Thứ Hai, 18 tháng 7, 2022

Johnson, Trump, và cách loại bỏ một nhà lãnh đạo phản dân chủ

 

Johnson, Trump, và cách loại bỏ một nhà lãnh đạo phản dân chủ

Financial Times

Tác giả: Gideon Rachman

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng/ NCQT

11-07-2022

Các thể chế độc lập và các cử tri quan tâm đến chúng là yếu tố sống còn trong việc bảo tồn nền dân chủ.

“Trump của người Anh” là biệt danh mà Donald Trump, cựu tổng thống Mỹ, đặt cho Boris Johnson, thủ tướng sắp mãn nhiệm của Vương quốc Anh.

Nhiều người ở Anh từ lâu đã phản đối phép so sánh giữa Johnson và Trump. Rốt cuộc thì, “Boris thân thương” của họ vẫn có khả năng tự cười nhạo bản thân, được đào tạo chuyên nghiệp, và có thể viết lách trôi chảy – tất cả các đặc điểm đó đều rất khác với Trump. Tôi thực sự đã gặp khó khăn với so sánh này khi viết cuốn sách gần đây của mình, Age of the Strongman (Thời đại của Những lãnh đạo cứng rắn). Có thực sự công bằng khi viết hẳn một chương sách về Johnson, giống như về Trump – đấy là chưa nói đến những người như Vladimir Putin và Tập Cận Bình?

Những nghi ngờ của tôi đã bị dập tắt khi nhìn thấy Johnson tìm đủ mọi cách để níu kéo quyền lực. Phép so sánh khập khiễng ngày xưa giờ đã trở nên dễ hiểu. Andrew Neil, một nhà bình luận người Anh biết cả Trump lẫn Johnson, đã viết rằng: “Tôi đã luôn chống lại sự so sánh giữa Boris Johnson và Donald Trump, nhưng giờ không còn nữa.” Như Neil đã chỉ ra, Johnson là một người “giống như Trump, hành động như thể các quy tắc không áp dụng cho ông ấy.” Jonathan Sumption, cựu thẩm phán của Tối cao Pháp viện Vương quốc Anh, đã cáo buộc Johnson tiến hành “đảo chính hiến pháp thất bại” khi yêu cầu một nhiệm kỳ theo kiểu tổng thống.

Cả Johnson và Trump đều sống trong thế giới của những sự thật thay thế, nơi những sự thật bất lợi cho họ sẽ bị ngó lơ hoặc bị bác bỏ như là “tin giả.” Cả hai người đều là những kẻ tự cao tự đại quái dị, sẵn sàng phá hủy hệ thống để làm lợi cho riêng mình.

Khoảng cách giữa Johnson và Trump, và giữa Trump với các nhà lãnh đạo cứng rắn khác – chẳng hạn như Recep Tayyip Erdoğan, Narendra Modi, Tập Cận Bình, và Vladimir Putin – cũng gần hơn so với những gì chúng ta thường nghĩ. Các hệ thống mà các nhà lãnh đạo này điều hành rất khác nhau, nhưng phong cách chính trị của họ cực kỳ giống nhau.

Tất cả các lãnh đạo cứng rắn đều tự nhận mình là người không thể thiếu. Và hầu hết họ đều tuân theo chủ nghĩa dân tộc hoài cổ. Việc Trump cam kết “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” cũng tương tự như lời hứa của Tập về “sự phục hưng của dân tộc Trung Hoa”, và nguyện vọng trở thành người kế thừa Peter Đại đế của Putin.

Khi lãnh đạo cứng rắn tuyên bố họ là người duy nhất có khả năng khôi phục sự vĩ đại của đất nước, thì họ đã tạo ra cơ sở để phá hủy các thể chế độc lập có thể cản trở nhiệm vụ quan trọng này – cụ thể là tòa án, truyền thông, và hiến pháp.

Bất cứ ai lên tiếng phản đối đều sẽ bị gạt bỏ như một thành viên của ‘giới tinh hoa thối nát,’ chuyên chống lại ý chí của nhân dân. Erdoğan, Tập, và Putin đều đã thay đổi hiến pháp của nước mình để thoát khỏi những hạn chế về thời hạn nắm quyền. Còn Trump thì “đùa” rằng Mỹ nên noi gương Trung Quốc.

