Lịch sử và môn học Lịch sử
Nhưng rồi thì tôi cũng sớm nhận ra, phần lớn kiến thức lịch sử mình được học trong nhà trường, đều rất khác với những gì tôi tự tìm hiểu sau này. Ví dụ điển hình có thể dẫn ra là những kiến thức về Nhà Nguyễn. Chúng tôi được học đơn giản và mang tính đóng đinh rằng, Nhà Nguyễn là triều đại phong kiến thối nát, mang tội bán nước.
Nhưng rồi không chỉ Nhà Nguyễn, còn rất nhiều sự kiện khác, nhất là những sự kiện thời cận đại, hiện đại, thậm chí chỉ ngay mới đây… đều có những nhận thức trái ngược giữa chính thống và “ngoài luồng”. Tự lực Văn đoàn với chúng tôi suốt một thời là cải lương, vọng ngoại, suy đồi. Rồi hàng loạt các sự kiện chính trị khác nữa. Ví dụ sự kiện tại phố “Ôn Như Hầu” năm 1946; sự kiện Chính phủ Trần Trọng Kim; sự kiện Cải cách ruộng đất; sự kiện Nhân văn giai phẩm; sự kiện “Nhóm xét lại”…
Ngoài ra, nhiều nhân vật lịch sử, rất khó để kể hết, cũng nằm trong tình trạng tương tự. Tiêu biểu trong số này là Trương Vĩnh Kí, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh… Tận lúc lớn chúng tôi vẫn đinh ninh rằng đó là những kẻ ôm chân thực dân, đế quốc, làm hại giống nòi!
Sau này khi được tiếp xúc với giáo sư Trần Quốc Vượng, tôi sáng ra nhiều điều để có thể tự lý giải cho mình một số băn khoăn. Và tôi nhận ra rằng, những kiến thức lịch sử ít ỏi mình có, phần nhiều đều phải chỉnh sửa lại.
Quá trình này hóa ra không chỉ khó, mà còn bi hài ngoài sức tưởng tượng. Xóa bỏ kí ức (kiến thức, với thời gian đủ dài, cũng thành một thứ kí ức) không hề đơn giản chút nào. Cho dù đã nỗ lực vượt bậc, tôi phải thành thật nhận rằng, mình vẫn thuộc loại “mù” lịch sử. Bởi khi tờ giấy đã bị bôi lem nhem, thì ta có thể thay nó bằng tờ giấy trắng tinh, rồi viết lại lên đó những chữ ngay ngắn, những hình vẽ tử tế. Nhưng kí ức thì không thể làm thế. Chúng chống lại mọi sự thanh tẩy một cách ngoan cố, vượt ra ngoài mọi khả năng của lý trí.
Thủ phạm của hiện tượng này chính là quá trình CHÍNH TRỊ HÓA LỊCH SỬ. Nói thì nghe có vẻ khó hiểu, nhưng diễn nôm ra thì nó thế này: Là BẮT LỊCH SỬ DIỄN RA THEO Ý MÌNH. Bất kì sự kiện lịch sử nào cũng chỉ có duy nhất một sự thật. Nó ngọt ngào hay cay đắng, nó có lợi hay có hại là cách nhìn nhận của hậu thế. Khi lịch sử bị chính trị hóa, người ta không quan tâm đến sự thật lịch sử (tức sự thật tại thời điểm nó xảy ra), mà quan tâm xem gán cho nó “sự thật” nào rồi nhét vào trí nhớ đám đông, thì có lợi trong việc cai trị nhất. Và để làm điều đó, họ coi các sự kiện từng xảy ra, vốn là khách quan, chỉ là thứ nguyên liệu, để chế ra thứ lịch sử có thể phục vụ mục tiêu chính trị của họ.
Một quá trình “cưỡng bức” niềm tin của đám đông bắt đầu. Thoạt tiên có thể chỉ một số bị cưỡng bức. Nhờ tuyên truyền và nói dối không biết mệt, nhờ các công cụ hỗ trợ khác như đe nẹt, khủng bố tinh thần, dần dà hầu hết sẽ tự nguyện làm kẻ a tòng. Cho đến khi, theo thời gian, số đông mất cảm giác bị cưỡng bức, thì quá trình làm giả lịch sử “như thật” coi như hoàn thành. Từ đây, trong suy nghĩ của số đông, chính sự thật lịch sử mới là thứ bị bóp méo!
Tôi sẽ không tranh luận về rất nhiều tác dụng của việc học môn lịch sử, như nó đang được gán cho. Tôi chỉ quan tâm đến duy nhất một thứ tác dụng: Học lịch sử là để biết sự thật về những gì tạo ra căn cước của mình, bao quanh mình, chi phối mọi hành động, suy nghĩ, khát vọng, phẩm giá của mình, để cuối cùng mình có được thứ quý giá nhất là TỰ DO LỰA CHỌN.
Thế mà, cứ tạm giả sử, thứ được coi là lịch sử hóa ra lại không phải và nó là sự bóp méo có chủ đích?
Không có bất cứ sự xúc phạm nào lớn hơn, cả ở khía cạnh lịch sử và phẩm giá, tôi nghĩ thế. Vì vậy, thay vì yêu cầu con tôi thuộc lịch sử trong nhà trường, tôi sẽ khuyên nó tham khảo từ các nguồn sử liệu khác. Đó cũng là quan điểm của tôi về học môn lịch sử, với những đứa trẻ đã đủ trưởng thành.
Nếu còn điều gì cần nói thêm, thì tôi sẽ nói thế này: Nếu lịch sử không phải là bản thân lịch sử do nó đã bị chính trị hóa, thì không học, không thuộc tí gì thứ lịch sử đã qua chế biến ấy, là cách hay nhất để tôn trọng lịch sử.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.