Chủ Nhật, 3 tháng 7, 2022

Gia tài của mẹ và chuyện chủ quyền biển đảo…

 

Gia tài của mẹ và chuyện chủ quyền biển đảo…

Trương Nhân Tuấn

2-7-2022

Tình hình theo tôi là tuyên giáo “xử” vụ “gia tài của mẹ” như “đem con cá đi trấn nước”. Trấn cách mấy con cá cũng không thể chết ngộp. Vấn đề “hai mươi năm nội chiến từng ngày” là một sự thật lịch sử. Ngay cả khi lịch sử luôn được viết bởi phe thắng cuộc. Cây súng có thể giết người nhưng cây súng không thể giết chết sự thật.

Việc làm hồ đồ của tuyên giáo CSVN ảnh hưởng sâu sắc lên hồ sơ chủ quyền biển đảo của VN. Tuyên giáo càng lên gân VN càng tự bắn thêm vào chân mình. Nếu không thiết lập lại sự thật lịch sử VN có thể mất vĩnh viễn Hoàng Sa (HS) và Trường Sa (TS) cùng hàng triệu cây số vuông biển cho TQ.

Chiến tranh chống Pháp 1945-1954 là một cuộc “nội chiến”. VN gọi tên “chín năm kháng chiến chống Pháp” nhưng Luật quốc tế xếp loại các cuộc chiến “giải thực – décolonisation” thuộc thể loại “nội chiến”.

Chiến tranh 54-75 “chống Mỹ cứu nước”. Mỹ là “thực dân mới” và chính quyền VNCH là “chính quyền tay sai”. Thực dân là thực dân. Luật quốc tế không phân biệt cũ hay mới. Cuộc chiến này cũng là một cuộc nội chiến.

Răn đe người dân cách nào, phạt vạ hay cấm hát bài Gia tài của mẹ, tuyên giáo cũng không thể thay đổi thực chất “nội chiến” của hai cuộc chiến.

Luật quốc tế qui định từ “chiến tranh” chỉ dành cho “chiến tranh quốc tế”, tức xung đột vũ trang giữa “quốc gia với quốc gia”.

Luật lệ chiến tranh là luật hiện hữu từ thời thượng cổ. Chiến tranh có mục đích làm cho tất cả của cải, lãnh thổ… của một bên thành ra “vô chủ – res nullius”. Phe thắng trận có quyền chiếm hữu tất cả. (Phe thắng cuộc ở VN áp dụng tận tình luật này. Của cải của ngụy ta tịch thu, nhà của ngụy ta ở, vợ của ngụy ta lấy, con của ngụy ta bắt làm nô lệ còn ngụy ta bắt đi học tập cải tạo, đuổi đi kinh tế mới…)

Cả hai phe CSVN và VNCH (tức phe cộng sản và phe quốc gia) đều có chung quan điểm: chiến tranh VN (1954-1975) không phải là cuộc “nội chiến”.

Cả hai cùng tự bắn vào chân mình.

Lập trường của phe cộng sản đã nói rồi. Chính nghĩa của cuộc chiến (jus ad bellum) là mục tiêu “giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước”.

Còn phe quốc gia mỗi người mỗi ý.

Lập luận (áp đảo) của phe quốc gia hiện nay cho rằng VNDCCH và VNCH là “hai quốc gia độc lập có chủ quyền”. Vấn đề là lập luận của nhóm học giả này không thuyết phục. Họ không chứng minh được cuộc chiến 1954-1975 là “chiến tranh quốc tế, nước này xâm lược nước kia”.

Chiến tranh – War là một vấn đề quốc tế. Chiến tranh – War là quốc gia (state) này xâm lược quốc gia (state) kia.

So sánh với chiến tranh Nga xâm lược Ukraine. Chính nghĩa của phe Nga (jus ad bellum) trong cuộc chiến này là gì?

Trước khi phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” thì Putin tuyên bố nhìn nhận độc lập có chủ quyền của hai quốc gia tự phong Donetsk và Luhansk. Chính nghĩa của Nga khi phát động cuộc xâm lược là giúp hai quốc gia Donetsk và Luhansk “tự vệ” đồng thời bảo vệ những người nói tiếng Nga sinh sống ở hai cộng hòa tự phong này. Quyền “tự vệ” này “chính đáng” nếu (và chỉ nếu) hai cộng hòa Donetsh và Luhansk là hai quốc gia thực sự độc lập có chủ quyền. Đại đa số các quốc gia, ngay cả các quốc gia thân cận nhứt với Nga, không nước nào nhìn nhận thực tế này. Cuộc chiến của Nga vì vậy không có chính nghĩa. Nga bị cô lập trên trường quốc tế.

