Giải lý vận nước Việt Nam theo cái nhìn vô ngã
bauxitevnSun 8:37 AM
Nguyễn Duy Vinh
Nhân dịp năm cũ sắp qua và năm mới sắp đến, vào những ngày rảnh rỗi cuối năm ở cái xứ khỉ ho cò gáy Phi Châu này và không biết làm gì, tôi nghĩ đến vận nước Việt Nam và quyết định làm “thầy bói” chuyến này để đoán tương lai của nước tôi qua cái nhìn “vô ngã”.
Cái nhìn “vô ngã” này là tôi “mượn” của Đạo Phật và tôi xin giải lý như sau:
Đạo là con đường. Đạo hiểu theo nghĩa rộng hơn là cách sống. Đạo Phật là cách sống theo lời Phật dạy. Cách sống này thể hiện tuệ giác của người đã thực chứng được sự có mặt của khổ đau và con đường đưa đến hạnh phúc và đã chia sẻ cách sống đó với người khác. Người thực chứng (giác ngộ) đầu tiên ấy là Đức Phật và bài chia sẻ đầu tiên cái thấy của Ngài với năm anh em ông Kiều Trần Như nói về Bốn Sự thật tuyệt vời (Tứ Diệu Đế) và Tám Con đường đi chân chánh (hay Bát Chánh Đạo).
Chúa Giê Su là hiện thân của Đức Chúa Cha trên trần gian, ra đời để cứu rỗi nhân loại và để lại tất cả những lời răn dạy của mình đã được ghi lại trong Thánh Kinh (Bible). Cách sống theo tuệ giác của Ngài Giê Su được gọi là Đạo Chúa.
Đức Phật Thích Ca sau bao nhiêu năm (và bao nhiêu kiếp) dày công tu luyện, đạt được cái thấy lớn và Ngài đã đem hết những năm tháng còn lại sau khi giác ngộ giảng dạy cho những người muốn học theo hạnh và sự hiểu biết của Ngài. Trải qua hơn 2600 năm, tuệ giác của đạo Phật giống như những cây trái được gửi đi ươm trồng khắp nơi. Những cây tuệ giác này đơm bông và mọc hùng mạnh hay yếu ớt tùy vào hoàn cảnh nơi cây được ươm trồng.
Sau 2600 năm, các Thầy các Tổ sống theo đạo Phật cũng đã đạt được những tuệ giác lớn. Từ Long Thọ, Thế Thân ở Ấn Độ cho đến Bồ Đề Đạt Ma khi Ngài sang Trung Quốc vào đầu thế kỷ thứ 6 sau Công nguyên. Việt Nam ta có Ngài Khương Tăng Hội mở đầu kỷ nguyên Thiền tông vào đầu thế kỷ thứ ba và đạo Phật như thế đã đến Việt Nam ít nhất là 300 năm trước khi Ngài Bồ Đề Đạt Ma đặt chân đến Trung Quốc. Ngài Khương Tăng Hội sau này sang Trung Quốc hoằng pháp và Ngài tịch ở Nam Kinh.
Trong những công trình đóng góp vẻ vang về sau này cho đạo Phật Trung Quốc chúng ta phải kể đến việc thỉnh kinh từ Ấn Độ và việc dịch rất nhiều kinh sách của Thầy Huyền Trang vào thế kỷ thứ 7. Cây đạo Phật ở Trung Quốc đã đơm bông từ thời các tổ Huệ Khả, Thần Tú, Huệ Năng và những bông hoa đẹp đó tiếp tục kéo dài cho đến Tổ Lâm Tế (Lin Chi, thế kỷ thứ 9). Pháp môn của Lâm Tế cũng lan đến Việt Nam, cây tuệ giác đạo Phật Việt Nam lại một lần nữa nhận được những cơn mưa Pháp từ phương Bắc đến với sự ra đời của phái Liễu Quán ở miền Trung Việt Nam. Từ thế kỷ 13, đạo Phật đã đến thời kỳ hưng thịnh nhất Việt Nam và thời kỳ đó cũng là thời kỳ mà dân tộc Đại Việt có cơm no áo ấm, vua tôi đoàn kết chặt chẽ như chưa bao giờ từng có trong lịch sử Việt Nam. Các vua đời nhà Trần như Trần Thánh Tông, Nhân Tông, và Anh Tông đã góp công không nhỏ trong việc làm sống lại cách sống đẹp của văn hóa Phật giáo Việt Nam với sự ra đời của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử vào thế kỷ thứ 13.
