Chú Tư Mạnh
Đỗ Duy Ngọc
23-6-2020
Những năm đầu của thập niên 80, sau năm năm lưu đày ở Củ Chi, tôi được về thành phố dạy một trường cấp ba ở gần nhà. Mỗi tuần chỉ có 12 tiết dạy của ba lớp cuối cấp, chuẩn bị thi tốt nghiệp phổ thông. Rảnh rỗi dù thời gian này, cả nước đang đói.
Nhưng tôi vốn vô lo, đến đâu hay đến đó, quanh quẩn với đồng lương chết đói, sống tạm qua ngày. Chẳng biết làm chi cho hết giờ, lại bày đặt chơi chim. Chơi ở vườn Tao Đàn, sáng sáng xách lồng chim, đạp xe ra, tụ nhau lại đấu láo và nghe chim hót. Và cũng từ đó thành lập một nhóm cùng ngồi với nhau.
Người cao tuổi nhất nhóm là chú Tư Mạnh, hồi đó cũng khoảng năm mươi. Chú cao to như Tây, ăn mặc chải chuốt và thanh lịch như công chức cao cấp thời trước. Giọng rặt Nam bộ và hành xử cũng khá hào phóng với mọi người. Gia đình chú thuộc loại giàu có, hồi đó đa số đều đi xe đạp hoặc xe gắn máy cũ mèm, chú chơi xe Honda đời mới do đám viễn dương đem về bán, chiếc nào cũng giá mấy lượng vàng. Đôi khi cuối tuần, chú lại đến bằng xe hơi Peugeot có tài xế lái.
Lúc đầu, ai cũng tưởng chú là cán bộ có chức vụ về hưu, nhưng dần dần hỏi chuyện hoá ra không phải. Chú là dân buôn bán từ xưa đến giờ. Chuyên bán vàng. Lúc đó nhà nước cấm dữ lắm, nhưng nhu cẩu xã hội vẫn có, nên chú vẫn tiếp tục nghề xưa, dù là mua chui bán lậu.
Chú có đến ba căn nhà, toàn mặt tiền đường lớn, mà cái nào cũng to. Tụi tui cứ thắc mắc không hiểu với tài sản như thế mà sao gia đình chú lại thoát được mấy lần đánh tư sản khốc liệt vậy? Hoá ra là chú có người em ở rừng về, làm chức gì lớn lắm trong uỷ ban thành phố, nên tài sản chú được an toàn mà nghe đâu lại càng nhiều hơn khi có sự trợ thủ đắc lực của chú em.
Sáng nào cũng vậy, chú đều chơi dĩa bò kho bánh mì có bốn miếng thịt lớn, chú bảo chú rất thích món này, ăn hoài không thấy ngán. Thường thường, chú ăn hai miếng, còn hai miếng bà chủ đã biết ý, luôn gói lại đưa chú mang về cho hai con chó Fox bé tí tì ti.
Thời đó đói ăn, cả tháng làm giáo viên như tôi mới mua tiêu chuẩn được nửa kí thịt heo bạc nhạc với mỡ, nên thấy chú ăn sáng như vậy, tụi tôi thấy chú quá sang trọng, nên dù ngồi với nhau, tiếng nói của chú vẫn có giá trị hơn hẳn. Người giàu sang lúc nào cũng thế, giữa mọi người họ vẫn có vị thế cao hơn một bậc, bởi họ nhiều tiền hơn đương nhiên tiếng nói của họ được vị nể hơn.
Chúng tôi càng nể chú hơn nữa khi gặp hai đứa con của chú. Chú có hai đứa con, trai lớn gần ba chục, cô con gái nhỏ khoảng hai lăm, hai sáu tuổi. Cả hai đều rất lễ phép và cũng vừa lập gia đình. Mỗi lần đi đâu xa hoặc cuối tuần về quê chồng quê vợ, con chú đều ra tận nơi sân chim để chào và xin phép chú về thăm cha thăm mẹ. Lần nào cũng cúi đầu, khoanh tay chào hết mọi người khi đền cũng như lúc đi. Chú hãnh diện về điều này, mà tụi tôi cũng đồng ý về sự hãnh diện đó của chú. Cái thời buổi nhiễu nhương, ông thằng thay đổi tá lả thế này, nề nếp gia phong lộn tùng phèo mà còn được những đứa con như thế thì hãnh diện là quá đúng rồi!
