Thứ Năm, 3 tháng 3, 2016

Toàn cầu hóa thoái lui

Toàn cầu hóa thoái lui

bauxitevnThu 7:53 AM


Nguyên Lam & Nguyễn-Xuân Nghĩa, RFA  2016-03-02
clip_image002
Nhà máy lắp ráp xe hơi Hyundai thuộc công ty Thành Công ở ngoại thành Hà Nội, ảnh chụp năm 2015. AFP PHOTO / HOANG DINH Nam
Việt Nam đang chính thức bước vào sân chơi toàn cầu hoá khi thành hội viên của Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, của Thị trường chung ASEAN và đối tác thương mại của Liên hiệp Âu châu. Mở đầu một thời kỳ mới với nhiều triển vọng vào năm tới, Việt Nam nên quan tâm đến loại vấn đề gì thuộc mặt trái của hiện tượng toàn cầu hoá nói trên?
Việt Nam vẫn chưa bị ảnh hưởng nặng
Nguyên Lam: Xin kính chào ông Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, sau các hiệp ước tự do thương mại được ký kết năm ngoái, Việt Nam sẽ hội nhập sâu rộng hơn vào kinh tế toàn cầu. Nhưng, triển vọng rộng mở vẫn còn nhiều mặt tiêu cực vì Việt Nam có thể chậm cải cách để gia nhập sân chơi của quốc tế, là điều chúng ta đã nhiều lần tìm hiểu. Lần này, chúng tôi xin đề nghị là ta sẽ trao đổi về mặt trái hay rủi ro của việc toàn cầu hoá đó. Lý do là môi trường quốc tế đang có biến động lớn mà nổi bật nhất là phản ứng chống tự do mậu dịch  tại Hoa Kỳ trong cuộc tranh cử sôi nổi năm nay. Câu hỏi của chúng tôi là Việt Nam nên tự chuẩn bị cho những gì sẽ xảy ra ở bên ngoài?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Theo tập quán của diễn đàn là trình bày nghịch lý, tôi xin được nói là Việt Nam chưa gặp hoặc thấy ra những rủi ro hay vấn đề trong năm tới sau khi các hiệp ước đó được ngần ấy quốc gia thông qua. Ngay trước mắt, tình hình chỉ là sự đình trệ và nghe ngóng cho tới khi Quốc hội khóa mới hoàn tất việc chỉ định nhân sự cầm đầu các cơ chế Nhà nước.
Việt Nam sẽ còn lạc quan và chỉ thấy thành quả của thiểu số sôi nổi ở mặt ngoài mà chưa nhìn ra một làn sóng đáy đang thách đố chính phạm trù toàn cầu hóa. 
- Nguyễn-Xuân Nghĩa
Trong khi ấy, tốc độ tăng trưởng tại Đông Á có thể giảm sút vì thị trường xuất khẩu thu hẹp, chủ yếu do chu kỳ sa sút tại Trung Quốc và chưa phục hồi tại Nhật Bản. Đó là bức tranh toàn cảnh. Song song, các chấn động kinh tế từ năm 2008 cũng dội ngược vào Hoa Kỳ và gây bất mãn trong quần chúng vào một năm có tổng tuyển cử khiến tinh thần tự do mậu dịch truyền thống của nước Mỹ đang bị đẩy lui. Điển hình là phản ứng chống đối hay nghi ngờ Hiệp ước TPP và cả trào lưu toàn cầu hóa trong số ứng cử viên ra tranh cử Tổng thống tại Hoa Kỳ.
Trong khung cảnh đó, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam vẫn được duy trì ở mức 6% và chưa giảm sút mạnh. Khi hy vọng cùng bơi trên một dòng nước, dù kinh tế Mỹ có thể bị suy trầm nhẹ và nhập khẩu ít hơn, Việt Nam vẫn chưa bị ảnh hưởng nặng như các xứ Đông Á khác. Một phần không nhỏ cũng do sự hiện hữu và tác động của cộng đồng người Việt sống tại Mỹ!
