Luận ngữ tân thư (kỳ 14) “Tụng” của nước Việt
Nguồn:vandoanviet.blogspot.com
(Trích Luận ngữ Tân thư)
Phạm Lưu Vũ
Nghe nói Khổng Tử trước khi bắt tay vào việc hoàn chỉnh bộ Chu Dịch, Ngài có nói với các học trò, đại ý: “Giả sử thiên hạ luôn luôn có đạo lý thì thánh nhân cũng chẳng cần phải làm ra Dịch làm gì. Bởi thiên hạ càng ngày càng vô đạo nên mới phải làm ra Dịch đấy thôi. Tóm lại Dịch không phải vì Trời, vì Đất, cũng chẳng phải vì ‘Nhân’ mà làm ra. Chính là vì “Bất Nhân” mà làm ra vậy. Đó là thâm ý của bậc thánh nhân. Than ôi! Con Người bao giờ mới thoát ra khỏi sự tham lam, u tối, bao giờ mới trở lại chữ ‘Nhân’…” Thế rồi Phu Tử làm Dịch. Dịch của Phu Tử bề ngoài tưởng bàn về “Đạo” đấy. Song bên trong thực chất ngầm chỉ ra cái sự “Vô Đạo” của thiên hạ. Thâm ý ấy của Phu Tử, người đời sau không hiểu, lại cứ tưởng đó là một bộ sách chỉ dùng để bói toán. Từ đó mới hết sức đề cao sự bí hiểm của nó, để dễ bề lòe thiên hạ, đặng kiếm miếng ăn. Than ôi! Dịch mà chỉ có như vậy, chẳng cũng uổng công của Phu Tử và các bậc thánh nhân lắm hay sao?
Đoạn trên theo “thông lệ”, vẫn là “Lời tựa” trong Luận ngữ Tân thư. Câu chuyện sau đây trích một phần của bộ sách đó:
Khổng Tử sang thăm nước Việt. Đám kẻ sĩ nước Việt nghe tiếng bậc Vạn Thế Sư liền tổ chức đón tiếp rất rầm rĩ, trang trọng. Người nào người nấy tíu tít ôm trước tác của mình đến biếu Phu Tử để chứng tỏ mình văn hay chữ tốt, hiểu rõ đạo lý thánh hiền… Khổng Tử xem qua hết một lượt rồi thở dài hỏi:
“Các vị đều là những kẻ đã từng đọc sách, vậy chắc cũng biết thiên hạ đang ở vào cái thời nào rồi chứ?”
Câu hỏi của bậc thánh nhân té ra quá đơn giản. Đám kẻ sĩ nước Việt tranh nhau trả lời:
“Thưa! Thiên hạ đang ở vào thời ‘Tụng’ ạ”.
“Không sai - Khổng Tử nói – Quả là thiên hạ đang ở vào thời ‘Tụng’. Chỉ tiếc là các vị đã hiểu nhầm mất chữ ‘Tụng’ mà thôi. Khâu này giờ mới biết, thì ra ‘Tụng’ của những kẻ sĩ như các vị khác với ‘Tụng’ của đám dân đen. ‘Tụng’ của các vị là ‘tụng ca’, là dàn đồng ca ăn lộc của chúa. Hèn nào mà văn chương chỉ thấy sự ca ngợi, tô hồng nhảm nhí, lại bịa đặt, trí trá không biết ngượng mồm. Văn chương mà nhắm mắt bưng tai, tránh né sự thật, nhân danh cái đẹp, cái thiện để cầu danh lợi, bổng lộc cho riêng mình, lại còn dựa vào kẻ mạnh để cả vú lấp miệng, áp đặt suy nghĩ của mình lên người khác cốt làm vừa ý bề trên thì đó là thứ văn chương gì vậy?”
Đám kẻ sĩ nước Việt ớ người nhìn nhau. Có kẻ cúi đầu, có kẻ tỉnh bơ. Có kẻ cất tiếng hỏi:
“Xưa nay chúng tôi tưởng ‘Tụng’ thì chỉ có nghĩa là tụng ca thôi chứ. Trên đời lại còn có thứ ‘Tụng’ nào khác nữa ư? Phu Tử có thể giảng cho nghe được không?”
