Thứ Hai, 18 tháng 7, 2022

Nhân ngày Giỗ Bố 15/6 âm lịch: Thương bố

  

Nhân ngày Giỗ Bố 15/6 âm lịch: Thương bố

Mạc Văn Trang

13-7-2022

Ảnh tư liệu của tác giả

Bố tên là MẠC VĂN TỰ, sinh năm 1900, mất 1963 (ngày 15 tháng 6 năm Quý Mão).

Cuộc đời Bố vất vả gian nan, trải qua nhiều hoàn cảnh lịch sử oái oăm, phải vượt qua quá nhiều thử thách.

Được biết hồi nhỏ Bố học chữ Nho, không biết được mấy năm, nhưng hoành phi, câu đối, sắc phong của Đình và Gia phả của nhà, Bố đọc được hết. Trong chuyện giáo dục các em và con cái, thỉnh thoảng Bố dẫn mấy câu của Khổng Tử. Bố thường dạy: Làm người sống phải có Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín. Mà Nhân là gốc, Nhân như quả núi, mọi thứ như cỏ cây mọc trên quả núi đó. Có Nhân thì Nhân nở, vô Nhân thì Nhân chẩm. (Thóc giống ủ mầm để gieo mạ, những hạt thối, không nảy mầm được, Bố gọi là những hạt “chẩm”). Lúc nhỏ, nghe Bố nói vậy cũng hiểu lờ mờ, nhưng càng lớn, biết nghĩ, càng thấm dần.

Bố là Con Trưởng, mẹ mất sớm. Ông Nội hình như là mẫu Nho sinh, chỉ đọc sách Thánh hiền và bốc thuốc làm phúc là chính, chứ không làm việc nhà và ít lao động chân tay. Ở cái xóm hẻo lánh Chợ Miễu, Vũ La ngày ấy, chắc cũng vắng khách, và Ông cũng không phải là danh y để thiên hạ tìm đến nhiều.

Trách nhiệm anh Cả của Bố rất nặng nề, khi phải phụng dưỡng Ông Nội và lo cho em. Bà nội mất sớm, Ông lấy vợ kế. Bà trẻ lại sinh 3 người con. Nên khi 14 – 15 tuổi Bố đã vừa làm ruộng, vừa làm thợ Rèn ở Chợ Miễu để lo sinh kế cho gia đình. Không hiểu lúc ấy ai là thợ Cả.

Nghề rèn vốn là nghề truyền thống của họ Mạc, cũng như nghề Gốm Chu Đậu. Cả hai nghề sau này đều thất truyền, có lẽ từ sau năm 1592, khi quân Lê – Trịnh đánh đổ và truy diệt nhà Mạc. Câu chuyện truyền khẩu kể rằng, có một Quan Lãnh binh (trước cụ Mạc Đĩnh Thu mấy đời? Vì sau Cải cách ruộng đất (CCRĐ) các Gia phả, Giấy tờ, sổ sách chữ Nho bị tiêu hủy hết), thời vua Mạc Thái Tổ, về Vũ La mở xưởng rèn vũ khí. Dân gian truyền rằng Cụ từng làm được một chiếc Cầu Quay qua sông Trâm Kiều. Tức là cây cầu có một nhịp ở giữa sông, khi thuyền đi qua, người ta kéo cầu “quay” ra, mở lối cho thuyền đi, rồi lại kéo cầu quay về vị trí cũ. Ngày nay chả còn dấu vết gì. Chuyện này được nhà văn Đào Vũ đưa vào Tiểu thuyết “Cái Sân Gạch”, gọi làng Vũ La là “thôn Cầu Quay” và làm cho nó thêm ly kỳ.

Bố trưởng thành rất sớm và năm 16 tuổi đã lấy vợ về “để có người gánh vác”.

Mẹ VŨ THỊ XUÂN, lúc đó 18 tuổi. “Gái hơn hai”, xưa là đẹp đôi. Mẹ là dâu trưởng, phải “gánh vác giang sơn nhà chồng” chắc là rất vất vả, mà gia cảnh cũng không khá lên được.

Nên năm 1920, tức lúc Bố 20 tuổi, đã quyết định ra Mạo Khê làm phu mỏ để đổi đời. Bố làm phu mỏ từ Mạo Khê ra Tràng Bạch, rồi hình như ra cả Uông Bí, cho đến năm 1936 mới về ở hẳn làng. Thật tiếc vô cùng, đã không hỏi han, biết lắng nghe Bố kể về cuộc đời làm phu mỏ ra sao suốt 16 năm. Nay chỉ nhớ rất ít, mơ hồ. Có lần nhìn trên da mặt và hai cánh tay của Bố có nhiều vết đen, Bố bảo những chỗ sầy da chảy máu, bụi than nó lẩn vào trong đấy.

Bố không cao như Ông, nhưng cũng tầm thước, hẳn hồi trai trẻ có vẻ đẹp rất đàn ông, rắn rỏi. Đặc biệt Bố rất hăng hái, năng động, nhạy cảm, nóng tính, mạnh mẽ, nghiêm khắc, khác hẳn với tính Ông nội. Với tính cách như vậy lại biết làm Rèn, nên ra làm phu mỏ, chắc Bố cũng được trọng dụng và có uy tín trong bạn thợ. Vì thấy đầu năm 1961 Bố khăn gói một mình ra đi, bảo ra vùng mỏ tìm thăm “mấy bạn thợ ngày xưa”; rồi dò tìm thế nào mà lên mãi Lào Cai, gặp được con của Kỹ sư Ngô Quang Triệt, đón về nhà chơi. Lâu lắm mới thấy Bố vui thế, kể chuyện cảm động gặp những bạn cu li ngày xưa.

Bố làm phu mỏ chắc lương khá hơn làm ruộng nhiều, nên dành dụm gửi về quê làm được ngôi nhà gỗ, tậu được mấy sào ruộng; nhà đông anh em, có công ăn việc làm nên ngày một khá giả…

Sau này Bố thường nhắc đến Kỹ sư mỏ Ngô Quang Triệt. Người mà Bố kính phục vô cùng, vì ông bênh vực công nhân, bí mật truyền cho công nhân lòng yêu nước. Bố được Kỹ sư Triệt dạy cho chữ quốc ngữ và ít câu tiếng Pháp giao tiếp. Hẳn là Bố rất ham học, sáng ý, nên sau này đọc viết chữ quốc ngữ khá tốt và nói được ít câu tiếng Tây.

Không biết hồi ở Mỏ, Bố có được Đảng Cộng sản tuyên truyền không, không thấy kể. Nhưng bố biết về Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Bố gọi các cụ là “Chí sĩ yêu nước”. Thỉnh thoảng Bố đọc lại mấy đoạn trong bài “Á TẾ Á CA” của Cụ PHAN BỘI CHÂU:

… Non sông thẹn với nước nhà,

Vua là tượng gỗ, dân là thân trâu.

