Việt Nam ngày 30/4, bận bịu với quá khứ và chưa biết phải làm gì với hiện tại
Jackhammer Nguyễn
2-5-2022
San Jose, California, Hoa Kỳ
Buổi lễ kỷ niệm 30/4 diễn ra trước bảo tàng Viet Museum, San Jose, California, hay còn gọi là Bảo tàng Thuyền nhân Việt Nam.
Người ta thả bảy quả bong bóng màu vàng tượng trưng cho 7 vị sĩ quan cấp tướng và tá của quân đội Việt Nam Cộng hòa tự sát trong ngày 30/4/1975, không để bị quân đội cộng sản cầm tù.
Buổi lễ năm nay có một gương mặt còn trẻ của cộng đồng, là thiếu tướng Lương Xuân Việt, một trong những người được vinh dự cầm một trong bảy quả bóng, tượng trưng cho bảy vị tuẫn tiết. Ông Việt là người gốc Việt đầu tiên được phong tướng trong quân đội Mỹ.
Những người như ông Việt không nhiều. Cũng như những buổi tập hợp mang tính chính trị của cộng đồng người Việt ở Mỹ trong 10 năm trở lại đây, người ta thấy những mái đầu bạc ngày càng nhiều, rồi những hàng ghế cũng trống đi, mà không có mấy mái đầu xanh thế chỗ.
Các diễn từ thì không thay đổi, vẫn nhắc lại ngày đau buồn của Sài Gòn sụp đổ, cùng với thảm trạng tù cải tạo, thuyền nhân sau đó. Tôi cảm thấy như đang đi trên một con tàu xuyên ngược thời gian, và hóa thạch lại ở một điểm dừng cách đây bốn thập niên. Hai lá cờ Việt Nam Cộng hòa và Mỹ bay phần phật trong nắng gió California, phía sau lưng tôi là một cụ bà lưng đã còng, chắp tay theo nghi thức Phật giáo, hướng mắt về lá cờ, nước mắt lưng tròng.
Cách đây mấy năm, một người bạn vong niên nói với tôi rằng: Chúng ta đang chết (nguyên văn: We are dying).
Bên ngoài công viên của nhà bảo tàng, “chúng ta không đang chết” chút nào cả. Các tiệm ăn, quán xá dọc hai con đường Story và Tully, được xem như trung tâm của khu Việt Nam ở San Jose, tấp nập thực khách, ngoài đường xe kẹt hàng đoàn dài…
Hơn 100 ngàn người gốc Việt ở San Jose vẫn tạo nên cái không khí nhộn nhịp đó như mọi ngày. Hơn 100 ngàn người gốc Việt đó đủ sức kéo các quan chức hàng đầu của địa phương đến dự lễ 30/4, từ ông thị trưởng Sam Liccardo cho đến dân biểu liên bang Ro Khanna (tôi có nghe xướng tên ông này, nhưng không thấy ông), đều có mặt tại nhà bảo tàng, cầm bong bóng tưởng niệm các vị tướng Việt Nam.
Việt Nam
Sau buổi lễ ở San Jose, tôi về nhà giở các trang báo Việt Nam trong nước ra, xem họ nói gì về ngày 30/4. Trên các tờ báo nhiều người xem nhất Việt Nam hiện nay, như Tuổi Trẻ, VietNamNet… tôi không thấy người ta dùng chữ … “giải phóng”, mà thay vào đó là “thống nhất”, hay “kết thúc chiến tranh”. Nhưng bài xã luận trên báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản Việt Nam, vẫn là một áng văn mẫu đầy… “giải phóng”!
Tuy nhiên, điều đáng chú ý nhất trong ngày 30/4 năm nay từ bên kia Thái Bình Dương là bài viết của ông Nguyễn Đình Bin, cựu đại sứ Việt Nam tại Pháp, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nay đã về hưu. Ông Bin cũng từng là ủy viên Trung ương Đảng, một trong 200 người có quyền nhất ở Việt Nam. Ông Bin nói, cuộc chiến Việt Nam có tính chất nội chiến và ông bác bỏ mô hình cộng sản.
Ông Bin là nhân vật cộng sản cao cấp nhất của Việt Nam cho đến nay công nhận rằng cuộc chiến Việt Nam có tính chất nội chiến. Dù văn phong của ông vẫn là văn phong của một cán bộ chính trị cộng sản, bài viết của ông vẫn bị cái bóng của Đảng trùm lên, việc công nhận tính chất nội chiến, đồng thời với sự thẳng thắn bác bỏ mô hình kinh tế xã hội cộng sản, là một điều rất khác so với trước.
