Chuyên gia: Việt Nam có thể đạt tăng trưởng GDP 6,7% năm 2017
Việt Nam có khả năng cán đích GDP 6,7% nếu tiếp tục phát huy nội lực, duy trì sức tăng trưởng bền vững cũng như tạo bước đột phá cho kinh tế. Đây là nội dung của Diễn Đàn Kinh Tế 2017 do Ban Kinh Tê Trung Ương tổ chức lần đầu tiên hôm thứ Ba 27 tháng Sáu vừa qua.
Báo chí trong nước dẫn lời các chuyên gia tham dự diễn đàn, khẳng định là có cách để GDP (Tổng Sản Phẩm Nội Địa) cán mức 6.7% năm 2017 mà không cần khai thác thêm dầu thô và than đá.
Lạc quan thận trọng
Tại cuộc thảo luận, ông Đặng Huy Thông, thứ trưởng Bộ Kế Hoạch Đầu Tư nói rằng kết quả tăng trưởng 6 tháng đầu 2017 có dấu hiệu tích cực, vì thế chỉ tiêu tăng trưởng đề ra cho 2017 là hợp lý và có thể thực hiện được dù như đó là nhiệm vụ khó khăn. Việt Nam sẽ có động lực trong thời gian tới nếu vượt qua được khó khăn trước mắt, ông Đặng Huy Thông khẳng định như vậy.
Trong khi đó tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành, giảng viên chương trình đại học Fulbright Vietnam, tỏ ra dè dặt hơn khi dự đoán tăng trưởng năm 2017 ở mức 6,2 đến 6,5% thì hợp lý hơn. Theo nhận định của ông, Việt Nam đang chịu sức ép lớn về kết quả tăng trưởng, điển hình kế hoạch trung hạn 5 năm với chỉ tiêu tăng trưởng 6,5 đến 6,7% / năm. Nhưng 2016 đã không đạt tới và nếu 2017 tiếp tục không đạt nữa thì những năm còn lại phải tăng tốc nhanh hơn.
Nguyên nhân của chậm tăng trưởng, ông nói tiếp, nằm ở các vấn đề không mới, đó là tái cơ cấu ngân hàng, đầu tư công, nợ công và doanh nghiệp nhà nước.
Đúng là có áp lực về kết quả tăng trưởng để có thể thực hiện những bước thay đổi cần thiết khác, là phân tích của tiến sĩ Hà Huy Thành, nguyên viện trưởng Viện Kinh Tế trực thuộc Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội ở Hà Nội:
Các ông ấy đã hứa với quốc hội và thực chất là có sức ép lớn buộc các ông ấy phải có những chính sách và những quyết sách thích hợp hơn so với năm 2016 cho đến bây giờ.- TS. Hà Huy Thành
Tức là bây giờ phải xem xét các chuyển động của những nhà nghiên cứu kinh tế, chuyển động của những người làm thực tiễn về kinh tế, bộ trưởng này bộ trưởng kia rồi là thứ trưởng này thứ trưởng kia, tất cả các bộ liên quan đến sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.
Các ông ấy đã hứa với quốc hội và thực chất là có sức ép lớn buộc các ông ấy phải có những chính sách và những quyết sách thích hợp hơn so với năm 2016 cho đến bây giờ. Cái quan trọng nhất của Việt Nam bây giờ là động lực theo đuổi sự phát triển để vượt ngưỡng 6,7% GDP. Thêm một áp lực lớn trong tất cả các bước của quá trình phát triển thì cũng sẽ có các rủi ro, đó là điều phải chấp nhận, phải tính toán chứ không phải cứ đưa ra một con đường rồi là thẳng thế mà tiến.
Nhưng trong tình thế của 2017, về mặt chính trị xã hội, về mặt doanh nghiệp nó khác hơn rất nhiều so với 2016, cho nên dự đoán hay mong muốn của lãnh đạo và cả người dân Việt Nam nữa là cũng có cơ sở.
Lên tiếng trong hội nghị, phó giám đốc Đại Học Quốc Gia, ông Nguyễn Hồng Sơn, cảnh báo nếu GDP năm nay không cán đích 6,7% thì một số chính sách khác sẽ bị ảnh hưởng xấu như trần nợ công, bẫy thu nhập trung bình. Đối với các nhóm giải pháp ngắn hạn đang được đưa ra, phó giáo sư tiến sĩ Nguyễn Hồng Sơn cho hay ông cảm thấy quan ngại bởi có những rủi ro tiếm ẩn trong đó.
Còn theo chuyên gia kinh tế Bùi Trinh, muốn có nền kinh tề mạnh lên thì cần phải tăng năng suất lao động. Tiến sĩ Hà Huy Thành đồng ý với ý kiến này:
Tăng năng suất lao động là điều phải làm, khi mà có quyết tâm thì sẽ làm được, đó là cái thứ nhất. Thứ hai là nâng cao thu nhập, đương nhiên nếu như năng suất lao động tăng lên thì kéo theo đó dù ít dù nhiều thu nhập của người lao động cũng sẽ tăng hơn, do đó họ sẽ đầu tư vào những nơi sinh ra tiền nhiều hơn. Chắc chắn việc đạt được 7,2 đến 7,5% hoàn toàn có thể chấp nhận được. Còn mức 7,6% thật ra đã đạt được rồi, phấn đấu để cho nó vượt số đó thì có những yếu tố như thế.