Việc dây thép, việc tàu, việc pháo,

Việc luyện binh, việc giáo học trường,

Việc công nghệ, việc nông thương,

Việc khai mỏ khoáng, việc đường hoả xa …

… Cũng có lúc bầm gan tím ruột,

Vạch trời kêu mà tuốt gươm ra.

Cũng xương cũng thịt cũng da

Cùng hòn máu đỏ, giống nhà Lạc Long.

Thế mà chịu trong vòng trói buộc,

Bốn mươi năm nhơ nhuốc lầm than.

Thương ôi! Bách Việt giang san,

Văn minh đã sẵn, khôn ngoan có thừa.

Hồn mê mẩn tỉnh chưa, chưa tỉnh?

Anh em ta phải tính sao đây?…

***

Năm 1936, Bố nghỉ phu mỏ về tậu thêm được mấy sào ruộng nữa và ở nhà phụng dưỡng bố mẹ, kiến thiết gia đình.

Nhưng về làng ít lâu, thấy các Hương lý chia phe cánh nhũng nhiễu; trong làng thường xảy ra trộm cắp; ngoài đồng thì cướp làng bên đến cắt lúa không ai dám làm gì! Bố cùng với mấy thanh niên Tây học là con địa chủ, phú nông trong làng, có tư tưởng tiến bộ, bàn nhau đưa đơn lên Quan huyện. Không biết họ hàng thế nào với mấy người Tây học này, mà Bố đều gọi là các “chú”: Chú Phương, Chú Đan, Chú Tùng, Chú Triện, Chú Cát. Mấy người này sau đều theo Việt Minh, làm cán bộ quan trọng…

Bố làm một bài Thơ hay Hịch phê phán “phong hoá làng ta suy đồi”, viết ra mấy bản, đưa cho mấy chú Tây học, dán ở Đình, Chùa, đọc cho dân chúng nghe. (Rất tiếc, sau này Cụ Đan, Cụ Triện có đọc cho ông anh chép lại, rồi thất lạc mất).

Ông quan mới của huyện Nam Sách tốt nghiệp trường Hành chính Tây, còn rất trẻ, có tinh thần dân chủ.

Ông về làng họp với Hội đồng hương lý, đại diện các thôn (Làng Vũ La trước 1945 có ba thôn: Thôn Đình, thôn Chùa, thôn Đô (còn gọi là thôn Ngoài, thôn Trong, thôn Giữa) và các “Nguyên đơn”.

Trong cuộc họp, Bố phát biểu xong thì Quan hỏi:

– Anh có biết chữ không?

– Bẩm quan con đọc thông, viết thạo chữ Quốc ngữ và có biết chữ Nho.

– Giao cho anh làm Trương Tuần để giữ kỷ cương của làng, anh có làm được không?

– Bẩm Quan, nếu được giao, con làm được.

Công nhận Bố giỏi thật. Bố lập ngay đội tuần đinh mới, trong đó có Chú Rỹ, tay võ nghệ và trộm cướp khét tiếng khắp vùng. Dân làng đồn, “Rỹ vỗ đùi một cái, nhảy bay lên nóc nhà”(?); một mình Rỹ tay không chấp 3 thằng có dao, gậy. Đội còn có Anh TÝ, người ở, lực điền nhà ông Hoàn. Anh Tý thì hồi 1945, mình đã thấy anh rất to khỏe; anh xỏ hai cối đá thủng vào hai tay đi vòng quanh sân, sau buổi đập lúa; Anh còn đi bằng hai tay, chân thẳng lên giời. Hồi 1945 mình cũng được thấy chú Rỹ khi Bố gọi chú ra nhà bàn chuyện gì đó. Chú cao, đen, gày, trông như con Vượn.

Chả biết bố có những biện pháp gì mà làng xóm trở nên yên bình, bọn gặt lúa trộm bị đánh đuổi chạy mất hồn (Sau 1945 chú Rỹ và và anh Tý đều đi bộ đội theo Việt Minh và không còn tin tức).

Có lần Bố kể, bà Nhiêu, nhà nghèo, có mấy con gà nhốt trong chuồng, bị kẻ trộm bắt. Bố phát hiện, kẻ trộm bắt gà rồi ra lối cổng vườn, nó buộc cổng lại bằng lạt và vặn tay trái. Vậy là tìm xem ai thuận tay trái và phát hiện vụ án nhanh chóng. Nhưng Bố không làm to chuyện, chỉ cảnh cáo, giáo dục kẻ trộm, cũng người trong họ ngoài làng, họ nhận tội, sám hối thì tha.

Có một vụ rất nghiêm trọng: Có người đối nghịch trong làng, định vu cho chú Mộc, em họ Bố cắt trộm “dây thép nhà nước” (đường dây điện tín/telephone). Họ báo quan trên về điều tra thấy dây thép ở vườn nhà chú Mộc. Bố trình bày, cắt dây thép trên cột, phải dùng thang dài hoặc câu liêm cán dài. Vậy đi điều tra các nhà có thang dài hoặc có câu liêm. Nhà chú Mộc có cái thang buộc ở chái nhà, mạng nhện kéo đầy. Khám nhà người tố giác, thang dài mới dùng, còn dựng ở sau nhà. Hà hà! Mọi chuyện xoay 180 độ, “gậy nó đập lưng nó”! Sau vụ này dân làng rất tâm phục, khẩu phục ông Trương Tự.

***

Không biết bố lấy vợ hai là Dì Uyên vào năm nào, trong hoàn cảnh nào. Dì Uyên đẹp: da trắng, dáng thon thả, răng đen nhánh, môi ăn trầu đỏ thắm. Mẹ và Dì rất hoà thuận. Dì gọi Mẹ là Chị Cả, Mẹ gọi Dì là Dì Hai. Dì không biết làm ruộng, chuyên đi chợ, buôn bán trầu, cau. Dì đi chợ về mua cái gì, lại đưa cho Mẹ; quà thì Mẹ chia cho các con, đồ ăn thì Mẹ bảo Dì làm.

Năm 1940 Dì sinh con gái (cô Chính) và năm 1943 sinh con trai (chú Chiểu). Con Dì đẻ nhưng Mẹ chăm nuôi. Dì cứ đi chợ suốt. Năm 1948 tờ mờ sáng, Dì cùng mấy người đi chợ, đi đúng vào chỗ du kích mai phục đánh toán quân Pháp tuần tra. Hai bên nổ súng, Dì và mấy người chết oan. Mẹ nuôi hai em còn thương hơn con ruột của mình.

***

Năm 1940 thì Bố lên làm Phó Lý. Năm 1943 thì Bố làm Lý trưởng của làng Vũ La. Nghe nói để được làm Lý trưởng, cô Vĩnh phải gom tiền cho Bố mua thêm mấy sào ruộng để đủ hai mẫu rưỡi ruộng và sửa sang nhà cửa đàng hoàng. Không biết có phải bầu chọn, thi tuyển gì không, nhưng thấy trong nhà, sau này vẫn treo tấm Bằng Chứng nhận rất trang trọng trên đó có chữ “Chefs de Villages” (Tất cả những cái này sau đều phải đốt đi).