Nhưng hoá ra là đóng kịch cả, là mưu mô cả. Lần hồi, các màn kịch cứ he hé và lần lượt diễn ra, tụi tôi nhiều khi không tin được, không ngờ cuộc đời lại có nhiều chuyện khốn nạn đến thế. Khi xã hội Việt Nam bắt đầu mở cửa là lúc màn kịch bắt đầu.
Đầu tiên là căn nhà ba tầng ở Bùi Thị Xuân, căn nhà lâu nay giao cho anh con trai lớn ở và bán buôn. Một ngày đẹp trời vợ chồng anh về thưa với vợ chồng chú là anh ta muốn sửa sang lại để biến thành khách sạn, bởi bắt đầu sẽ có khách du lịch về, doanh nghiệp qua, đón đầu như vậy mới thắng lớn được. Nghe bùi tai quá, vợ chồng chúng nó từ xưa đến nay ngoan ngoãn, biết lo làm ăn, chưa hề làm mất lòng hai vợ chồng chú. Thế là sang tên cho chúng để chúng chúng mở doanh nghiệp, xin giấy phép xây cất. Lại còn cho chúng mượn 300 lượng vàng làm vốn. Hai vợ chồng an tâm phần thằng Hai. Chúng nó làm ăn thành công thì mình lo chi tuổi già, xem như chia gia tài trước cho chúng. Giải quyết nhẹ bâng.
Lại đến cô con gái, cũng một đêm mát trời, con gái nằm gãi lưng cho mẹ vừa thủ thỉ: Vợ chồng con cũng đã lớn rồi, ba má cho chúng con ra riêng đặng lo cho tương lai. Ba má giao cho tụi con cái nhà ở đường Nguyễn Đình Chiểu đang cho thuê, tụi con dọn về đó mở tiệm vàng, bây giờ nhà nước cho tư nhân mua bán vàng, làm ăn tốt lắm. Ba má vẫn ở nhà này, tuổi già cần yên tĩnh mà ở chung thế này nhiều khi các con của con quấy quá làm phiền ba má.
Nói nghe lọt tai quá, nghĩ cũng hợp lí quá, sang tên nhà, đưa thêm 300 lượng làm hàng bán. Lúc đưa vàng, vợ chồng chú bắt phải có mặt con rể, hai vợ chồng cùng ký giấy mượn của vợ chồng chú 200 lượng, còn 100 lượng kia cho hai đứa bây làm vốn. Thế là xem như xong chuyện của hai đứa con, hai vợ chồng chú vui vẻ để lại tiếp tục sống cuộc đời hạnh phúc.
Đùng một cái, anh con trai lớn không biết làm ăn hùn hạp với ai, phải cầm cố nhà cửa, khách sạn. Rồi một ngày cả nhà trốn mất. Vượt biên. Khách sạn bị tịch thu, cửa khoá to đùng với tờ giấy dán chéo ghi: Vượt biên, phản quốc với mấy dấu đóng đỏ lòm.
Chú Tư Mạnh ốm mấy tháng, vợ chú lên cơn đau tim phải vào cấp cứu. Thôi! Của đi thay người, chỉ mong gia đình nó đến nơi bình an. Nhưng rồi, tin đến chẳng bình an, anh con trai chỉ đi ra được đến bãi là bị gài bắn chết ngay tại chỗ để bọn dân quân, công an cướp vàng. Cô vợ và đứa cháu bay ra được tàu lớn, nhưng rồi bão đánh chìm đâu đó ngoài biển sâu.
