Chủ Nhật, 27 tháng 3, 2016

Trao đổi với giáo sư Võ Tòng Xuân về xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long

Trao đổi với giáo sư Võ Tòng Xuân về xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long

bauxitevnFri 8:56 AM


Lê Phú Khải
Mặn được đánh giá là tài nguyên, nhưng mặn chỉ phù hợp với dải rừng đất ướt ven biển, với những nơi hội tụ đủ điều kiện nuôi trồng thuỷ sản đem lại lợi nhuận cao, nhanh và nghề làm muối. Trái lại, mặn huỷ diệt cây trồng nông nghiệp và kìm hãm việc phát triển dân cư, gây trở ngại cho cuộc sống con người. Vì thế mà các nước giàu có như Mỹ, Nhật chỉ tiêu thụ tôm mà không nuôi tôm. 
Ở những vùng nhiễm mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, từ lâu, mặn được coi là “kẻ thù” của nông dân. Vì thế từ chỗ hoàn toàn phụ thuộc vào nước trời mùa mưa, ở vùng mặn người nông dân đã biết “luồn lách” để sống. Họ tìm cách be bờ giữ ngọt, quai đê lấn biển, đào kênh dẫn ngọt, trữ ngọt mùa mưa, tiết kiệm mùa khô. Ở vùng mặn chỉ làm một vụ lúa trông vào nước trời, năng suất thấp. Khát khao đổi đời của người nông dân vùng mặn đồng bằng sông Cửu Long kéo dài theo năm tháng. Nhưng ngọt hoá cả một vùng rộng lớn thì sức của người nông dân cá thể không làm nổi. 
Từ năm 1975, bằng nỗ lực của nhà nước và nông dân, sau nhiều năm phấn đấu, các công trình thuỷ lợi đầu mối: dẫn ngọt - ngăn mặn, nhằm ngọt hoá nhiều vùng đất rộng lớn đã hoàn thành. Phải lần lượt kể đến những chương trình ngọt hoá tiêu biểu như: chương trình ngọt hoá Gò Công cho 54.000 hecta, Vàm Đồn - Bến Tre cho 8.000 hecta… và các chương trình lớn, có tác dụng dẫn ngọt, ngăn mặn cho hàng trăm ngàn hecta như Nam Măng Thít (Trà Vinh - Vĩnh Long), Quản Lộ - Phụng Hiệp (bán đảo Cà Mau). Nước ngọt phù sa từ sông Tiền, sông Hậu đưa về đã xoá bỏ được bao cuộc đời mặn chát cơ hàn bấy lâu. 
Những ai đã từng chứng kiến mùa khô dài dằng dặc, đất nức nẻ đến tận đáy ao, gió chướng mang nặng hơi mặn từ biển dội vào tàn phá làng mạc, con gái quằn lưng gánh nước đêm trăng… mới thấy hết giá trị của những dòng nước ngọt đem đến cho nông dân vùng mặn đồng bằng sông Cửu Long. Lúa từ một vụ năng suất thấp đã ùa lên thành ba vụ năng suất cao. Rồi vườn tược, cây trái mọc lên từ phù sa nước ngọt. Huyện Gò Công Đông nghèo đói xưa kia, nay làm lúa ba vụ có chất lượng cao, bán được giá nhất tỉnh, hơn cả vùng Cai Lậy, Cái Bè phía Tây nổi tiếng giàu có xưa nay. Đó là điều mới lạ ở Tiền Giang. Ở huyện Vĩnh Lợi nằm trong vùng ngọt hoá bán đảo Cà Mau, những tá điền nghèo khó của công tử Bạc Liêu xưa kia nay bỗng lên nhà tường sáng choang nhờ nước ngọt sông Hậu đã về tới vùng Hạ!
Các chương trình ngọt hoá đã làm thay đổi hẳn bộ mặt của một vùng đất đai rộng lớn có mật độ dân cư cao ở đồng bằng sông Cửu Long những năm qua là một sự thật không thể phủ nhận. 
Tuy nhiên, năm 2000, có hàng trăm nông dân đã đồng tình đi phá đê bao ngăn mặn để nuôi tôm. Có nơi còn đi 30-40 cây số chở nước mặn về để nuôi tôm trong vùng quy hoạch ngọt hoá. Thế là thôn ấp náo loạn, mất đoàn kết nghiêm trọng trong cộng đồng giữa người trồng lúa và người nuôi tôm. 
Chính vì vậy, tại hội nghị “Khôi phục, nâng cấp đê biển, đê cửa sông đồng bằng sông Cửu Long” tại TPHCM ngày 14/7/2000, khi bàn đến vấn đề mặn – ngọt, cố vấn Võ Văn Kiệt đã nói: “Môi trường ngọt là môi trường bao cấp, là vấn đề chiến lược ở đồng bằng sông Cửu Long”. 
Nay mặn xâm nhập sâu vào đồng bằng sông Cửu Long, có nơi vào sâu từ 5 đến 60 km. Đó là báo động lớn, là thảm hoạ với nông dân đồng bằng, gây lo lắng cho cả nước, nhà nước sẽ phải đặc biệt quan tâm. Nguyên nhân có nhiều, như tôi đã cảnh báo trong cuốn sách vừa xuất bản có tên: Đồng bằng sông Cửu Long – 40 năm nhìn lại (NXB Thanh Niên – 2015).
clip_image002
Vậy mà giáo sư Võ Tòng Xuân lại phát biểu, đại ý, mặn không đáng lo… mặn thì nuôi tôm! Thưa giáo sư Võ Tòng Xuân, nuôi tôm phải có vốn lớn, kỹ thuật cao, nuôi tôm thực chất là công nghệ sinh học hiện đại. Đã nuôi tôm thì rủi ro rất lớn và đất không làm gì được nữa sau này. 
Giáo sư Võ Tòng Xuân là một nhà khoa học lớn, có uy tín với nông dân đồng bằng. Việc một người nổi tiếng, là người của công chúng, dù chỉ nói “chơi chơi” vậy thôi, cũng có tiếng vang lớn, ảnh hưởng không nhỏ. Xưa nay tôi vẫn xem giáo sư Võ Tòng Xuân là bậc thầy của mình về khoa học nông nghiệp. Nhưng trước Công nguyên, Aristote đã nói: Platon là thầy tôi, nhưng chân lý còn quý hơn thầy! Yêu mến, kính trọng và cả khâm phục… tôi tha thiết mong giáo sư Võ Tòng Xuân phát biểu lại cho… Vì ông bà ta xưa đã nói: Con tôm nó đi… giật lùi!
Mùa khô 2016
L.P.K.
Tác giả gửi BVN.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.