Bố rất gia trưởng. Bố có bốn người em: Cô Vĩnh, cô Viễn, chú Nhiên, chú Đạt. Hai cô đi lấy chồng xa, hai chú thì làm nhà ở gần với Bố. Có một sự kiện cả nhà cùng sợ hãi. Ông nội mất rồi, Bố quyền huynh thế phụ. Chả biết chú Nhiên (lúc đó đã có vợ và hai con) đi đánh bạc thế nào, bị bố bắt nằm ra phản đánh đòn. Tất cả người lớn phải có mặt trong phòng, trẻ con thì đứng nấp bên ngoài tò mò xem.

Bố mặc áo the đội khăn xếp, thắp hương khấn vái rồi cầm roi mây đưa lên ngang trán và khóc. Sau đó mới quất cho chú Nhiên một trận. Thím Nhiên và mọi người phải xúm vào xin tha.

***

Bố làm Lý trưởng vào năm 1943 đến tháng 8/1945, một giai đoạn cực kỳ hiểm nghèo.

Quân Nhật tràn vào Đông Dương và đêm 8/5/1945, quân Nhật đánh chiếm cầu Phú Lương, cầu Lai Vu, Ga Tiền Trung là ba điểm gần với làng Vũ La. Nửa đêm 8/5 thấy ồn ào ngoài sân, cả nhà thức dậy xem chuyện gì. Hoá ra tuần đinh dẫn vào hai người Pháp, quần áo lấm lem; một người bị thương, máu ra ướt áo. Bố sai pha nước muối rửa vết thương, băng bó cho người bị thương và cho người dẫn hai người Pháp ra sông Trâm Kiều, bí mật thuê thuyền về Hải Phòng. Không biết số phận hai người Pháp này ra sao không rõ. Nhưng việc đó cực kỳ nguy hiểm: Nếu Nhật phát hiện ra, sẽ giết cả nhà!

Cũng lạ, ngày 9/5 Nhật lại còn cho “máy bay hai mình” (máy bay cánh quạt có 2 thân song song, sau này không thấy nữa), ném bom phá hủy cầu Phú Lương.

Mấy ngày sau thấy mấy người Nhật cưỡi ngựa đi cùng mấy người Việt về làng ra những lệnh gì đó. Chắc trong đó có chuyện nộp thóc và trồng đay. Ở làng Vũ La không thấy có chuyện phá lúa, màu để trồng đay, vì Nhật cũng cần thóc, ngô, đậu chứ?

Thấy dân làng vỡ đất hoang hoá dọc lưu không hai bên đê (những dải đất trũng sau khi lấy đất đắp đê, bỏ hoang) để trồng đay nước. Cũng gieo hạt đay như mạ, rồi cấy xuống ruộng nước. Cây đay lên rất nhanh, cây thẳng, thân to bằng ngón chân cái, cao ngang đầu người thì chặt về, tước lấy vỏ đay. Vỏ đay có thể phơi khô, dệt bao tải đựng lúa, ngô; có thể ngâm nước mấy ngày, rũ cho sạch thành sợi trắng, mềm, dệt vải được. Thân cây đay phơi khô làm củi đun thì rất tiện. Thế là ngoài trồng lúa, màu, dân làng có thêm nghề phụ trồng đay. Nghề này đến 1960, HTX nông nghiệp tiếp tục “phát huy”.

Có lẽ không có chuyện “phá lúa trồng đay” như sách báo nói, nên dân Vũ La không bị chết đói? Nhưng do thời tiết, mùa màng thất bát, nên ở làng Vũ La cũng có một số nhà thiếu đói. Lúc đó Bố vận động các gia đình Phú nông, Địa chủ bố thí làm phúc hoặc cho vay đối với những nhà thiếu ăn, nên không ai chết đói. Chỉ có cậu Ất, mồ côi cả cha lẫn mẹ, sống một mình, lúc nào cũng thiếu, đói. Bà con đã giúp cho nhiều, Mẹ mình cũng cho cậu ta gạo mấy lần. Nhưng một đêm cậu ta vào bãi ngoài đê bẻ trộm ngô, lúc chạy về, trượt ngã trên cây gỗ bắc qua mương, rơi xuống mương chết đuối, chết rét.

Nhưng làng Quao (sau gọi làng Phú Điền), bên kia sông Trâm Kiều, nghe nói chết đói gần hết cả làng. Chả là làng đó chuyên nghề làm đồ gốm: chum, vại, nồi niêu bằng đất, bán đi, để đong gạo. Bình thường không sao, nhưng mùa đói, không ai mua những thứ đó mà giá gạo rất cao, nên đói cả làng, chết gần hết!

Một buổi sáng Bố ra Đình cả của làng thấy có hai người lạ ôm nhau nằm co quắp chết ở góc hiên Đình.

Bố có thể ra lệnh cho tuần định đem chôn. Nhưng không, bố lại gọi chú Đạt anh Vượng anh Trân và cả mình mới 7 tuổi đem hai người chết đói đi chôn. Bố rải chiếu ra, gỡ hai người đàn ông co quắp cặp vào nhau, đặt trên hai cái chiếu cũ. Bố bảo chú Đạt, anh Vượng lấy rượu xoa vào chân tay người chết, kéo cho thẳng ra, rồi cuộn chiều bó chặt lại.

Người chết được đặt trên một tấm ván, lấy dây thừng buộc lại, mấy người khiêng ra cái đống cách nhà chừng ba, bốn trăm mét, để đào huyệt chôn ở đó. Mình được giao cầm mồi lửa và mấy nén hương.

Bây giờ mới hiểu, thì ra khi đi tảo mộ, lễ ở Đình, chôn người chết. Bố cố ý cho con trẻ đi theo là để giáo dục.

***

Cách mạng tháng 8/1945 nổ ra, Bố vui mừng lắm, ủng hộ giới trẻ trong làng trong xã lên cầm quyền. Không thấy có bắt bớ, khủng bố, chuyển giao quyền lực gì cả. Chú Cát được bầu làm Chủ tịch làng; Chú Phương, Chú Triện, Chú Gọng, Chú Tùng… vào các chức vụ gì đó trong Làng; chú Đan nhìn vào hình CụHồ trong tờ báo mà vẽ ra to bằng nửa cái chiếu, treo lên ở Đình làng. Anh Vượng, con cả của Bố cũng được cử ra phụ trách Thanh niên, hô hào đám trẻ đi chặt tre, lá dừa kết thành Cổng Chào ở đầu làng. Làng Vũ La lúc đó thuộc xã Ái Quốc, do ông Điện con Cụ Bá Đoài làm Chủ tịch xã. Cả xã, cả làng suốt ngày đêm tiếng trống, tiếng loa, tiếng hô khẩu hiệu rộn rã, tưng bừng (Năm 1956, CCRĐ cả Cụ Bá Đoài và ông Điện đều bị đấu tố và tử hình).

