Chủ Nhật, 16 tháng 7, 2017

Bộ Tài Nguyên-Môi Trường cấm cửa phóng viên

Bộ Tài Nguyên-Môi Trường cấm cửa phóng viên

bauxitevn8:13 AM

clip_image002
Khu vực đáy biển nơi Bộ Tài Nguyên-Môi Trường nói rằng “chỉ có cát.” (Hình: VTC News 14)

HÀ NỘI, Việt Nam (NV)– Sáng 14 Tháng Bảy, rất nhiều phóng viên báo đài đã đến Bộ Tài Nguyên-Môi Trường để đưa tin về hội nghị tổng kết sáu tháng đầu năm của ngành nhưng đều được “mời” ra ngoài với lý do đây là cuộc họp nội bộ.
Tuy nhiên theo báo Tuổi Trẻ, trừ phóng viên của báo Tài Nguyên Môi Trường là báo của bộ này được vào dự họp, còn lại toàn bộ phóng viên của tất cả các cơ quan truyền thông đều bị “mời” ra ngoài.
Lý do dẫn tới hành động khác thường như vừa kể hết sức dễ hiểu. Bộ này đang bị báo giới “đeo như sam,” sau khi quyết định cho công ty Điện Lực Vĩnh Tân 1 (VTPC1) đổ 1,3 triệu khối bùn xuống vùng biển ở Tuy Phong, Bình Thuận.
VTPC1 là liên danh giữa Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) với Trung Quốc. Trong liên danh này, phía Trung Quốc góp 95% vốn.
Bất kể khuyến cáo của các chuyên gia, chính quyền Việt Nam vẫn cấp giấy phép cho VTPC1 đầu tư một cụm nhà máy dùng than để phát điện tại xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, song song với việc cho phép nạo vét ven biển để xây dựng cảng riêng nhằm tiếp nhận than. Việc cho phép xây dựng cụm nhà máy phát điện bằng than và cảng làm phát sinh 1,3 triệu khối vừa bùn, vừa chất thải. Giờ tới lúc VTPC1 cần chỗ đổ bùn và chất thải.
Cả dân chúng lẫn các chuyên gia vốn đã từng phản đối kịch liệt chuyện cho phép xây dựng cụm nhà máy phát điện bằng than ở xã Vĩnh Tân, tiếp tục phản đối kịch liệt dự tính đem hàng triệu khối vừa bùn, vừa chất thải đổ xuống biển vì cả hai sẽ hủy diệt cả môi trường sống lẫn môi sinh biển. Tuy nhiên, Bộ Tài nguyên-Môi trường đáp lại bằng một quyết định được phát hành hôm 28 tháng Sáu, chấp thuận đề nghị đổ bùn và chất thải của VTPC1.
Khi làn sóng chỉ trích dâng cao, ông Nguyễn Linh Ngọc, thứ trưởng của bộ này, phân bua rằng Bộ Tài nguyên-Môi trường chấp thuận đề nghị của VTPC1 vì nếu đổ 1,3 triệu khối bùn và chất thải trên đất liền thì chúng sẽ gây ô nhiễm, làm đất bị nhiễm mặn. Lối lập luận này biến chỉ trích từ sóng thành bão vì giải quyết ô nhiễm biển khó hơn, tốn kém hơn giải quyết ô nhiễm trên đất liền, hậu quả do biển ô nhiễm thường nghiêm trọng hơn ô nhiễm trên đất liền.
Sau đó, ông Ngọc – người ký quyết định cho VTPC1 đổ bùn và chất thải xuống biển – nói với tờ Pháp luật TP.HCMrằng, đáy của vùng biển mà ông thay mặt bộ cho phép VTPC1 mang một triệu khối vừa bùn, vừa chất thải tới đổ “chỉ toàn cát”. Nếu có sự hiện diện của các sinh vật biển (cỏ biển, san hô…) tại đó thì “không bao giờ Bộ Tài nguyên-Môi trường cho phép”.
Truyền hình VTC News 14 đã cử phóng viên đến vùng biển mà bộ này cho phép VTPC1 đổ bùn và chất thải xuống đó để khảo sát. Clip do ngư dân hỗ trợ phóng viên VTC News thực hiện cho thấy: Ông Ngọc nói dối. 
30 hécta đáy biển – nơi mà VTPC1 được phép đổ bùn và chất thải có đủ thứ sinh vật biển, thậm chí còn có vỉa san hô.
Đó cũng là lý do hàng loạt cơ quan truyền thông cử phóng viên tham dự cuộc họp sơ kết hoạt động sáu tháng đầu năm nay của Bộ Tài nguyên-Môi trường. Biết chắc sẽ bị truy vấn và biết chắc là khó phân biện, bộ chuyển cuộc họp từ công khai theo thông lệ thành “kín”.
Có một điều đáng ngạc nhiên là báo giới Việt Nam chỉ “bám” Bộ Tài nguyên-Môi trường mà bỏ qua lãnh đạo chính phủ, nơi quyết định cho phép xây dựng không chỉ một mà tới bốn cụm nhà máy phát điện bằng than ở huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.
Quyết định đó không chỉ tạo ra 1,3 triệu khối bùn và chất thải mà VTPC1 cần đổ xuống biển. Sau VTPC 1, Tổng Công Ty Phát Điện 3 (EVNGENCO 3) thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) – thành viên trong những liên doanh khác với Trung Quốc để phát triển ba cụm nhà máy phát điện bằng than tại huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận – mới đề nghị đổ thêm 2,3 triệu khối vừa bùn, vừa chất thải nữa xuống biển.
Sau thảm họa ô nhiễm vùng biển phía Bắc miền Trung do tập đoàn Formosa gây ra hồi tháng Tư năm ngoái, ông Nguyễn Xuân Phúc, thủ tướng, từng cam kết với dân chúng Việt Nam rằng sẽ không đem môi trường sống đổi lấy thành tích phát triển kinh tế nữa. Tuy ông Phúc và các phó thủ tướng trong nội các của ông thường xuyên xuất hiện trước công chúng, chỉ đạo điều tra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng này, vụ ngộ độc thực phẩm kia nhưng họ hoàn toàn “ngậm tăm” trong sự kiện cho phép đổ bùn và chất thải xuống biển.
Trước đây, dân chúng và các chuyên gia từng liên tục đề nghị, khuyến cáo nên từ chối dự án đầu tư của tập đoàn Formosa vào khu công nghiệp Vũng Áng ở Hà Tĩnh nhưng những đề nghị, khuyến cáo này bị vứt hết vào sọt rác.
Sau thảm họa ô nhiễm vùng biển phía Bắc miền Trung do tập đoàn Formosa gây ra hồi tháng Tư năm ngoái, chỉ có các viên chức từ huyện đến tỉnh ở Hà Tĩnh và một số viên chức của Bộ Tài nguyên-Môi trường bị khiển trách, cách chức, còn những viên chức cao cấp đề ra “chủ trương,” “chỉ đạo” vẫn vô sự. (G.Đ)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.