Thứ Ba, 22 tháng 12, 2015

Thỏa ước khí hậu Paris 2015: ai thắng ai thua?

Thỏa ước khí hậu Paris 2015: ai thắng ai thua?

bauxitevnTue 8:09 AM


Nguyễn Minh Quang
15 tháng 12 năm 2015
clip_image002
Tóm lược: Hội nghị Khí hậu Paris 2015 kết thúc với việc ký kết Thỏa ước Khí hậu Paris 2015 (Thỏa ước Paris) của gần 200 quốc gia tham dự hội nghị. Mục tiêu của Thỏa ước Paris là giữ cho nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng không quá 2 oC và tìm kiếm nỗ lực để hạn chế mức gia tăng không quá 1,5 oC so với mức tiền kỹ nghệ. Để đạt đến mục tiêu đó, các quốc gia sẽ đạt đến mức phóng thích tối đa khí nhà kính càng sớm càng tốt, và sau đó, cắt giảm nhanh chóng cho đến khi lượng phóng thích cân bằng với lượng thu hút thiên nhiên. Thỏa ước Paris kêu gọi thiết lập cơ chế minh bạch, theo dõi và giám sát; hỗ trợ kỹ thuật và tài trợ cho các quốc gia đang phát triển và các đảo quốc nhỏ để giảm thiểu thiệt hại và thích nghi với sự thay đổi khí hậu.
Thỏa ước Paris được ca tụng như là một thỏa ước lịch sử, một bước nhảy vọt cho nhân loại, và là một bước ngoặt của khí hậu toàn cầu. Nhưng trên thực tế, nó chỉ là một “thỏa ước không có răng” vì không có tính ràng buộc pháp lý và cũng không có một điều khoản chế tài hay trừng phạt nào đối với các quốc gia vi phạm mức phóng thích do chính mình đề ra. Ngay Tiến sĩ James Hansen, người tiên phong trong việc quảng bá hâm nóng toàn cầu ở Hoa Kỳ, cũng cho thỏa ước này là một sự lừa gạt và “dỏm.” 
Thỏa ước Paris được xem là một thắng lợi lớn cho các quốc gia đang phát triển và các đảo quốc nhỏ, vì được “bồi thường thiệt hại” qua Quỹ Khí hậu Xanh với 100 tỉ USD/năm do các quốc gia phát triển đóng góp, và là một sự thua thiệt lớn cho nhiên liệu hóa thạch. Nhưng trên thực tế thì không hẳn như vậy. Quỹ Khí hậu Xanh chỉ là “một cái bánh vẽ” to tướng, vì cho đến nay, chỉ có 5,9 tỉ USD được cam kết và toàn bộ thỏa ước hoàn toàn không đá động gì đến nhiên liệu hóa thạch.
Thỏa ước Paris là một chiến thắng vẻ vang của Tổng thống (TT) Obama và là một thành công lớn của TT Hollande. Nó là một thắng lợi lớn của Trung Hoa, nhưng là một thua thiệt thảm hại của những nhà hoạt động môi trường và những người gieo sợ hãi hâm nóng toàn cầu vì nó không đáp ứng những yêu sách của họ.
DẪN NHẬP
Sau khi các quốc gia không đạt được một thỏa thuận chung quyết trước khi Hội nghị Khí hậu Paris 2015 (Hội nghị Paris) bế mạc vào 6:00 giờ chiều ngày 11 tháng 12, công tác thương thảo được tiếp tục suốt đêm trong bầu không khí căng thẳng và có lúc tưởng như bế tắc vì Ngoại trưởng John Kerry của Hoa Kỳ “… hăm dọa rằng, các quốc gia phát triển kể cả Hoa Kỳ, sẽ rút ra khỏi thỏa ước nếu nó vẫn giữ bức tường phân biệt hay vẫn đòi hỏi một lộ trình hay mục tiêu về nhiệm vụ cung cấp tài chánh trong thỏa ước Paris.” [1] Cuối cùng, các nhà thương thuyết đã đạt được thỏa hiệp, và sáng ngày 12 tháng 12, gần 200 quốc gia tham dự hội nghị đã chấp thuận Thỏa ước Khí hậu Paris 2015 (Thỏa ước Paris) [2].