***

Ngày 20/10/1946 cả làng, cả xã náo nức đi đón Cụ Hồ từ Pháp về Hải Phòng và sẽ đi tàu hoả từ Hải Phòng về Hà Nội. Bố ca ngợi Cụ Hồ ghê lắm, bảo Cụ là Thánh, xem ảnh Cụ trên báo, thấy mắt Cụ có hai con ngươi; Cụ là người yêu nước, bôn ba hải ngoại tìm đường cứu nước. Cả nhà dậy sớm nắm cơm, mặc quần áo đẹp đi ra đường 5 đón Cụ. Bố giao cho anh Vượng phụ trách mình. Mình được anh đưa cho lá cở đỏ sao vàng bé xíu, dặn, hễ thấy Bác Hồ thì vẫy cờ. Người tập trung từ tờ mờ sáng, đứng chật suốt dọc đường số 5.

Nắng, nóng, khát nước quá. Mãi gần trưa mới thấy đoàn tàu từ Hải Phòng chạy qua. Đoàn tàu ngắn củn, có đầu máy và 3-4 toa. Tàu hú hú, chạy xình xịch, nhả khói đen. Sau đầu máy thấy hai anh Vệ quốc quân đứng gác. Cụ Hồ ngồi ở toa thứ hai, giơ tay vẫy vẫy. Tàu đi lướt qua nhanh, không nhìn rõ Cụ lắm.

Về nhà Bố bảo, có lẽ là Cụ Hồ giả, nghe đâu Cụ Hồ thật đã đi về Hà Nội bằng ô tô đêm qua rồi. Chả biết thực hư thế nào, nhưng được một buổi nô nức, đông vui.

***

Cuối tháng 12/1946, hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, dân làng Vũ La cũng góp tiền (chủ yếu các nhà Phú nông, địa chủ) mua được mấy khẩu súng trường cũ kỹ, mấy quả lựu đạn cho dân quân. Thực hiện “Vườn không, nhà trống”, Bố đào một cái hầm giấu thóc và đánh đống rơm lên trên; cái nhà gỗ thì dỡ ra ngâm xuống ao. Cuối năm 1946, khi lính Tây chiếm Ga Tiền Trung, cầu Phú Lương thì dân làng chạy tản cư. Mình được giao cho dắt con chó Vàng. Ban đầu chạy qua sông Trâm Kiều, sang xã Đồng Lạc. Được ít lâu, Tây càn sang, phải chạy lên Phả Lại, rồi cùng nhà Cô Vĩnh chạy sang Bắc Giang.

Cuối tháng 12/1946, Tây càn vào làng, dân quân du kích phục kích chiến đấu với mấy cây súng trường, mấy quả lựu đạn. Không biết Tây có chết thằng nào không, nhưng cả làng bị đốt rụi; chú Phương, chú Luật, ông Cai Mọc và mấy người nữa bị bắn chết; mấy người bị bắt đi.

***

Năm 1947, Bố lần về làng để tìm cách lấy lương thực, nhưng bị Tây bắt đem đi. Sau này Bố kể bị tra tấn đánh đập, bị dí thuốc lá đang cháy vào mặt; bị đội Tây kề súng lục vào cằm Bố và bóp cò, viên đạn vèo lên, sứt môi trên và sướt mũi.

May quá Bố biết nghề Rèn và biết ít tiếng Tây, nên khi Tây bắt tù đi lao động xây trại lính, Bố nhận làm các chấn song cửa sổ bằng sắt, rồi các bản lề cửa. Tây sắm cho Bố bộ đồ rèn, có cả cái “bễ quay” tay để làm việc “chuyên môn” và họ đối xử tử tế. Hình như lúc bố ra tù họ cho Bố bộ đồ nghề đó.

***

Đầu năm 1948 dân làng bắt đầu hồi cư về làng làm ăn, sinh sống dưới danh nghĩa theo chính quyền Pháp, gọi là làng TỀ. Mẹ đi tìm Bố để tiếp tế những thứ Bố cần và kể những chuyện ở quê. Dân làng Tề ban ngày thì theo Tây, nhưng ban đêm Việt Minh về hoạt động lại nuôi Việt Minh, nên sống “hai mang”, “ấm ớ hội tề”!

Nguy hiểm là Việt Minh, có Đội “Việt Hùng” chuyên đi nghe tin, dò xét ai nghi là Việt gian thì giết luôn. Ông Cựu Lý Bích ở làng, có lần nói với mấy du kích: Các anh có mấy cái mã tấu cùn, mấy quả lựu đạn, đánh sao được Tây; các anh cứ về quấy rối thế này, mai các anh đi, Tây về lại tra hỏi, làm khổ dân làng… Vậy mà hôm sau ông bị bắt đi mất tích và ở đình làng dán tờ giấy “Tên Việt gian Bích đã phải đền tội”- Ký tên: Đội Việt Hùng. Ít lâu sau, bà vợ ông Lý Chu cũng bị bắt, giết về tội “Việt gian” vì bà này hay đi Hải Phòng, Hải Dương buôn bán! Dân làng ai cũng sợ hãi… Rồi cô Tân, cô gái chưa chồng xinh đẹp, ở thôn Đồng Ngọ sát Vũ La- Cô hay đi sang thị xã Hải dương mua đồ tạp hoá về bán, khi qua cầu Phú Lương hay bị lính gác trêu đùa cười cợt, cũng bị đội Việt Hùng bắt đi giết chết vì nghi “Việt gian”! Ở làng Nhân nghĩa thì cụ lang Quận bị ba người đội Việt hùng giả vờ đến khám bệnh lấy thuốc rồi đâm chết Cụ ngay tại chỗ.

Bố thấy vậy thì lo sợ, nên giữa năm 1948 được tha tù, không dám về làng.

***

Bố đón anh Trân và mình sang thị xã Hải Dương ở cùng để làm rèn. Ba bố con ở cái lán một mái, lợp tôn, bám vào đầu cái nhà gia binh, gần Cầu Cất, nơi trước đây bố ở tù mở lò rèn tại đó. Cái lán chỉ kê vừa một cái giường to, ba bố con nằm chung; đầu giường kê một cái hòm gỗ đựng đồ; phía ngoài là bếp. Cái lán này mùa hè rất nóng và mùa đông thì lạnh vô cùng. Mưa thì tiếng ồn dội xuống rất khó chịu. Nhưng được ở đó, không ai hạch sách gì cũng may rồi. Bố lại có bài thuốc lấy lá cây chữa tắc sữa, chữa khỏi cho hai người mẹ trẻ, trong đó có vợ của ông “Đội Sếp”, nên cũng được nể. Rồi họ còn nhờ Bố chỉ bảo cho Bài văn khấn Cúng Cụ, nên càng nể trọng, cứ gọi Bố là “ông Phó” (rèn).

