Hiến pháp 1946 đã nổi bật những tư tưởng lập hiến sáng suốt, như: tư tưởng quyền lực thuộc về nhân dân, tư tưởng pháp quyền, những quy định về quyền con người và bảo đảm quyền công dân, cơ chế bảo hiến, sửa đổi hiến pháp.
- Giáo sư Phạm Duy Nghĩa, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng Hiến pháp 1946 vẫn còn nguyên giá trị cho một xã hội dân chủ và pháp quyền ở Việt Nam (xem bài của GS Phạm Duy Nghĩa đăng trên báo Tuổi trẻ cách đây 10 năm, với đầu đề “Bản Hiến pháp 60 năm về trước và những món nợ lịch sử”).
- Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng thì cho rằng Hiến pháp 1946 là bản Hiến pháp dân chủ, tiến bộ không kém bất kỳ bản hiến pháp nào trên thế giới.
Vì sao Hiến pháp 1946 là bản Hiến pháp dân chủ, tiến bộ như vậy lại bị lãng quên?
Bây giờ bất cứ người Việt Nam nào cũng biết trước năm 1945 Đảng Cộng sản Việt Nam (có tên là Đảng Cộng sản Đông Dương) là đảng lãnh đạo phong trào phản đế và phản phong ở Việt Nam. Sau khi cướp được chính quyền vào tháng 8 năm 1945 từ Chính phủ Trần Trọng Kim đến nay, đảng này vẫn là đảng lãnh đạo chính quyền, nhưng trong những hoàn cảnh khác nhau, đã sản sinh ra các bản Hiến pháp khác nhau, về mức độ dân chủ hay độc tài toàn trị.
Hiến pháp VNDCCH năm 1946 ra đời trong tình thế chính trị hết sức phức tạp: số đảng viên cộng sản có khoảng 600 người (có tài liệu ghi vống lên là 5.000); lực lượng vũ trang mới hình thành vừa nhỏ, vừa trang bị thô sơ; ngân khố trống rỗng; dân miền Bắc vừa trải qua nạn đói khủng khiếp, đang thiếu lương thực; VNDCCH chưa được bất cứ một quốc gia nào công nhận; Liên Xô còn bận hàn gắn vết thương chiến tranh và viện trợ cho các nước cộng sản Đông Âu mới hình thành; Mao Trạch Đông và quân giải phóng Trung Hoa còn đang trên căn cứ địa Diên An. Từ vĩ tuyến 16 trở ra đã có mặt 20 vạn quân Tầu Tưởng tràn sang làm nhiệm vụ của Đồng Minh, giải giáp quân Nhật, nhưng cũng sẵn sàng “tiêu diệt Việt Cộng” nếu họ thấy cần thiết. Các đảng Việt Quốc (Việt Nam Quốc dân Đảng), Việt Cách (Việt Nam Cách mạng Đồng minh Hội) từ nước ngoài về cũng có mặt ở Hà Nội và trên miền Bắc Việt Nam. Đối với giới nhân sĩ trí thức Việt Nam, khẩu hiệu “Trí, Phú, Địa, Hào, đào tận gốc trốc tận rễ” của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh năm 1930 do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo vẫn còn in đậm trong trí nhớ của họ. Nếu lúc này Đảng Cộng sản Đông Dương vẫn hoạt động công khai và làm một cuộc cách mạng vô sản thì giới nhân sĩ trí thức Việt Nam dù yêu nước đến đâu cũng chỉ ủng hộ nền độc lập về tinh thần chứ không đi theo ông Hồ Chí Minh; quân Tầu Tưởng vốn không đội trời chung với Cộng sản Tầu sẽ không để yên cho Việt Cộng tồn tại. Trước tình thế đó, ngày 11/11/1945 Đảng Cộng sản Đông Dương đã tự tuyên bố giải tán, bí mật lãnh đạo chính quyền VNDCCH thông qua Mặt trận Việt Minh. Từ đó, hầu hết mọi người dân chỉ biết đến Việt Minh chứ không biết tung tích của Đảng Cộng sản. Lúc này chủ nghĩa dân tộc là nguyên nhân chủ yếu để ông Hồ Chí Minh và chính quyền VNDCCH non trẻ lúc bấy giờ có sức hấp dẫn mạnh và tồn tại được trước sóng gió của tình thế. Cùng với việc ký Hiệp định 6/3/1946 với Pháp, ông Hồ Chí Minh, lúc đó là Chủ tịch nước, đã thể hiện sách lược khôn khéo, vận dụng thành công vào Việt Nam bài học kinh nghiệm của Hòa ước Brest-Litovsk giữa Liên Xô và Đức Quốc xã ngày 3/3/1918 cứu Liên bang Xô viết non trẻ khỏi bị tiêu diệt. Trong tình thế này, tư tưởng ban đầu của Nguyễn Ái Quốc (sau là Hồ Chí Minh) từ năm 1941, chủ trương xây dựng một nhà nước của dân, do dân, vì dân mà ông hình dung là Nhà nước Dân chủ Cộng hòa đã được thể hiện tại Điều 1 Hiến pháp VNDCCH năm 1946: “Tất cả quyền bính trong nước đều là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái, trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo” và Hiến pháp 1946 đã có hình dáng một nền Cộng hòa, với khẩu hiệu “Độc lập, Tự do, Hạnh phúc”.