Nguyên Lam: Trên diễn đàn này, ông hay cảnh báo về những thách đố Việt Nam có thể gặp, lần này, ông lại có vẻ lạc quan! Ông có thể giải thích vì sao không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Trên diễn đàn này, quả thật là ta đã liên tiếp cảnh báo về nỗi khó khăn Việt Nam sẽ gặp, từ tình trạng thiếu thông tin khiến dân chúng và doanh nghiệp chưa biết rõ về luật chơi mới, cho đến các vấn đề về lao động và nông nghiệp, những đòi hỏi về cải cách doanh nghiệp và ngân hàng, v.v. Tuy nhiên, nghịch lý nếu có ở đây chỉ là vấn đề thời điểm. Ngay trước mắt, sự lạc quan vẫn là quy luật phổ biến và có nói thì cũng chẳng ai nghe. Sự lạc quan ấy sẽ thổi lên cả chục trái bóng đầu cơ để vơ vét mẻ cuối, sau đấy mới là thực tế não nề.
Nguyên Lam: Thực tế ấy là gì, làm sao người ta có thể thấy trước được?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Các nước công nghiệp hóa Âu-Mỹ tiên tiến đi sớm nhất vào toàn cầu hóa lại hoài nghi tự do mậu dịch. Tại Âu Châu thì chủ yếu vì an ninh. Tại Hoa Kỳ thì do nạn mị dân từ cả hai phía tả hữu cực đoan nhất trong cuộc tranh cử. Như đã trình bày từ năm ngoái, người ta kết án Việt Nam là làm dân Mỹ mất việc! Chuyện ấy sai về kinh tế nhưng hấp dẫn về chính trị. Cho nên Việt Nam sẽ còn lạc quan và chỉ thấy thành quả của thiểu số sôi nổi ở mặt ngoài mà chưa nhìn ra một làn sóng đáy đang thách đố chính phạm trù toàn cầu hóa.
clip_image004
Ảnh minh họa chụp ở Thượng Hải hôm 18/1/2016.
Nguyên Lam: Ông đã từng đề cập tới mặt trái của hiện tượng ấy khi phân tách phản ứng bảo hộ mậu dịch và bảo vệ nông sản tại các nước giàu khiến các xứ đang phát triển như Việt Nam có thể bị thiệt hại mà cứ tưởng là từ nay nhờ toàn cầu hoá mà mức sống người dân nghèo sẽ được cải thiện. Vấn đề có nằm ở đó chăng?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thưa đúng như vậy và đây là vấn đề mà Việt Nam cần quan tâm. Vấn đề là thời điểm và giác độ khảo cập, cái phương hướng tìm hiểu nội vụ.
Nguyên Lam: Xin ông trước tiên trình bày bối cảnh của vấn đề, sau đó phân tách các yếu tố quyết định rồi ảnh hưởng của chúng.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Hiện tượng toàn cầu hóa hay kinh tế nhất thể hoá trên thế giới thực ra chỉ trở nên toàn diện từ đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, ngẫu nhiên trùng hợp với sự sụp đổ của Liên xô và lý luận kinh tế chính trị học Mác-Lênin. Từ đấy, thương mại và đầu tư tài chính bành trướng mạnh và thực tế nâng mức sống của người dân tại các nước nghèo, kể cả các nước Đông Âu hay Trung Âu. Biến chuyển ấy cũng trùng hợp với quyết định đổi mới của Việt Nam sau năm năm do dự chỉ đổi mới ở khẩu hiệu và biểu ngữ. Kể từ 1991, người ta ca tụng tự do mậu dịch và kinh tế thị trường rồi càng hồ hởi lạc quan vì hiệu ứng của cách mạng công nghệ tin học, của nền kinh tế tri thức, v.v. Thế rồi...
