Thứ Năm, 25 tháng 6, 2020

Hai xác chết trong bê tông và cuộc khai đạo bất thành

Hai xác chết trong bê tông và cuộc khai đạo bất thành

24-6-2020
Một ngày vào trung tuần tháng 05/2019, công chúng xôn xao về thông tin phát hiện ra hai xác người bị giấu trong thùng nhựa đổ đầy bê tông trong một ngôi nhà ở Bình Dương. Rất nhanh, chỉ ba ngày sau, một nhóm gồm bốn phụ nữ được cho là nghi phạm bị bắt giữ khi vừa rời khách sạn trú ngụ.
Một vài tờ báo khi ấy đã sớm vội thông tin về hành tung của bốn nghi can khi cho rằng họ là học viên Pháp Luân Công. Thực tế, câu chuyện không đơn giản như vậy và xem ra, Pháp Luân Công đã oan khi bị gắn danh xưng liên quan với vụ án.
Trước thời điểm xảy ra vụ án, trong quá trình nghiên cứu về tôn giáo, Phạm Thị Thiên Hà (sinh 1988), cô gái được cho là người cầm đầu nhóm có gặp gỡ và trao đổi quan điểm tôn giáo, phương pháp tu tập với nhiều học viên Pháp Luân Công. Chính điều này đã tạo ra sự ngộ nhận cho nhiều học viên Pháp Luân Công khi tin rằng Thiên Hà và nhóm cô ấy cũng là các học viên Pháp Luân Công.
Có lẽ, chính từ xuất phát này mà nhiều tờ báo đã vội vã kết luận sự liên quan của Pháp Luân Công đối với vụ án giết người ở Bình Dương. Thực tế, chỉ cần so sánh phương pháp tu tập theo chủ trương của Thiên Hà bằng “Tịnh cốc” khổ hạnh, không ăn, không uống … thì đã cho thấy sự khác biệt rất rõ so đối với phương pháp tu tập của các học viên Pháp Luân Công.
Vụ án chết người được khởi tố và mở ra một quá trình điều tra hình sự. Trong đó, Thiên Hà vốn là một phiên dịch viên giỏi. Trước đó, cô ấy đã từng mở quán café ở Quận 10 với mô hình khá lạ cũng gặt hái khá nhiều thành công về tài chính. Nhưng tiếng gọi tâm linh đã chuyển cuộc đời cô gái sang một bước ngoặc hoàn toàn khác.
Trong số sách vở, tài liệu mà cơ quan điều tra thu thập được, đồng thời, qua trao đổi với luật sư, cho thấy Thiên Hà nghiên cứu khá rộng và có sự hiểu biết về nhiều tôn giáo: Phật giáo, Đạo giáo, Lão giáo, Công giáo, Ấn giáo, Hồi giáo … và trong số đó cả Pháp Luân Công. Cô ấy phân tích rành rọt về cứu cánh của từng tôn giáo, so sánh điểm tương đồng và khác biệt vớ trí nhớ siêu phàm. Tuy nghiên cứu rộng, nhưng Thiên Hà không theo, không là tín đồ, cũng như lệ thuộc vào bất kỳ tôn giáo nào cả. Cô ấy tin rằng mình đã được đấng tối cao “chọn” để đi theo một hướng tu tập riêng biệt, thực hiện các “sứ mạng” trên trần thế. Lấy “giải thoát” làm cứu cánh, lấy “tịnh cốc” khổ hạnh làm phương tiện thanh tẩy, “dọn mình”.
Trong nhóm tu tập, cô như người khai đạo và các thành viên còn lại là tín đồ. Cô tự xưng mình là “ta” và gọi các thành viên là “các ngươi”. Thiên Hà cho rằng, những việc bị bắt giam, xét xử, nhận hình phạt … đang diễn biến đều nằm trong “lộ trình” đã được “sắp xếp” sẵn. Chứng minh cho điều này, cô kể: Khi vào trại tạm giam, cô ấy đã kịp gặp thành viên cuối cùng “trời định” để “truyền lời đạo”. Điều kỳ lạ khi chính người này cho biết là đã được “báo trước” việc Thiên Hà sẽ vào ở cùng phòng trong trại giam?!
Theo Cáo trạng, Thiên Hà và các thành viên trong nhóm phải chịu trách nhiệm hình sự về tội danh “Giết người” đối với hai nam nạn nhân Trần Đức Linh và Trần Trí Thành, vốn cũng từng là hai thành viên nam trong nhóm. Cô bác bỏ một phần cáo trạng vì cho rằng mình đã không có hành vi giết người đối Trần Đức Linh.
Đối với Trần Trí Thành, Thiên Hà giải thích động cơ giết Thành như sau: Sau khi thấy Thành đã có các hành vi như thủ dâm, sàm sỡ với cả hai thành viên nữ trong nhóm, tham ăn, trộm cắp tài sản … Thì cô ấy cho rằng mình phải chịu trách nhiệm về Thành, vì chính Hà đưa Thành vào nhóm, trang bị những kỹ năng hơn người cho Thành. Bây giờ, phát hiện ra Thành là đối tượng nguy hiểm, nếu khai trừ, đẩy Thành ra ngoài xã hội thì sẽ là mối nguy hiểm cho xã hội. Cho nên, chính Thiên Hà phải là người gánh vác sứ mạng diệt trừ hậu họa cho xã hội bằng cách giết Thành!
Gác lại những lời giải thích của luật sư về quan điểm của xã hội không chấp nhận việc một người tự mình phán xét và ban phát công lý. Sự phán xét duy nhất được xã hội chấp nhận là phải từ những thiết chế của xã hội như tòa án … Cô ấy hiểu, nhưng vẫn phải thực hiện sứ mạng theo niềm tin tâm linh và lương tâm (theo quan điểm của cô ấy).
Sáng ngày mai, 25/06/2020, Thiên Hà và các thành viên của cô ấy phải ra tòa để nghe lời phán xét từ thiết chế của xã hội. Niềm tin tâm linh chẳng thể cứu cô ấy thoát được sự chế tài của luật pháp, nhưng kỳ diệu, có thể sẽ giữ cô ấy bên ngoài sự ray rứt lương tâm thường có. Cứ nhìn sự bình thản của cô ấy trong suốt quá trình điều tra và có lẽ, cả trong phiên tòa ngày mai thì biết.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.