Khổng Tử thở dài một cái nữa rồi bảo:
“Tụng mà chỉ có nghĩa là tụng ca thì thánh nhân xưa đã chẳng đặt ra quẻ ‘Tụng’ làm gì. Thiết nghĩ Khâu này dẫu có giảng ngay bây giờ cũng vô ích mà thôi. Vậy các vị cứ chịu khó chờ mấy hôm nữa khắc được chứng kiến”.
Mấy hôm sau, quả có một người đàn bà áo nâu chân đất, dáng điệu nhếch nhác tìm đến xin ra mắt Khổng Tử. Ta hãy chứng kiến xem có chuyện gì xảy ra nhé.
Số là nước Việt có bác nông dân tên Mạt Tử. Chẳng biết theo đuổi kiện tụng ở tận đâu đâu mà mấy năm trời không thấy về nhà. Ngỡ bác đã chết rấp ở chốn chợ búa hay một nơi ngòi rãnh nào đó, bác Mạt gái bèn mời thầy về cúng. Thầy cúng lập đàn, đốt sớ, thắp hương khấn vái khắp đông tây nam bắc, lại múa may nhảy nhót gọi ba hồn bảy vía, gọi mãi chẳng thấy hồn về. Thầy cúng bảo: “Hồn không về tức là hồn còn ở nơi dương thế. Chồng chị vậy là chưa chết, việc kiện tụng vẫn chưa xong. Muốn biết sự thể thế nào thì phải bói mới biết được”. Nói xong vơ đồ cúng chuồn mất. Bác gái nghe nói Khổng Phu Tử đang ở thăm nước Việt, lại là người giỏi kinh Dịch lắm, liền lập tức tìm đến, tính xin một quẻ xem cái việc kiện tụng của chồng mình kết quả ra sao. Vừa nhìn thấy bác gái, Khổng Tử đã hỏi ngay:
“Nhà bác muốn đến bói về việc khiếu kiện có phải không?”
Bác Mạt gái kinh ngạc quá, bèn hỏi:
“Làm sao mà Phu Tử biết giỏi thế”?
Khổng Tử bảo:
“Thiên hạ đang ở vào thời ‘Tụng’, kẻ cướp lẫn lộn với người ngay, lưu manh nhân danh công lý. Vì thiên hạ đua nhau đổ tiền đổ của vào hết chỗ này, chỗ nọ, đua nhau làm giàu nên mới sinh ra lắm ‘màu mè’. Lắm ‘màu mè’ thì công lý tối mắt. Từ chuyện ruộng vườn, nhà cửa, chuyện buôn bán, làm ăn đến chuyện ốm đau, bệnh tật, chuyện con cái học hành… cái gì người ta cũng có thể thò những cánh tay pháp luật vào mà ‘ăn’ bẩn, ‘ăn thỉu được cả. Từ đó mới sinh ra khiếu kiện. Vì thế ngày nào chả có người lặn lội tìm đến Khâu này. Chung quy chỉ bói độc cái việc kiện tụng ấy mà thôi. Kẻ thức giả khó gì mà không đoán ra”.
Bác Mạt gái nghe Khổng Tử nói thấy trúng quá, liền bảo:
“Vậy xin Phu Tử gieo cho nhà tôi 1 quẻ xem thế nào?”
Khổng Tử không cần nghĩ, phán ngay:
‘Tụng’ này đích thực là tranh tụng, kiện tụng đây. Tượng của nó là thiên thủy tụng. Thánh nhân sở dĩ vạch như thế là có thâm ý. Cứ xem cái ‘tượng’ ấy thì biết. ‘Tụng’ trên ‘Càn’ (thiên), dưới ‘Khảm’ (thủy). ‘Càn’ thuộc kim, ‘Khảm’ thuộc thủy. Kim ngoáy xuống nước thì có mà ngoáy cả đời cũng chẳng động được đến đâu. Vì thế ‘Tụng’ gồm tất cả 6 hào, ‘động’ hào nào cũng chả ra gì. Tóm lại cái ‘thời’ nó đã khốn nạn như thế thì có gieo cũng vô ích mà thôi. Tại thiên hạ ngu không biết nên cứ thi nhau đâm đầu đi kiện. Kết quả tiền mất tật mang, chửa được vạ má đã sưng. Vậy mà vẫn chưa thấy ai sáng mắt ra…”
Bác Mạt gái nghe nói thì bắt đầu cảm thấy lo lắng, song vẫn gặng hỏi tiếp:
“Phu Tử có thể giảng cụ thể hơn được không? ‘động’ như thế nào mà Phu Tử bảo chả ra gì?”