Phương tiện truyền thông “chính thống” ca tụng Thỏa ước Paris là một “thỏa ước lịch sử” [3-7] và là “bước ngoặc” của khí hậu toàn cầu [8]. Tổng thống (TT) Pháp Francois Hollande xem Thỏa ước Paris như là “một bước nhảy vọt lớn lao cho nhân loại” [10]. TT Obama vội vàng xuất hiện trên hệ thống truyền hình toàn quốc để hoan nghênh “cái thỏa thuận thay đổi khí hậu nhiều tham vọng nhất trong lịch sử” [9] đồng thời “kể công” rằng “… cái thỏa ước lịch sử này là một món quà đáp lại sự lãnh đạo của Mỹ. Trong suốt 7 năm qua, chúng ta đã làm cho Hoa Kỳ trở thành người lãnh đạo toàn cầu trong cuộc chiến thay đổi khí hậu.”[11] Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng Thỏa ước Paris đánh dấu “lần đầu tiên, toàn thể cộng đồng thế giới cam kết tự hành động, hành động trong cuộc chiến chống lại thay đổi khí hậu toàn cầu” [12]. 
Thỏa ước Paris là một thỏa ước lịch sử đánh dấu bước ngoặc của khí hậu toàn cầu? Nó là một bước nhảy vọt lớn lao cho nhân loại mang nhiều tham vọng nhất trong lịch sử? Bài viết này có mục đích tìm hiểu thêm về thỏa ước khí hậu vừa được cộng đồng thế giới cam kết tự hành động để chống lại thay đổi khí hậu – đúng ra là hâm nóng – toàn cầu và nhận định xem ai thắng, ai thua qua việc ký kết thỏa ước này.
VÀI NÉT CHÍNH CỦA THỎA ƯỚC PARIS
Đúng như tên gọi, Thỏa ước Paris (Paris Agreement) là một sự thỏa thuận (agreement) giữa các thành viên của Hiệp định Khung về Thay đổi Khí hậu (Framework Convention on Climate Change (FCCC)). Thỏa ước chỉ có hiệu lực vào ngày thứ 30 sau khi “… có ít nhất 55 quốc gia thành viên của FCCC với lượng phóng thích khí nhà kính chiếm ít nhất 55% tổng số lượng phóng thích toàn cầu đệ nạp văn kiện phê chuẩn, chấp nhận, chấp thuận hay tham gia” [13] Thỏa ước Paris gồm có những điểm chính như sau:
Giới hạn mức gia tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu
Điều 2 của Thỏa ước Paris kêu gọi “… giữ cho nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng không quá 2 oC và tìm kiếm nỗ lực để hạn chế mức gia tăng không quá 1,5 oC so với mức tiền kỹ nghệ, vì điều này có thể làm giảm đáng kể nguy cơ và hậu quả của thay đổi khí hậu.”[13]
“Để đạt được mục tiêu nhiệt độ lâu dài nêu ở Điều 2, các thành viên nhắm đến việc đạt đến mức phóng thích tối đa khí nhà kính càng sớm càng tốt – nhưng các quốc gia đang phát triển có thể kéo dài lâu hơn – và sau đó sẽ cắt giảm mức phóng thích nhanh chóng dựa trên khoa học tân tiến sẳn có để cân bằng sự phóng thích khí nhà kính của con người và sự loại trừ của các nguồn thu hút (sinks) vào hạ bán thế kỷ, trên căn bản bình đẳng trong khuôn khổ phát triển khả chấp và nỗ lực tiêu trừ nạn nghèo đói.” [13]
Cắt giảm thêm mức phóng thích khí nhà kính
Vì lượng phóng thích khí nhà kính do các quốc gia thành viên cam kết (intended nationally determined contributions (INDC)) vào năm 2025 và 2030 có thể làm cho nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng ít nhất 2,7 oC vào cuối thế kỷ – ước tính lên đến 55 gigatonnes vào năm 2030, Thỏa ước Paris kêu gọi các quốc gia thành viên trở lại vào năm 2020 để tái xét những cam kết đã có và đưa ra những cam kết mới cho mỗi 5 năm tiếp theo. Cam kết của mỗi quốc gia thành viên phải “tiến bộ” hơn cam kết trước đó “… và phản ánh tham vọng khả thi cao nhất” của quốc gia.