Vợ chồng chú suy sụp hẳn, chú vật vờ như mộng du, thương con, thương cháu đến đứt cả ruột. Một năm sau, không chịu thấu nỗi đau, không dằn nổi những cơn đau tim, vợ chú qua đời. Đến thắp nhang cho thím, nhìn thấy mái tóc mới qua mấy đêm đã bạc trắng của chú, chúng tôi xót xa cho bi kịch dồn dập đổ xuống gia đình của chú. Cô con gái và chàng rể quấn khăn tang lo hậu sự, nước mắt vẫn lả chã nhưng trong đầu cũng đang tính chuyện mốt mai.
Thế rồi khi tro cốt của vợ chú an vị ở chùa, ngày cúng thất đầu tiên, hai vợ chồng cô con gái vẫn còn mang áo tang đề nghị với chú: má mất rồi, ba tuổi đã lớn, ở đây một mình chẳng có ai chăm sóc gần gũi, gia đình mình giờ chỉ còn con với ba, ba bán căn nhà này đi, cho chúng con mượn thêm, làm ăn bây giờ hơn nhau ở chỗ vốn nhiều mới mong thắng lớn, về ở với vợ chồng con, để con được săn sóc ba tuổi về già, lúc đau ốm, đỡ buổn lo, quạnh quẽ.
Nghe đúng quá mà. Bây giờ chỉ còn mình nó, không ở với nó thì ở với ai? Một mình giữ tiền chi cho nhiều, đưa cho chúng làm ăn, có phải là sinh lợi hơn sao. Nỗi buồn chưa lắng xuống, nên chú Tư giao việc bán mua cho vợ chồng cô con gái, dọn về ở cùng con. Thế là cuối cùng, chú chỉ còn độc ngôi nhà này.
Lúc đầu, ông con rể bố trí cho chú ở lầu một, lên xuống cho dễ. Phòng này trước đây cháu ngoại của chú ở, bây giờ nó dọn lên phòng trên. Phòng tiện nghi, có cửa sổ, có máy lạnh, giường nệm êm, chú tự nghĩ thế cũng tốt, cũng là nhà của mình mà. Chú lại ra chơi chim với nhóm, dù không thường xuyên lắm. Tóc chú trắng xóa, khuôn mặt buồn không còn vui vẻ như trước, nhưng hàng ngày vẫn dĩa bò kho bốn miếng thịt, ăn hai miếng đem về hai miếng cho hai con chó Fox bé tí tì ti.
Nhưng cuộc sống vẫn chưa yên. Hai vợ chồng cô con gái bắt đầu kiếm chuyện. Đầu tiên là mấy con chim. Trước đây ông con rể khi ra chỗ chơi chim thường xách lồng ra xe cho chú, lặt cào cào cho chim ăn, hàng ngày phụ trách vệ sinh mấy lồng chim cho chú. Bây giờ ông con rể ngạo ngược bảo chim cò bẩn cả nhà, trưa nghỉ một tí cũng không yên bởi tiếng hót lanh lảnh của nó. Chú Tư tắm chim, phơi nắng cho chim, hắn đi ngang đá lồng lăn lông lốc và bảo: chật chội, vướng víu quá! Bực cả mình!
Đôi mắt chú ngày càng buồn, miệng chú càng ngày càng ít nói. Rồi từ lầu một, chúng dời chú lên phòng sân thượng, ông con rể bảo cho chú lên đấy để chú tiện gần gũi với chim, để chim phía dưới mất vệ sinh, thức ăn rơi ruồi bu, kiến đậu, lông chim bay ảnh hưởng sức khoẻ của mọi người. Chú bằng lòng với sự sắp xếp của nó, dù mỗi lần lên xuống cầu thang, chú phải nghỉ thở mấy lần.
Hồi còn ở dưới, đến bữa cô người làm hoặc cháu ngoại còn lên mời chú xuống nhà ăn cơm. Từ hồi lên trên này, chúng chẳng kêu, chẳng báo. Khi nào đói, chú lặng lẽ lần mò xuống ăn. Thức ăn lỏng chỏng như đồ thừa, nhiều lần ngồi ăn, chú rớt nước mắt. Chú thèm được một bữa cơm gia đình sum họp, đầy tiếng nói cười với những ánh mắt thương yêu. Mất hết rồi! Chẳng tìm đâu thấy nữa.