Lò rèn phải mở ợ Chợ Con mới đông khách. Mỗi ngày sáng sớm đi bộ từ phía Cầu Cất, qua Chợ Lớn, mãi mới đến Chợ Con. Bố làm được cái quán khá cao ráo, đàng hoàng ngay đầu chợ. Bố làm phó Cả, anh Trân phó Hai, mình phó Nhỏ quay bễ. Bố biết làm đủ thứ: cắt chấu liềm, hái, sửa chữa, mài dao, kéo, đánh dao, liềm, hái, kiềng. Khó nhất là đánh Kéo cho thợ may và Dao Cầu thái thuốc Bắc. Việc làm rèn cũng nhiều chuyện hay lắm, nhưng kể ra dài dòng.

Làm được mấy tháng thì bố bảo mình phải đi học. Bố dẫn đến nhà Thầy Thư xin học cho mình. Ở trường làng mình đã biết đọc, viết chính tả, biết làm 4 phép tính. Thầy Thư đưa cho quyển Tập đọc lớp Ba bảo mình đọc một bài, rồi Thầy ra mấy phép tính cho mình làm. Bố thưa bẩm với Thầy rất cung kính.

Vậy là mình được vào học trường Tiểu học công từ lớp Ba, rồi lên lớp Nhì, lớp Nhất vẫn thầy Thư dạy.

Mình học buổi sáng, chiều về vẫn quay bễ, chỉ học bài làm bài buổi tối và sáng sớm.

Có một sự kiện đặc biệt: một buổi sáng bố đến quán lò rèn thì thấy một cái bao tải buộc túm, bên trong có con gì cựa quậy. Mở ra thì thấy một thằng bé loắt choắt, quần áo rách rưới, đầu bù tóc rối. Bố nhóm lò lên, đun nước nóng tắm gội, mua quần áo thay cho nó, mua đồ cho ăn rồi đưa đi cắt tóc. Buổi tối bố đưa cậu bé về nhà. Hỏi chuyện cậu ta bảo tên là Đồng, bố mẹ chết cả rồi, không nhớ nhà ở đâu. Cậu chừng 8-9 tuổi. Cậu kể chuyện, trông thấy thằng ăn cắp thì mách người bán hàng. Buổi tối nó đánh, rồi bỏ vào bao tải buộc lại vứt vào quán.

Bố nhận Đồng làm con nuôi. Nó quay bễ thay mình. Bù lại, tối về mình lại dạy chữ a-b-c cho nó. Mình được đôn lên làm phó Hai. Anh Trân thay Bố “làm nguội”, nghĩa là, giũa, mài, cắt chấu liềm.

Khi mình lên học Trung học thì nghỉ hẳn làm rèn.

***

Năm 1951-1952 Việt Minh đẩy mạnh hoạt động trong vùng địch hậu. Anh Vượng thường dẫn mấy cán bộ huyện về Vũ La hoạt động buổi tối rồi nửa đêm lại đi.

Trước khi đi, mẹ thường nấu xôi với thịt gà cho mấy anh ăn rồi còn gói mang theo.

Một lần biệt kích của địch ban đêm vào bao vây nhà Mẹ; may anh Vượng và mấy cán bộ chui xuống hầm nước dưới ao trốn thoát. Nhưng địch phát hiện một cái hầm bí mật ngay vườn nhà mình.

Vậy là chúng bắt, tra tấn Mẹ, đốt cháy cái nhà gỗ. Sau đó bắt Chị Sen, anh Trân đi tù. Bố phải lo thuốc thang cho Mẹ, lo tiếp tế cho hai con, rồi tìm những mối quan hệ quen biết để chạy chọt.

Năm 1952 anh cả Vượng quyết định gọi mình về quê để đưa ra học tại vùng Tự do. Bố không nói gì.

Năm 1953 được ra tù, anh Trân về quê, xung phong đi dân công phục vụ Điện Biên Phủ.

Bố với cu Đồng vẫn làm rèn đến Hoà bình 1954 mới về làng Vũ La.

***

Hoà bình, bố vui lắm, hăm hở về quê. Nhưng bọn lính Tây rất khốn nạn, trước khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực, còn bao nhiêu đạn chúng bắn vung vít; một quả đạn mooc-chie (mortier?) trúng mái Đình, một quả vào nhà mình chết con trâu. May, cả làng không ai chết, chỉ mấy người bị thương.

Bố về nhà, việc đầu tiên là lo sửa chữa mái Đình bị hỏng, làm ngôi nhà tre 3 gian trên nền cái nhà gỗ bị cháy.

Ít lâu sau Bố vào Chí Linh tậu con trâu đực hai tuổi, rất đẹp. Bố ưng ý yêu quý con trâu lắm. Bố bảo, con trâu này bụng thon, ức nở, cao trước, dậy vây; chân nó giồ gối, thắt quản, quắp móng con, tròn móng cái. Trâu móng toè cày ruộng nước thì kém. Đặc biệt con trâu này còn quý hiếm là nó “hàm son, lưỡi tía” và có cái vai bị, tha hồ chịu kéo.

Sáng nào trước khi dắt nó đi cày bừa, bố cũng cho nó ăn thêm cỏ tươi hoặc rau muống bè cắt ở dưới ao, có khi cho thêm đấu cám, mặc dù nó đã ăn rơm cả đêm.

Sau một ngày làm việc vất vả, bố phải tắm cho con trâu thật sạch sẽ; bóp vai cho nó và kiểm tra thật kỹ xem có con đỉa nào bám vào chân vào người nó không. Mùa Đông Bố bảo rải rơm cho trâu nằm, đun nước nóng pha tí muối cho trâu uống. Cu Đồng được giao trọng trách chăm con trâu thì thích lắm.

***

Bố rất ủng hộ phong trào Tổ Đổi công. Nhà mình vào tổ do anh Khành làm tổ trưởng cùng với chừng một chục hộ. Mỗi xóm có vài tổ đổi công, cũng học tập lẫn nhau, ngầm thi đua với nhau. Cả các gia đình địa chủ phú nông cũng tham gia vào tổ đổi công. Tổ trưởng do các tổ viên bầu ra, là người sản xuất giỏi và biết đoàn kết, tổ chức hợp tác công việc.

Đổi công thực chất là khi cày, bừa, đổ nước, cấy, làm cỏ, gặt hái ở cánh đồng nào thì cả Tổ xúm vào giải quyết tất cả các thửa ruộng của các tổ viên ở khu vực đó cho xong, rồi chia điểm cho từng hộ liên quan. Người ít ruộng nhưng có sức thì cứ làm cho các nhà nhiều ruộng, rồi cuối vụ được tính công trả bằng thóc.

Nhưng Bố ủng hộ nhất là cả tổ góp tiền mua được 2 cái guồng nước và cùng nhau làm mương dẫn nước chung việc đó thì từng hộ cá thể khó làm nổi.