Tuy nhiên tu thì tu, ở đây tôi xin tạm mở một ngoặc đơn là các vua nhà Trần cũng đã biết lúc nào phải tạm “gác” việc tu sang một bên và họp nhau lại tìm cách chống quân Nguyên đang xâm lăng đất nước. Các Ngài bắt đầu với việc tham khảo toàn dân trong Hội nghị Diên Hồng (năm 1284) và đã sau đó cùng toàn dân đại thắng quân Nguyên, giành lại độc lập cho nước Đại Việt. Tên của những nguyên soái đại tướng tài giỏi như Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải, Phạm Ngũ Lão v.v…được sử sách ghi công và được toàn dân Việt Nam mãi mãi ghi ơn. Vận nước Việt Nam vào đời nhà Trần là một vận nước có nhiều thuận duyên nhờ vào công lao hiển hách của các đấng minh quân, những vị vua trị vì có lòng vì dân vì nước. Đạo Phật vào đời nhà Trần chắc chắn đã có những ảnh hưởng lớn trên những quyết định chính trị của các vua nhà Trần và sự đoàn kết dân tộc thời bấy giờ. Tôi xin tạm để đề tài này sang một bên và sẽ xin hầu chuyện với các bạn về ảnh hưởng của tư tưởng Phật giáo đời Trần trong một lần tản mạn khác. Ở đây tôi xin trở về chủ đề của bài viết, về cái thấy vô ngã của đạo Phật và vận nước Việt Nam.
Cái thấy lớn của đạo Phật được gói ghém trong rất nhiều kinh. Từ Kinh Bát Nhã cho đến Tâm Kinh Bát Nhã và các kinh lớn khác như Hoa Nghiêm, Pháp Hoa và Kim Cương v.v... Những cái thấy lớn đó thường được diễn đạt bằng những danh từ thật cô đọng, giống như người ta đóng một cái dấu lên một nghị quyết. Danh từ cô đọng đó còn được gọi là dấu ấn trong đó có 3 cái ấn rất quan trọng. Ba cái ấn (Tam Pháp Ấn) này cũng giống như những cái ấn của các ông lãnh đạo các quốc gia dùng khi ban ra một công văn hay một công hàm, công hàm nào mà không có chữ ký của các ông ấy cũng như không có con triện của nhà nước đóng lên là không có hiệu lực. Đạo Phật cũng thế, những lời giảng dạy nào mà không có vết tích ba dấu ấn này có thể được coi như không phải là Đạo Phật chính tông.
Tam Pháp Ấn của Đạo Phật là Vô Ngã, Vô Thường và Niết Bàn.
Tôi chỉ xin ngừng ở hai khái niệm đầu cho bài viết này. Trước tiên, phải nói ngay là khái niệm về vô ngã không khó hiểu (riêng sống thực chứng được cái thấy vô ngã thì trần ai !). Ở đây tôi không dám nói đến vấn đề ngộ đạo của các vị chân tu (tức là sống thực chứng) mà tôi chỉ xin bàn đến những khái niệm này qua trình tự phân tích dùng lý trí mà tôi đã được học và bắt chước thôi, qua sự hiểu biết nhỏ bé và giới hạn của mình. Các bạn nào muốn biết thêm về sự tương quan giữa cái nhìn của Phật giáo và khoa học có thể tìm tòi thêm qua các bài trên mạng, hoặc tìm đọc các bài tham khảo của Giáo sư Trịnh Xuân Thuận viết gần đây nhất về đề tài này. Và theo tôi, “vô ngã” là không có ngã, không có cái ta riêng biệt. Tỉ dụ như tờ giấy được làm từ cây cối, người và máy cắt cây, bố mẹ của người cắt cây (đã làm việc cực nhọc để nuôi họ nên người), những cơn mưa, mặt trời, máy nghiền cây, máy ép thành giấy mỏng v. v…Tờ giấy như vậy được làm bởi những chất liệu không-phải-là-tờ-giấy. Tờ giấy vì thế không có cái “ta” riêng biệt mà chỉ hiện hữu nhờ vào những cái ta không riêng biệt khác.
