Biết ai đó tham nhũng, sao không tố cáo?
Nguyễn Nam
Nếu đã biết người đó tham nhũng, thì trước tiên cần phải đi tố cáo, chứ sao lại giới thiệu hay không giới thiệu người đó ra ứng cử?
Báo chí đưa tin, Chỉ thị của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp dự kiến vào ngày 23-5-2021 yêu cầu không giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND những người sa sút về phẩm chất đạo đức, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền… (*)
Thắc mắc đầu tiên, nếu đã biết người đó tham nhũng, thì trước tiên cần phải đi tố cáo, chứ sao lại giới thiệu hay không giới thiệu người đó ra ứng cử?
Câu hỏi thứ hai, những cơ quan nào được trao cho cái quyền gọi là ‘giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội’?
Vấn đề kế tiếp, thế nào là ‘chạy chức - chạy quyền’? Người chọn ‘chạy’, tất nhiên người ấy hiểu rõ có nơi sẽ ‘nhận’ cho chuyện ‘chạy’ đó. Và như vậy thì ở đây cần hiểu chỉ thị nêu trên của Bộ Chính trị ra sao?
Có thể tạm tìm câu trả lời ngay trong nội dung của Chỉ thị số 45-CT/TW do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành ngày 20-6-2020.
“Để cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đạt kết quả cao, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp uỷ, các tổ chức đảng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt những nhiệm vụ sau đây (…)”. Chỉ thị số 45-CT/TW nêu địa chỉ thực hiện các yêu cầu.
Hai thắc mắc đầu tiên được trả lời như sau vì có chung ‘địa chỉ’: Đảng ủy các cấp là nơi chịu trách nhiệm ‘giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội’. Như vậy, một khi đã sàng lọc theo yêu cầu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, là “Kiên quyết không giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người sa sút về phẩm chất đạo đức, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, xu nịnh, kiêu ngạo, quan liêu, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước” (trích phần nhiệm vụ được đánh số thứ tự 2, Chỉ thị số 45-CT/TW), thì cần làm rõ tiếp theo là Đảng ủy các cấp ở địa phương đề xuất xử lý ra sao những đảng viên được đánh giá là “sa sút về phẩm chất đạo đức, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, xu nịnh, kiêu ngạo, quan liêu, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước”?
Ở thắc mắc thứ ba, giả dụ trường hợp ‘đích đến’ của “chạy chức, chạy quyền” là Đảng ủy cấp trên, thì liệu Đảng ủy cấp địa phương sẽ ứng xử ra sao trong tình huống đó?
Một sự việc bên lề nhưng có phần liên quan tới chuyện lựa chọn các đại biểu của nhân dân. Trung tuần tháng 5/2020, chính phủ có tờ trình lên Quốc hội về ý kiến của địa phương Đà Nẵng được bầu Chủ tịch UBND trực tiếp, phổ thông bỏ phiếu để người dân lựa chọn người đứng đầu chính quyền ở địa phương mình. Tuy nhiên phán quyết cuối cùng từ Quốc hội là, “Đà Nẵng chưa được thực hiện dân trực tiếp bầu chủ tịch UBND”.
Việc chọn ai là chủ tịch UBND, tiếp tục thuộc thẩm quyền của các cấp ủy Đảng. Và như vậy thì rõ ràng nếu ai đó muốn ‘chạy’, thay vì phải từ lá phiếu tín nhiệm của số đông dân chúng, giờ tiếp tục ‘chạy’ cho sự ‘hài lòng’ của nhóm nhỏ quyền lực nào đó ở cấp ủy Đảng.
N.N.
_________________
Chú thích:
(*) http://quochoi.vn/tintuc/Pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?ItemID=46482VNTB gửi BVN.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.