Vẫn theo Thỏa ước Paris, lượng phóng thích phải được giảm xuống 40 gigatonnes nếu muốn giữ cho nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng không quá 2 oC so với mức tiền kỹ nghệ. Nhóm Liên Chính phủ về Thay đổi Khí hậu (Intergovernmental Panel on Climate Change (IPCC)) sẽ công bố một phúc trình đặc biệt vào năm 2018 về ảnh hưởng của hâm nóng toàn cầu nếu nhiệt độ ấm hơn mức tiền kỹ nghệ 1,5 oC và mức phóng thích khí nhà kính liên hệ.
Tài trợ các quốc gia đang phát triển
Điều 9(1) của Thỏa ước Paris ấn định: “Các quốc gia phát triển sẽ cung cấp nguồn tài chánh để giúp các quốc gia đang phát triển trong việc giảm bớt thiệt hại và thích nghi, tiếp nối những cam kết hiện hữu trong khuôn khổ FCCC” [13].
Ngoài ra, Thỏa ước Paris còn ghi nhận thêm là “… các quốc gia phát triển có ý định tiếp tục mục tiêu huy động tập thể hiện hửu cho đến năm 2025 trong các hoạt động làm giảm bớt thiệt hại và sự minh bạch khi thực hiện; các quốc gia ký kết Thỏa ước Paris sẽ nhóm họp trước năm 2025 để ấn định một mục tiêu tập thể mới, ít nhất là 100 tỉ USD mỗi năm, tùy theo nhu cầu và ưu tiên của các quốc gia đang phát triển.” Đối với các hoạt động từ nay đến năm 2020, Thỏa ước Paris “… mạnh mẽ khuyến cáo các quốc gia phát triển tăng cường mức tài trợ, với một lộ trình vững chắc để đạt được mục tiêu 100 tỉ USD/năm vào năm 2020 dùng cho việc giảm bớt thiệt hại và thích nghi, đồng thời gia tăng đáng kể mức tài trợ để thích nghi và hơn nữa, trợ giúp kỹ thuật và huấn luyện chuyên môn” [13]
Thiết lập cơ chế minh bạch, theo dõi và giám sát
Để có sự tin cậy, tự tin và khuyến khích việc thực thi có hiệu quả, một cơ chế minh bạch cho các hoạt động và hỗ trợ sẽ được thiết lập. Cơ chế minh bạch sẽ dựa trên khuôn khổ minh bạch của FCCC nhưng “… ghi nhận những tình huống đặc biệt của các quốc gia kém phát triển và những đảo quốc nhỏ” và “… cho phép các quốc gia đang phát triển được uyển chuyển trong việc thực thi những điều khoản của Điều 13 dựa theo khả năng của mình” [13].
Mỗi quốc gia sẽ thường xuyên cung cấp “(a) một bản kiểm kê quốc gia về lượng phóng thích và thu hút khí nhà kính cho từng nguồn được soạn theo những phương pháp thực tiễn được IPCC chấp thuận và các quốc gia ký kết Thỏa ước Paris đồng ý, và (b) Dữ kiện cần thiết để theo dõi tiến triển trong việc thi hành và hoàn tất INDC như được nêu trong Điều 4” [13]
NHẬN XÉT
Thỏa ước Paris quả đúng là một “thỏa ước lịch sử,” có lẽ vì nó không giống với bất cứ một thỏa ước nào được ký kết từ trước cho đến nay, bởi vì, theo Điều 20, nó “… tùy thuộc vào sự phê chuẩn, chấp nhận hay chuẩn thuận của các quốc gia…” Đây là một thắng lợi lớn lao của TT Obama trong việc thực hiện mục tiêu cá nhân và chính trị của mình [14] vì ông không sợ Quốc Hội Hoa Kỳ bác bỏ như Phụ ước Kyoto 1997, là một hiệp ước (treaty) cần được quốc hội phê chuẩn. Nó cũng là một thành công lớn của TT Hollande vì tránh được vết xe đổ của Hội nghị Copenhagen 2009.