***

1954-1955 sau chiến tranh, Cụ Hồ ra sắc lệnh “Khai hoang phục hóa ruộng đồng”, ra sức sản xuất, miễn thuế 2 năm; địa chủ, phú nông giảm tô những ruộng phát canh cho nông dân… Thực chất lúc này nếu chính phủ vận động các nhà địa chủ, phú nông hiến ruộng để chia cho bần cố nông thì rất dễ dàng, vì theo lệnh “Giảm tô” và thu thuế trên diện tích ruộng ai nhiều ruộng cũng muốn bỏ bớt; hơn nữa con cái các gia đình phú nông, địa chủ phần nhiều là những người có học và theo Việt Minh giữ các vị trí quan trọng, mà họ sẵn sàng thể hiện lập trường cách mạng, ùng hộ người nghèo.

Đến 1956 nông nghiệp phục hồi vượt bậc: Thóc thu thuế nhà nước không đủ kho chứa, phải mượn nhà dân quây vựa chứa thóc. Nhà mình cũng cho mượn một gian nhà chứa lúa Chính phủ. Hầu như các nhà địa chủ, phú nông đều phải giữ thóc cho nhà nước.

Nghe tin thương nghiệp ở Hải Phòng về mua lợn tại ga tiền Trung, nhà mình 4 anh chị em khiêng 2 con lợn, mỗi con chừng 70kg xuống bán. Ôi giời ơi, đông quá, xếp hàng từ sáng đến chiều mới bán được một con. Con lợn còn lại khiêng về đến nhà, nó gần chết, thế là đem mổ thịt.

***

Dân làng đang yên vui, nô nức làm ăn thì Đội cải cách ruộng đất (CCRĐ) về làng. Tự nhiên thấy tối nào cũng họp hành, loa phát ầm ầm, khẩu hiệu kẻ khắp nơi: “Hoan nghênh chủ trương cải cách ruộng đất của Đảng”, “CCRĐ, cuộc cách mạng long trời lở đất”, “Ủng hộ đội cải cách ruộng đất phóng tay phát động quần chúng”, “có khổ nói khổ, nông dân vùng lên”, “Đánh đổ giai cấp địa chủ, ruộng đất về tay bần cố nông”.

Lúc đầu toàn dân đi họp nghe phổ biến chủ trương. Nhưng sau đó cứ loại dần; cuối cùng chỉ còn những thành phần cốt cán bần, cố nông và Đội “xâu chuỗi, bắt rễ” là được tin cậy, được Đội giao mọi nhiệm vụ.

Lạ thật, toàn bộ tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể ở địa phương đang khí thế tưng bừng mà đều bị vô hiệu hoá hoàn toàn; mấy ông Đội ở đâu về nắm quyền tuyệt đối: “Nhất đội nhì giời” tự tung tự tác toàn những chuyện chết người!

Dân làng Vũ La cứ như một rổ cua đổ vào cái chảo nóng, loạn xạ, nhốn nháo, chẳng ai còn thiết ra ruộng đồng.

Sau những đêm ngày họp triền miên, Đội công bố Vũ La có 5 địa chủ, 7 Phú nông.

Nhà mình được quy thành phần Trung nông lớp trên; có gần 3 mẫu ruộng nhưng 4-5 lao động chính, không thuê mướn ai, nghĩa là không bóc lột ai. Nhưng lại vào diện “Cường hào” nên con cái phải đi họp, đi xem đấu tố ngồi cùng con địa chủ, phú nông.

Nghe chuyện đấu tố Cụ Chu, ông Toản, ông Viết, bà Hoàn, bà Lý Việt, bà Hội Tuyến trong làng, Bố buồn bực, bức xúc lắm, không thể hiểu làm sao lại có những chuyện đảo lộn luân thường, đạo lý như vậy!?

Bố gọi anh Vượng vào hỏi tình hình. Anh Vượng là đảng ủy viên ở xã, mà bây giờ cũng như cá nằm trên thớt. Vào thăm Bố mà có vẻ lo sợ. Anh bảo, bây giờ tất cả phải nằm im để nghe ngóng, đừng nói gì, làm gì, không quan hệ với ai. Bố cũng có thể bị đấu tố vì tội Cường hào… Con bây giờ cũng không nên liên hệ với bố. Họ đang theo dõi ghê lắm.

Bố ngồi gục đầu không nói gì. Anh Vượng chào ra về, Bố cũng im lặng. Cả gia đình chìm trong nỗi sợ hãi sâu thăm thẳm.

Thằng Đồng mấy hôm nay cũng bị Đội đem đi “giác ngộ: “Ôn nghèo, gợi khổ, nhớ thù xưa”.

Các thành phần cốt cán cũng được phát động để tố cáo tội ác của Lý Tự.

Ôi trời ơi! Ơn Trời, Phật, Phúc Đức Tổ tiên, không ai tìm ra được tội ác nào của Lý Tự! Còn thằng Đồng khóc sưng mắt, Đội càng bồi dưỡng, dạy cách đấu tố, nó càng khóc. “Giác ngộ” mãi không được, coi như “rễ thối”, cho về! Thằng Đồng về nhà nom gầy tọp đi, bơ phờ như mất hồn, hỏi gì nó cũng lắc đầu, chỉ khóc!

Từ hôm đó Bố như câm lặng, hết nằm lại ngồi một mình.

Từ ngày Đội về phát động CCRĐ, Bố không bước ra khỏi nhà. Bố chỉ hỏi các con về mọi tin tức.

Các địa chủ ở Vũ La không ai bị đem ra đấu trường của xã. Ra xã là những “Địa chủ Cường hào ác bá“; đứng trước “Toà án đặc biệt” và hàng mấy nghìn con người “sôi sục căm thù” như bầy thú dữ trước con mồi. Địa chủ chỉ có cúi đầu nhận tội, hễ cãi là lập tức người cầm loa hét lên: “Đả đảo địa chủ ngoan cố”! Cả rừng cánh tay vung lên, rừng cái miệng gào lên: “Đả đảo! Đả Đảo! Đả đảo!” Đám con cháu “thành phần” cũng phải hô theo. Dân quân dòm vào mặt từng đứa để xem thái độ.

Rồi Chánh án đọc bản luận tội, nếu án tử hình thì lôi ra bắn ngay, như Cụ Đoài, ông Điện.

Thực ra kịch bản đấu tố đã tập đi tập lại, ra chỉ diễn lại mà nhiều “đấu viên” còn ấp úng. Các bản án, nhất là tử hình thì đều đã định trước, nên cái cọc để trói tội nhân, súng đạn, hố chôn… đã chuẩn bị sẵn, chỉ chờ Quan tòa tuyên… ”tử hình”, là mấy dân quân nhanh như chớp xông vào lôi tội nhân trói vào cột, bắn ngay. Từ tuyên án đến bắn chết chỉ chừng 2 phút! Tiếng súng nổ trong tiếng vỗ tay, reo hò rầm trời.

Làng Vũ La không ai bị bắn, chỉ mấy người bị đi tù.

