Thứ Hai, 18 tháng 7, 2022

Câu chuyện phá hoại tuyến đường sắt răng cưa Tháp Chàm – Đà Lạt

 

Câu chuyện phá hoại tuyến đường sắt răng cưa Tháp Chàm – Đà Lạt

Phan Ba

16-6-2017

LGT: Nhân dịp báo chí Việt Nam đưa tin, Bộ Giao thông Vận tải muốn khôi phục lại tuyến đường sắt răng cưa Tháp Chàm – Đà Lạt, chúng tôi kính mời quý độc giả đọc lại bài viết này.

Có lẽ Thụy Sĩ, nước chế tạo ra những đầu máy thời đó, tìm thể không đâu ra được những đầu tàu đó nữa, nên phải sang tận Việt Nam mua về để sửa lại. Cho nên chuyện Việt Nam muốn làm lại tuyến đường sắt này e rằng chỉ là cái bánh vẽ rồi chia chác nhau tiền thuế của dân thôi.

***

Áp phích xe lửa răng cưa Đà Lạt. Ảnh tư liệu

Do địa hình phức tạp, người Pháp đã phải cần đến 25 năm để xây dựng tuyến đường sắt răng cưa đặc biệt từ Phan Rang lên đến Đà Lạt, tiêu tốn mất 200 triệu đồng Franc Pháp. Thế nhưng sau năm 1954, tuyến đường sắt răng cưa độc đáo này nhiều lần đã là mục tiêu tấn công của MTDTGP. Việt Cộng đã đặt mìn tự nổ khi tàu chạy ngang qua chừng tám lần. Qua phá hoại, một chiếc đầu tàu đã trật đường ray, trong một lần khác, mìn nổ đã tạo ra một hố to cho tới mức đầu tàu đã sụp vào trong hố đó và không chạy được nữa.

Năm 1967, một nhóm bốn người có vũ trang chận đoàn tàu chở hàng lại trên đoạn Da Tho (Le Bosquet) và Cầu Đất (Entrerays). Nhóm điều hành đầu tàu bốn người bị bắt mang vào khu rừng gần đó. Tại lần này, tổ lái tàu chỉ bị hỏi cung. Hai tuần sau đó, cũng chiếc đầu tàu đó và cũng cùng tổ lái tàu đó đã bị cũng nhóm bốn người đó chặn lại ở giữa tuyến Cà Bơ (K’Beu) và Ei Gió (Bellevue). Lần này tổ lái cũng phải rời khỏi đoàn tàu và phải cung cấp thông tin bằng cách nào có thể phá hủy đầu tàu một cách hiệu quả nhất. Ý tưởng đầu tiên của nhóm du kích là muốn cho nổ ở nơi đốt lò. Nhưng người lái tàu đã có thể giải thích cho họ hiểu rằng cho nổ lò hơi trong lúc không có thời gian kịp chạy ra đến một khoảng cách an toàn là một hành động tự sát. Người lái tàu đề nghị cho nổ những thùng dầu được gắn thêm trên tàu, nhưng lại đánh lừa bốn người du kích bằng cách chỉ vào một thùng đựng nước. Do vậy, sau vụ nổ và sau khi nhóm du kích đó rút đi, người lái tàu với máy liên lạc vô tuyến đã có thể gọi một đầu máy khác cộng với quân đội VNCH tháp tùng bảo vệ đi đến nơi mà mang chiếc đầu tàu hư hỏng nhẹ này về đến Đà Lạt.

Bản đồ đường sắt Đà Lạt – Sông Pha. Ảnh tư liệu

Sau sáu tháng sửa chữa, một tổ lái khác đã lái đoàn tàu từ Đà Lạt về Sông Pha và lần này thì đầu máy 40-302 đã chạy trên một quả mìn có sức nổ mạnh cho tới mức lò hơi của đầu máy đã nổ tung. Ba thợ đốt lò Hữu, Bích và Ngọc bị phỏng nặng và chết ngay tại chỗ. Người lái tàu tên An bị sức nổ hất văng lên một cành cây. Ông thoát chết, “chỉ” bị gãy tay.

Đầu tàu 40-302 bị phá hủy hoàn toàn, sau đó được kéo về Cầu Đất. Tuyến đường sắt răng cưa độc đáo ngưng hoạt động sau đó.

Đầu máy xe lửa răng cưa trên đường trở về lại Thụy Sĩ. Ảnh tư liệu

Sau năm 1975, trong lúc thiếu vật liệu để tái xây dựng đường sắt Thống Nhất, đường ray đặc biệt của tuyến đường sắt răng cưa cũng bị tháo dỡ nhằm lấy vật liệu mặc dù không phù hợp. Được chế tạo đặc biệt cho các yêu cầu cao của đường sắt leo núi, ngay từ bu lông đến đai ốc cũng đã khác với vật liệu thông thường rồi. Sau đó chúng bị trộm cắp và mang đi bán sắt vụn.

Đầu máy xe lửa sau khi được phục hồi. Ảnh tư liệu

Rồi đến năm 1990, toàn bộ các đầu máy xe lửa răng cưa hay những gì còn sót lại từ chúng được bán phế liệu về cho Thụy Sĩ (là nước đã sản xuất ra các đầu máy này), chấm dứt mọi hy vọng mỏng manh tái thiết tuyến đường sắt vốn là một kỳ công kỹ thuật độc đáo của người Pháp để lại. Hai chiếc đầu tàu sau đó đã được người Thụy Sĩ phục hồi và bây giờ vẫn hoạt động đều đặn trên tuyến đường sắt răng cưa leo núi tại Thụy Sĩ (Furka-Bergstrecke).

Tấn bi kịch về công trình kỹ thuật độc đáo của người Pháp ở Việt Nam này là điển hình cho sự phá hoại miền Nam vì ngu dốt và thiển cận!

Nguồn tham khảo:

http://www.dieselcrew.ch/web/vn/vn.html

http://www.vnafmamn.com/tracing_shangrila.html

https://www.dfb.ch/index.php?id=erleben&L=0

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.