Hàng ngày, chú xách lồng chim ra ngồi với chúng tôi chốc lát, đó là niềm vui còn sót lại trong ngày của chú, chú xem chúng tôi như người nhà, nên những chuyện buồn, bất hạnh của chú, chú đều kể cho chúng tôi nghe. Chú vẫn còn ăn món bò kho, nhưng không gói thịt về cho chó nữa vì chúng cũng đã bị cậu con rể đá chết rồi.
Nghe tin chú bệnh, nhóm chúng tôi đến thăm chú. Bước qua cửa, chúng tôi được đón bằng cái nguýt dài của cô con gái, cái ánh mắt bực bội của chàng con rể. Chúng chẳng chào một tiếng, chẳng hỏi một câu làm chúng tôi ngỡ ngàng, sao con người biến đổi một cách lạ kỳ như vậy?
Chú Tư đón chúng tôi nơi phòng khách, kế bên cửa sổ nhìn ra sân, chú không dám nhìn thẳng mắt ai, ánh mắt như muốn xin lỗi, ngượng ngùng. Ngồi chưa nóng đít, anh con rể vừa nhả khói thuốc vừa nói vọng vào từ ngoài sân: Ba đưa mấy chú lên lầu, lát nữa tui có khách. Chú Tư nhìn ra, ánh mắt một thoáng như toé lửa, rồi hạ nhiệt ngay, cụp xuống đầy uất hận. Thấy không tiện, tụi tôi rút, ra về cũng không có một lời chào. Ai cũng chép miệng: Tội nghiệp chú Tư…
Cuối năm 92, nhóm chúng tôi tản hàng, anh Ba cộng hoà đi HO chuyến áp chót, anh Nam mắt kiếng đi diện đoàn tụ gia đình, tôi bỏ dạy sau một màn ác chiến với tay hiệu trưởng vừa nhậm chức, tôi rời bục giảng, mở công ty, chen chân làm doanh nghiệp. Công việc bận rộn, chẳng còn thời gian đâu mà chim với cò, nên cũng chẳng có dịp để gặp chú Tư Mạnh.
Đôi khi gặp đám chơi chim ở Tao Đàn, hỏi thăm tin tức về chú, có người bảo gặp, có kẻ bảo không, định bụng bữa nào ghé thăm chú một bữa. Tình cờ một hôm đi qua nhà chú, thấy người ta đập xây cao ốc mới, hỏi thăm mới biết nhà đã thay chủ, không biết gia đình chú dọn đi đâu, có người bảo đã đi hết ra nước ngoài. Tôi bặt tin chú Tư từ đó, lòng vẫn mong chú khoẻ, hi vọng ở nước ngoài, có viện dưỡng lão, chú được vào đó cũng đỡ khổ thân.
***
Tết Nguyên Đán năm 2005, thay vì tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho trẻ bị bệnh ở khoa Nhi, bệnh viện Ung bướu như mọi lần, công ty chúng tôi đổi hướng đi đến thăm những người già ở nhà dưỡng lão Thị Nghè. Thấy các bé còn nhỏ đã mắc bệnh nan y, thương cho chúng chưa hưởng gì ở cuộc đời đã mang bệnh chờ chết, đau xót lắm. Nhưng dù sao các cháu khi bệnh, đứa nào cũng có mẹ, hoặc cha, hay ông hay bà thay phiên chăm sóc. Còn ở đây, trong thế giới người già, là nỗi cô đơn cùng cực.
Hầu hết các cụ ở đây đều không có gia đình, người thân, hoặc bị con cháu bỏ rơi. Họ cô độc trong những ngày tháng cuối của cuộc đời, họ chờ đợi trong vô vọng những ánh mắt thương yêu của người thân, họ khát khao được nhìn mặt, cầm tay cháu con, nhưng không bao giờ toại nguyện. Họ chậm chạp trong sinh hoạt và chậm chạp đến lần với cõi chết.