Nhưng từ năm 1951, sau khi ông Hồ Chí Minh gặp Mao Trạch Đông và Stalin, Đảng Cộng sản Việt Nam ra công khai đổi tên là Đảng Lao động Việt Nam với Điều lệ Đảng ghi rõ: “Đảng Lao động Việt Nam lấy chủ nghĩa Marx, Engels, Lenin, Stalin và Tư tưởng Mao Trạch Đông làm nền tảng tư tưởng”... thì tình hình chính trị ở nước VNDCCH đã rẽ ngoặt sang con đường của cách mạng vô sản với mục đích cuối cùng là thực hiện chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam(ghi trong điều lệ sửa đổi tại Đại hội lần thứ 3 ĐLĐVN). Chấp nhận chủ nghĩa Stalin và tư tưởng Mao Trạch Đông làm nền tảng tư tưởng ắt phải chuyên chính vô sản, đấu tranh giai cấp, từ bỏ 3 nguyên tắc cơ bản của Hiến pháp 1946. Phải có Điều 4 trong các Hiến pháp 1980, 1992 và 2013 tương tự Điều 6 của Hiến pháp Liên Xô 1977; phải “thổ địa cải cách” theo kinh nghiệm của Mao đã làm; phải xóa bỏ tư hữu như Lenin và Stalin đã làm, phải cướp tài sản của các nhà tư sản dân tộc bằng cách tịch thu trưng thu; phải giam hãm nông dân trong các hợp tác xã nông nghiệp; phải cấm tư nhân kinh doanh và buôn bán… để rồi phải sửa sai, gọi là “đổi mới” từ năm 1986 mà đến nay vẫn chưa mới được để thích ứng với thời đại đã thay đổi.
Liên Xô đã tự sụp đổ, đem theo Điều 6 của bản Hiến pháp năm 1977 nhưng ở nước CHXHCNVN, điều 4 Hiến pháp 2013 đã đem lại quá nhiều đặc quyền đặc lợi cho giới đảng viên chóp bu có chức quyền nên không thể tự xóa bỏ. Vì vậy xã hội Việt Nam ngày nay “đang vỡ trận” bởi các quốc nạn không thể ngăn chặn và tình cảnh bi thương của người dân thì không sao kể xiết ở chế độ CHXHCNVN này (xem bài “Thủ tướng chưa hiểu rõ chế độ ta” của ông Nguyễn Đình Ấm, đăng trên Bauxite VNngày 01/7/2017).
Bây giờ phải làm sao?
Trong bài “Cảm nhận bài viết của ông Vũ Ngọc Hoàng về tự diễn biến, tự chuyển hóa” đăng trên Bauxite VNngày 30/6/2017, ông Tô Văn Trường gợi ý: “Sự sụp đổ nhà nước XHCN Liên Xô và các nước Đông Âu là không tránh khỏi, bởi những lý luận khô cứng khuyết tật và mô hình nhà nước, hệ thống quản trị thiếu khoa học; quản trị quốc gia lấy vũ trang làm công cụ chính thì đó là biểu hiện của chế độ độc tài toàn trị. Đó là những luận cứ và thực tiễn mà chúng ta cần tiếp thu. Vấn đề là ta phải lựa chọn mô hình, từ phân tích tổng hợp thành tựu của thế giới về các thể chế nhà nước văn minh hiện đại và hoàn thiện thể chế, đáp ứng được ngày càng cao đòi hỏi về sự bình đẳng, quyền lợi dân tộc và người dân. Tiếp theo là xây dựng nền tư pháp thực thi nghiêm chỉnh Hiến pháp của Nhà nước theo thể chế đó. Đổi mới tư duy có khác gì tự diễn biến, tự chuyển hóa. Nếu Đảng tự diễn biến, tự chuyển hóa để khắc phục những yếu kém đang cản trở sự phát triển của xã hội, để phục vụ nhân dân thực chất hơn, tốt hơn thì có ý nghĩa tích cực, là cái mà người dân mong đợi”.
Trở lại bài này. Trong quá khứ, nước ta đã có Hiến pháp VNDCCH năm 1946, được đánh giá là bản Hiến pháp dân chủ, tiến bộ nhất trong các bản Hiến pháp đã có. Nếu chưa sáng tạo ra được bản Hiến pháp nào dân chủ hơn, tiến bộ hơn thì sao không khôi phục để dùng. Hầu hết những người được sống cùng lúc ra đời bản Hiến pháp 1946 đã từ biệt thế gian này hoặc đã quá già yếu. Lập lại bản một Hiến pháp dân chủ như Hiến pháp 1946 chắc chắn phải là sứ mạng của thế hệ trẻ.
Hà Nội, 03/7/2017
P.B.P.
Tác giả gửi BVN.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.