Khổng Tử liền bắt đầu giảng:
“Quẻ ‘Tụng’, ‘động’ hào đầu thì biến ngay ra ‘Lý’ (thiên trạch lý). ‘Tụng’ tất phải dùng đến ‘lý’ trước tiên. Cái ‘đạo’ của thánh nhân ghê gớm đến thế thì đâu phải chuyện đùa. Song chớ tưởng cứ hễ có ‘lý’ thì việc kiện tụng sẽ được tốt đẹp. ‘Lý’ này là cái ‘lý’ nằm trong thời ‘Tụng’. Quẻ ‘lý’ trên là trời (thiên), dưới là đầm (trạch). Trời ở trên cao lúc nào chả gửi gắm cái bóng của mình xuống dưới đầm nước. Thế nghĩa là kẻ trên, kẻ dưới đã toa rập sẵn với nhau rồi. Vậy thì cái gọi là ‘lý’ ấy, nếu không phải lý của kẻ mạnh thì cũng chỉ là cái lý suông, lý bịp bợm, lý dành cho những kẻ bề trên, đâu dành cho những số phận dân đen bèo bọt… Vả khi ấy mạng dân ngay thuộc kim, mạng kẻ gian thuộc thủy. Kim sinh thủy thì hại cho dân mà lợi cho kẻ cướp. Thế thì còn trông mong gì nữa. Không dám kiện may ra còn có túp lều mà chui ra chui vào. Kiện rồi có khi ra đường mà ở…”
Bác Mạt gái thấy cái việc khiếu kiện của chồng mình quả có liên quan đến ruộng vườn, nhà cửa thì lấy làm lo lắm. Mồm lẩm nhẩm khấn cho cái quẻ ‘Tụng’ của chồng mình nó đừng có ‘động’ hào đầu. Lại hỏi tiếp:
“Thế nhỡ ‘động’ hào 2 thì sao?”
Khổng Tử bảo:
“Động hào 2 thì biến ra quẻ ‘Bĩ’ (thiên địa bĩ). Thời ‘bĩ’ người chẳng phải là người. Thiên hạ y như một đàn lừa vô chủ, nếu không thì cũng là những đàn cừu có người chăn người dắt, có cắt tiết vặt lông… Rốt cuộc kẻ ngay phải bỏ đi mà kẻ gian thì đắc thế. ‘Bĩ’ là cái đạo chót vót của tiểu nhân, là cái thời hoàng kim của kẻ cướp. Sự tối tăm, hũ nút ngày càng dâng cao. Sự khôn ngoan, sáng suốt ngày càng bé lại. Thiên hạ một khi đã ở vào thời ‘bĩ’ thì hạng quân tử phải nhắm mắt bịt tai, kẻ lưu manh tha hồ làm mưa làm gió. Huống chi việc kiện tụng xưa nay bao giờ cũng là đục nước béo cò. Có khi nó lợi dụng việc khiếu kiện của mình để vừa ăn cướp thêm của mình, vừa cướp lẫn của nhau hoặc thừa dịp để đá đít, hất cẳng nhau… Tóm lại thời nào thì cũng chẳng thoát khỏi câu: ‘quan thấy kiện như kiến thấy mỡ’. Vì thế không kiện may ra còn có cháo mà húp. Kiện rồi có khi củ chuối cũng chẳng đào đâu ra nữa mà ăn…”
Bác Mạt gái nghe thế thì càng hoảng sợ. Lại khấn trời khấn phật cho quẻ ‘Tụng’ nhà mình chớ có ‘động’ hào 2. Khấn xong lại run rẩy hỏi tiếp:
“Thế… nếu nó ‘động’ hào 3?”