Bố hỏi ở xã người ta đấu tố thế nào, mình cứ kể nguyên xi. Bố nghe xong người cứng đờ ra. Chị Sen mắng mình, rồi lấy dầu xoa cho Bố, dìu Bố vào giường.

Nửa đêm, chị Sen lôi mình dậy, thì thầm nghẹn ngào, Trang ơi, thày tự tử! Hai chị em nhào ra sân, nhảy lên gốc cây nhãn ôm chặt lấy Bố. Bố đã buộc xong dây thừng, thòng lọng, chưa kịp bước lên ghế!

Người Bố lạnh toát. Hai chị em dìu bố vào nhà trên. Chị Sen thì thầm trong nước mắt, thày ơi không được làm thế! Thày làm vậy là khổ tất cả chúng con. Bố im lặng, nằm vật xuống giường. Mình nằm ôm chặt Bố. Chị Sen thì thầm: Tuyệt đối không cho ai biết chuyện này!

***

Việc chia ruộng, chia quả thực cho bần cố nông cũng nhiều chuyện chết cười. Nhưng có chuyện này mình thấy “oai”! Đó là ông Trưởng Bạ Toản bị bắt đi tù rồi. Đội đem bản đồ ruộng đất thời Tây nó vẽ ra, không biết đâu mà lần, thế là họ gọi “thằng học cao nhất làng” vào làm việc.

Ôi, thằng Tây giỏi thật, toàn bộ các thửa ruộng, mảnh vườn, gò đống, ao, hồ chỉ chừng 5-7m2, tròn, méo ra sao, đều có trên bản đồ và đánh số rõ. Cứ theo số truy ra trong sổ tương ứng là biết nó của nhà ai. Bây giờ phải biết nhà địa chủ này có những thửa ruộng nào, ở đâu, để chia cho những ai.

Số phận đồng ruộng của làng tôi là thế này đây: Bần cố nông mới vui mừng cắm biển nhận ruộng, còn chưa hết cơn sung sướng, thì ruộng lại bị góp vào hợp tác xã!

HTX phá bờ tung toé hết, chia từng lô, chả còn biết ruộng nhà ai nữa.

Năm 1986 “Đổi mới” lại băm nát đồng ruộng ra chia cho mỗi hộ cá thể, theo nguyên tắc “có gần có xa, có tốt có xấu”; lại tranh giành để mỗi nhà được dăm mảnh ruộng rải rác khắp nơi.

Mấy năm sau lại vận động “dồn điền đổi thửa”, để “quy hoạch lại ruộng đồng” cho ra tấm ra miếng

Rồi năm 2019 toàn bộ đất bờ xôi ruộng mật mới được quy hoạch này, bị “trên” thu hồi hết trao cho công ty Tân hoàng Minh, và vẫn bỏ hoang không biết đến bao giờ!

***

Năm 1957 Đoàn cán bộ “Sửa sai” về họp dân làng. Bao nhiêu chuyện bi hài lại diễn ra khắp xóm làng…

Anh Sinh Trưởng đoàn sửa sai đến nhà mình. Trông anh cao ráo, dáng vẻ trí thức, tử tế.

Bố nhìn anh ta từ đầu đến chân, một lúc mới mời ngồi, rót nước.

Bố hỏi, sao Cụ Hồ lại để xảy ra sai lầm to lớn rồi mới đi sửa?

Anh Sinh giải thích, do cấp dưới làm sai, báo cáo không trung thực.

Rồi anh bảo anh Trân khôi phục Đội Văn nghệ, Đội bóng chuyền hoạt động cho xóm làng vui tươi.

Anh ấy bảo mình khôi phục lớp Bổ túc văn hoá cho thanh niên.

Bố chăm chú nghe từ đầu rồi bảo, những việc như thế, các con nên làm.

Công nhận “Đảng ta” tài thật, sau CCRĐ không khí xóm làng đầy bi uất, hận thù, lo hãi. Vậy mà Đội sửa sai về làng chừng hơn một tháng tuyên truyền giáo dục, dân làng lại trở lại cuộc sống gần như bình thường.

Đảng thật tài tình, dân mình thật dễ bảo!

***

Đầu năm 1958 trên về chỉ đạo thôn Vũ La làm điển hình xây dựng hợp tác xã nông nghiệp (HTX). Bắt đầu triển khai từ chi bộ, rồi đến chi đoàn thanh niên, chi hội phụ nữ, hội nông dân, hội phụ lão tất cả học tập quán triệt lựa chọn giữa “hai con đường”: Làm ăn tập thể theo đường lối của đảng, hay bảo thủ ngoan cố làm ăn cá thể theo phong kiến, tư bản?

Bố từ trước nhất quyết không vào đoàn thể nào và không đi họp bao giờ, chỉ quan sát, suy ngẫm và hỏi các con để biết thế thời.

***

Mới đầu vào hợp tác xã CẤP THẤP, nghĩa là ruộng đất, trâu bò, nông cụ vẫn thuộc quyền tư hữu của hộ cá thể. Sau vụ thu hoạch HTX phải trả lúa cho thuê ruộng đất, công trâu bò của các hộ góp vào HTX. Sau đó mới tính trả công cho lao động. Vậy mà vụ đầu tiên mỗi công được 9kg thóc.

Bố bảo, thằng Ph. có biết cày bừa gì đâu mà làm chủ nhiệm HTX! Nó đi ở cho nhà ông Hội Tuyến chỉ chuyên cơm nước, điếu đóm hầu hạ đám tổ tôm, xóc đĩa, chứ có biết gì về đồng ruộng đâu. Bảo nó đừng có lãnh đạo, chỉ huy, cứ ở nhà đánh tổ tôm, dân người ta làm rồi nộp thóc cho mà ăn.

Thực ra thì ông Ph. chỉ làm bù nhìn, hai Phó chủ nhiệm là anh Vượng và ông Bài điều khiển hết.

Bố hài lòng nhất là trên tỉnh bán hay cho hợp tác xã một cái máy bơm nước.

Lần đầu tiên bố có mặt tham gia vào một sự kiện của HTX, Đó là xem vận hành máy bơm nước do anh Trân điều khiển.

Bố bảo, ừ phải có máy móc thế này mới là HTX Ngày xưa làm mỏ cũng có máy bơm để hút nước ở hầm lò. Bố nhắc anh Trân, nền kê máy phải phẳng, chắc; máy rung, để lún, lệch, nghiêng là hỏng máy đấy.

***

HTX cấp thấp vừa được một vụ thành công thì “trên” lại về phổ biến chủ trương xây dựng HTX CẤP CAO, nghĩa là CÔNG HỮU HOÁ TOÀN BỘ RUỘNG ĐẤT, TRÂU BÒ, NÔNG CỤ. Thoạt đầu họ cũng đưa ra tổ bình xét, phân loại, nhà ai có bao nhiêu ruộng loại mấy, giá trị bao nhiêu; con trâu con bò đáng bao nhiêu tiền. Họp triền miên hàng tháng trời, thức toét mắt, cãi nhau ỏm tỏi để định giá. Tất cả được ghi vào sổ sách… Nhưng sau đó thì không bao giờ nhắc lại, coi như sung công hết, hoà cả làng!

