Chuyện không lạ!
Đơn cử, “Với nội dung tố cáo ông Lê Minh Tấn có biểu hiện khai khống, khai gian để được cử đi học và được quy hoạch, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo trong hệ thống Đảng, Nhà nước là không có cơ sở. Tuy nhiên, việc ông chưa có bằng tốt nghiệp THPT hệ bổ túc, bằng tốt nghiệp đại học, chưa được bổ nhiệm ngạch công chức theo quy định mà ông được cử đi học các lớp đào tạo, bồi dưỡng, hưởng lương chuyên viên, chuyên viên chính, bổ nhiệm giữ chức vụ, lãnh đạo, quản lý là chưa đúng quy định”.
Điều kiện cần để được theo học các lớp, khóa nói trên, tiến tới điều kiện đủ để bổ nhiệm các chức vụ lãnh đạo một khi không đúng quy định, nhưng, bản thân ông Tấn và tổ chức nơi ông Tấn công tác, cấp trên của ông Tấn, nhất là Ban Tổ chức Thành ủy lại thống nhất thông qua danh sách học viên, thông qua quyết định bổ nhiệm… vẫn “thông suốt” như thế. Vậy không “khống, gian” thì cơ sở của sự thật, đúng nằm ở khâu nào, từ ai?
Vả lại, với đầu vào chất lượng cán bộ – là giám đốc một sở/ngành mà như thế thì có thể hiểu vì sao “5 năm thí điểm, TP.HCM thu hút 19 nhà khoa học về làm việc, nhưng sau đó 14 người rời đi, ba năm qua các đơn vị không tuyển được chuyên gia nào” (theo Vnexpress, hôm nay 27.5). Vấn đề không chỉ là chuyện tiền bạc, trả cao hay thấp mà là tầm vóc lãnh đạo có đủ để nhìn thấy, mở ra, sử dụng, bảo vệ hệ sinh thái khai phóng, nuôi dưỡng tri thức cho người tài giỏi.
Thôi thì “người nặng ký” cũng đã về hưu. Hưu được chiết tự gồm bộ nhân đứng trước bộ mộc, tức người về nằm dựa dưới cây. Mong ông nghỉ ngơi dù chưa hẳn đã “mất sức”, chứ khư khư ba cái chức ấy, tổn mệnh.
2. Nhớ hồi ông Nguyễn Thiện Nhân vừa đảm nhận Bí thư thành ủy, quyết tâm thăng hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) ghê gớm lắm. Từ vị trí thứ 10 năm 2018, phải nỗ lực lọt vào top 5. Kết quả thì 2019 leo ngược lên vị trí 14. Kéo luôn cho tới nay, năm 2021, giậm chân 14 ở PCI, nằm luôn ở nhóm thấp nhất trong các thành phố trực thuộc trung ương ở PAPI.
Dịch bệnh tác động nặng nề, cơ hội tiếp cận các dịch vụ công là hạn chế. Nhưng điều đó không có nghĩa khiến các chỉ số thành phần cơ bản lại suy giảm mãi như thế: tính minh bạch, kiểm soát tham nhũng ở khu vực công, quản trị môi trường, thủ tục hành chính công, chi phí không chính thức, tham gia của người dân ở cấp cơ sở… Tất cả đều ở nhóm điểm thấp nhất, trung bình thấp, giảm điểm…
Lật lại, hồi năm 2020, khi nhận kết quả giậm chân của PCI, UBND TP mở ngay cuộc họp trực tuyến nhằm nâng cao chỉ số cạnh tranh. Ông phó chủ tịch bạc cả tóc đã đưa ra cam kết “mục tiêu 2021-2025 thành phố nằm trong nhóm 5 địa phương đứng đầu cả nước về PCI”.
Năm 2021 cũng là năm có chủ đề “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”.
Nhưng rõ ràng, từ quyết tâm chính trị đến hành động thực thi vẫn cả một trời một vực. Ngay cả khi mới đây UBND TP triển khai Tháng hành động với 88 thủ tục hành chính được tiếp nhận, giải quyết trong ngày thì hầu hết trong số ấy vốn đã nằm ở quy định giải quyết không vượt quá ba ngày, nay rút ngắn xuống còn một ngày. Nó cũng đa phần nằm ngoài những chỉ số vốn làm nên sức cạnh tranh của PCI, PAPI, POBI (công khai ngân sách cấp tỉnh)…
Sức cạnh tranh ấy có vượt chướng ngại vật, tăng tốc, về đích nổi hay không, là phần lớn nằm ở thể trạng, não trạng của đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, chuyên viên, nhân viên sở ngành, quận huyện, phường xã. Mà nhìn lại ông anh nặng ký (số 1) rồi cơ man các đồng cấp, đồng môn, đồng chí của anh, không lạch bạch, lẹt đẹt mới lạ.
Cộng với những rào cản thiên thu từ “trên trển” bộ ngành, khuyến mãi thêm hơi nóng món “cán bộ đút lò”, càng cố tăng càng thêm giảm!
Chỉ duy nhất một điều ở vùng đất này: chỉ số cạnh tranh thì thua cả Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, dịch bệnh thì tàn phá kinh khủng bậc nhất nhưng tiền thu ngân sách đặng nộp về cho ngoài ngoải thì luôn đủ, đầy.
Thế mới thấy, sức dân là vạn năng, vạn đại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.