Sự phân hóa giàu nghèo ở Việt Nam càng ngày càng tăng cao
bauxitevnTue 12:12 AM
Thanh Trúc, phóng viên RFA
Một phụ nữ đang vừa ăn vừa làm trên đường phố ở trung tâm Sài Gòn, Việt Nam. Ảnh chụp ngày 30 tháng 11, năm 2013.
Dựa trên những dữ liệu thu thập được trong giai đoạn 1992/ 1993 đến 2014, khoảng cách giàu nghèo ở Việt Nam phân thành hai cực rõ rệt, tình trạng bất bình đẳng về mức sống gia tăng trong vòng hai thập niên qua.
Đó là nhận định của tiến sĩ Đỗ Thiên Kính thuộc Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội trong báo cáo có tên Xu Hướng Bất Bình Đẳng Về Mức Sống Ở Việt Nam Trong 20 Năm Đổi Mới, công bố ngày thứ Năm 3 tháng 12 vừa qua.
Theo giải thích của tiến sĩ Đỗ Thiên Kính, khái niệm mức sống ở đây được đo lường qua các chỉ báo như thu nhập, chi tiêu ngoài ăn uống và giá trị tài sản nơi ở chính.
Đối chiếu với tiêu chuẩn của Ngân Hàng Thế Giới, ông nói trong báo cáo rằng phân bổ thu nhập trong dân cư Việt Nam, từ mức bất bình đẳng vừa giai đoạn 2008 đến 2012, tăng lên dần tính đến lúc này, kéo theo hậu quả là giàu nghèo đã phân rất rõ thành hai cực.
Một cách cụ thể thì nhóm đầu là số hộ giàu, khoảng 20% dân số, chiếm 54,4% tổng thu nhập toàn quốc, trong lúc ba nhóm ở giữa với 60% dân số chỉ chiếm 40,9% thu nhập toàn quốc, còn lại nhóm thứ ba là các hộ nghèo, tức 20% dân số còn lại, chỉ chiếm 4,7% tổng thu nhập toàn quốc mà thôi.
Nếu mức độ bất bình đẳng được thể hiện bằng biểu đồ, tiến sĩ Đỗ Thiên Kính phân tích tiếp, người ta sẽ thấy hệ thống phân tầng xã hội ở Việt Nam có hình kim tự tháp với phần chóp, là tầng cao nhất, tính theo thứ tự từ trên xuống là lãnh đạo, quản lý, doanh nhân và chuyên gia có chuyên môn cao.
Tầng thứ nhì, tức tầng giữa của mức độ bất bình đẳng gồm nhân viên, công nhân, buôn bán dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp.
Sau cùng, tầng thứ ba, là tầng lớp thấp nhất, bao gồm lao động không chuyên, lao động giản đơn và nông dân.
Chính vì vậy, tiến sĩ Đỗ Thiên Kính khẳng định, muốn thay đổi, muốn giảm đi mức bất bình đẳng và giảm đi sự phân cực giàu nghèo, thì hệ thống phân tầng xã hội phải được chuyển từ mô hình kim tự tháp sang mô hình quả trám với tầng lớp ở giữa gồm 60% dân số sẽ phải đông đảo hơn, sẽ phình to ra ở giữa như hình quả trám.
Một người ở Hoa Kỳ thường về Việt Nam 15 năm qua với chương trình cho người nghèo vay vốn để cải thiện và nâng cao mức sống, tiến sĩ Phùng Liên Đoàn nhận xét:
Bất cứ một xã hội đang phát triển nào thì sự phân cực giàu và nghèo cũng rất là rõ rệt. Người giàu thì thật là giàu và người nghèo đi kiếm từng đồng. Thành ra cái đó không phải là ý kiến mới hay nhận xét mới. Nhưng nếu họ có báo cáo đấy trong Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội thì tôi thấy đó là sự tiến bộ. Từ trước đến nay đâu có ai dám nói như vậy, nhất là một cơ quan được tiền của chính phủ và phần lớn là người trong đảng cả.
Báo cáo mới nhất về xu hướng bất bình đẳng xã hội và sự phân cực giàu nghèo của tiến sĩ Đỗ Thiên Kính được chuyên gia Vũ Đình Ánh, Bộ Tài Chánh Hà Nội, nhận xét là một kết quả nghiên cứu tốt bởi nó đưa ra những bằng chứng cũng như lập luận dựa trên số liệu của các nguồn chính thống:
Thế còn kết luận trong đó, ví dụ như bất bình đẳng tăng cao hay sự phân hóa giàu nghèo tăng cao thì không có gì đáng ngạc nhiên cả. Về nguyên tắc tôi cho rằng đấy là một bài nghiên cứu tốt, tuy nhiên có thể nói những vấn đề mà bài nghiên cứu nêu ra thì không có gì mới, ta còn cần làm nhiều hơn.