Tôi nghĩ, ông Bin là một người từng trải, từng chứng kiến nhiều điều bên ngoài Việt Nam, từng quan sát cộng đồng người Việt hải ngoại, thực lòng nói lên suy nghĩ của ông là mong muốn hòa giải giữa những người dự buổi lễ ở San Jose, và những người viết bài xã luận trên báo Nhân Dân. Nhưng trong bài viết của ông lộ rõ một mâu thuẫn, khi ông thẳng thắn gạt bỏ mô hình kinh tế xã hội cộng sản lỗi thời, làm thế nào ông có thể dung hòa với cái bóng của Đảng trong bài viết của ông?
Ông Bin là một viên chức đã về hưu, sức mạnh trong cái mới của bài viết ông cũng bị giảm đi phần nào. Nhưng nếu chúng ta nhìn lại rằng, đã từng có vị đại sứ bị cầm tù không án sau thời gian hoạt động ở “vùng địch”, có thể nói rằng ông Bin là một tiếng nói can đảm.
Bận bịu với quá khứ và chưa biết làm gì
Các hoạt động từ hải ngoại nhằm thay đổi chế độ toàn trị cộng sản trong nước, cho đến giờ này đã hoàn toàn thất bại. Nhiều người bỏ công tìm kiếm nguyên nhân, và có lẽ ý kiến hợp lý nhất, cũng được nêu lên trong ngày 30/4 năm nay, là của ông Từ Thức, ở Pháp, rằng ý thức dân chủ của người Việt hãy còn chưa đủ!
Có thể còn một lý do nhỏ nữa, theo ý chủ quan của tôi, là hoạt động của người Việt hải ngoại trong ngần ấy năm không có gì thay đổi, vẫn quá nhiều cảm xúc, không theo kịp sự thay đổi của cuộc sống bên trong Việt Nam. Mà không phải chỉ bên trong Việt Nam, nếu chúng ta quay lại khung cảnh đường phố San Jose sôi động ngày thứ bảy và những buổi lễ ngày càng thưa thớt trước Viet Museum. Trong cái đám đông người gốc Việt làm cho San Jose sôi động ấy, rất nhiều người không gắn với quá khứ tù cải tạo, hay thuyền nhân, và họ ngày càng đông. Những người này không biết có một buổi lễ kỷ niệm có tên gọi là Tháng Tư Đen.
Bên kia Thái Bình Dương, tôi không chắc bài viết của ông Nguyễn Đình Bin đại diện cho một sự thay đổi lớn nào đó. Dù có sự thay đổi trong cách phát ngôn, nhưng các trang báo “quan điểm lập trường, chủ trương đường lối” cũng vẫn như cũ. Mà không chỉ báo chí nhà nước, nếu ta bỏ công theo dõi mạng xã hội của những người Việt ủng hộ nước Nga xâm lược trong những ngày này, vẫn đầy rẫy những cái gọi là… “hồng hơn chuyên”!
Bộ máy thư lại theo kiểu toàn trị của Việt Nam thất bại thảm hại trong việc chống dịch bằng công an trong năm 2021. Vị trí địa lý đắc địa của Việt Nam đã cứu dân chúng bằng những lô vaccine từ Mỹ và Anh, vì Mỹ và Anh cần Việt Nam hiện nay trong cuộc đối đầu với Bắc Kinh.
Trong quyển hồi ký của cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ông Ted Osius có nói rằng, nỗ lực hòa giải của ông giữa cộng đồng người Việt chống Cộng ở hải ngoại và nhà cầm quyền Hà Nội đã thất bại.
Tôi chợt nghĩ đến chuyến thăm Mỹ sắp tới đây của thủ tướng Phạm Minh Chính, nhân thượng đỉnh Mỹ ASEAN trong hai ngày 12 và 13/5/2022.
Theo những tin tức chưa được kiểm chứng, có thể ông Chính sẽ tới Bắc California để họp bàn các vấn đề hợp tác kinh tế với California. Nếu điều đó diễn ra, chắc chắn ông Lam Liccardo, thị trưởng thành phố San Jose, sẽ có mặt. Thị trưởng Liccardo cũng đã có mặt trong buổi lễ kỷ niệm Tháng Tư Đen năm nay.
_______
Một số hình ảnh lễ kỷ niệm Tháng Tư Đen tại Bảo tàng Thuyền nhân Việt Nam ở San Jose, California, Hoa Kỳ, của tác giả Jackhammer Nguyễn gửi cho Tiếng Dân:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.