Những căn phòng ẩm ướt, những áo quần chẳng lành lặn, những gói, những bao không biết đựng gì để đầy trên giường, dưới chân họ. Họ mừng khi thấy chúng tôi đến, họ vui khi nhận được quà, nhưng ánh mắt vẫn nặng trĩu nỗi muộn phiền. Ở cuối phòng, có một cụ già cứ lấy tay che mặt khi chúng tôi trao quà, tránh ánh mắt của tôi.
Tôi xong việc của mình, định ra, bỗng ông cụ buông tay, vươn cánh tay vẫy vẫy. Ông cụ gầy gò, da bọc xương, hai xương vai nhô lên như hai mảnh nhọn, bụng trương lên như trống. Tóc lơ thơ rụng gần hết, mắt đục lờ với khuôn mặt nhăn nhúm, vàng khè. Trên khuôn mặt đó, tôi tìm thấy một nét quen thuộc của ai đó mình đã từng gặp trong đời. Tôi chưa nhớ ra.
Ông cụ vẫn vẫy, tôi đi ngược trở lại và ông nắm lấy bàn tay tôi, nói nhỏ: Anh Ngọc phải không? Có còn nhớ tôi không? Tôi Tư Mạnh đây. Tôi giật mình, gai ốc bỗng rờn rợn. Trời ơi! Chú Tư Mạnh đây sao. Cuộc đời sao vậy trời. Sao chú lại ở đây, sao chú ra nông nỗi này?
Tôi ngồi xuống ôm chặt lấy chú, chú cũng ôm tôi và chú khóc, nước mắt ướt đẫm vai tôi và tôi cũng khóc theo chú. Hai người ôm nhau khóc một hồi, có ông cụ giường bên nhìn tôi với ánh mắt chẳng có chút thân thiện: Con cháu, anh em gì mà bỏ rơi ông cụ mấy năm liền, giờ còn khóc lóc gì? Chú Tư xua tay: Không phải, không phải đâu, người quen thôi mà.
Chúng tôi ra ngoài sân, ngồi trên ghế đá nói chuyện. Tôi hỏi chú, hay là mình qua bên đường uống cà phê. Chú gật, ánh mắt thoáng chút vui. Tôi xin phép cán bộ dẫn chú ra ngoài. Hai chúng tôi băng qua đường, chú đi khập khiễng, tôi phải dìu chú đi. Tôi hỏi chú muốn ăn gì không, chú nhìn tôi, ngập ngừng: Tôi… thèm ăn dĩa bò kho… dĩa bò kho bốn miếng thịt và ổ bánh mì thật dòn. Tôi chảy nước mắt ngồi nhìn chú ăn, chú ăn ngon lành, miếng thịt trệu trạo trong cái miệng móm mém gần hết răng của chú.
Và rồi chú kể cho tôi nghe tại sao chú có mặt ở đây mấy năm nay.
***
Anh biết không, con Hiếu, con gái khốn nạn của tôi, anh còn nhớ nó chứ? Tôi đặt nó tên Hiếu mà nó bất hiếu ác nhơn. Nó lấy hết tiền của tôi rồi lừa cho tôi vào đây. Hồi đấy, sau cái lần tôi bệnh, mấy anh em vào thăm, thấy chúng nó tồi tệ quá mức rồi, tôi chịu hết nổi nên nói với vợ chồng nó trả vàng cho tôi để tôi đi kiếm chỗ khác ở, dứt tình cha con. Nhưng chúng lật lọng, bảo chẳng nợ gì tôi. Tức quá tôi thưa, tôi còn đủ giấy tờ mà. Toà xử chúng phải trả nợ cho tôi. Chúng lần lửa mãi, và có trả tôi một lần mười cây vàng, hẹn cuối năm thanh toán hết.