Khổng Tử bảo:
“Động hào 3 thì biến ra quẻ ‘Cấu’ (thiên phong cấu). ‘Cấu’ là gặp, song là cái sự chẳng hẹn mà vẫn phải gặp. Tuy là gặp thầy, gặp thợ đấy. Tiếc thay ở vào thời ‘Tụng’ thì làm gì có thầy tử tế mà gặp. Nhìn đâu cũng rặt một lũ ma cô cả. Đuổi cái vận rủi ra tận ngõ rồi, trở về nhà lại thấy nó lù lù chui sẵn vào trong buồng bằng cửa sau thì còn gì khốn nạn hơn thế nữa. ‘Cấu’ là gặp sự bất lương, đểu cáng mà không sao thoát ra được bởi nó ngày càng mạnh lên trong khi của cải nhà mình thì cứ dần dần đội nón ra đi… Quân bất lương ấy, mồm nó leo lẻo vì mình mà cãi hộ mình, mà bảo vệ quyền lợi cho mình song nó ăn tiền của cả hai phía mà ngầm làm lợi cho những kẻ có quyền, có thế. Kết quả con kiến mà kiện củ khoai. Không kiện may ra còn manh áo rách mà mặc. Kiện rồi có khi chẳng còn cái khố mà đóng…”
Bác Mạt gái nghe đến đây thì càng hoảng sợ hơn nữa. Mồm vội vàng lẩm nhẩm cầu lấy cầu để cho quẻ ‘Tụng’ của nhà mình chớ có ‘động’ hào 3. Lại ngập ngừng hỏi tiếp, ánh mắt vẫn còn chút hy vọng:
“Thế… nếu… nó ‘động’ hào 4… thì sao?”
Khổng Tử bảo:
“Động hào 4 thì biến ra quẻ ‘Hóa n’ (phong thủy hóa n). ‘Hóa n’ nếu không chia lìa, không tan tành bọt nước thì cũng là sự đổi chỗ cho nhau. Thế là người đi kiện trở thành kẻ bị kiện, kẻ bị kiện lại hóa nguyên đơn. ‘Hóa n’ trong thời nào còn khả dĩ đôi chút. Chứ ‘hóa n’ trong thời ‘Tụng’ thì chẳng khác nào sang sông lớn bằng chiếc thuyền mục, đến cái mái chèo cũng mục nát luôn. Rốt cuộc người ngay thành tội phạm, kẻ cướp hóa quan toà. Có khi nó vu ngược cho mình ăn cắp của nó, có khi nó khép mình vào tội nọ tội kia… cứ gọi là trăm đường biến hóa, tráo trở khôn lường. Kẻ có lý lịch sáng như kim cương, tấm thân quý như thánh sống còn khó tránh khỏi bị bôi bẩn, huống chi là những hạng dân ngu khu đen. Xem thế thì biết cái việc khiếu kiện ở thời này là vô cùng bất trắc. Không kiện may ra còn toàn thân mà sống với vợ con. Kiện rồi có khi chính mình mắc phải vòng lao lý, may ra mà thoát được thì cũng thân tàn ma dại, sống cũng như chết còn kể làm gì”.
Bác Mạt gái nghe nói thì hoảng hốt rụng rời. Toàn thân lạnh toát, chỉ sợ cái quẻ ‘Tụng’ của nhà mình, nó mà ‘động’ hào 4 thì số phận bác trai kể như đi đoong. Bèn cố trấn tĩnh mà gặng hỏi tiếp, xem ra vẫn còn chút hy vọng:
“Thế… nếu nó… ‘động’ hào 5?”
Khổng Tử bảo:
“Động hào 5 thì biến ra quẻ ‘Vị tế’ (Hỏa thủy vị tế). ‘Vị tế’ là việc chả bao giờ xong. Có mà kiện đến hết đời cũng chả ăn thua gì, đời con đời cháu lại phải theo kiện tiếp. Cũng có khi tưởng xong việc đấy, hóa ra lại trở lại từ đầu. Ví như con cáo ướt đuôi, muốn sang sông lại gặp lũ sư tử đói chực sẵn trên bờ. Rõ ràng mình được tuyên thắng kiện, vậy mà chờ mãi mọi việc vẫn y như cũ, không hề suy suyển mảy may. Thế là lại phải lặn lội vác đơn đi kiện lại từ đầu. Có biết đâu rằng luật rừng đã át hết lương tri, danh, lợi đã mờ cả nhật nguyệt. Cái gọi là công lý té ra chỉ là những chiếc bánh vẽ sặc sỡ. Bởi trong thời ‘Tụng’, thế gian rặt những sự giả trá, bịp bợm. Mà sự bịp bợm một khi đã thành tựu rồi thì cuộc đời này chẳng qua chỉ là cái vòng luẩn quẩn mà thôi. Cái món “vị tế“ nó khốn khổ khốn nạn như vậy đấy. Vì thế không kiện may ra con cháu còn được yên ổn. Dây vào việc kiện thì chẳng những nát một đời mình, mà cả những đời sau này, con cháu cũng bị vạ lây…”
Bác Mạt gái nghe đến đây thì chẳng còn hồn vía nào nữa. Nghĩ đến việc vạ lây tới cả con cháu mà rùng mình ớn lạnh xương sống. Nhưng cũng khá khen cho bản lĩnh của người đàn bà đã lâm vào bước đường cùng ấy. Một liều ba bảy cũng liều, rằng đã nghe thì nghe cho trót, biết đâu vẫn còn chút hy vọng vào cái hào cuối cùng. Đầu óc đã mụ mị của bác vẫn còn loé lên điều ấy. Bác vừa sụt sịt khóc vừa mếu máo hỏi tiếp:
“Thưa… thế còn… hào 6?”
