Việt Nam: Án oan đã giết chết công dân Lương Hữu Phước (Kỳ 2)
Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ
Ông Lương Hữu Phước vô tội
Bản án của HĐXXPT do thẩm phán Lê Hồng Hạnh làm chủ tọa ghi: “Bị cáo (Lương Hữu Phước) thực hiện hành vi phạm tội với lỗi vô ý do cẩu thả, bị cáo đã không tuân thủ quy tắc giao thông, khi điều khiển xe mô tô chuyển hướng xe để sang đường không nhường đường cho xe đi ngược chiều…Vì vậy, kháng cáo kêu oan của bị cáo không được Hội đồng xét xử chấp nhận”.
Thật nghịch lý: xác định ông Phước phạm tội trước rồi mới chứng minh, khác nào “Sinh con rồi mới sinh cha/Sinh cháu giữa nhà rồi mới sinh ông” như dân gian cười mỉa! Hành văn thì bất tuân ngữ pháp với câu “điều khiển xe mô tô chuyển hướng xe để sang đường”. Quả thực, đã học hết tiểu học thì phải biết một câu đơn chỉ có một vị ngữ. Để có câu đơn đúng trong trường hợp này thì phải bỏ hoặc “điều khiển xe mô tô” hoặc “chuyển hướng xe”.
Lối “nói lấy được”, bất chấp quy tắc lập luận và ngữ pháp ấy phản ánh rõ nét cường quyền của HĐXXPT. Lối hành xử này dĩ nhiên không thể cho ra kết quả “sự thật khách quan” như quy định tại Điều 15 Bộ Luật Tố tụng hình sự 2015. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả là xem hành vi sang đường của ông Phước liệu có cấu thành “Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” quy định tại Điều 202 Bộ Luật Hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung 2009.
Khoản 1 Điều 3 Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP về Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ (Điều 202 BLHS) quy định: “Hành vi vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ của người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ quy định tại khoản 1 Điều 202 Bộ Luật Hình sự được hiểu là hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy tắc giao thông đường bộ và hành vi này phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra hậu quả về tính mạng, sức khỏe và tài sản”.
Căn cứ quy định trên, “qua (sang) đường mà không quan sát” mà HĐXXPT quy cho cho ông Phước phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra tai nạn thì ông Phước mới phạm tội. Thế nhưng các chứng cứ của vụ án không cho thấy điều đó.
Trước hết, cần khẳng định rằng việc qua đường, bất luận đi bộ, bằng xe thô sơ hay xe cơ giới, là nguyên nhân trực tiếp gây ra tai nạn giao thông khi bị người tham gia giao thông khác tông (đâm) vào chỉ khi nó là sự kiện bất ngờ. Tức là việc qua đường được thực hiện ở khoảng cách quá gần người khác đang điều khiển xe cơ giới và có giấy phép lái xe khiến người này không tránh được hoặc tránh kịp thì lại đâm vào người khác hoặc làm người khác đâm vào người khác nữa.... Nếu có người chết hoặc thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác thì người qua đường, nếu sống sót, sẽ phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 202 BLHS. Ngược lại, nếu không phải là sự kiện bất ngờ thì người qua đường, cho dù không thực hiện đúng quy định tại Khoản 2 Điều 15 LGTĐB (Trong khi chuyển hướng, người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải nhường quyền đi trước cho người đi bộ, người đi xe đạp đang đi trên phần đường dành riêng cho họ, nhường đường cho các xe đi ngược chiều và chỉ cho xe chuyển hướng khi quan sát thấy không gây trở ngại hoặc nguy hiểm cho người và phương tiện khác), không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra tai nạn, đồng nghĩa người qua đường không thể bị xử lý hình sự nếu tai nạn làm chết người hay gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác.
Bản án phúc thẩm ghi: “Trong quá trình điều tra và tại biên bản đối chất ngày 10/10/2017 (BL190-191) và tại phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm, Lâm Tươi đều khai nhận: “Khi điều khiển xe mô tô cách 50 mét tôi nhìn thấy hai người (Phước và Quý) dừng xe ở lề đường bên trái hướng ngã tư Sóc Miên, trạm điện. Khi cách 30 mét thấy anh Phước băng qua đường, anh Phước điều khiển xe cũng đi từ từ chứ không phải dừng xe”.
