Trung Quốc là “người thầy giỏi” hay Việt Nam là môn đồ tệ hại?
28-5-2022
Sau bốn thập niên rập khuôn mô hình Trung Quốc “kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa”, với mục đích xây dựng “nhà nước” và phát triển “quốc gia”, VN liên tục gặp thất bại, trên mọi phương diện. Trung Quốc là “người thầy giỏi” hay Việt Nam là môn đồ tệ hại? Trung Quốc thành công bao nhiêu Việt Nam thất bại bấy nhiêu.
Những năm cuối thiên niên kỷ thứ 2 người ta nghe Việt Nam phát triển “theo hướng rồng bay”. Rồng ở đây gồm có con rồng lớn là Nhật Bản. Sau đó 4 con rồng nhỏ (Tiểu Long) Nam Hàn, Đài Loan, Hồng Kông và Singapore.
Tôi đã đọc rất nhiều tài liệu, bài viết của nhiều trí thức, học giả Việt Nam nói về chủ đề này. Cá nhân tôi cũng có viết một số bài, đặc biệt một số bài nói về mô hình phát triển của Đài Loan.
Những năm gần đây ta không còn nghe nói đến việc “theo hướng rồng bay” nữa. Thay vào đó là các thuật từ “chính phủ kiến tạo”, sau đó biến thể trở thành “nhà nước kiến tạo”.
Theo sự quan sát của tôi, Việt Nam vẫn sẽ thất bại, cho dầu Việt Nam áp dụng bất kỳ mô hình phát triển nào.
Cùng một mô hình “xây dựng nhà nước” và “phát triển quốc gia” ta thấy có quốc gia thành công, có quốc gia thất bại. Những quốc gia mà lãnh thổ “chó ăn đá gà ăn muối” (không có tiền rừng bạc biển kiểu Việt Nam) như Nhật, Đài Loan, Singapore … thường là các quốc gia thành công. Những quốc gia đất đai trù mật, dân chúng “dễ dạy” như Thái Lan, Miến Điện, Việt Nam, Phi… thì phát triển “bình bình”, nếu không nói là “tụt hậu”.
Vì sao Trung Quốc phát triển thành công trong khi Việt Nam rập khuôn Trung Quốc, Việt Nam lại thất bại?
Yếu tố đưa đến thành công của Trung Quốc, cũng là yếu tố chung làm cho Nhật, Nam Hàn, Đài Loan, Singapore, (thậm chí Hồng Kông)… phát triển, là “tâm thế” của các quốc dân này trước các thách thức đến từ việc phát triển quốc gia.
Trung Quốc đã có khoảng 4 thập niên “thao quang dưỡng hối”, chấp nhận tư thế làm “học trò” trước các quốc gia “tiền bối” là Mỹ và Tây Âu để học hỏi các cách quản trị kinh tế, tiếp thu các kiến thức về khoa học kỹ thuật, về luật học, triết học, mỹ học v.v… Trung Quốc đã xây dựng một mô hình “nhà nước XHCN đặc sắc Trung Hoa” đồng thời quản trị nhà nước này bằng “luật lệ kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa”.
Nước Nhật, sau khi thua trận và đầu hàng tháng Tám 1945, đất nước tan hoang. Mô hình nhà nước mới của Nhật không còn do người Nhật quyết định mà do Mỹ áp đặt, qua bản Hiến pháp dân chủ và hòa bình. Người Nhật xây dựng đất nước của họ với tâm thế “kẻ bại trận”, với ý chí phục hồi danh dự cho quốc gia.
Nam Hàn, sau khi đất nước phân chia thành hai miền năm 1953, đất nước tan hoang vì chiến tranh. Người dân Nam Hàn xây dựng đất nước của họ với tâm thế của một người mới được cứu qua một trận thập tử nhứt sanh. Dân chúng Nam Hàn ý thức rằng họ chỉ có hai con đường: “Phát triển” hay là “chết”.
Đài Loan cũng vậy. Sau khi Tưởng Giới Thạch thua trận năm 1949 phải bỏ lục địa, dẫn tàn quân về cát cứ ở Đài Loan. Tâm thế của dân Đài Loan cũng “phát triển hay là chết”. Thua kém, Đài Loan sẽ bị lục địa xóa sổ.
Tâm thế của Singapore cũng vậy. Năm 1960 đảo quốc này bị Mã Lai “chê”, không cho sáp nhập vào liên bang. Bởi vì dân chúng Singapore không đồng nhứt, đa số dân gốc Hoa, sau đó còn có dân gốc Ấn và gốc Mã. Tức là nội bộ Singapore như trái bom nổ chậm. Không phát triển là quốc gia giải thể.
Tất cả các quốc gia phát triển thành công đều có điểm chung về “tâm thế” của khối dân tộc.
Việt Nam không thể phát triển, cho dầu cố gắng 100 năm nữa. Việt Nam nhiều lắm là “bình bình”. Bởi vì Việt Nam luôn có tâm thế “biết bố mày là ai không”?
Trong một lớp học, đứa học trò luôn tự cho mình xuất sắc hơn người. Trò này luôn phách lối với các trò khác và luôn không nghe lời thầy dạy. Đứa học trò đó dốt muôn năm.
Lãnh đạo Việt Nam luôn tự cho mình là “đỉnh cao trí tuệ”. Đảng CSVN là “giới tinh hoa”, là “giai cấp tiên phong của cả dân tộc”.
Với tâm thế cha đời như vầy thì Việt Nam cần gì học hỏi ai? Đánh chết cha 4 thằng đế quốc Pháp, Nhật, Mỹ, Tàu… thì Việt Nam thua ai mà cần học hỏi?
Các quốc gia như Nhật, Nam Hàn, Đài Loan, Singapore… mặc dầu kinh tế phát triển thần kỳ, dân chúng có mức sống hàng đầu thế giới nhưng họ vẫn luôn giữ tâm thế “tiếp tục phát triển hay là chết”. Họ luôn hướng về tương lai.
Chỉ có Việt Nam vẫn luôn mê muội với hào quang của quá khứ. Họ vẫn luôn tự sướng, nếu không vì các chiến thắng vinh quang trong quá khứ, thì tự huyễn “đất nước ta có bao giờ có được cơ ngơi, vị thế như thế này hay chưa”?
Chẳng có “nhà nước kiến tạo” nào cứu được Việt Nam hết cả.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.