Khi một nguyên nhân hay yếu tố cấu tạo nên cái “ta” không riêng biệt đó bất thình lình biến đi, vắng mặt hay đổ vỡ, cái “ta” đó sẽ không còn trọn vẹn và khi trường hợp này xảy ra, chúng ta gọi đó là vô thường. Lấy một chân cái bàn đi, cái bàn sẽ đổ. Cái bàn không có cái ta riêng biệt (vô ngã) nên khi một yếu tố không-bàn (như chân bàn) mất đi, cái bàn đổ (vô thường). Như vậy vô ngã và vô thường chỉ là hai khái niệm tương quan và đồng nghĩa, vô ngã dùng để giải thích hiện tượng và sự vật theo chiều hướng (dimension) không gian trong khi vô thường nói lên tính cách thời gian (dimension temporelle) của hiện tượng đó.
Sự liên hệ chằng chịt này là chìa khóa tiến trình “sinh thành, tăng trưởng, tồn tại và hoại diệt” của mọi hiện tượng tâm lý, sinh lý và vật lý trên thế gian cũng như trong vũ trụ.
Cái này có nên cái kia có, cái này không thì cái kia cũng không (Kinh A Hàm).
Hiểu được (theo lý trí) cái nhìn vô ngã vô thường này, chúng ta sẽ biết ơn những gì tốt lành chúng ta thu nhận được mỗi ngày và chúng ta sẽ biết trân quý những gì chúng ta có, nhất là sức khỏe của chúng ta. Chính sức khỏe này cũng được làm bởi những thứ không-là-sức-khỏe. Sức khỏe con người được làm bởi thức ăn hằng ngày, không khí ta thở, tình trạng tâm lý và mực độ phiền não khi ta phải bươn chải trong cuộc sống, tình yêu thương đùm bọc của người thân v.v... Môi trường an sinh trong thế giới thu hẹp quanh ta vì thế rất quan trọng. Săn sóc và lo cho những gì quanh ta được ổn định an lành cũng chính là lo cho sức khỏe của mình. Cái nhìn vô ngã giúp chúng ta nhìn thấy tầm quan trọng của sự ô nhiễm môi sinh. Khi môi trường sống chung quanh ta bị ô nhiễm, trước sau con người sinh sống trong môi trường đó cũng sẽ mang bệnh. Điều này chúng ta có thể kiểm chứng dễ dàng qua các thống kê về sức khỏe của dân các thành phố lớn và đông người như Bắc Kinh, Cairo (Ai Cập), New Delhi v.v…Ở Bắc Kinh đã có những hôm khói xe quá nhiều, dân thành phố khó thở và bầu trời xanh biến thành một bầu trời xám đục. Chỉ nhìn những tấm hình chụp được chuyền nhau trên mạng về bầu trời xám ngắt này của Bắc Kinh là chúng ta cũng đã đủ ngộp thở.
Vận nước Việt Nam cũng không thoát khỏi tính chất vô ngã, vận nước đó gắn liền với rất nhiều thứ: từ tài đức lãnh đạo của nhà cầm quyền cho đến dân trí, hạnh phúc, tự do và sự chăm chỉ cần cù làm ăn của người dân trong nước, cũng như sự mưu toan xâm lấn đất đai và biển đảo của ngoại bang như gần đây nhất với vụ xâm lấn đất ở biên giới Việt-Trung và vụ xâm chiếm biển đảo ở ngoài khơi Việt Nam của Trung Quốc. Tương lai của nước ta được làm bởi những chất liệu không-tương-lai. Tức là nhìn vào tình cảnh quê hương với cặp mắt vô ngã, chúng ta thấy xã hội Việt Nam đang có nhiều khó khăn trên rất nhiều phương diện. Dân Việt Nam đông đúc tranh sống trên một mảnh đất bé nhỏ. Không chỗ nào mà không có xây cất, nhà cửa bằng xi-măng mọc lên khắp nơi. Có nhiều nơi, người ta đã chặt hết cây và thay vào đó bằng những ngôi nhà cao tầng bằng xi-măng. Quản lý một cộng đồng gần 90 triệu người chen chúc trong một nước nhỏ bé là một vấn đề nan giải cho nhà cầm quyền.