Dân tại các nước giàu lại nghèo đi
Nguyên Lam: Thế rồi, nghĩa là ông đang nói đến làn sóng đáy, thế rồi chuyện gì đã xảy ra?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thế rồi vụ khủng hoảng và Tổng suy trầm năm 2008 làm người ta khám phá rằng thành quả của toàn cầu hóa lại không được phân phối đồng đều cho người dân ở hai thế giới xin tạm gọi là giàu và nghèo. Đây là một nghịch lý lạ có thể giải thích các vấn đề Việt Nam sẽ còn gặp sau này. Kết quả của toàn cầu hoá là các nước nghèo càng tham dự thì mức sống người dân tại đấy càng sung túc hơn, một cách tương đối theo tốc độ gia tăng lợi tức. Điển hình là tại Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam và cả các nước Âu châu trong khối Xô viết cũ lẫn các xứ Hồi giáo Trung Đông. Mạnh nhất và nhanh nhất là tại Đông Á với lợi tức đồng niên một đầu người tăng bình quân là hơn 6% một năm trong nhiều năm. Hiệu ứng thịnh vượng ấy kéo theo sự lạc quan phổ biến trên các thị trường.
Nhưng, mặt trái của vấn đề là người dân tại các nước giàu lại thấy là họ nghèo đi. Hoặc lợi tức hay lương bổng không tăng mạnh như mong đợi hoặc đã thấy tại các xứ khác. Nói cho dễ hiểu là dân Đức hay dân Pháp thì thấy việc làm và lợi tức của họ chảy qua Ba Lan hay Hungary; dân Mỹ thì cho là họ mất việc và mất lương vì hãng xưởng dời qua Mexico, đầu tư tại Hoa lục hay đặt làm gia công tại Ấn Độ, Việt Nam... Nói cho gần gũi thì nhiều shop may của người Việt tại Mỹ đã phải đóng cửa và nhà đầu tư vượt Thái Bình Dương về lập cơ sở sản xuất tại Việt Nam để xuất khẩu ngược về Mỹ. Dân Việt tại Việt Nam có thêm việc làm mà dân Việt tại California phải tìm việc khác, nhiều người bèn tìm cơ hội mới tại Việt Nam và kiếm ra tiền còn nhanh hơn. Nhiều người Mỹ thì e rằng sau khi áp dụng Hiệp ước TPP, họ sẽ bị thất nghiệp!
Nguyên Lam: Ông đang trình bày một hiện tượng rất lạ mà xét ra cũng có vẻ hợp lý. Nhưng, thưa ông, đấy là cảm quan ấn tượng của thị trường và xã hội hay là thực tế của kinh tế?
Nhưng, mặt trái của vấn đề là người dân tại các nước giàu lại thấy là họ nghèo đi. Hoặc lợi tức hay lương bổng không tăng mạnh như mong đợi hoặc đã thấy tại các xứ khác. 
-Nguyễn-Xuân Nghĩa
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Quy luật của kinh doanh là tìm nơi sản xuất ra rẻ nhất với lợi nhuận cao nhất. Tại Hoa Kỳ, người ta có thể tìm đến tiểu bang có môi trường kinh doanh thông thoáng và nhẹ thuế, đó là hiện tượng “outsourcing” mọi người cho là bình thường. Nhưng khi doanh nghiệp tìm đến các quốc gia khác, gọi là off-shore, thì lại bị cánh tả kết án. Lần này thì cả tả hữu vì cũng đều đả kích việc đó!
Nguyên nhân của loại quyết định kinh doanh chính đáng ấy là tỷ trọng của lương bổng hay lợi tức công nhân viên bị giảm sút khi doanh nghiệp đầu tư ra ngoài, hoặc đặt làm gia công ở bên ngoài, ở các nước nghèo có khả năng thỏa mãn doanh nghiệp. Người dân ở các nước nghèo có thêm việc làm và nếu có trình độ tay nghề cao – là trường hợp chưa xảy ra cho Việt Nam - thì họ còn góp phần nâng cao năng suất và lợi tức của doanh nghiệp đầu tư, từ các nước giàu.
