Bộ trưởng Trần Hồng Hà “hô biến” sân vận động và cánh đồng thành “bể chứa nước”?
30-5-2022
TP.HCM: SÁNG KIẾN CHỐNG NGẬP BẰNG LU!
Năm 2019, PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân – đại biểu HĐND TP.HCM, hiến kế khi trời mưa, mỗi nhà hứng một lu nước sẽ góp phần làm giảm ngập cho TP.HCM. Mạng xã hội có dịp châm biếm, cười bể bụng vì sặc nước!
Sau đó, PGS.TS Hồng Xuân thanh minh thanh nga với Tuổi Trẻ: “Tôi dùng từ ‘cái lu’ vì muốn nhấn mạnh ở khía cạnh tri thức bản địa, theo phương diện dân gian, nhưng mọi người lại đẩy câu chuyện quá xa. Vì các chuyên gia JICA (Nhật) cho rằng nếu TP.HCM vận động mỗi hộ gia đình xây một bể chứa nước 1m3 sẽ góp phần làm giảm ngập”!
Bà Hồng Xuân chuyền “trái banh sáng kiến” sang JICA, tăng thể tích từ lu lên bể 1 mét khối. Tiếc quá, phải chi bà Xuân đề nghị mua lu từ năm 2015, thì năm 2016, TP.HCM không khởi công xây đê bao diện tích 570km2 và các cống ngăn triều ở hữu ngạn sông Sài Gòn, tốn 10.000 tỷ đồng mà vẫn trễ hẹn 4 năm, chưa hoàn thành!
Sau khi xây đê chống ngập xong, Sài Gòn sẽ không ngập trong nhiều thế kỷ, nhưng ở thiên kỷ sau, Sài Gòn sẽ giống y Hà Nội. Đáy sông Sài Gòn và Đồng Nai, Soài Rạp sẽ bị bồi lắng như sông Hồng (đáy sông Hồng cao bằng mặt đường Hà Nội).
BỂ CHỨA VÀ HỆ THỐNG THOÁT NƯỚC MƯA THI CÔNG KHI KHỞI ĐẦU ĐÔ THỊ HÓA!
Khoảng năm 1993, TP.HCM tổ chức Hội thảo về “Nhà ở và môi trường” tại Dinh Thống Nhất. Một TS của Singapore cho biết, cuối thập niên 1960, Singapore thi công hạ tầng đô thị, với hệ thống mương hở thoát nước mưa, nắp bằng lưới thép (thoát nước nhanh và nhiều hơn hố ga thu nước). Nước mưa được gom về các bể chứa lớn, lọc thành nước sinh hoạt, và hệ thống cống kín thoát sinh hoạt, cũng được lọc thành nước tưới.
Khi người dân muốn xây nhà phải xin phép Cục thoát nước trước. Cục thoát nước sẽ cho mật độ xây dựng và cốt cao trình theo từng lưu vực dốc hay phẳng. Mục đích phải chừa đủ đất để nước mưa thẩm thấu xuống lòng đất, và cốt cao trình sẽ không cản dòng nước mưa chảy trên bề mặt. Sau khi Cục Thoát nước cấp các tiêu chí thoát nước, Cục Xây dựng mới cấp phép xây dựng.
THĂNG LONG NGÀN NĂM LẤY SÂN VẬN ĐỘNG VÀ CÁNH ĐỒNG LÀM BỂ CHỨA?
Khác với Singapore trẻ trung, xây bể chứa ngầm từ lúc đô thị hóa. Thăng Long đắp đê sông Hồng chống ngập từ thời Hai Bà Trưng! Đến thời Pháp, họ xây dựng Hà Nội còn chừa mấy trăm hồ lớn tích nước. Nay, nhiều hồ bị san lấp, lấn chiếm, mặt đường Hà Nội bằng đáy sông Hồng. Việc xây các bể chứa ngầm tích nước mưa và dùng cho mùa khô như Nhật là cực khó và tốn kém!
Vậy mà, bộ trưởng Tài – Môi Trần Hồng Hà, nói dễ như trở bàn tay: “Lấy sân vận động, trường học, cánh đồng làm bể chứa“. Theo “quy luật nước chảy về chỗ trũng”, các sân vận động phải thấp hơn mặt đường Hà Nội, thì nước mới tự chảy về đó được!
Các cánh đồng đương nhiên thấp hơn mặt đường, nhưng học sinh lớp 8 cũng biết theo “nguyên tắc bình thông nhau” mực nước trên các con đường sẽ bằng với mực nước trên cánh đồng, thì cánh đồng đã là bể chứa rồi?
Hà Nội và Tokyo “không cùng hàm lượng” về tri thức, khoa học, kỹ thuật, tài chính… mà ông Trần Hồng Hà vẫn khoái so sánh nhau: “Trong trường hợp thời tiết cực đoan hơn nữa thì phải có phương án xây dựng hệ thống để trữ nước. Như Nhật Bản có khu vực ngầm được bố trí, gọi là hầm chứa lớn ở dưới, vừa giữ lượng nước, vừa dự trữ nước để khi hạn hán thì sử dụng tưới cây.
Hoặc tại các trường học, sân vận động, cánh đồng, nếu có thể điều chỉnh van trong hệ thống để dẫn nước vào những nơi này, trở thành nơi chứa nước tạm thời để tránh ngập cho những nơi xung yếu”. Đọc đoạn cuối này, tôi biết ông Hà không hiểu “quy luật nước chảy về chỗ trũng” và “nguyên tắc bình thông nhau”!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.