Như vậy việc ông Phước lái xe từ từ sang đường khi cách xe của ông Lâm Tươi 30 m như chính ông Lâm Tươi khai nhận dứt khoát không phải là sự kiện bất ngờ và vì vậy không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra tai nạn làm ông Quý thiệt mạng. Do đó, ông Phước không phạm “Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”. Điều này đồng nghĩa bản án phúc thẩm ngày 29/5/2020 y án 3 năm tù đối với ông Phước là hoàn toàn trái pháp luật.
Cũng cần nói thêm rằng việc cảnh sát giao thông Đỗ Xuân Tân dùng máy đo nồng độ cồn bằng hơi thở của ông Phước trong cơ sở y tế là là trái Thông tư 26/2014/TTLT-BYT-BCA ngày 23-7-2014 của Bộ Y tế và Bộ Công an quy định về xét nghiệm nồng độ cồn trong máu của người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Điểm c Khoản 2 Điều 7 Thông tư này quy định: “Trường hợp người tham gia giao thông bị tai nạn giao thông thì cơ quan Công an yêu cầu cơ sở y tế tiếp nhận nạn nhân cho xét nghiệm nồng độ cồn trong máu sớm, trong khoảng thời gian 24 giờ”. Do đó, nồng độ cồn 0,69mg/l khí thở mà mà cảnh sát Tân lấy ở ông Phước tuyệt nhiên không phải là chứng cứ, đồng nghĩa HĐXXPT sử dụng nó để kết tội ông Phước lại càng trái pháp luật.
Ông Lâm Tươi phạm tội
Ông Lương Hữu Phước không phải là người gây ra tai nạn nên không phạm tội, tức là ông Lâm Tươi là người gây ra tai nạn và phạm tội. Bởi theo quy định của pháp luật, một tội phạm chỉ do một người thực hiện, trừ trường hợp đồng phạm (“Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm” quy định tại Khoản 1 Điều 17 BLHS). Mà trong trường hợp này họa có thần kinh thì mới nói ông Phước cố ý cùng ông Lâm Tươi gây tai nạn để hại tính mạng của ông Quý vốn là bạn thân của ông Phước và hơn thế nữa, để gây nguy hiểm cho chính mạng sống của bản thân!
Vậy chứng cứ nào chứng minh ông Lâm Tươi phạm tội?
Phải khẳng định rằng người có giấy phép lái xe về nguyên tắc là người có kỹ năng điều khiển xe và nhất là kỹ năng xử lý các tình huống xảy ra trên đường đi. Cụ thể, người có giấy phép lái xe được luyện kỹ năng quan sát để khi phát hiện chướng ngại vật, người sang đường hay tình huống giao thông khác thì kịp thời giảm tốc độ xe để tránh. Ngay cả trong những sự kiện bất ngờ, như có người bất ngờ sang đường, tức ở khoảng cách rất gần, người có giấy phép lái xe nhờ có kỹ năng điều khiển xe thuần thục vẫn có thể tránh được. Ngược lại, người không có giấy phép lái xe mặc nhiên không có những kỹ năng điều khiển xe, đặc biệt làm chủ tốc độ xe, và xử lý các tình huống như người có giấy phép lái xe. Nói cách khác, người không có giấy phép lái xe mà vẫn lái xe là luôn ở trong tình trạng vi phạm quy tắc giao thông. Điều này đồng nghĩa người không có giấy phép lái xe bất cứ lúc nào cũng có thể gây ra tai nạn, gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe và tài sản của những người tham gia giao thông khác, cho dù những người này có quan sát hay tuân thủ quy tắc giao thông đến đâu đi nữa. Do đó, lái xe mà không có giấy phép lái xe là lỗi nghiêm trọng nhất trong giao thông đường bộ, đồng nhất với tội phạm tiềm năng.
Luật giao thông đường bộ và Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt là các bằng chứng đanh thép cho những nhận định trên.
Trong các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại Điều 8 LGTĐB có “điều khiển xe cơ giới không có giấy phép lái xe theo quy định”(Khoản 9). Để so sánh, hành vi “chuyển hướng không nhường đường cho các xe đi ngược chiều” không nằm trong Điều luật này.