Khổng Tử bảo:
“Động hào 6 thì biến ra quẻ ‘Khốn’ (trạch thủy khốn). Than ôi, đây chính là cái chỗ cùng cực của thời ‘Tụng’. Là cái tượng trước thắng, sau bại. Một cái đầm không có nước tất sẽ nứt nẻ toang hoác, nhìn đâu cũng chỉ thấy rong rêu vụn nát, cua cá không còn lại tí dấu vết nào. Thế thì có khác gì một cõi chết hiện hình. Đến lúc đó thì hài cốt mấy đời cũng phải trơ ra cùng tuế nguyệt, mà rơi vào cảnh tắm gió gội sương. ‘Khốn’ là nguy nan, khốn khổ, đến cả nắm xương tàn cũng khó mà giữ cho được yên ổn. Huống chi ‘khốn’ lại ở vào thời ‘Tụng’ thì là cái triệu diệt thân, lại vạ lây đến cả mồ mả ông cha, có nguy cơ bị tuyệt hết giống nòi. Rốt cuộc, không kiện may ra còn giữ được cái thân tàn mà hương khói tổ tiên. Dính vào việc kiện tụng nếu không bỏ xác nơi ngòi rãnh thì cũng phải bán xới, vĩnh viễn lìa cửa lìa nhà, vợ chồng, cha con đời đời cách biệt, danh dự tổ tiên bị làm nhục, mồ mả bị quật lên…”
Khổng Tử nói đến đây bỗng rùng mình mấy cái rồi nhắm mắt ngậm ngùi. Người đàn bà kia sao bỗng dưng im bặt, không thấy hỏi thêm câu nào nữa. Chẳng lẽ đã kinh sợ đến nỗi bạt hết cả ba hồn chín vía rồi hay sao? Phu Tử trầm ngâm giây lát rồi đột nhiên cất lời nói tiếp, dường như Ngài biết, rằng cái thời ‘Tụng’ khốn cùng và khủng khiếp của đám dân đen kia, đời nào nó chịu dừng lại ở đó.
“Động cả 6 hào thì biến ra quẻ ‘Minh di’ (địa Hỏa minh di). Ánh sáng đã chui vào lòng đất thì chỉ còn cách tắt ngấm mà thôi. Than ôi! điều đó càng có lợi cho cái ác hoành hành. Minh di là cái chốn tối tăm, tối tăm suốt từ trên xuống dưới. Vậy thì nó là chốn âm ty địa ngục, nơi hãm thân đời đời của các vong hồn. Nơi ấy kẻ tiểu nhân nhe nanh múa vuốt, hạng quân tử thương tổn đầy mình. Rốt cuộc người tử tế sống cũng như chết, kiếp người chẳng khác gì muôn kiếp cô hồn. Lúc ấy gọi là thế gian hay địa ngục, khi khắp nơi nơi ngùn ngụt những cô hồn?”
Phu Tử còn nói nhiều nữa, bởi Ngài biết cái thời ‘Tụng’ ấy nó còn kéo dài không biết đến bao giờ. Song Luận ngữ Tân thư chỉ xin chép đến đây, bởi thú thực cũng không còn đủ bút lực để chép tiếp. Người đàn bà khốn khổ kia đã phủ phục như một nắm giẻ nhàu nhĩ trước mặt Ngài từ lúc nào. Chỉ còn nghe tiếng sụt sịt thỉnh thoảng vẫn nấc lên, làm rung chuyển cả tấm thân còm cõi…
Tháng cô hồn năm Đinh Hợi (2007)
P.L.V.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.