Thứ Ba, 15 tháng 12, 2015

Quả bom dân số xì hơi và tác động đối với tốc độ tăng trưởng GDP

Quả bom dân số xì hơi và tác động đối với tốc độ tăng trưởng GDP

Vũ Quang ViệtNov 24 10:20 PM


Dân số thế giới


Quả bom dân số xì hơi và tác động
đối với tốc độ tăng trưởng GDP


Vũ Quang Việt


Cuối thập niên 60 và đầu thập niên 70, các nước hoảng hốt vì quả bom dân số nhất là sau quyển sách của Paul R. Ehrlich, Giáo sư Đại học Stanford, và vợ ông ta là Anne Ehrlich, ra đời, cảnh báo về nạn nhân mãn và đề nghị các biện pháp ngăn ngừa việc tăng dân sốquá nhanh. Nhiều nước khuyến khích ngừa thai, còn Trung Quốc thì ra lệnh mỗi cặp vợ chồng chỉ có một con. Bản báo cáo mới nhất của Liên Hiệp Quốc ra đời năm nay, đưa phỏng đoán mới nhất về dân số cho từng nước trên thế giới tới những năm 2100. Thường cách làm là đưa ra 3 phỏng đoán (cao, thấp và trung bình).  Đây là phỏng đoán ở mức trung bình. Tờ báo Wall Street Journal dựa vào phỏng đoán của LHQ cũng đưa ra phân tích trong một bài viết ngày 23/11/2015.    
Báo cáo của LHQ cho thấy dân số thế giới vẫn tiếp tục tăng cho đến 2100, nhưng trong từng khu vực và một số nước, dân số giảm đáng kể. Khu vực bị ảnh hưởng lớn là Âu châu, ngay từ nay đến 2030 và tiếp tục giảm. TQ đạt dân số cao kỷ lục vào năm 2030 là 1.4 tỷ, rồi giảm xuống 1.3 tỷ vào năm 2050, nhưng sau đó sẽ giảm mạnh, chỉ còn 1 tỷ vào năm 2100. Việt Nam cũng vào trường hợp giảm nhưng ở mức nhẹ hơn.

Dân số thế giới và tốc độ tăng trường so với thời kỳ trước đó


bang1
Nguồn : Liên Hiệp Quốc

Không chỉ giảm dân số, quan trọng hơn là ảnh hưởng của dân số vào độ tuổi lao động. Thí dụ bảng dưới cho thấy tỷ lệ lao động của TQ chỉ còn là 50% vào năm 2050 và 46.9% năm 2100.  Với dân trong độ tuổi lao động giảm, và phải nuôi dân trong độ tuổi trẻ hoặc về hưu không còn làm việc được sẽ trở thành gánh nặng cho xã hội.

Tỷ lệ  dân trong độ tuổi lao động (15-59) ở một số nước so với dân số


 bang2
Nguồn : LHQ
Đi vào chi tiết hơn, Wall Street Journal đã cho thấy bắt đầu từ năm 2016, dân số vào tuổi lao động các nước phát triển cao sẽ giảm, trừ Mỹ. Đến năm 2050 theo LHQ dân số các nước phát triển cao sẽ giảm 5%. Tỷ lệ dân vào tuổi lao động ở Nam Hàn giảm 26%, ở Nhật giảm 23%, Đức và Ý 23%. Điểm đặc biệt là các nước phát triển trung bình như Nga và Trung Quốc cũng giảm mạnh, khoảng 21%.  Chỉ có Ấn Độ là tăng 33%, Brazil 3%.  Các nước nghèo vẫn tiếp tục tăng.

Giảm tỷ lệ dân ở tuổi lao động sẽ ảnh hưởng lớn đến tốc độ phát triển kinh tế vì kinh tế phát triển dựa vào hai nhân tố : tăng dân số hoặc tăng năng suất lao động. Tất nhiên các nước có thể cưỡng lại chiều hướng giảm tỷ lê dân ở tuổi lao động bằng cách kéo dài thêm tuổi lao động.

Dù thế nào, khi nhìn dài hạn, vai trò của TQ sẽ giảm nếu như họ không đẩy mạnh được tăng năng suất lao động bằng tự động hóa. TQ cũng lo ngại chiều hướng giảm dân số, và lão hóa trong dân, mới đây đã phải cho phép 2 con. Tuy vậy điều này theo chuyên gia chưa chắc đã có ảnh hưởng đáng kể, vì phải đối phó với đời sống ngày càng đắt đỏ, và khi có đời sống cao hơn trước,  nhiều gia đình trẻ cũng muốn hưởng thụ, không muốn có hơn một con.

Vai trò của Mỹ sẽ không giảm, dân số sẽ không giảm vì nước Mỹ là nước mở rộng cho nhập cư. Họ sẽ tiếp tục là chỗ thu hút nhân tài từ mọi nước trên thế giới. Tất nhiên Mỹ cũng phải đối phó với tình hình là tỷ lệ trong độ tuổi lao động giảm, từ mức hiện nay là 60.4%  xuống 54.7% vào năm 2050 và 51.1% năm 2100.  Nhưng TQ phải đối phó với vấn đề lớn hơn nhiều: tỷ lệ trong độ tuổi lao động thấp hơn nhiều so với Mỹ.  
Khi dân số giảm, số người già về hưu, và lao động lớn tuổi sẽ tăng. Điều này cũng có khuynh hướng đưa tỷ lệ để dành lên cao và tỷ lệ tiêu dùng so với GDP xuống thấp. Đây chính là vấn đề của Nhật và cũng là vấn đề của TQ. Đầu tư sẽ không thể tăng để bù đắp mức tiêu dùng giảm.
Coi tuổi trung vị thì vào năm 2050, ở Nhật là 53.3, TQ là 49.6, Mỹ là 41.7 và VN là 41.9, so với trung vị của thế giới là 36.1. 

Vũ Quang Việt

New York, 24.11.2015

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.