Ông Nguyễn Văn Bình, trưởng Ban Kinh Tế Trung Ương, góp ý rằng muốn trở thành con hổ mới của Châu Á thì Việt Nam cần những ý tưởng thực sự mới và mang tín đột phá cho kinh tế.
Dưới mắt chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, có những vấn đề khiến người ta không thể tự cho phép mình lạc quan một cách vội vã:
Tôi đã từng viết trên báo và xác định cách đặt mục tiêu hiện nay là không phù hợp. Người ta có sự lẫn lộn giữa cách thức, tức là để đạt mục tiêu ví dụ 6,7% của năm 2017 thì đấy là ngắn hạn trước mắt thì người ta phải chọn cách khác, chứ còn vấn đề giải quyết nợ xấu, cơ cấu lại nên kinh tế rồi mô hình tăng trưởng các thứ... thì đấy là những vấn đề trong trung và dài hạn.
Để xứ lý mục tiêu trước mắt người ta lại đề xuất những biện pháp liên quan đến trung và dài hạn, mà như vậy thì trước mắt cả trung và dài hạn cũng sẽ chẳng đi đến đâu cả.
Có cần khai thác thêm than và dầu?
Muốn đạt tới mục tiêu cho 2017 thì quan trọng là “ trọng cầu” chứ không phải “trọng cung”, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh nhấn mạnh:
Mặc dù có thể khuyến khích tăng trưởng từ dầu mỏ và than đá nhưng mà nó cũng không phải tỷ trọng lớn trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay. - Chuyên gia KT Vũ Đình Ánh
Ví dụ nói về tăng năng suất lao động hay là tăng cường đầu tư máy móc thiết bị công nghệ hay là giảm thuế cho doanh nghiệp chẳng hạn... thì đó là trọng cung. Thế còn đối với trọng cầu thì người ta áp dụng hàng loạt các biện pháp khác nhau, thí dụ giảm giá hàng hóa để khuyến khích tiêu dùng, tăng cho vay tiêu dùng hay giảm thuế tiêu dùng, thuế giá trị gia tăng, để góp phần giảm giá. Việt Nam hiện nay thì cũng không hẳn là cầu yếu nhưng rõ ràng phải tăng tổng cầu lên thì mới đạt mục tiêu tăng trưởng gọi là trong ngắn hạn.
Mục tiêu nào thì phải có công cụ đạt tới mục tiêu đó. Ví dụ mục tiêu ngắn hạn 2017 phải là tập trung các giải pháp trọng cầu như tôi đã nêu. Còn liên quan đến tái cơ cấu, nợ xấu, nợ công này khác thì đó là nhiệm vụ trong trung và dài hạn mà chắn chắn sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế cũng như kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong những năm tới.
Kế hoạch tăng trưởng 6,7% năm 2017 mà không cần khai thác thêm dầu thô hay than đá như các chuyên gia trình bày trong Diễn Đàn Kinh Tế Việt Nam 2017 vừa qua, có khả thi hay không. Tiến sĩ Vũ Ngọc Xuân, phó Khoa Kinh Tế Đại Học Kinh Tế Quốc Dân Hà Nội, nhận định:
Trong tầm nhìn ngắn hạn năm nay thì tốc độ tăng trưởng 6.7% hoàn toàn có khả năng đạt được, thậm chí có thể nhích hơn một chút. Năm nay với chính sách tiền tệ mở rộng thì tốc độ tăng trưởng tín dụng lớn hơn rất nhiều so với năm ngoái và năm trước nữa.
Thực tế thì tỷ trọng của dầu thô trong GDP đã giảm xuống rất thấp vài năm gần đây do giá dầu xuống thấp, nguồn lực dầu mỏ của Việt Nam cũng đã tới hạn, nguồn thu cũng không phải lớn trong ngân sách.
Than đá thì chi phí khai thác than ở miền Bắc Việt Nam hiện nay cao hơn so với các nước trên thế giới, gia than bán trong nước lại cao hơn so với nhập khẩu. Vì vậy nếu bắt các doanh nghiệp chẳng hạn như nhiệt điện hay sắt thép mà sử dụng nguồn than trong nước thì vô hình chung là ép các doanh nghiệp phải mua với giá cao hơn nhập khẩu. Mặc dù có thể khuyến khích tăng trưởng từ dầu mỏ và than đá nhưng mà nó cũng không phải tỷ trọng lớn trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay.
Được biết một ngày sau khi thông tin về Diễn Đàn Kinh Tế Việt Nam 2017 được đăng tải trên báo chí trong nước, vụ trưởng Hà Quang Tuyên của Vụ Hệ Thống Tài Khoản Quốc Gia lên tiếng cảnh báo mục tiêu cán đích 6,7% GDP cho năm 2017 là một thử thách lớn vì lịch sử thống kê trước giờ cho thấy chưa có 6 tháng cuối nào mà đạt được mức tăng trưởng 7,4%.
Nói cách khác, với chỉ số 5,73% tăng trưởng GDP 6 tháng đầu 2017 thì mục tiêu 6,7% của nửa năm còn lại là câu hỏi lớn phía trước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.