Thứ Năm, 7 tháng 7, 2022

Lavrov “quên gì ở đây”

 

Lavrov “quên gì ở đây”

Nam Nguyên

6-7-2022

“Quên gì ở đây thế nhỉ” là câu nửa đùa nửa thật mà người Nga hay dùng khi thấy ai đó đi đâu đó mà chả hiểu vì sao. Vậy chúng ta thử cùng nhau suy đoán xem ngài Lavrov “quên gì ở Việt Nam” mà lại sang thăm vào lúc mưa to gió lớn thế này nhé!

Đầu tiên phải khẳng định rằng trong lúc ở Nga “nhà bao việc” thì chuyện đi thăm cho phải phép, đi công cán kiểu “có đi có lại” chắc chắn là không rồi. Lavrov chưa bao giờ là cận thần yêu quý của Tổng thống Putin bất chấp việc tồn tại được dưới trướng của Putin đã gần hai chục năm, nhưng từ khi có cuộc xâm lược Ukraina xảy ra thì sự xuất hiện của Lavrov được coi như đem “thánh chỉ” của “Sa hoàng” đi, tức là độ quan trọng tăng lên rất nhiều lần. Chứ không chỉ đơn thuần là nhận lời mời của người đồng cấp Mr Sơn thì ông này xách cặp lên đường…

Tức là chủ đề cuộc gặp phải ở mức quan tâm cao nhất của lãnh đạo hai nước. Xứng đáng để Việt Nam bất chấp mọi sự soi mói của cộng đồng quốc tế, để khẳng định lại giá trị của phiếu trắng mình đã bỏ tại Liên hiệp quốc. Dù có truyền thống “ai cũng làm bạn” bao nhiêu đi nữa thì Việt Nam cũng không đơn giản để chấp nhận việc ít giống ai này…

Thế thì bác ấy sang nhà ta có việc gì, mà cả hai phải cùng quan tâm? Tất nhiên là kinh tế rồi, chứ mấy hợp đồng khí tài quân sự “tuổi gì” mà bàn ở đây. Nhiều vị đoán mò rằng “điện hạt nhân” – xin thưa là sai toét, mặc dù cũng có thể sẽ nói dăm câu ba điều về chuyện đó. Đơn giản rằng sau vụ Việt Nam đơn phương thay đổi chiến lược năng lượng hạt nhân, bỏ việc làm với Nga ở nhà máy Ninh Thuận thì quan hệ cấp cao giữa hai nước xấu đi trông thấy. Việt Nam mãi mới gỡ gạc lại được uy tín với Nga, chả tội gì mà lại “đùa dai” lần nữa như thế. Đối với Việt Nam tới nay Nga vẫn là nhà đầu tư bé tí, không kể đâu đó có thể đầu tư “chui” nhưng trên giấy trắng mực đen các doanh nghiệp Nga mới đầu tư được 950 triệu USD ở đây, chả so được với ai…

Thế còn gì để bàn? Dùng phương pháp loại trừ, có thể đoán ra đó là mảng dầu khí. Dầu khí của Việt Nam đang trong thảm cảnh – sau đợt cả loạt lãnh đạo PVN đi tù thì ngành này chưa hồi phục được là bao, gặp ngay lúc giá xăng dầu thế giới lên cao lại càng “khó” (trớ trêu thế đấy). Khai thác thì được ít đi, tay hàng xóm quậy phá làm công việc ở biển Đông phức tạp nhiều, chiến tranh… Hai dự án lọc dầu lớn là Dung Quất và Nghi Sơn đều lỗ nặng, nhất là Nghi Sơn nhiều lúc phải dừng hoạt động, giá trong nước lên quá cao đẩy theo lạm phát.

Đấy là nói về “ta”, còn về “tây” thì tuy bán được nhiều dầu kiếm được khủng tiền nhưng lượng dầu không tiêu thụ đi đâu được cho hết (dầu khai thác vùng Kamchatka) còn nhiều lắm, chưa kể bị cấm vận nên việc mua công cụ, khí tài cho ngành dầu khí sẽ khó khăn. Nói gì thì nói, các tập đoàn dầu khí quốc tế là những “ông lớn” nên phải nghe lời chính phủ Mỹ răm rắp, khôn hồn đã và đang rút hết khỏi những sự hợp tác với Nga rồi, không thì liệu hồn. Thế nên đây chính là lúc Việt Nam phải định hướng lại hoạt động dầu khí (khi trước 2 tổ hợp lọc dầu của Việt Nam đều nhằm cho dầu Bắc Âu và dầu nguồn xuất xứ Trung Đông). Đến lúc Việt Nam phải xác định nhập dầu nguồn gốc Nga về mà “lọc” – điều này dẫn đến nhiều thay đổi về công nghệ, thế nào thì các chuyên gia của ngành phải trao đổi với nhau, không đến tầm Mr Lavrov. Lavrov và Việt Nam sẽ phải bàn chuyện “khẳng định quyết tâm” hợp tác chuyện này, bất chấp bên thứ ba nào có thể hù doạ – Mỹ còn mua dầu của Nga kìn kìn kia kìa, cấm gì chúng tớ, đại loại thế…

Còn lại vài chuyện bàn cũng được mà ngoại giao cũng chả mất gì, kiểu hô hào xuất nhập khẩu, hợp tác song phương, kêu gọi đầu tư lần thứ N+1… cũng sẽ được ghi đầy đủ vào biên bản. Nhưng thử xem dự đoán trên có đúng không nhé! Thôi sắp họp rồi các đồng chí ạ…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.