Cựu Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam nói về 'nội chiến' và 'Đảng trị lạc lõng'
30 tháng 4 2022
Đúng ngày 30/4/2022, một cựu Thứ trưởng Ngoại giao, đảng viên Cộng sản Việt Nam, công bố bài viết, trong đó ông nói Đảng Cộng sản phải "đổi mới thật sự về chính trị".
Chụp lại hình ảnh: Đảng Cộng sản Việt Nam là chính đảng duy nhất ở Việt Nam hiện nay. Nguồn hình ảnh: Reuters
Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Đình Bin nói cuộc chiến 30 năm tại Việt Nam (1946-1975) vừa là 'chiến tranh vệ quốc vĩ đại' nhưng đồng thời cũng là 'cuộc chiến huynh đệ tương tàn'.
Đây là quan điểm đi ngược lại quan điểm chính thức của Đảng Cộng sản Việt Nam, vẫn nói về 'kháng chiến chống Pháp' và 'kháng chiến chống Mỹ cứu nước'.
Chẳng hạn bài của báo Quân đội Nhân dân năm 2020nói chiến thắng 30-4-1975 "hoàn toàn không phải là cuộc "nội chiến" hai miền hay "chiến tranh mang tính ý thức hệ" như luận điệu xuyên tạc lịch sử".
Tương tự, các nhà lý luận của Đảng vẫn nói chiến thắng năm 1975 "không phải là cuộc "nội chiến", "huynh đệ tương tàn" như có người từng lầm tưởng hoặc cố tình xuyên tạc".
Nhưng viết trên Facebook cá nhân đúng ngày 30/4/2022, ông Nguyễn Đình Bin nói "lồng vào cuộc chiến tranh ái quốc của dân tộc ta chống ngoại xâm là cuộc nội chiến".
Ngày 30/4/1975 'chấm dứt thế kỷ đau thương'
Nói về sự kiện lịch sử 30/4/1975, ông Nguyễn Đình Bin viết:
"Đó là ngày chấm dứt vĩnh viễn trên một thế kỷ đau thương, đất nước và dân tộc ta là nạn nhân của ách thống trị và chiến tranh xâm lược của ngoại bang. Tổ quốc đã hoàn toàn độc lập. Nguyên nhân thứ nhất tạo ra cuộc chiến nồi da nấu thịt đã bị xóa bỏ!
Đó là ngày thống nhất Tổ quốc, sau hơn hai thập kỷ bị chia ly xé lòng!
Đó cũng là ngày kết thúc cuộc chiến huynh đệ tương tàn!"
Ông nói tiếp: "Chỉ có bên thắng cuộc duy nhất là dân tộc Việt Nam; là đại nghĩa "Không có gì quý hơn Độc lập, Tự do"; là độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam; là hòa bình.
Bên thua cuộc duy nhất là các thế lực thực dân, đế quốc xâm lược nói trên; là phi nghĩa; là chiến tranh!"
Chủ nghĩa Marx-Lenin 'lỗi thời'
Trong bài viết, ông Nguyễn Đình Bin tiếp tục bày tỏ quan điểm trái với lập trường chính thống của Đảng khi nói về chủ nghĩa Marx-Lenin.
"Mặt khác, sự sụp đổ của Liên Xô và hệ thống XHCN ở Đông Âu cũng như cải cách mở cửa của Trung Quốc từ 1978 và đổi mới về kinh tế ở Việt Nam từ 1986 đã chứng minh hùng hồn là mô hình kinh tế XHCN theo quan điểm Marx - Lenin đã thực sự lỗi thời, đã bị lịch sử đào thải".
"Trong khi đó, tất cả các quốc gia phát triển nhất, giàu có nhất, văn minh nhất trên thế giới mà nước ta đang ra sức phát triển quan hệ hợp tác, tranh thủ vốn đầu tư, khoa học, công nghệ tiên tiến và kinh nghiệm quản lý, chẳng có một nước nào theo con đường Marx - Lenin và CNXH cả".
Chụp lại hình ảnh: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. NGUỒN HÌNH ẢNH: REUTERS
Nhưng bài viết "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được công bố ngày 16/5/2021, được xem là văn bản thuộc hàng quan trọng nhất gần đây về nền tảng lý luận của Đảng.
Trong đó, ông Nguyễn Phú Trọng nói:
"Trong hàng ngũ cách mạng cũng có người bi quan, dao động, nghi ngờ tính đúng đắn, khoa học của chủ nghĩa xã hội, quy kết nguyên nhân tan rã của Liên Xô và một số nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu là do sai lầm của chủ nghĩa Marx - Lenin và sự lựa chọn con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội. Từ đó họ cho rằng chúng ta đã chọn đường sai, cần phải đi con đường khác. Có người còn phụ hoạ với các luận điệu thù địch, công kích, bài bác chủ nghĩa xã hội, ca ngợi một chiều chủ nghĩa tư bản. Thậm chí có người còn sám hối về một thời đã tin theo chủ nghĩa Marx-Lenin và con đường xã hội chủ nghĩa! Thực tế có phải như vậy không?"
Ông Nguyễn Phú Trọng khẳng định: "Đảng ta kiên trì lấy chủ nghĩa Marx- Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động cách mạng, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản".
Nhưng bài của ông Nguyễn Đình Bin nói:
"Nước ta đã thực hiện đa dạng, đa phương hóa quan hệ, làm bạn và đối tác tin cậy với tất cả các nước trên thế giới, không phân biệt lập trường tư tưởng, chế độ chính trị; bình thường hóa và thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, đối tác hợp tác toàn diện với tất cả các nước đã từng đô hộ, xâm lược nước ta, như đã nói trên. Tức là, trên thực tế, Đảng đã từ bỏ các quan điểm Marx-Lenin, XHCN trên hai lĩnh vực kinh tế và đối ngoại rồi".
Chụp lại hình ảnh: Việt Nam thường nói về 'tính tất yếu lịch sử' của Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền. NGUỒN HÌNH ẢNH: NHAC NGUYEN
'Đảng trị, độc quyền'
Trong bài viết dài ngày 30/4/2022, ông Nguyễn Đình Bin nói:
"Thế mà, dù đã có nghị quyết về đổi mới toàn diện và đồng bộ, Đảng CSVN vẫn chưa thực hiện đổi mới thật sự về chính trị, vẫn kiên trì níu giữ mô hình quản lý đất nước cũ - hệ thống chính trị hiện hành - theo quan điểm Mác - Lênin, XHCN, thực chất là Đảng trị, độc quyền, không dân chủ, đã quá lẻ loi, lạc lõng, lỗi thời trên thế giới.
Đây chính là điều đã và đang ngăn cản dân tộc ta hàn gắn vết thương nội chiến, thực hiện hòa giải, hòa hợp, đại đoàn kết".
Năm kiến nghị
Ông Nguyễn Đình Bin nêu ra năm kiến nghị:
Vào năm 2017, ông Nguyễn Đình Bin, sinh năm 1944, đã nhận huy hiệu 55 năm tuổi Đảng.
Ông từng là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VIII (1996-2001).
Nguồn: BBC Tiếng Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.