Nhưng Thỏa ước Paris chắc chắn không phải là “một bước ngoặc của khí hậu toàn cầu” và càng không phải là “một bước nhảy vọt lớn lao cho nhân loại.” Thật vậy, khí hậu toàn cầu và nhân loại đã từng có Hội nghị Thượng đỉnh Rio de Janeiro 1992, Phụ ước Kyoto 1997, Hội nghị Bali 2007, Hội nghị Copenhagen 2009 và Hội nghị Duban 2011 kêu gọi cắt giảm lượng phóng thích khí nhà kính để tránh sự nguy hiểm của thay đổi khí hậu; nhưng cho đến nay, mức phóng thích đã không giảm mà không ngừng gia tăng. Phụ ước Kyoto 1997 đã thất bại thì Thỏa ước Paris 2015 khó có cơ hội thành công. Chính TT Obama cũng thừa nhận rằng “không có thỏa ước nào là hoàn hảo, kể cả thỏa ước này,”và “… thỏa ước này không giải quyết được vấn đề” [11] nhưng là “… cơ hội tốt nhất để cứu lấy hành tinh duy nhất của chúng ta.” [15]
Chính Tiến sĩ (TS) James Hansen, người tiên phong trong việc quảng bá hâm nóng toàn cầu ở Hoa Kỳ, cũng cho rằng Thỏa ước Paris “… chính là một sự lừa gạt, đồ dỏm. Đó chỉ là một sự lừa dối khi nói rằng: ‘Chúng ta có mục tiêu ấm hơn 2 oC rồi mỗi 5 năm cố gắng làm tốt hơn một chút.’ Đó chỉ là những từ ngữ vô giá trị. Không có hành động, chỉ có lời hứa suông. Khi nào nhiên liệu hóa thạch còn là nhiên liệu rẻ nhất, chúng sẽ được tiếp tục đốt” [16]. Ông cho rằng, hội nghị quốc tế không có ý nghĩa chừng nào toàn thể việc phóng thích khí nhà kính được đánh thuế, và chỉ có cách này mới có thể cắt giảm mức phóng thích đủ nhanh để tránh những tán phá tệ hại của thay đổi khí hậu.
Về mặt khoa học, con số quan trọng nhất được nói đến ở Hội nghị Paris – 2 oC – đã định hướng cho nhiều cuộc thương thảo về khí hậu trong nhiều thập niên, nhưng sự xác đáng của nó vẫn chưa được chứng minh. Nhiều khoa học gia cho rằng, mặc dù trái đất đang ấm lên, con số 2 oC dường như chỉ là một cái ngưỡng tùy tiện dựa trên nghiên cứu thô thiển, vì thế nó không thực tế cho việc hoạch định chính sách. Theo Mark Maslin, Giáo sư Khí tượng của University College London, “con số này bắt nguồn từ một nghị trình chính trị chứ không từ một phân tích khoa học… Nó không phải là một mục tiêu đúng đắn và hợp lý vì các mô hình cho chúng ta một khoảng có thể xảy ra chứ không phải là một giải đáp duy nhất” [17].
Hơn thế nữa, cái tiền đề căn bản của Thỏa ước Paris – sự gia tăng lượng carbon dioxide (CO2) do con người phóng thích vào khí quyển là nguyên nhân chính yếu của hâm nóng toàn cầu – vẫn chưa được IPCC chứng minh một cách thỏa đáng và khoa học, ngoài các mô hình toán với những nhiệt độ tiên đoán khác xa với nhiệt độ đo đạc thật sự [18,19]. Ngược lại, nhiều nghiên cứu cho thấy hiện tượng hâm nóng toàn cầu hiện nay không phải do sự gia tăng của CO2 trong khí quyển gây ra [20-25] mà có lẽ do sự dao động trong điện từ trường của mặt trời [26] hay do việc dùng chlorofluorocarbons [27] gây ra.