VNCH chưa bao giờ tuyên bố “quốc gia độc lập” như hai cộng hòa tự phong Luhansk và Donetsk. Lập luận “tự vệ đa phương” của VNCH rõ ràng thiếu thuyết phục.

Tương tự như Đài Loan – lục địa, Nam-Bắc Hàn. Hai miền Nam-Bắc VN chỉ là những “quốc gia bị phân chia – divided state”. Quốc gia bị phân chia là những “quốc gia chưa hoàn tất”. Tư cách pháp nhân của VNDCCH (và VNCH) trước luật quốc tế là không hoàn chỉnh.

Ông Ngô Đình Diệm là tổng thống VNCH duy nhứt được quốc tế tiếp đón như là một “nguyên thủ quốc gia”, với lễ nghi dành cho “quốc khách”. Dĩ nhiên lãnh thổ của quốc gia VNCH này bao gồm luôn miền Bắc.

Sau khi ông Diệm bị quân đảo chánh giết chết, các thủ lĩnh chính quyền quân sự hay dân sự sau này không ai được quốc tế tiếp đón với thủ tục dành cho nguyên thủ quốc gia. Ông Thiệu chưa bao giờ được Mỹ tiếp đón như là “quốc khách”, với tư cách nguyên thủ quốc gia. Ông Thiệu chỉ được Nixon tiếp đón ở trại David, như một “cá nhân đặc biệt”. Tư cách pháp nhân của VNCH trước trường quốc tế đã bị sụp đổ từ 1-11-1963.

Nhiều bài viết cố gắng chứng minh VNCH và VNDCCH là “hai quốc gia độc lập có chủ quyền”. Các học giả vịn đủ thứ luật lệ quốc tế, điển hình Công ước Motevideo về quốc gia.

Các học giả rành về luật quốc tế nhưng dường như đã bỏ sót nhiều điều cơ bản cấu thành luật quốc tế. Nếu Công ước Motevideo là “luật” thì Hiệp định Genève 1954 hay Hiệp đinh Paris 1973 về chiến tranh VN cũng là “luật”. Các học giả chỉ dựa vô công ước Motevideo mà không tính tới hai hiệp định Genève 1954 và Paris 1973. Theo nội dung hai hiệp định này thì quốc gia VN chỉ có một. Cả hai bên VNDCCH và VNCH từ 1954 luôn hành sử như là “Quốc gia duy nhất – Etat Unitaire”. Quốc tế, nước nào công nhận VNCH thì sẽ không công nhận VNDCCH và ngược lại.

Lập luận “hai quốc gia VN” của các học giả là có vấn đề.

Giả sử bây giờ “thượng đế” ban phép lạ cho phe quốc gia “xóa bài làm lại”. Theo tôi phe VNCH vẫn thua. Thua vì đến nay nhiều người (còn sót lại) vẫn không hiểu được thực chất của cuộc chiến 1954-1975 là gì?

Làm cách nào để chống lại chính nghĩa “thống nhất đất nước”? Càng dựa vô Mỹ càng đánh càng thua. Mỹ can thiệp vào VN là can thiệp vào chuyện nội bộ của một quốc gia. Càng đánh Mỹ càng bị quốc tế chống đối và VNCH càng bị cô lập.

Ngoại trừ việc tuyên bố VNCH độc lập và làm trưng cầu dân ý để sự tham dự của Mỹ vào cuộc chiến có tính chính đáng. Điều này hoặc ra ngoài kiến thức của phe VNCH hoặc đa số lãnh tụ chính trị VNCH là dân miền Bắc.

Khẳng định chiến tranh 1945-1954 và chiến tranh 1954-1975 là nội chiến VN có nhiều cái lợi. VN kế thừa di sản của Pháp về lãnh thổ HS và TS. Sau này VN kế thừa di sản VNCH về “danh nghĩa chủ quyền” tại HS.

Tư cách pháp nhân của VNDCCH không phải (hay chưa phải) là quốc gia. Vì vậy tuyên bố 1958 của Phạm Văn Đông không có hiệu lực ràng buộc trước pháp lý quốc tế.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.