Thưa anh trưởng bộ
6-7-2022
“Cần thay chữ “Liệt sĩ vô danh” thành “Liệt sĩ chưa xác định được thông tin” trên bia mộ liệt sĩ. Đây là việc làm vì lương tâm, trách nhiệm, danh dự với thế hệ trước chứ không phải vì thành tích” – là chỉ đạo của ông Bộ trưởng Đào Ngọc Dung từ năm 2020. Nay ông tiếp tục chỉ đạo “quyết liệt thực hiện việc đổi tên bia mộ”, “… cùng làm một loại đá, làm đẹp, dày dặn, chữ khắc sâu, rõ ràng” – lời ngài bộ trưởng.
Đã gắn lên hai chữ “liệt sĩ” là bao hàm sự hy sinh vì đất nước, dân tộc. Chẳng ai suy diễn đằng sau hai chữ “vô danh” ấy theo nghĩa tầm thường, thấp kém, vô ơn cả. Mà ngược lại, đã hơn 47 năm hay dài hơn thế, đất nước này vẫn còn hàng ngàn ngôi mộ liệt sĩ vô danh, nó như một vết thương chưa kịp lành, nó hằn lên cái giá của hòa bình, độc lập, nó là lời tố cáo chiến tranh đanh thép.
Cái danh vị ấy – dẫu có là “vô danh” do chưa tìm ra được tên tuổi đích xác thì lẽ sống cao quý của những con người đang yên nghỉ dưới lòng đất cũng là sự hữu danh với lòng biết ơn đời đời. Lương tâm, trách nhiệm của hậu sinh là tiếp tục hành trình đi tìm đồng đội, là bù đắp cho người còn sống trở về, người thân của người nằm xuống có được cuộc sống no ấm; là chung tay xây đắp cho một xã hội giàu đẹp, văn minh, tiến bộ như những người đi trước mong mỏi.
Chứ nó không nằm trong mấy viên đá đẹp, dày dặn, khắc chữ sâu với cũng bấy nhiêu nội dung. Chỉ tổ thêm tốn kém. Tiền lo cho người sống còn thiếu lên hụt xuống, cả nước, riêng gói hỗ trợ tiền thuê nhà trong cơn bạo bệnh Covid-19 mới vỏn vẹn giải ngân hơn… 1%, ở đó mà lo “đục đẽo” mộ bia.
Khi tôi đến bảo tàng Hermitage (St. Petersburg – Nga), có một phòng trưng bày hình của các vị tướng lĩnh đã hy sinh trong cuộc chiến vệ quốc vĩ đại. Có những ô bị bỏ trống. Người hướng dẫn viên già giải thích: do chưa tìm ra tên tuổi chính xác, nhưng biết là có người đã hy sinh trong trận chiến ấy, giai đoạn ấy nên chúng tôi vẫn để dành những ô trống để ngầm tôn vinh họ.
Khi tôi có dịp về nghĩa trang Trường Sơn, trước hàng ngàn bia mộ liệt sĩ vô danh, hữu danh, tôi chỉ biết lặng thinh. Một lời xin lỗi và biết ơn. Xin lỗi bởi mình đã sống trên sự chết của họ. Biết ơn bởi cái chết của họ mang lại sự sống cho người sau.
Khi tôi ghé thăm chùa Ba Đồn, Huế, trong không gian u tịch, chỉ biết gửi một lời nguyện cầu đến bao vong linh trong Ngày thất thủ kinh đô; và đi ngang qua những điểm mà tôi từng nghe kể, là nơi còn lưu dấu của những ngày Huế tang tóc Mậu Thân, dừng lại lâu hơn, chẳng biết là ai, vì ai thì cũng cần một lời sám hối.
Nhớ, hồi năm 2018, dư luận cả nước bùng lên khi Bộ Xây dựng và UBND TP Hà Nội công bố quy hoạch xây dựng nghĩa trang cho cán bộ cao cấp với kinh phí lên tới 1.400 tỷ đồng. Sống, lại sống dưới nhãn cán bộ cao cấp, cái để lại là lo được gì cho dân, giúp được gì cho nước, ở đó mà lo cho cả phần mình khi chết, đến chết cũng còn… độc tôn, độc địa – là nghĩa địa của một mình ấy!
Sao đã thi nhau noi gương mà lại không chịu học và hành theo di huấn của Người: “tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi… Tro xương thì tìm một quả đồi mà chôn… Trên mộ nên xây một cái nhà giản đơn, rộng rãi, chắc chắn, mát mẻ để những người đến thăm viếng có chỗ nghỉ ngơi. Nên có kế hoạch trồng cây trên đồi. Ai đến thăm thì trồng một cây làm kỷ niệm. Trồng cây nào phải tốt cây ấy. Lâu ngày cây nhiều thành rừng, sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp” (Trích Di chúc Hồ Chủ tịch, bản ghi ngày 15.5.1965 – NXB Công an Nhân dân).
Chết là hết. Sống mới là còn. Cái làm được khi sống thì sẽ còn, sẽ lưu danh cho dù… “vô danh”.
Bằng ngược lại, cũng làm nhưng làm ngược ngạo, gây tốn kém vô tích sự thì chỉ có ô danh, thưa anh trưởng bộ!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.