KẾT LUẬN
Cuối cùng thì Thỏa ước Paris cũng được ký kết sau một đêm đông không ngủ của đại diện các quốc gia tham dự Hội nghị Paris. Mục đích chính của Thỏa ước Paris – nhằm thay thế cho Phụ ước Kyoto “vô dụng” và hết hiệu lực – là giữ cho nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng không quá 2 oC và tìm kiếm nỗ lực để hạn chế mức gia tăng không quá 1,5 oC so với mức tiền kỹ nghệ, bằng cách đạt đến mức phóng thích tối đa khí nhà kính càng sớm càng tốt, và sau đó, sẽ cắt giảm nhanh chóng mức phóng thích cho đến khi lượng phóng thích cân bằng với lượng thu hút thiên nhiên.
Thỏa ước Paris kêu gọi thiết lập cơ chế minh bạch, theo dõi và giám sát việc thực thi các điều khoản trong thỏa ước cũng như hỗ trợ kỹ thuật và tài trợ cho các quốc gia đang phát triển và các đảo quốc nhỏ để giảm thiểu thiệt hại và thích nghi với sự thay đổi khí hậu. Thỏa ước Paris được nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới, kể cả TT Obama, và hệ thống truyền thông ca tụng là một thỏa ước lịch sử, một bước nhảy vọt cho nhân loại, và là một bước ngoặc của khí hậu toàn cầu; nhưng trên thực tế, nó chỉ là một “thỏa ước không có răng” vì không có tính ràng buộc pháp lý và cũng không có một điều khoản chế tài hay trừng phạt nào đối với các quốc gia vi phạm mức phóng thích do chính mình đề ra.
Thỏa ước Paris được xem là một thắng lợi lớn cho các quốc gia đang phát triển và các đảo quốc nhỏ – vì được “bồi thường thiệt hại” qua Quỹ Khí hậu Xanh (Green Climate Fund) với 100 tỉ USD/năm (và gia tăng hàng năm) do các quốc gia phát triển đóng góp – và là một sự thua thiệt lớn cho nhiên liệu hóa thạch – vì các quốc gia ký kết thỏa ước sẽ đề ra những chính sách thúc đẩy việc sử dụng năng lượng sạch, chẳng hạn như phong và quang điện. Nhưng trên thực tế thì không hẳn như vậy. Quỹ Khí hậu Xanh dường như chỉ là “một cái bánh vẽ” to tướng, vì cho đến nay, chỉ có chắc 5,9 tỉ USD trong số 10,2 tỉ USD đã được cam kết chính thức hay không chính thức [28]. Mặc dù nhiều nghiên cứu cho rằng cần phải giữ hầu hết nhiên liệu hóa thạch trong lòng đất để giữ cho nhiệt độ toàn cầu tăng không quá 2 oC, “… toàn bộ thỏa ước hoàn toàn không đề cập đến nhiên liệu hóa thạch” [29]. Hơn thế nữa, Hiệp hội Than đá Thế giới tiên đoán rằng điện sản xuất từ than đá sẽ tăng 24% vào năm 2040 dù có thực hiện mục tiêu cắt giảm đã cam kết [30].