Dưới mắt chuyên gia kinh tế Phạm Chí Dũng, báo cáo của tiến sĩ Đỗ Thiên Kính đúng về nhận định nhưng không xác thực về con số:
Chẳng hạn nói 20% số người giàu ở Việt Nam chiếm hơn 50% tổng tài sản toàn quốc thì tôi muốn nói lại rằng theo con số công bố không chính thức thì 1% số người giàu ở Việt Nam đã chiếm 40% tổng tài sản toàn quốc rồi.
Phân hóa giàu nghèo ở Việt Nam hiện đã phân cực rất cao. Năm 1997 chính báo Tuổi Trẻ đã thông tin là so sánh 5% người có thu nhập cao nhất với 5% người có thu nhập thấp nhất ở Việt Nam thì khoảng cách đã lên tới 30 lần vào thời điểm những năm 1997-98. Trong khi đó con số thống kê của nhà nước Việt Nam vào lúc đó, so sánh 5% thu nhập cao nhất và 5% thu nhập thấp nhất, chỉ khoảng chừng 7 hay 8 lần mà thôi và cho tới giờ vẫn chỉ chấp nhận khoảng 10 lần, không hơn.
Trong đánh giá của một vài chuyên gia phản biện độc lập, hệ số bất bình đẳng của xã hội Việt Nam phải lên tới từ 0,6 đến 0,7 và như vậy là rất cao.
Trở lại với bản phúc trình của tiến sĩ Đỗ Thiên Kính, phải làm sao tăng thu nhập cho ba nhóm ở giữa gồm 60% dân số luôn là xu hướng biến đổi xã hội của các nước trên thế giới trong quá trình công nghiệp hóa. Thực hiện được điều này, ông khẳng định, là bảo đảm được cho sự phát triển hài hòa, bền vững, ổn định của một cấu trúc xã hội hiện đại.
Việc chuyển đổi cơ cấu kinh doanh, bằng cách phát triển kinh tế tư nhân với thành phần dân doanh đóng vai trò chủ đạo, tạo điều kiện cho sự tích tụ ruộng đất là cách thúc đẩy tầng lớp nông dân vươn đến địa vị kinh tế xã hội cao hơn. Ý kiến của chuyên gia tài chánh Vũ Đình Ánh:
Quan trọng là đẩy tầng lớp dưới cùng, 20% dưới cùng, làm sao mà đẩy thu nhập của họ lên. Đấy là biện pháp thứ nhất. Chứ còn trong bối cảnh xã hội Việt Nam hiện nay, với mô thức phát triển như hiện nay thì khoảng cách giàu nghèo nó càng giãn rộng.
Vấn đề thứ hai nữa là phải tăng cường các biện pháp sử dụng để mà phân phối lại. Cái này cũng đã được thực hiện rồi nhưng dường như là hiệu quả chưa lớn.
Về điểm này, tiến sĩ Phùng Liên Đoàn góp ý:
Cần bành trướng kinh tế dân sự, doanh nghiệp nhà nước là phải dẹp đi bởi vì bao nhiêu lợi nhuận là họ thâu hết, bao nhiêu nợ nần thì họ lại đùn cho 80% người dân ở dưới. Nếu dẹp bớt vai trò quốc doanh đi thì người dân làm việc được nhiều hơn, doanh thu sẽ vào nhiều hơn, sự phân cực giàu nghèo không thể càng ngày càng tăng được. Đó là chính sách rất quan trọng của nhà nước.
Theo tiến sĩ kinh tế Phạm Chí Dũng, mô hình quả trám đưa ra trong báo cáo từng là mô hình chuẩn cho phát triển kinh tế xã hội ở Singapore trước đây:
Mô hình quả trám có thể nói là tương đối tối ưu của xã hội đang phát triển nhưng chưa thấy hy vọng Việt Nam có thể thực hiện được. Kinh tế quốc doanh thực ra chiếm tới 2/3 tổng tài sản kinh tế nhưng hiệu quả chỉ bằng một nửa khối kinh tế tư nhân. Cho nên đã đến lúc phải chuyển khối kinh tế tư nhân, nếu không chủ đạo được, thì ít nhất phải ngang bằng kinh tế nhà nước.
Giải pháp thứ hai là phục hồi quyền tư hữu về đất đai cho người dân, trong đó có nông dân. Đặt ra như vậy nhưng đọc dự thảo văn kiện của đại hội XII thì đảng cầm quyền Việt Nam vẫn đi theo biện pháp 2013 kinh tế nhà nước là chủ đạo.
Trong lúc kinh tế gia Phạm Chí Dũng cho rằng con đường chuyển dịch cơ cấu của Việt Nam hãy còn xa, thì tiến sĩ Đỗ Thiên Kính, nhấn mạnh đến một điểm mới là khuyến nghị này đưa trên cơ sở tiếp cận xã hội học và kinh tế học, xem xét hiện thực qu hai khía cạnh kinh tế và xã hội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.