Thứ Năm, 26 tháng 5, 2022

“Quần chúng thế giới” ủng hộ Nga? Và những lý luận hết nước chấm

 

“Quần chúng thế giới” ủng hộ Nga? Và những lý luận hết nước chấm

Trung nhận thấy lập luận của các nhóm Putinistas Việt Nam ủng hộ chiến tranh xâm lược Ukraine càng ngày càng cùn đi, và cũng dần ít đi hàm lượng tri thức hơn, nên đến giờ cũng không muốn bàn nhiều. Song do một số độc giả hỏi, và vì cũng có nhiều người đưa ra hết sức tự tin trong một vài bình luận, nên xin được phép ghi nhận ngắn như sau:

***

1/ Trung Quốc và Ấn Độ cộng lại đã 35% DÂN SỐ SỐ THẾ GIỚI, cộng thêm các quốc gia khác không trừng phạt Nga thì họ là số đông. Họ “thân” Nga nên Nga có chân lý quốc tế?

Lập luận này “quá trời quá đất” ở chỗ hệ thống pháp luật quốc tế (và thật ra là hệ thống pháp luật nói chung) được lập ra là để tránh chính kiểu chân lý số đông thế này.

Một quốc gia bất kể có vị trí địa lý thế nào, dân số ra sao, kinh tế phát triển hay không… đều có quyền nắm một phiếu tương tự như một cường quốc trước các định chế thế giới (ít nhất là về mặt lý thuyết).

Dùng lý luận “Dân số của tôi đông hơn nên lý lẽ quốc tế là của tôi” thì các bạn cho rằng biển Đông là của Trung Quốc?

Việt Nam hiện dân số tầm 100 triệu.

So với Trung Quốc (một tỷ ba trăm triệu người) cùng vài trăm triệu dân rải rác khắp các “thuộc địa mới” của họ như Cambodia, Châu Phi, Mỹ Latin… thì giờ làm thế nào?

Chúng ta bảo “Nhân dân thế giới ủng hộ Trung Quốc chiếm Hoàng Sa, Trường Sa?”

Chúng ta giao hết sổ hồng, sổ đỏ cho Trung Nam Hải?

Chúng ta có nên ra trước LHQ thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc tại Hoàng Sa và Trường Sa?

Bạn nào còn dự định giải quyết tranh chấp quốc tế bằng kiểu lấy số này thì mình đề nghị đến miếu Thành hoàng hay ra ngã tư nào gần nhất để tiền nhân Việt quốc hay người khuất mày khuất mặt vật cho tỉnh ra.

***

2/ TRUNG QUỐC VÀ ẤN ĐỘ KHÔNG CÔNG NHẬN CRIMEA hay ĐÔNG UKRAINE THUỘC NGA… đã là thành công của Pháp luật Quốc tế.

Nghiêm túc hơn một chút.

Một trong những hiểu lầm về pháp luật quốc tế của đại chúng là pháp luật quốc tế được thực thi thông qua trừng phạt.

Điều này thật ra không đúng.

Trừng phạt chỉ là công cụ bổ sung tùy chọn nếu các quốc gia có đầy đủ nguồn lực, thời gian và công sức để theo đuổi việc “sửa sai” các hành vi vi phạm pháp luật quốc tế mà thôi.

Hiển nhiên, chỉ có mấy anh nhà giàu phương Tây, giao thương nhiều với Nga thì trừng phạt mới có tác dụng, có tiếng nói.

Trung Quốc cho đến tận bây giờ còn chưa mua được bao nhiêu thùng dầu của Nga thì họ có tham gia trừng phạt cũng chả có tác dụng gì.

Hệ quả quan trọng hơn của pháp luật quốc tế đối với các hành vi vi phạm, là “non-recognition” – hay “không công nhận” (đề tài PhD thesis chính yếu của Trung).

Nói cách khác, là các quốc gia thành viên có thể không tham gia trừng phạt. Họ thậm chí vẫn được giao thương, làm ăn bình thường với các quốc gia vi phạm.

Tuy nhiên, họ cần bảo đảm là trong các hoạt động ngoại giao, trong các văn bản chính thức giữa hai quốc gia và trước cơ quan quốc tế, và những hoạt động làm ăn khác… họ không thừa nhận các thay đổi hiện trạng mà hành vi vi phạm pháp luật gây ra.

Surprise, surprise…

Trung Quốc và Ấn Độ vẫn giữ đúng trách nhiệm của mình – chưa có anh nào dám ho he gọi Crimea là lãnh thổ của Nga, hay Cộng hòa Donetsk và Luhansk là hàng xịn.

Đó là chiến thắng lớn đối với những người làm việc trong lĩnh vực công pháp quốc tế như mình rồi.

Vậy có bao nhiêu quốc gia công nhận Crimea là của Nga?

SÁU, bao gồm: Cuba, Nicaragua, Venezuela, Syria, Afghanistan, and North Korea – những quốc gia không còn gì để mất trong chính trường quốc tế.

Chính phủ Việt Nam đã, đang, (và mình biết là chắc chắn) sẽ không bao giờ chính thức công nhận Crimea là lãnh thổ của Nga dưới bất kỳ hình thức hay văn kiện ngoại giao nào.

Há miệng là chúng ta mắc quai với Tây Nguyên và Tây Bắc ngay. Bài học FULRO ngày xưa vẫn còn đó.

***

Nên mình khuyên các bạn có mang danh yêu Đảng, yêu chính phủ đi rao khắp nơi để ủng hộ Nga thì cũng nên tìm hiểu kỹ chính sách và định hướng chung về ngoại giao của nước ta đi đã.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.