Rồi bỗng dưng hai vợ chồng nó thân thiện, săn sóc tôi dữ lắm. Mua đồ này, thức nọ cho tôi ăn, sắm áo quần mới cho tôi mặc, đối xử với tôi rất nhẹ nhàng. Tôi nghĩ, thôi thì con mình đã biết suy nghĩ lại, gia đình, thân thuộc tôi chẳng còn ai, có đứa em trai thì bệnh ung thư chết mấy năm rồi. Làm cha mẹ phải biết tha thứ cho con.
Được mấy tháng thì một hôm nó nói mời cả nhà đi du lịch Nhật Bản, tôi vui lắm, hăm hở sửa soạn đồ đạc để đi đến mười ngày. Nhưng đến phút chót, lấy cớ có việc đột xuất, cả nhà nó ở lại, đành bỏ vé, nên tôi đi một mình. Đi du lịch cùng đoàn nên có bạn có bè cũng vui. Hôm đầu điện thoại về, còn nghe nó trả lời, hôm sau cũng còn, nhưng đến hôm thứ ba thì gọi mãi không được.
Tôi sốt ruột nhưng cũng đành chờ cho đến ngày cuối, do vậy chuyến du lịch bỗng mất vui. Nào ngờ khi về đến nhà thì cửa đóng im ỉm, bấm chuông mãi thì có người thò đầu ra mắng, cái mặt lạ hoắc. Hỏi anh ta là ai? Anh ta hỏi vặn lại tôi là ai? Tôi bảo tôi là chủ nhà, anh ta cười hô hố bảo tôi điên, rồi bảo anh ta đã mua căn nhà này rồi, đừng có kiếm chuyện.
Tôi như từ cung trăng rớt xuống, mồ hôi ra lạnh cả người và nằm thẳng cẳng giữa lề đường. Hàng xóm thấy vậy chở tôi đi nhà thương, đến khi tỉnh, được mọi người kể mới biết gia đình nó đi Mỹ định cư cả tuần lễ nay rồi, ai cũng tưởng tôi đã cùng đi với chúng nó.
Thế ra nó lừa tôi, nó giả vờ thương yêu tôi để tôi mất cảnh giác, nó lừa tôi đi du lịch để nó giao nhà và ra đi. Nó cướp hết số vàng mà vợ chồng tôi cho nó vay. Nó khốn nạn thế đấy, nó mưu mô hiểm ác vậy đấy. Thế là tôi trở thành kẻ vô gia cư. Còn ít vàng tôi để ở nhà, chắc nó cũng lấy đi rồi, tôi chẳng có cách nào để sống nên khi hết bệnh ở nhà thương, chính quyền đưa tôi vào đây ở mấy năm nay.
Tôi nghe mà bàng hoàng, không tin nổi nếu như không gặp chú Tư ở đây. Tôi không ngờ trên đời lại có những đứa con như vậy. Rồi cuộc đời nó có an lành để sống không? Con cái chúng sẽ nghĩ gì khi biết được cha mẹ chúng đã đối xử với ông chúng như thế? Tôi thật sự khiếp hãi khi nhìn thấy con người ta vì đồng tiền mà bán cả lương tri.
Tôi khuyên chú đi bệnh viện vì thấy chú yếu quá, nhưng chú bảo chú không muốn chữa bệnh, chú chỉ mong được đi mau để khỏi phải đau khổ và dằn vặt. Chú xin tôi một điều là gắng đến thăm chú và khi nào chú mất, làm ơn đem tro cốt của chú để vào chùa cùng nơi với vợ chú.
Đó lại là lần cuối cùng tôi gặp chú, Chủ Nhật sau tôi ghé chú thì chú đã đi rồi, trên tay tôi vẫn còn mang cặp lồng món bò kho bốn miếng thịt mà chú ưa thích.
Tôi lặng lẽ mang hủ tro cốt của chú vào chùa, làm thủ tục để cạnh hủ tro của vợ chú, từ nay hai vợ chồng sẽ mãi gần nhau và chú đi được vậy cũng là điều giải thoát cho một kiếp người.
Mong chú đến nơi không còn khổ đau, gian dối và lừa lọc. Mong chú yên nghỉ nghe chú Tư Mạnh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.