Cũng như vậy, Nghị định số 46/2016/NĐ-CP quy định phạt người điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh dưới 175 cm3 và các loại xe tương tự xe mô tô mà “không có giấy phép lái xe” 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng (Điểm a Khoản 5 Điều 21) và đây là mức phạt cao nhất đối với các hành vi vi phạm quy tắc giao thông. Trong khi đó, Nghị định này quy định phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy “chuyển hướng không nhường đường cho các xe đi ngược chiều” 60.000 đồng đến 80.000 đồng (Điểm đ Khoản 1 Điều 6), tức thấp hơn mức phạt “không có giấy phép lái xe” đến hơn chục lần!
Ngoài ra, điều khiển xe mà không có giấy phép lái xe còn là lỗi cố ý theo quy định tại Khoản 2 Điều 9 BLHS (Cố ý phạm tội là người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xẩy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra). Thực vậy, người lái xe trong trường hợp này nhận thức rất rõ không có kỹ năng lái xe thì sẽ gây ra tai nạn mà vẫn làm. Để so sánh, hành vi “qua đường mà không quan sát” của người lái xe có giấy phép lái xe là lỗi vô ý theo quy định tại Điều 10 BLHS (Vô ý phạm tội là: 1. Người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xẩy ra hoặc có thể ngăn ngừa được (còn gọi là vô ý do tự tin – CHHV); 2. Người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó (còn gọi là vô ý do cẩu thả - CHHV). Để nói, trong một vụ tai nạn giao thông, trừ trường hợp sự kiện bất ngờ, nếu một bên là người cố ý phạm lỗi và bên kia là người vô ý phạm lỗi thì người cố ý phạm lỗi đương nhiên là người gây ra tai nạn.
Bên cạnh hành vi “điều khiển xe cơ giới không có giấy phép lái xe theo quy định”, ông Lâm Tươi còn “điều khiển xe cơ giới chạy quá tốc độ quy định”, cũng là hành vi bị LGTĐB nghiêm cấm (Khoản 11 Điều 8). Thực vậy, ông Lâm Tươi đã khai nhận tốc độ xe mà ông điều khiển tại thời điểm trước khi tông vào xe ông Phước là 50km/h đến 60km/h (5). Lời khai này của ông Lâm Tươi phù hợp với vết cà 0,8m của xe ông Phước để lại trên đường sau khi bị xe của ông Lâm Tươi tông vào và bánh trước xe của ông Lâm Tươi bị gập thành chữ V. Tốc độ này là vượt quá tốc độ tối đa của xe cơ giới đường bộ trong khu vực đông dân cư là 50km/h trên đường hai chiều không có dải phân cách giữa quy định tại Điều 6 Thông tư số 91/2015/TT-BGTVT ngày 31/12/2015 của Bộ giao thông vận tải.
Như vậy, việc ông Lâm Tươi điều khiển xe máy mà không có giấy phép lái xe, chạy quá tốc độ quy định và hơn thế nữa, trong tình trạng có nồng độ cồn 0,57mg/l khí thở, một điều cấm khác quy định tại Điều 8 LGTĐB (Khoản 8: Điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở), chính là nguyên nhân trực tiếp gây ra tai nạn giao thông dẫn đến ông Quý thiệt mạng và xe máy của ông Phước bị hủy hoại nghiêm trọng. Do đó, ông Lâm Tươi đã phạm “Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” theo Điểm a (không có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định) và Điểm b (Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định) Khoản 2 Điều 202 BLHS.
Kết luận lại, việc HĐXXPT do thẩm phán Lê Hồng Hạnh làm chủ tọa nói riêng, các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Bình Phước nói chung, buộc và kết tội ông Lương Hữu Phước là làm oan người vô tội, đồng nhất với bỏ lọt hành vi phạm tội của ông Lâm Tươi.
Vấn đề còn lại là liệu Công lý có đến với người đàn ông đã lấy cái chết của mình để “thức tỉnh nền tư pháp” sau khi Ủy ban thẩm phán TAND cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh ngày 12/6 đã ra quyết định hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm để giao Công an tỉnh Bình Phước điều tra lại vụ án trên cơ sở Kháng nghị giám đốc thẩm ngày 5/6 của Chánh án tòa án này.
(Còn tiếp)
Chú thích
1. Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đổi với Bản án hình sự phúc thẩm số 39/2020/HS-PT ngày 29/5/2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước, Tòa án nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh.
Tác giả là một luật gia, học giả và nhà bất đồng chính kiến, cựu tù nhân chính trị Việt Nam.
C.H.H.V.
Tác giả gửi BVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.