Thỏa ước Paris có lẽ là một chiến thắng vẻ vang của TT Obama vì ít ra ông đã tạo được một di sản “môi trường” trong nhiệm kỳ của mình, cho dù đó chỉ là một di sản “không hoàn hảo.” Nó cũng là một thành công lớn của TT Hollande vì đã tránh được vết xe đổ của Hội nghị Copenhagen 2009 để đạt đến Thỏa ước Paris, cho dù đó chỉ là “một thỏa ước không có răng.” Nó là một thắng lợi lớn của Trung Hoa, vì được tự do tiếp tục gia tăng mức phóng thích và không phải “đóng góp” vào Quỹ Khí hậu Xanh; nhưng là một thua thiệt thảm hại của những nhà hoạt động môi trường và những người gieo sợ hãi hâm nóng toàn cầu, vì nó không đáp ứng những “yêu sách cấp bách” của họ là chấm dứt khai thác và sử dụng nhiên liệu hóa thạch và loại trừ năng lượng gốc carbon (decarbonization) ra khỏi nền kinh tế thế giới.
N. M. Q.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Nitin Sethi. December 11, 2015. “US threatens to walk out of Paris pact over financial obligations.” Business Standardhttp://www.business-standard.com/article/current-affairs/us-threatens-to-walk-out-of-paris-pact-over-financial-obligations-115121100913_1.html
[2] Bill Chappell. December 12, 2015. “Nearly 200 Nations Adopt Climate Agreement At COP21 Talks in Paris.” NPRhttp://www.npr.org/sections/thetwo-way/2015/12/12/459464621/final-draft-of-world-climate-agreement-goes-to-a-vote-in-paris-saturday
[3] Joby Warrick and Chris Mooney. December 12, 2015. “196 countries approve historic climate agreement.” The Washington Posthttps://www.washingtonpost.com/news/energy-environment/wp/2015/12/12/proposed-historic-climate-pact-nears-final-vote/
[4] Lynne Peeples. December 12, 2015. “Historic Climate Change Agreement Adopted in Paris.” Huffpost Politicshttp://www.huffingtonpost.com/entry/climate-change-paris_566c2048e4b0e292150e169b
[5] Eric J. Lyman. December 12, 2015. “Nations strike historic deal on climate change.” USA Todayhttp://www.usatoday.com/story/news/world/2015/12/12/climate-deal-paris/77200018/
[6] Chetan Chauhan. December 13, 2015. “Paris: 195 nations adopt historic climate change deal to save planet.” Hindustan Timeshttp://www.hindustantimes.com/world/global-climate-conference-cop21-adopts-agreement-on-climate-change/story-7MqLQSXUOZ8Ksif64QiPsJ.html
[7] Xinhua. December 13, 2015. “China urges implementation after historic climate deal sealed.” China Dailyhttp://www.chinadaily.com.cn/china/2015-12/13/content_22702289.htm
[8] Coral Davenport. December 12, 2015. “Nations Approve Landmark Climate Accord in Paris.” The New York Timeshttp://www.nytimes.com/2015/12/13/world/europe/climate-change-accord-paris.html
[9] Kevin Freking. December 12, 2015. “White House Praises ‘Most Ambitious Climate Change Agreement in History.” Huffpost Politicshttp://www.huffingtonpost.com/entry/obama-climate-agreement_566c732be4b0fccee16ed32b
[10] John Vidal, Adam Vaughan, Suzanne Goldenberg, Lenore Taylor and Daniel Boffey. December 12, 2015. “World leaders hail Paris climate deal as ‘major leap for mankind’” The Guardianhttp://www.theguardian.com/environment/2015/dec/13/world-leaders-hail-paris-climate-deal
[11] ABC. December 12, 2105. “Full text of President Obama’s speech on the Paris climate agreement.” ABChttp://abc7news.com/weather/full-text-of-president-obamas-speech-on-the-paris-climate-agreement/1120330/
[12] Breaking News. December 13, 2015. “Leaders hail Paris climate change deal.” Breaking Newshttp://www.breakingnews.ie/world/leaders-hail-paris-climate-change-deal-711237.html
[13] Conference of the Parties. Twenty-first Session. December 12, 2015. “Adoption of the Paris Agreement.” Framework of Convention on Climate Change. United Nations.http://unfccc.int/resource/docs/2015/cop21/eng/l09r01.pdf
