Thứ Tư, 12 tháng 7, 2017

EVN xin đổ thêm 2,4 triệu m3 bùn thải xuống biển Bình Thuận

EVN xin đổ thêm 2,4 triệu m3 bùn thải xuống biển Bình Thuận

bauxitevnTue 7:29 AM

RFA
… Nếu có san hô mà đổ cả trầm tích lên san hô thì “tiêu” luôn! 

… Khu bảo tồn biển Hòn Cau có diện tích 12.500 ha là nơi có quần thể san hô nguyên thủy dài hơn 2 km với gần 234 loại san hô và là bãi đẻ của nhiều loài tôm, cá, rùa biển, đồi mồi,… Ngoài ra, vùng biển xung quanh đảo Hòn Cau có sự hiện diện của trên 34 loài thủy sinh vật quý hiếm nằm trong danh mục có nguy cơ tuyệt chủng.
clip_image002
Nhà máy Vĩnh Tân 1. Courtesy Đất Việt

Tổng công ty phát điện 3 (EVNGENCO 3) thuộc Tập đoàn điện lực VN (EVN) cho biết đang xin giấy phép đổ xuống biển xã Vĩnh Tân 2,4 triệu m3 bùn cát thải sau nạo vét.
Truyền thông trong nước cho biết đây là bùn cát thải trong quá trình nạo vét luồng cho tàu trọng tải 100.000 tấn ra vào để vận chuyển than nhập khẩu từ Úc và Indonesia.
Theo ông Trần Lê Trung Hiếu, Chánh văn phòng EVNGENCO 3, thủ tục đã được trình lên Bộ Tài nguyên - Môi trường và dự kiến sẽ tiến hành trong năm nay. Vị trí xin đổ bùn cát thải cách điểm mà Vĩnh Tân 1 đổ khoảng 5 km về hướng bắc và cách Khu bảo tồn biển Hòn Cau 10 km.
Hôm 28/6, Bộ Tài nguyên – Môi trường đã ký giấy phép chấp thuận cho Công ty TNHH điện lực Vĩnh Tân 1 nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn, cát ra vùng biển Vĩnh Tân, tỉnh Bình Thuận. Giới chuyên gia đã phân tích và cho rằng bản chất của việc này không phải là “nhận chìm” mà là “xả thải” (!). Sự việc này cũng gây nhiều lo ngại trong dư luận và giới khoa học về nguy cơ tác động đến môi trường sống, sinh sản của nhiều loại sinh vật biển.
Giấy phép do Thứ trưởng Môi trường ông Nguyễn Linh Ngọc ký nêu rõ: “Vật, chất được phép nhận chìm phải bảo đảm không chứa chất phóng xạ, chất độc, chất thải nguy hại vượt quy chuẩn an toàn bức xạ, vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường”, có hiệu lực đến ngày 30 tháng Mười.
Trả lời đài RFA chiều ngày 30/6, Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Tác An, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật biển Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Hải Dương học Nha Trang nói rằng trong thông báo Bộ Tài nguyên Môi trường chỉ nói là lượng bùn không có độc tính và phóng xạ. Tuy nhiên, điều mà giới khoa học lo ngại không phải là độc tính về mặt hóa học mà là tác động về mặt sinh học. Ông phân tích:
Thải ra một triệu mét khối chất nạo vét như vậy thì phải tưởng tượng là nó sẽ làm đục cả khu vực biển chỗ đó. Mà đã đục lên thì ánh sáng không xuống được. Khi không có ánh sáng quá trình quang hợp không thực hiện được. Như vậy sẽ mất chuỗi thức ăn. Thứ hai, xả xuống đó nó sẽ xáo trộn tầng đáy và ảnh hưởng đến sinh vật đáy – một sinh vật mang tính cơ sở nuôi sống nguồn lợi ở trong nước. Nhưng những điều này tôi không thấy Nhà nước nói tới.
Tiến sĩ Nguyễn Tác An cho biết thông thường sinh vật tầng đáy có mật độ rất dày đặc từ 1 triệu cá thể/m2 có những nơi đến 10-11 triệu cá thể/m2 và có chức năng chuyển hóa năng lượng rất lớn, là cầu trung gian giữa vi sinh vật và động vật đáy cỡ lớn.
Đồng tình với quan điểm của tiến sĩ Nguyễn Tác An về tác động của lượng bùn này đến hệ sinh vật đáy và gây vẩn đục mất cảnh quan, Giáo sư Lê Huy Bá, nguyên trưởng Viện Khoa học - Công nghệ và Quản lý Môi trường, Đại học Công Nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh bổ sung thêm rằng các rặng san hô ở khu Bảo tồn biển Hòn Cau cũng sẽ là nạn nhân:
Trước đó đáng lẽ phải có khảo sát tầng đáy biển có san hô hay không. Nếu có san hô mà đổ cả trầm tích nên san hô thì “tiêu” luôn! Tôi không được quan sát số liệu, hình ảnh cụ thể nên khó nói nhưng  tôi phỏng đoán là có san hô.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, khu bảo tồn biển Hòn Cau có diện tích 12.500 ha là nơi có quần thể san hô nguyên thủy dài hơn 2 km với gần 234 loại san hô và là bãi đẻ của nhiều loài tôm, cá, rùa biển, đồi mồi,… Ngoài ra, vùng biển xung quanh đảo Hòn Cau có sự hiện diện của trên 34 loài thủy sinh vật quý hiếm nằm trong danh mục có nguy cơ tuyệt chủng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.