Ngược lại, phần vụ lao động - là lực lượng công nhân viên tại các nước đã phát triển - lại chiếm tỷ trọng nhỏ hơn so với tư bản. Lực lượng ấy không thấy lợi tức của họ gia tăng đáng kể. Ít ra tăng không nhanh bằng thành phần lao động của các nước nghèo. Đồng thời, cuộc cách mạng về công nghệ tin học còn khiến họ bị mất việc ngay trong lĩnh vực họ tưởng là có ưu thế cao là công nghệ thông tin. Họ tự thấy là nạn nhân của toàn cầu hoá. Vì sống trong các nước dân chủ - ta không thể trở thành công nghiệp tiên tiến nếu không có dân chủ - họ bèn vận động  chính trường và sử dụng các chính khách mị dân. Cuộc tranh cử tại Mỹ đang cho thấy điều ấy.
Nguyên Lam: Thưa ông, đấy chỉ là hiện tượng cục bộ tại Hoa Kỳ, hay một số quốc gia công nghiệp hay là trường hợp phổ biến trong các nước giàu?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi nghĩ là xu hướng này có thể thấy tại mọi nơi, từ môt xứ ít vấn đề và có kinh tế và tương lai gắn bó với Á châu là Australia. Nó là trào lưu phổ biến tại Pháp, Đức, Nhật, Ý hay Tây Ban Nha và nay là Hoa Kỳ. Tại nhiều nơi, họ nói đến chủ nghĩa kinh tế dân tộc, là hạn chế tự do đầu tư và mậu dịch để bảo vệ quyền lợi quốc gia, hoặc chống di dân vì sợ khủng bố. Tại Hoa Kỳ, người ta than rằng là công nhân viên không được tưỏng thưởng đúng mức, lợi tức tăng quá chậm vì toàn cầu hoá. Người ta nói đến mậu dịch công bằng, fair trade, thay vì mậu dịch tự do, free trade. Đấy là chuyện lếu láo, nhưng chìm sâu bên dưới còn có làn sóng chống tư bản chủ nghĩa nữa. Chính làn sóng đáy ấy mới tạo ra hình ảnh khá kỳ cục của nước Mỹ vào mùa bầu cử.
Nguyên Lam: Ông đang chấm vào một điểm bất ngờ mà nhức nhối của toàn cầu hoá. Theo như ông dự đoán thì tình hình sẽ ra sao và ảnh hưởng thế nào tới Việt Nam khi đang hồ hởi hội nhập vào một sân chơi mới?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Chúng ta khó biết chắc mọi chuyện về tương lai, nhưng căn cứ trên những biến động chưa dứt từ năm 2008, đây là điều có thể xảy ra với xác suất cao từ giữa năm trở đi, tức là sau khi Việt Nam hết reo vui vì viễn ảnh toàn cầu hóa.
Thứ nhất, vì kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng chậm hơn do hiệu ứng suy sụp tại Trung Quốc, suy trầm tại Âu Châu và cả Hoa Kỳ, các nước sẽ cạnh tranh kịch liệt hơn để giành thị phần xuất khẩu. Kết quả là phản ứng bảo hộ mậu dịch sẽ chỉ tăng chứ không giảm giữa các nước.
Thứ hai, toàn cầu hóa sẽ bị khựng và các nước sẽ thỏa hiệp song phương hoặc từng nhóm với nhau để trao đổi và chia sẻ lợi ích. Hiện tượng kinh tế nhất thể hoá có thể bị chặn và thay thế bằng kinh tế tự do trong từng khối với hậu quả bất lợi cho các nước nghèo. Thứ ba, tại các nước giàu, thị trường bị chính trường chi phối mạnh hơn, doanh nghiệp tiếp tục bị kiểm soát kỹ hơn để hãm đà đầu tư vào các nước nghèo và bảo vệ quyền lợi công nhân viên ở nhà. Vì vậy, họ thận trọng hơn khi đầu tư vào các nước nghèo như Việt Nam nếu môi trường nơi đó không thực sự thông thoáng và có lợi.
Nói chung, sự thăng trầm của thị trường hay tâm lý của tác nhân kinh tế chỉ là chu kỳ, có lúc triều cương, có khi thoái trào. Việt Nam gia nhập cuộc chơi ấy khi toàn cầu hóa có thể bị khựng, từ năm tới trở đi.
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á châu Tự do xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích này.
N.X.N. – N.L.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.