Từ một nước thoát thai ra khỏi một cuộc chiến kéo dài gần nửa thế kỷ kể từ cuộc chiến chống đô hộ Pháp, con người Việt Nam, sau một cuộc bể dâu và những thăng trầm của lịch sử, đã vươn lên với một sức sống mãnh liệt, với một khát khao vật chất qua những năm thiếu thốn, như những làn sóng vỡ bờ, như một bầy ong vỡ tổ. Từ những khát khao vật chất này, người có quyền lực trong nước đã biết lợi dụng quyền thế để làm giàu. Tham nhũng và lạm quyền từ đó ra đời và đã đẻ ra những tệ nạn xã hội rất lớn và cùng lúc tạo ra những quan chức mới, những đại gia có những tài sản kếch sù. Không ai có thể ngờ rằng chỉ sau 39 năm kể từ ngày “Bên thắng cuộc” “giải phóng” được Miền Nam mà chế độ xã hội chủ nghĩa hiện nay có thể đưa đến sự khác biệt giàu nghèo ở Việt Nam lên cao đến độ không sách vở nào tả được. Từ những người cứ đêm đêm khi trời vừa hừng sáng là họ đã phải vất vả khó nhọc gồng gánh buôn thúng bán bưng kiếm sống cho đến những đại gia kiếm tiền thật dễ dàng và sống chễm chệ trên những gia tài hàng triệu đô la US. Một xã hội chủ nghĩa trong đó những chương trình y tế, giáo dục và an sinh cho người dân thiếu thốn rất trầm trọng. Tình hình xã hội Việt Nam không đẹp, nó có tính cách nhốn nháo, tạp nhạp, hỗn loạn và bất an. Bốn chữ “xã hội chủ nghĩa” không phản ảnh trung thực những gì đang xảy ra ở Việt Nam. Cho đến nay chưa có dấu hiệu nào cho thấy nhà cầm quyền lo cho an sinh người dân trong nước. Tôi không thể nào tưởng tượng được một nước được hoàn toàn độc lập mà quyền sống của người dân lại khó khăn đến thế. Chế độ quản trị của nhà nước thì nặng chình chịch. Không biết ai lãnh đạo vì Bộ Chính trị là cơ quan lãnh đạo có đến 14 vị. Người dân khiếu nại không ai nghe. Có hàng trăm kiến nghị quan trọng rơi vào quãng không, không một tiếng trả lời, không một lá thư hồi âm. Tình trạng rắn không đầu này đưa đến sự lộng hành của những cơ quan thừa hành địa phương. Công an tỉnh, công an quận, công an xã, công an phường là những ông vua con có tiếng nói thét ra lửa. Dân chúng sống trong bất công không biết phải thưa cùng ai. Những người lên tiếng kêu ca khi bị đàn áp thì lại càng bị đàn áp thêm. Tình trạng không có lãnh đạo cũng được biểu hiện qua việc xâm lăng biển đảo của Trung Quốc. Sự chống đối yếu ớt và rụt rè hiện nay của nhà nước Việt Nam là một thí dụ điển hình của việc rắn mất đầu trong việc lãnh đạo công việc nước. Một tình trạng cai trị bê bối và thiếu nghiêm túc chưa từng có trong lịch sử Việt Nam.
Vận nước Việt Nam vì thế sẽ không khá. Những mảnh vụn rời rạc trong sự lãnh đạo và cai quản nước yếu kém sẽ làm tan khí phách Việt Nam trước sự đe dọa và xâm lăng biển đảo của Trung Quốc. Nếu nhà cầm quyền Việt Nam biết tập nhìn (quán chiếu) tình hình xã hội Việt Nam qua lăng kính vô ngã, họ sẽ thấy là hạnh phúc của họ cũng rất mỏng manh. Vì hạnh phúc của chính họ cũng được làm bởi những yếu-tố-không-hạnh-phúc. Họ không thể giữ mãi được những gia tài đồ sộ cho con cháu họ trong khi chung quanh có quá nhiều người khổ. Họ không thể sống thảnh thơi khi tàu chiến Trung Quốc rầm rộ tuần hành quanh các đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Hạnh phúc của những người cầm quyền, những người lãnh đạo guồng máy nhà nước có liên hệ chằng chịt với hạnh phúc của người dân.
Qua lăng kính đạo Phật, chỉ có cách lo cho dân thực sự với tất cả tấm lòng, như tấm lòng thương dân thương nước của các vua đời nhà Trần, may ra mới cứu vãn được tình thế. Còn để tình trạng ù lì hiện nay tiếp tục trì trệ, các nhà lãnh đạo và Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ phải đương đầu với những khó khăn và sự hỗn loạn khó lường.
N.D.V.
(*) Tài liệu tham khảo : Việt Nam Phật Giáo Sử Luận của Giáo Sư Nguyễn Lang (Tập 1, 2 và 3), nhà xuất bản Lá Bối (California, USA) và hiện nay cũng có bán trong nước tại các nhà sách lớn.
Bài viết cũ tác giả gửi lại cho BVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.