Hầu hết nông dân, nhất là đám thanh niên nghe tuyên truyền: Lên HTX cao cấp toàn xã, nay mai lên công xã nhân dân như Trung Quốc, rồi tiến lên nông trường tập thể như Liên Xô thì sướng lắm. Trên cho phim nông trường Liên Xô về chiếu cho bà con xem, ai cũng náo nức. Mình cũng mơ ước được đi học lái máy cày. Các con đều náo nức, nhất là anh Trân, cô Chính.

Bố thì bực tức, phản đối gay gắt: Ruộng đồng phá bờ thế kia, chỗ trũng như ao, chỗ cao như đống, cấy lúa làm sao? Con trâu ở nhà người ta chăm nom như thế, đem ra chuồng trại tập trung, đêm hôm ai chăm sóc chúng? Mọi thứ thành của công, rồi cha chung không ai khóc, hỏng hết cho mà xem! Làm ruộng vào mùa vụ phải nửa đêm gà gáy, chứ kẻng đi làm rồi chờ kẻng về thì có mà đói rã họng cả lũ!

Bố buồn phiền, bực tức với cả làng mà không biết làm sao.

Anh Trân rất giống tính bố mà lại xung khắc với Bố. Có lần anh Trân với Bố đứng giữa sân to tiếng:

– Đây là vấn đề nghiêm trọng lựa chọn giữa hai con đường, mà Bố cứ theo con đường cũ, người ta quy cho Bố là bảo thủ, tư hữu, chống phá đường lối của Đảng.

– Bố nghiến răng, đừng láo! Tao không chống ai. Tao chỉ bảo con đường nào sống, con đường nào chết!

– Anh Trân vùng vằng bỏ đi.

Hai bố con không thể nói chuyện được với nhau!

Đối với Bố, điều đau đớn, tủi nhục là ngay các con không hiểu gì, lại lên án Bố.

Bố phải câm lặng, cô độc ngay giữa gia đình mình!

Bố bảo, bây giờ các ông bà chủ gia đình trắng tay, biến thành kẻ “ăn theo”, “ăn bám” có quyền gì nữa đâu! Bố cười cay đắng, mỉa mai.

Buổi sáng các con đi làm hết Bố mới dậy ăn gì đó; chiều Bố tự nấu một niêu cơm, ăn trước một mình rồi đi nằm.

Trong khi đó mấy anh em đi làm về còn đi đánh bóng chuyền, về tắm rửa, rồi tối mịt mới ăn cơm. Nhiều hôm ăn cơm xong lại đi văn nghệ, họp hành đến khuya. Có khi đi ngủ tập trung, sáng mới về.

Thấy bố lủi thủi im lặng, đờ đẫn, câm nín, lũ con lại yên tâm và chỉ mong Bố cứ sống lặng lẽ như vậy.

Mẹ không biết làm sao, chỉ khuyên bố, cả làng cả nước người ta như thế, ông cứ kéo rào ngược làm sao được! Còn với các con thì mẹ mắng, có chuyện gì cũng không được hỗn với Bố.

Chị Sen đi lấy chồng rồi, thỉnh thoảng bố chỉ còn hay nói chuyện với mình. Khuyên mình nên đi học lớp sư phạm cấp tốc của tỉnh đang chiêu sinh.

Thấy hợp tác xã phá đình, phá chùa, Bố thẫn thờ, hỏi, chúng nó phá để làm gì?

Mình bảo họ phá đình chùa để lấy gạch, gỗ xây trụ sở hợp tác xã, nhà văn hóa, những cột bằng đá thì đem nung vôi…

Bố lắc đầu, cột đá trắng nung vôi sao được! Rồi thở dài, im lặng. Một lúc sau Bố dặn, Đình phá mất rồi thì cố gìn giữ, trông nom mộ Đệ nhất Thành hoàng của làng (Việc này thì anh Trân với con đã làm được, vượt mức Bố mong đợi).

Có lần anh T. Chủ tịch huyện về HTX, ngồi trên xe com – măng – ca, đi qua cổng nhìn thấy Mẹ, anh ta chào to: Chào Mẹ, Mẹ khỏe không? Mẹ lại chuẩn bị xôi gà, tí con vào nhé!

Mẹ lầu bầu: có con gà mổ rồi đây này ( tức cái L.). Mình ngạc nhiên, thấy mẹ chưa bao giờ đanh đá, nói tục như vậy.

HTX Cấp cao toàn xã ngày càng “ra sức thi đua” thì càng suy sụp.

Nhưng người ta cứ quyết tâm, kiên định đến cùng: cứ tăng cường sự lãnh đạo, đổi mới quản lý HTX vòng 1, vòng 2, rồi vòng 3 … mà ngày càng đói rách rã họng, tả tơi. Mãi đến năm 1986, hơn 25 năm sai lầm đến tàn tạ, Đảng mới chịu tuyên bố “Đổi mới”, tức là chia lại ruộng cho hộ nông dân làm ăn cá thể!

***

Năm 1963 bố ốm yếu bệnh tật và sống trong cô đơn. Rồi ngày 15 tháng 6 năm Quý Mão Bố lặng lẽ ra đi trong đêm!

Điều bất ngờ và lạ lùng, là đám tang của Bố, người trong làng, trong xã đến đưa tang đông chưa từng thấy ở xã này. Dòng người đưa tang dài suốt dọc làng cho đến nghĩa địa.

Mấy năm sau thì con trâu yêu quý của bố cũng gục ngã, vi nó phải kéo chiếc xe gạch quá nặng về xây trụ sở HTX!

***

Bố ơi, khi viết những dòng này, con đã rơi nhiều nước mắt vì xót thương, hổ thẹn và ân hận vô cùng.

Xin bố hãy tha thứ cho chúng con, những đứa con ngu dại, hãnh tiến, chỉ biết nghe theo những điều nhảm nhí, quên đi gốc rễ của luân thường, đạo lý mà bố đã dạy bảo bằng những lời giản dị, căn cốt nhất và bằng chính cuộc đời tử tế của mình.

Hơn 60 năm trải nghiệm sự đời, con càng thấu hiểu nỗi niềm của Bố, càng thấm thía những lời Bố dạy, càng kính thương Bố biết bao nhiêu.

Xin Bố hãy thanh thản và tha thứ cho chúng con.

***

Vĩ thanh: Nhân vật Lão Am và Trọng trong Tiểu thuyết “Cái sân gạch” của nhà văn Đào Vũ có dựa theo chuyện của Bố tôi và anh Trân, nhưng nhà văn phải viết theo định hướng của Đảng về cuộc đấu tranh giữa hai con đường. Đó cũng là một lý do khiến tôi viết bài này để hiểu đúng về bố tôi, không phải như Lão Am trong tiểu thuyết “Cái sân gạch”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.