[14] Steven Mufson. December 12, 2015. “Paris accord is a big win for Obama, even as climate change still loom.” The Washington Posthttps://www.washingtonpost.com/business/economy/paris-accord-is-a-big-win-for-obama-even-as-climate-dangers-still-loom/2015/12/12/bd6c5758-a044-11e5-8728-1af6af208198_story.html
[15] Allie Malloy and Karl de Vries. December 12, 2015. “Obama: Climate change deal ‘the best chance’ to save planet.” CNNhttp://www.cnn.com/2015/12/12/politics/obama-on-paris-climate-change-pact-we-met-the-moment/
[16] Oliver Milman. December 12, 2015. “James Hansen, father of climate change awareness, calls Paris talks ‘a fraud.’” The Guardianhttp://www.theguardian.com/environment/2015/dec/12/james-hansen-climate-change-paris-talks-fraud
[17] Gautam Naik. November 29, 2015. “Scientists Dispute 2-Degree Model Guiding Climate Talks.” The Wall Street Journalhttp://www.wsj.com/articles/scientists-dispute-2-degree-model-guiding-climate-talks-1448829047
[18] Kesten C. Green, J. Scott Armstrong, and Willie Soon. October 24, 2013. “The science fiction of IPCC climate models.” Human Eventshttp://humanevents.com/2013/10/24/the-science-fiction-of-ipcc-climate-models/
[19] Barbara Hollingsworth. September 30, 2013. “Climate Scientist: 73 UN Climate Models Wrong, No Global Warming in 17 Years.” CNSNewshttp://www.cnsnews.com/news/article/barbara-hollingsworth/climate-scientist-73-un-climate-models-wrong-no-global-warming-17
[20] Larry Vardiman, Ph.D. 2008. “Does Carbon Dioxide Drive Global Warming?” Institute for Creation Researchhttp://www.icr.org/article/does-carbon-dioxide-drive-global-warming/
[21] C.D. Idso and K.E. Idso. 1998. “Carbon Dioxide and Global Warming.” CO2 Sciencehttp://www.co2science.org/about/position/globalwarming.php
[22] Pierre R Latour, Ph.D. 27 October 2014. “Fred Singer Closing in on Fact: CO2 Doesn’t Affect Global temperature.” Climate Change Dispatchhttp://www.climatechangedispatch.com/fred-singer-closing-in-on-fact-co2-doesnt-affect-global-temperature.html
[23] Anthony Watts. August 30, 2012. “Important paper strongly suggests man-made CO2 is not the driver of global warming.” WUWThttp://wattsupwiththat.com/2012/08/30/important-paper-strongly-suggests-man-made-co2-is-not-the-driver-of-global-warming/
[24] Tim Ball. February 8, 2011. “CO2 Is Not Causing Global Warming.” Dr. Tim Ballhttp://drtimball.com/2011/co2-is-not-causing-global-warming/
[25] Don Easterbrook, Editor. 2011. Evidence-Based Climate Science. Data Opposing CO2 Emissions as the Primary Source of Global Warming. Elsevier. Amsterdam, the Netherlands. 
[26] Larry Vardiman, Ph.D. 2007. “Evidence for Global Warming.” Institute for Creation Researchhttp://www.icr.org/article/3233/
[27] Quing-Bin Lu. May 30, 2013. “Global warming caused by chlorofluorocarbons, not carbon dioxide, new study says.” Phys.orghttp://phys.org/news/2013-05-global-chlorofluorocarbons-carbon-dioxide.html
[28] Benjamin Zycher. November 30, 2015. “Paris in the Fall: COP-21 vs Climate Evidence.” American Enterprise Institutehttp://www.aei.org/publication/paris-in-the-fall-cop-21-vs-climate-evidence/
[29] Jan Cruz Ferre. 16 December 2015. “Winners and Losers of the Paris Agreement.” Left Voicehttp://www.leftvoice.org/Winners-and-Losers-of-the-Paris-Agreement
[30] Karl Ritter. December 14, 2015. “Winners and Losers in the Paris Climate Pact.” Associated Press – ABC Newshttp://abcnews.go.com/International/wireStory/winners-losers-paris-climate-pact-35751535
Tác giả gửi BVN.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.