Các nhà lãnh đạo cứng rắn đã xuất hiện trong cả hai hệ thống: độc tài và dân chủ. Tuy nhiên, trong các nền dân chủ, sẽ dễ để ngăn chặn họ hơn. Putin và Tập có thể bịt miệng và bỏ tù những tiếng nói bất đồng chính kiến mà không bị trừng phạt – và sẽ không gặp rắc rối với những cuộc điều tra độc lập về cách hành xử hoặc về khối tài sản của họ. Môi trường chính trị của Erdoğan cũng đang trở nên giống như vậy.

Ngược lại, ở Mỹ và Anh, các thể chế độc lập đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát bản năng cứng rắn của Trump và Johnson. Khi Johnson đình chỉ hoạt động của Nghị viện Anh trong giai đoạn đầu nắm quyền, ông đã bị Tối cao Pháp viện phủ quyết. Các thể chế của Mỹ cũng đã chống lại nỗ lực mà Trump kêu gọi – nhằm lật ngược kết quả của cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.

Tuy nhiên, các sự kiện xảy ra vào ngày 06/01/2021, khi một đám đông xông vào Điện Capitol của Mỹ, là một lời nhắc nhở rằng: các thể chế độc lập không thể tách rời khỏi những người điều hành chúng.

Nếu Mike Pence, phó tổng thống của Trump, đưa ra một quyết định khác vào ngày hôm đó, và từ chối phê chuẩn chiến thắng của Joe Biden, như Trump mong muốn, nước Mỹ sẽ rơi vào một cuộc khủng hoảng hiến pháp sâu sắc. Các quan chức Mỹ khác, ở cấp tiểu bang, chẳng hạn như Brad Raffensperger của Georgia, cũng đã thực hiện nhiệm vụ của mình, từ chối đưa ra số phiếu phụ mà Trump đang yêu cầu.

Nhưng điều đã đúng vào năm 2020 có thể không đúng vào năm 2024 nữa. Các đảng viên Cộng hòa cấp cao, những người đã nhanh chóng lên án Trump sau hậu quả của ngày 06/01, nay trở nên sẵn lòng ủng hộ lời nói dối rằng cuộc bầu cử năm 2020 đã bị đánh cắp khỏi tay họ. Tối cao Pháp viện Mỹ cũng đã chuyển hướng sang cực hữu, trong khi các thể chế cấp liên bang đang bị đe dọa bởi những người trung thành với Trump.

Việc quan sát những sự kiện này có thể khiến một số người Anh tự mãn về ‘sức khỏe tương đối’ của nền dân chủ ở Anh, chí ít là so với Mỹ. Hệ thống kiềm chế đối trọng phức tạp của Mỹ có lẽ không đủ khả năng kiểm soát những lãnh đạo cứng rắn so với hệ thống các quy định không chính thức, dễ bị tổn thương đang giúp quản trị Vương quốc Anh. Đảng Bảo thủ đã chấm dứt nhiệm kỳ của Johnson, trong khi đảng Cộng hòa lại đi cùng Trump.

Sẽ rất tuyệt nếu quy điều này cho nhân cách cao cả của các chính khách người Anh. Nhưng điểm khác biệt thực sự nằm ở bản chất của cử tri đoàn. Các đảng viên Cộng hòa cấp cao trở nên ngần ngại khi nhận ra bằng chứng cho thấy nền tảng ủng hộ của đảng họ hiện vẫn nằm trong tầm kiểm soát của Trump. Trong khi đó, hầu hết các nghị sĩ đảng Bảo thủ sẽ chấp nhận thực tế rằng Johnson là Thủ tướng Anh đầu tiên bị trừng phạt vì vi phạm pháp luật khi còn đương nhiệm, ngay cả khi họ vẫn cho rằng ông thực sự có thể chiến thắng trong cuộc bầu cử.

Những người thực sự đã khiến Johnson rời nhiệm sở là cử tri ở các khu vực bầu cử Tiverton & Honiton, và Wakefield – nhóm cử tri đã gây ra hai thất bại cho Đảng Bảo thủ trong cuộc bầu cử bổ sung mới nhất. Sau sự kiện đó, vụ bê bối tiếp theo chắc chắn sẽ là thứ ‘kết liễu’ ngài Thủ tướng – và với một người như Johnson, chúng ta chẳng phải chờ đợi lâu. Trong một nền dân chủ, những người bảo vệ hệ thống thực sự vẫn là cử tri.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.